Ngát hương thơm quê mẹ...

Triển lãm gồm 100 bức thư pháp và các đầu sách tiếng Việt của Thiền sư Nhất Hạnh
Triển lãm gồm 100 bức thư pháp và các đầu sách tiếng Việt của Thiền sư Nhất Hạnh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Những ngày cuối tháng 3, giữa tiết trời nóng bức của phương Nam, nhiều người vẫn dành thời gian để ghé qua một không gian triển lãm đặc biệt.

Nói đặc biệt bởi trong triển lãm này, mọi thứ được xếp đặt không chỉ với mục đích trình diễn hay thiên về việc thưởng lãm. Ở đó, những người tổ chức đã tạo nên một không gian bình yên, thư thả. Khách có thể đến trong yên lặng và về cũng trong yên lặng. Mạch kết nối duy nhất giữa không gian, tác phẩm và con người chính là những rung động trong sâu thẳm tâm hồn.

100 tác phẩm - 100 bức thư pháp do Thiền sư Thích Nhất Hạnh chấp bút, trong đó có cả các bức thư pháp cuối cùng được thầy viết tại Phương Bối (Pháp), cùng góp mặt trong triển lãm mang tên Hương thơm quê mẹ. Cái tên ấy gợi nhắc cho nhiều người, nhất là những người lớn tuổi nhớ lại Giữ thơm quê mẹ, một tờ báo mang khuynh hướng dung hòa giữa văn nghệ và triết lý đạo Phật do thầy Nhất Hạnh sáng lập vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Đó là cách thầy Nhất Hạnh năm xưa từng thực hiện để làm mới đạo Phật. Thầy luôn ấp ủ trong mình mong muốn làm mới, đem đạo Phật đi vào cuộc đời, tháo bỏ lớp áo huyền nhiệm mà bao thế hệ đã khoác lên để đưa Đức Phật, mà thầy quen gọi một cách rất Việt Nam là Bụt, tới gần hơn với quần chúng, với con người. Mấy mươi năm hành đạo ở phương Tây, rồi quay về quê hương, thầy vẫn luôn đi đúng con đường mà mình đã chọn.

Không gian triển lãm "Hương thơm quê mẹ" tại TP.HCM

Không gian triển lãm "Hương thơm quê mẹ" tại TP.HCM

Một trong những bài viết của thầy nói về thư pháp, về làm mới sự thực tập đạo Phật mà người viết có cơ duyên được tiếp xúc lần đầu, khi còn sinh viên, đó là “Hẹn nhau mùa hoa đào sang năm”. Trước đó, tôi chỉ được biết tới thủ bút của thầy trên những bìa sách thanh tao kèm những bức minh họa mang đậm hồn vị dân tộc mà sau này mới được biết tác giả chính là đôi vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Hợp - Nguyễn Đồng. Lúc bấy giờ, tôi chưa từng có ý niệm rằng nét chữ của Thiền sư Nhất Hạnh là thư pháp, bởi đã quá quen với những nét mác phẩy của nền thư pháp chữ Hán được những bậc cao niên trong gia đình chỉ vẽ cho. Câu hỏi trong bài viết của thầy như một sự đánh động tâm thức của một người trẻ lúc ấy: “Tôi thấy nhiều nhà thơ Việt Nam hiện đại đã viết thơ của mình thành bức, bằng chữ Việt, có khi viết bằng bút lông, có khi viết cả bằng bút sắt… Tại sao chỉ viết chữ Hán?”. Từ đó, dần dần, tôi để tâm nhiều hơn đến thư pháp của thầy và nhận ra được nhiều điều thú vị hơn đằng sau những con chữ ấy.

Công tâm mà nói, chúng ta không thể đem cái nhìn gắn liền với những nguyên tắc cứng nhắc gần như đã thành lề luật trong nghệ thuật thư pháp để ngắm con chữ của Thiền sư Nhất Hạnh. Chữ của thầy đứng ngoài mọi nguyên tắc ấy. Nhà phê bình nghệ thuật Hồng Kông Eva Yuen gọi những tác phẩm thư pháp của thầy Nhất Hạnh là “choreographic calligraphy”, tức nghệ thuật kết hợp giữa thư pháp và vũ đạo. Nhưng có lẽ chúng ta không cần bàn sâu vào vấn đề nghệ thuật, phạm trù ấy dành cho những chuyên gia có thẩm quyền hơn. Ở đây, tôi muốn nói về một khía cạnh khác trong thư pháp của thầy, đó là những nội dung mà thầy chuyển tải qua câu chữ.

Thiền sư Nhất Hạnh từng nói: “Tôi chỉ viết những chữ mà khi treo lên người ta có thể thực tập theo được mà thôi”

Thiền sư Nhất Hạnh từng nói: “Tôi chỉ viết những chữ mà khi treo lên người ta có thể thực tập theo được mà thôi”

Và quả thật, tất cả những bức thư pháp của thầy đều là một lời nhắc nhở người xem về sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Những câu chữ được thầy thể hiện không phức tạp mà hết sức gần gũi, giản dị. Khi nghe nhắc đến thiền ngữ, chắc không ít người nghĩ đến những giai thoại kỳ thú giữa các thiền sư, những công án khó thấu triệt, những câu nói hàm nghĩa sâu xa mà một người bình thường không thể hiểu hết được. Nhưng với thầy Nhất Hạnh, thiền ngữ đơn giản là những câu nói có công năng giúp cho mọi người nhận diện được thực tại, hạnh phúc, quay về với hơi thở, bước chân có ý thức và nuôi lớn được chánh niệm bằng sự thực tập. “Uống trà đi”, “Vô sự”, “Mỗi bước chân là Tịnh độ”,… chỉ vậy mà thôi. Đôi lúc thiền ngữ lại là một câu kệ, bài thơ do thầy sáng tác, một câu lẩy Kiều được thầy diễn đạt lại dưới góc nhìn thiền quán.

Thư pháp - đó chính là cách để thầy diễn đạt những thiền ngữ ấy bằng giấy trắng mực đen. Đối với thầy Nhất Hạnh, viết thư pháp cũng là một môn thiền định, “trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và sự tập trung… Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết”. Có lẽ cũng vì lý do đó, mỗi thiền sinh khi đứng trước một thư pháp của thầy đều cảm nhận được ít nhiều sự phát sinh của năng lượng bình an.

Sánh "Hương thơm quê mẹ" lần đầu ra mắt bạn đọc
Sánh "Hương thơm quê mẹ" lần đầu ra mắt bạn đọc

Không ít lần, thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh được triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới như Mỹ, Pháp, Đài Loan, Thái Lan,… và nhận được sự quan tâm từ giới nghiên cứu mỹ học lẫn thiền học. Tuy nhiên, chỉ đến khi Hương thơm quê mẹ được tổ chức tại TP.HCM, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam mới có dịp được bước chân vào không gian thiền… chữ của thầy Nhất Hạnh. Bên cạnh những bức thư pháp, còn là hoa, các đầu sách của thầy viết bằng tiếng Việt đã được xuất bản tại Việt Nam, các “pháp khí” gợi lên những phương pháp thực tập thân và tâm mà thầy đã từng hướng dẫn suốt nhiều năm qua: một quả quýt, vài que diêm, những hạt bắp,… Bắt đầu từ những bước chân đầu tiên cho tới khi kết thúc một vòng dạo quanh vài trăm mét vuông của phòng triển lãm, nếu chuyên chú và gạt được những lo toan, bộn bề để thưởng lãm, có lẽ người xem cũng đã hoàn tất trọn vẹn một vòng thiền hành, hít thở và thụ hưởng một không gian tĩnh lặng…

Một tiếng chuông ngân lên, những cuộc trò chuyện tạm dừng, những bước chân cũng tạm dừng, những nghĩ suy cũng tạm dừng,… chỉ có hơi thở và sự sống tiếp diễn. Giây phút ấy, phòng triển lãm trở thành một thiền đường đúng nghĩa, điều mà có lẽ chưa một triển lãm nghệ thuật nào tại Việt Nam từng thực hiện và thực hiện được. Giây phút ấy, cái đẹp sâu sắc nhất ẩn chứa trong những bức thư pháp của Thiền sư Nhất Hạnh bất chợt biểu hiện thật rõ ràng và sinh động.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.