Ngài Narada Maha Thera là Nhị tổ Thiền Nhân điện?

0:00 / 0:00
0:00
GN - Tôi là Phật tử, thời gian gần đây sức khỏe không được tốt nên muốn học Thiền Nhân điện đễ hỗ trợ chữa bệnh.

Qua tìm hiểu, tôi được biết Nhị tổ của phái Thiền này là ngài Narada Maha Thera, vị cao tăng của Phật giáo Sri Lanka, nhiều lần qua Việt Nam hoằng pháp, có tác phẩm Đức Phật và Phật pháp (Phạm Kim Khánh dịch) lưu hành rộng rãi tại nước ta. Tuy nhiên, tìm hiểu tiểu sử ngài Narada Maha Thera, tôi không hề thấy ghi ngài truyền bá Thiền Nhân điện. Vậy vấn đề này thực hư thế nào? Là Phật tử, tôi có nên học Thiền Nhân điện không?

(MINH TẤN, TP.Bà Rịa, Bà Rịa-Vũng Tàu)

Hòa thượng Narada

Hòa thượng Narada

Trả lời:

Bạn Minh Tấn thân mến!

Sử liệu Phật giáo về ngài Narada Maha Thera được ghi nhận căn bản như sau:

“Hòa thượng Narada (Narada Maha Thera, 1898-1983) có thế danh là Sumanapala. Ngài sinh vào ngày 17 tháng 7, 1898 tại Kotahena, ngoại ô thành phố Colombo, thủ đô nước Sri Lanka.

Ngài xuất thân từ một gia đình trung lưu trí thức, học tiểu học và trung học tại trường thuộc nhà dòng La-san đạo Gia-tô. Dù vậy, ngài lúc nào cũng hâm mộ đạo Phật và học tập Phật pháp từ một người chú, và ngài học thêm tiếng Sanskrit từ Hòa thượng Palita, tham dự nhiều khóa giáo lý vào các ngày cuối tuần tại chùa Paramananda trong vùng.

Năm 18 tuổi ngài xuất gia, thọ giới Sa-di với pháp danh là Narada, vị bổn sư là Hòa thượng Vajiranana, một danh tăng vào thời đó. Thầy truyền giới là Hòa thượng Revata, và thầy truyền pháp là Tỳ-khưu Pelene. Sau đó, ngài theo học các khóa Vi diệu pháp và Ngữ học Đông phương.

Sa-di Narada thọ giới Tỳ-khưu vào năm lên 20 tuổi. Ngài được gửi đi học các khóa Đạo đức học và Triết học tại Đại học Tích Lan (Ceylon University College), với nhiều giáo sư danh tiếng như ngài Sumangala, Tiến sĩ Chandrasena, và Bác sĩ Pereira (về sau xuất gia, và trở thành ngài Kassapa rất nổi tiếng).

Năm 30 tuổi, ngài được cử đi tham dự lễ khánh thành chùa Mulagandhakuti tại Saranath (Xa-nặc), Benares (Ba-lại-na), Ấn Độ, và tham gia các công tác hoằng pháp tại đó. Trong thời gian này, ngài có dịp công tác với ông Jawahareal Nehru mà về sau trở thành vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Ít lâu sau ngài được cử đi truyền giáo tại Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Cam Bốt, Lào, Việt Nam, Nam Dương, Mã Lai. Tại những nơi này, ngài thường được tiếp đón rất nồng hậu. Quốc vương Cam Bốt tôn vinh ngài là Đức Đại Tôn Giả (Sri Maha Sadhu).

Ngoài ra, ngài còn có nhiều chuyến đi truyền đạo tại các nước Tây phương. Năm 1955, ngài sang Úc, và giúp tổ chức các hội Phật giáo địa phương tại các bang New South Wales, Victoria, Tasmania và Queensland.

Năm 1956, ngài du hành sang Anh quốc, tổ chức cử hành lễ Tưởng niệm 2.500 năm sau ngày Đại Bát Niết-bàn của Đức Phật. Sau đó ngài giúp củng cố Phật sự và xây dựng ngôi chùa danh tiếng mang tên chùa Phật giáo Luân Đôn (London Buddhist Vihara).

Ngài sang Hoa Kỳ hoằng pháp, và được cung thỉnh thuyết giảng về đề tài “Đức Phật và Triết lý đạo Phật” tại Đài kỷ niệm Washington (Washington Memorial) trước một cử tọa rất đông đảo. Ngài là một sứ giả Như Lai rất hăng hái và nhiệt tình, thu hút được nhiều người nghe, và lúc nào cũng khuyến khích thành lập các hội Phật giáo địa phương để bồi đắp công trình hoằng dương đạo pháp.

Ngài có nhiều gắn bó với đất nước và Phật tử Việt Nam. Ngài đã từng đến Việt Nam vào đầu thập niên 1930, mang theo nhiều nhánh cây bồ-đề để trồng tại nhiều nơi trong nước: Phú Lâm (Chợ Lớn), Cần Thơ, Châu Đốc, Vĩnh Long ở miền Tây Nam Bộ, Biên Hòa, Phước Tuy, Vũng Tàu ở miền Đông Nam Bộ, ra đến miền Trung (Đà Lạt, Huế) và miền Bắc (Vinh, Hà Nội).

Trong thập niên 1950, khi Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam được thành lập, ngài đến Việt Nam nhiều lần để thuyết pháp, hàng tuần tại chùa Kỳ Viên (quận Ba, Sài Gòn) thu hút đông đảo Phật tử đến nghe, và có rất nhiều người đến xin quy y với ngài. Đặc biệt là vào năm 1963, ngài đã khuyến khích ủng hộ công tác xây cất bảo tháp Thích Ca Phật Đài tại Vũng Tàu, ngày nay được xem như là một di tích lịch sử. Ngoài ra, ngài còn giúp xây dựng một bảo tháp khác ở Vĩnh Long.

Ngoài các thời thuyết pháp và công tác tổ chức Phật sự, ngài còn hướng dẫn các lớp Vi diệu pháp và các khóa hành thiền, khuyến khích việc phiên dịch các sách Phật pháp sang Việt ngữ để truyền bá rộng rãi. Các tập sách nhỏ sau đây đã được chuyển dịch: Hạnh phúc gia đình (Parents and Children), Phật giáo tóm lược (Buddhism in a Nutshell), Tứ vô lượng tâm (Brahma Vihara), Những vấn đề của kiếp nhân sinh (The Problems of Life), Những bước thăng trầm (The Eight Worldly Conditions), Kinh Niệm xứ (Satipatthana Sutta), Kinh Pháp cú (The Dhammapada), Vi diệu pháp toát yếu (The Manual of Abhidhamma), v.v… Đặc biệt nhất là quyển Đức Phật vàPhật pháp (The Buddha and His Teachings) do ông Phạm Kim Khánh chuyển dịch đã được xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1970, và sau đó được tái bản nhiều lần, phát hành rộng rãi.

Ngài viên tịch vào ngày 2 tháng 10, 1983, hưởng thọ 85 tuổi, tại chùa Vajirarama nơi ngài làm Tăng trưởng Chưởng quản trong những năm cuối của đời ngài. Tang lễ ngài được Chính phủ và Phật tử Sri Lanka cử hành trọng thể như là một quốc táng”.

Và như thế, câu chuyện về vị Nhị tổ Thiền Nhân điện “Sau nhiều năm đi khắp nơi để giúp mọi người, vào năm 1916, Tiến sĩ Dashira Narada (Đệ nhất Tổ sư Thiền Nhân điện) tìm thấy một người gốc Sri Lanka trên đất Ấn Độ, tên thật là Sumanapala, đã đạt đến tuổi 18, có đầy đủ những phẩm chất, tố chất và khả năng để kế thừa phát huy những kết quả đã có và tiếp tục giúp đời. Với sự tự tin tuyệt vời, Tiến sĩ Dashira Narada đã chia sẻ tất cả các kiến thức cùng những kinh nghiệm của mình và hy vọng người kế thừa sẽ tiếp tục đưa ra giúp cho nhân loại bớt khổ đau… Sau này Sumanapala (Narada Maha Thera) đã trở thành Đệ nhị Tổ sư” (http://congdongthienvietnam.org/tien-si-dashira-narada/; truy cập lúc 4:00PM, ngày 20/12/2020), có nhiều điều phải suy ngẫm.

Trước hết, ngài Narada xuất gia lúc 18 tuổi tại Sri Lanka, 20 tuổi thọ giới Tỳ-khưu và tiếp tục tu học tinh chuyên, ròng rã cho đến 30 tuổi mới được cử sang Ấn Độ hoằng pháp. Như vậy, rất khó xảy ra trường hợp năm 18 tuổi ngài Narada (khi đã xuất gia làm Sa-di) qua Ấn Độ để được Đệ nhất Tổ sư Thiền Nhân điện, Tiến sĩ Dashira Narada “chia sẻ tất cả các kiến thức cùng những kinh nghiệm của mình và hy vọng người kế thừa sẽ tiếp tục đưa ra giúp cho nhân loại bớt khổ đau”.

Thứ nữa, ngài Narada là bậc tinh thông cả pháp học lẫn pháp hành Phật giáo Nguyên thủy, nhất là am tường Vi diệu pháp (biên soạn Vi diệu pháp toát yếu) và có kinh nghiệm tu tập cũng như hướng dẫn Thiền Minh sát (giảng giải kinh Niệm xứ); một bậc đa văn, quảng học và thực tu như thế sẽ thấy rất rõ trong giáo pháp của Thế Tôn không đề cập đến pháp thiền như Thiền Nhân điện (Thiền Trường sinh học) đang được truyền bá rộng rãi hiện nay.

Sau cùng, thiển nghĩ, hoặc có sự nhầm lẫn về sử liệu của phái Thiền Nhân điện, hay có một sự biệt truyền ngoài Chánh pháp của ngài Narada mà hậu thế chúng ta không thể biết được. Vấn đề này, chúng ta cần sự khảo cứu và xác minh của những nhà chuyên môn. Và nên chăng, các học viên của phái thiền này, khi đã ghi nhận Hòa thượng Narada là Đệ nhị Tổ sư, thì cần phải học tập tư tưởng, triết lý và pháp hành của thầy tổ qua các bộ sách như Đức Phật vàPhật pháp, kinh Niệm xứ để hành trì giúp thân tâm an lạc, xa hơn là hướng đến giải thoát sinh tử.

Là Phật tử, học Thiền Nhân điện để hỗ trợ chữa bệnh, xét trên tinh thần phương tiện thì vẫn có thể. Tuy nhiên, nếu học Thiền Phật giáo sẽ hay hơn. Thực hành Thiền Phật giáo (chỉ, quán, chánh niệm, minh sát) ngoài mục tiêu phát triển định và tuệ để xả ly tham ái, phiền não còn có chức năng giữ quân bình thân tâm, điều hòa hơi thở, góp phần nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ

(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.