Mùa hè, game, và nỗi lo - Kỳ 2: Game bạo lực, nguy hại thân tâm

Giác Ngộ - Hãy so sánh việc “đâm chém” trong các trò chơi như việc một người đồ tể sát sinh. Nếu ta nhìn việc sát sinh đó với con mắt thương hại chúng sinh bị giết, vậy thì tâm từ bi trong ta tăng trưởng. Và ngược lại, nếu ta sinh tâm “thích thú” với việc giết hại đó, tâm từ bi chắc chắn sẽ mai một.

>>> Kỳ 1: Giới trẻ “say” game

Game không xấu, nhưng…

Trước hết, phải nói rằng chơi game không có gì xấu. Nếu như ngày xưa có đánh chuyền, đánh quay thì ngày nay, với sự xuất hiện và phát triển của công nghệ, có game online, điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Cái “xấu” là cách người trẻ chơi game. Nếu bạn là một người chơi game (player) theo kiểu lúc nào rảnh hoặc stress thì chơi game để giải trí, vậy thì bạn yên tâm là việc chơi game của bạn không có gì xấu. Còn nếu bạn là một “game thủ” (gamer), tức là bạn sống chung với game thậm chí cả trong suy nghĩ, vậy thì bài viết này dành cho bạn.

game.jpg

Game online ảnh hưởng không tốt đến thân tâm - Ảnh minh họa

Mô-típ game “chuẩn” hiện nay là đánh, giết quái vật hoặc hạ gục đối thủ để tăng cấp độ (level). Dù ở bất kì hình thức nào thì đánh, giết vẫn cứ là đánh, giết; không có gì khác. Và điều đó chắc chắn ảnh hưởng tới tâm từ bi của người trẻ, ở một mức độ nhất định. 

Thử phân tích một ví dụ, game Boom online. Nhìn qua trò chơi này có vẻ rất “thân thiện”, nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, “vũ khí” chiến đấu là các quả bóng nước, không đao kiếm, súng pháo và các cảnh đổ máu. 

Nhưng chơi thế nào? Người chơi sẽ giết quái vật (hoặc đối thủ) bằng cách đặt bóng nước, ai dính phải bóng nước mà không thoát ra được trong ba giây thì sẽ “chết” (thua cuộc). Người thắng nhận được tiền vàng và “kinh nghiệm” (để lên cấp độ). Vậy, người trẻ chơi game sẽ nghĩ gì? À, làm thế nào chưa biết, nhưng “phải giết được nó”, “phải thắng” v.v… Như vậy, bằng cách này hoặc cách khác, trong đầu người trẻ xuất hiện khái niệm “giết” (sát hại). Tâm từ bi bắt đầu từ đó bị ảnh hưởng.

Trên đây chỉ là ví dụ về một trò chơi, mà theo người viết là, có ảnh hưởng “nhẹ nhàng nhất” đến người trẻ. Một ví dụ khác, game Half-life, người chơi hóa thân là nhân vật cảnh sát hoặc cướp để… giết hại lẫn nhau. Có súng, giao, bom, mìn, có đâm chém, đổ máu. Và “đổ máu” là bản chất của vấn đề. Ai khiến đối thủ “đổ máu” được thì sẽ là người thắng. 

Vậy là người này tìm mọi cách để “đổ máu” người kia, chẳng với mục đích gì ngoài muốn trở thành “người thắng cuộc”. Rõ ràng, trò chơi này chẳng có chút giá trị nhân văn hoặc giáo dục nào, ngoài dạy người chơi… chém và giết.

Đó là hai ví dụ về những game phổ biến. Còn rất nhiều những game kiểu “đâm và chém” như thế này trên thị trường, chưa kể những game bị cấm lưu hành vì mức độ bạo lực quá cao (cả về hành động và ngôn ngữ). 

Hãy so sánh việc “đâm chém” trong các trò chơi như việc một người đồ tể sát sinh. Nếu ta nhìn việc sát sinh đó với con mắt thương hại chúng sinh bị giết, vậy thì tâm từ bi trong ta tăng trưởng. Và ngược lại, nếu ta sinh tâm “thích thú” với việc giết hại đó, tâm từ bi chắc chắn sẽ mai một. 

Cũng như thế, dưới cái nhìn của nhà Phật, những hành động đâm chém như vậy, dưới bất kì hình thức nào, đều có thể xem đó như việc sát sinh. Như vậy, người trẻ hàng ngày tiếp xúc với các cảnh sát sinh với một sự say mê “sát sinh” (say mê chơi game) như vậy, tâm từ bi đã không được gây dựng mà vô tình bị “rơi mất”.

Câu chuyện nhãn tiền

Trong “Những tấm lòng cao cả” của Ét-môn Đô-đơ A-mi-xi, người cha của En-ri-cô đã dạy con rằng, “Gặp người lớn đánh nhau, con hãy tránh xa để khỏi phải nhìn tấn kịch thương tâm nó sẽ làm trơ rắn lòng con”. 

Cũng như vậy, tôi nhớ có lần Thầy tôi đã nói về những chương trình đấm bốc, đấu vật mang tính bạo lực trên truyền hình nước ngoài, khi những người đàn ông bặm trợn hành động một cách “hoang dại” để hạ gục đối thủ (mà người ta gọi sự hạ gục đó là “nghệ thuật”) thì cũng chính là lúc tâm từ bi của bạn bị tổn thương. 

Hình ảnh đánh, giết của game cũng vậy, không khác. Nó cũng tác động đến tâm hồn của bạn, một cách “nhẹ nhàng” (đủ để bạn không bức xúc mà tắt ngay cái trò chơi đó đi) và dần dần (khiến bạn chơi nhiều hơn).

Nên chắc chắn rằng trẻ nhỏ đang chơi game với một mức độ chấp nhận được (nhiều nhất là 30 phút/ngày). Có thể cho trẻ chơi những trò chơi ừa mang tính giải trí vừa mang tính giáo dục, ví dụ như các game thuộc thế hệ puzzle quiz thay vì chỉ đơn thuần là giải trí như các game online hiện nay.

Những đứa trẻ sớm “làm quen” với đấm, giết thường có xu hướng “đấm, giết” (bạo lực) nhiều hơn, biểu hiện bằng tính tình ngỗ nghịch, gây gổ và thích đánh đấm bạn bè hoặc những biểu hiện mức độ bạo lực cao hơn nữa. 

Một trong những “đứa trẻ” như vậy, là một sinh viên đại học được dư luận nhắc tới trong suốt thời gian vụ án “xác không đầu” ở một khu trung cư của Hà Nội. 

Hơi phiến diện khi kết luận rằng, vì chơi game nhiều nên Nguyễn Đức Nghĩa mới có những hành vi man rợ đến ghê rợn như chặt đầu và cắt các đầu ngón tay, ngón chân của người yêu để phi tang, nhưng có thể nói, chơi game là một trong những yếu tố tạo nên một tâm hồn chai lì như vậy, để có thể sau khi thực hiện tội ác xong, khi bị bắt, người ta thấy Nghĩa đang ung dung nằm đọc truyện tranh. Tất cả chỉ (đơn giản) như một ván game! 

Kỳ cuối: "Toa thuốc" chữa nghiện

Giác Ngộ sẽ có cuộc trò chuyện với chuyên gia tâm ý Thu Hiên về phương pháp chữa nghiện cho con. Ngoài ra còn có kinh nghiệm của một người mẹ trong việc chữa nghiện game cho con! Bài sẽ đăng trên Giác Ngộ 595 ra ngày 25-6. Bạn đọc có chia sẻ thêm về đề tài này, vui lòng gửi mail về địa chỉ: 

bandocgiacngo@gmail.com

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.