Mùi quê hương

Có lẽ lục mãi trong từ điển về mùi bạn cũng sẽ không tìm thấy cái mùi mang tên quê hương, bởi nó là một “dạng” mùi thuộc về ký ức, thuộc về “những điều cũ kỹ” hoặc được “ngửi” bằng mũi của những người yêu-mến quê hương…
 

Quê hương là gì hở mẹ/ Mà cô giáo dạy phải yêu? - Ảnh: Internet

Bạn bảo, mỗi lần về quê bạn chẳng bao giờ đóng cửa xe, để gió lòng vào ôtô và bạn thì say sưa ngửi thứ mùi của lúa, của đồng quê… Thứ mùi ấy thật dễ chịu, làm căng phồng cả phổi, làm cho lồng ngực bỗng rộn ràng như trẻ thơ đón mẹ đi chợ về. “Quà quê” chính là thứ mùi thơm bình dị của lúa non, của rạ trắng và của những màu xanh ngút ngàn, nhìn đâu cũng thấy chân trời.

Bạn bảo, xa quê, lên Hà Nội sống lâu rồi. Thứ mùi của phố phường và cả âm thanh hỗn tạp của tiếng xe cộ, tiếng í ới của người nhập cư và nhiều thứ tiếng ồn khác đã cuốn bạn vào guồng máy của thị thành huyên náo. Lâu lâu về quê là một lần tưới tắm niềm vui! Quê nghèo, chỉ có lúa nhưng được cái thanh bình, giản dị, vốn đã nuôi lớn bạn từ thuở ấu thơ.

Mùi quê hương trong bạn (và cả trong tôi) còn là mùi mồ hôi của mẹ, tấm lưng thon, mái tóc dài đã dầm mình trong mưa nắng để bạn có cơ hội chắc chiu con chữ, trở thành “ông này, bà nọ”, bon chen với đời… Chất liệu đồng quê, từ mâm cơm sáng chỉ có mùi gạo mới và mấy con cá khô rang hoặc mùi của sắn luộc vẫn còn vấn vương, thương nhớ.

 

Mùi của sông nước quê hương dội vào nỗi nhớ - Ảnh: Internet

Mùi quê hương chẳng có gì cầu kỳ, đó còn là mùi của khói đồng nghi ngút, tuổi thơ ai đã từng sống nơi đồng quê thì đều được ngửi thấy mùi này. Khứu giác của con người, nhất là thời thơ ấu thường nhớ rất dai những mùi mang đậm nghĩa-tình, ví dụ như mùi khói bếp do bà hoặc mẹ lui cui nhuốm trong bữa chiều bãng lãng, nồi cám heo sôi sùng sục hoà trộn trong không gian làng quê…

Những hoài niệm về mùi ấy sẽ mãi là những “miền nhớ” để đi xa cỡ nào người ta cũng sẽ thấy cay cay khoé mắt khi ngửi thấy mùi của lúa, của mạ non, của những điều giản dị, chân quê.

Mùi của lúa thoát thai từ những cánh đồng bát ngát - Ảnh: Internet

Và nhớ thì phải quay về, hoặc sẽ quay về như một lời hứa hẹn chân thành với quê hương. Trong ta đã có quê hương, quê hương đã nuôi lớn ta. Quán về điều đó cũng có nghĩa là định hướng cho mình một lối sống giản dị, mang đậm chất quê, để mình biết rằng những thứ mùi thân thuộc đã ngấm vào da thịt.

Yêu quê hương đôi khi chỉ cần như thế, như bạn đã từng khi mỗi lần quay về là một lần “nạp” thứ mùi đồng quê mộc mạc, xới dậy những ký ức tuổi thơ qua cửa kính ôtô được mở toang trên những con đường, và qua những cánh đồng mà nhìn đâu cũng thấy chân trời…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.