Nghĩ về báo hiếu mẹ cha...

GN - Có một dạo, tôi đọc được dòng nhắc của một bạn trẻ, là giáo viên của một trường phổ thông dành cho học trò mình rằng: “Bạn hãy thôi nói yêu thương ba mẹ của mình trên Facebook, hãy nói bằng lời, trực tiếp với ba mẹ bạn. Vì ba mẹ bạn không chơi Facebook để có thể đọc được những lời ấy”.

Hẳn nhiều người nghe cũng giật mình. Bởi lời nhắc đó chính là nhắc chúng ta ngừng sống ảo. Chúng ta ngừng thể hiện tình cảm một cách... vô hồn bằng những con chữ trên dòng thời gian, chỉ để phục vụ mục đích: có nhiều người biết mình thương ba thương mẹ, rồi like (thích), bình luận với những dòng đầy khen ngợi chúng ta.

543.jpg

Làm điều gì đó thiết thực để thể hiện tình thương ba mẹ, để bày tỏ lòng biết ơn. Tâm sự này được một bạn trẻ trăn trở, để rồi sau đó, việc bạn ấy làm chính là trở thành con ngoan, trò giỏi. Bạn ấy bảo, có thể bạn chưa nói lời yêu thương trọn vẹn, thể hiện một cách tình cảm nhất với ba mẹ mình, nhưng những việc bạn ấy làm, bạn biết ba mẹ rất vui lòng. Đó là món quà ý nghĩa hơn cả những bông hoa.

Tất nhiên, tặng hoa cho ba mẹ trong những dịp nào đó cũng có ý nghĩa riêng. Nhưng nếu chúng ta tặng hoa mà không nỗ lực sống tốt, không cố gắng làm những việc hữu ích cho bản thân thì niềm vui ấy ngắn ngủi lắm.

Vài tuần trước, trang Phật giáo - Tuổi trẻ trở lại với đề tài tự tử. Trong phần phỏng vấn thầy Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, Thượng tọa đã nhắn nhủ: “Nếu ta tự tử là đã phạm tội bất hiếu rất lớn đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, ta phạm tội khước từ quyền được sống với tư cách là một con người”. Như vậy, hiếu với cha mẹ cũng có nghĩa là sống vui, sống khỏe, biết tự bảo vệ mình trước những cám dỗ lẫn những va vấp của cuộc sống, để luôn là người mạnh mẽ.

Mạnh mẽ ở đây không ngoài việc sống thiệt tử tế trong chính cuộc sống mình được ba mẹ mình góp phần tạo nên - qua nhân duyên là người sanh ra, nuôi mình lớn khôn. Một bạn trẻ chia sẻ với người viết rằng, để có thể sống tử tế trọn vẹn thì việc học Phật với những nguyên tắc đạo đức căn bản (năm giới) là con đường đúng đắn nhất.

Khi học Phật, hiểu được giáo lý nhân-duyên-quả, tự nhiên ta sẽ biết giữ mình một cách an toàn, từ đó tạo ra sự yên tâm của gia đình, của ba mẹ khi nghĩ về mình. Yên tâm đối với con cái là một “phần quà” vô giá ba mẹ được nhận từ con. Câu nói đó tôi nghe một người mẹ tuổi ngoài 50 bày tỏ khi hỏi về món quà lớn nhất cô nhận từ con gái của mình.

“Con cái lớn lên, vào đời, tự lập, hiểu được cuộc sống theo lời Phật dạy để sống một cách vững chãi. Điều đó còn gì bằng nữa”. Trước thềm Vu lan, chúng tôi nghe cô nói thêm lần nữa điều mình tâm đắc.

Ở một khía cạnh khác, hiếu với mỗi người con còn là giúp cho cha mẹ hiểu được con đường đúng đắn, để cùng mình đi trên con đường ấy. Hiếu như thế lâu bền, vì sẽ kết duyên lành với chính người sanh ra mình, để trên bước đường sinh tử, ba mẹ và mình không có “sanh ly tử biệt” như người thế gian, không nghẹn ngào khổ đau vì hiểu: ta và ba mẹ vẫn còn gặp nhau trong tâm thế bạn đạo - chung cùng “gia đình tâm linh” - là linh sơn cốt nhục... 

Chúc Thiệu

TS Tu.jpg

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.