Thóc được đóng thành bao ngay tại ruộng rồi được mang về vàng rộm sân phơi, còn lại trên đồng là rơm rạ hiền hòa im lặng. Rạ rơm tươi tỏa vào mênh mông đất trời một mùi thơm đặc biệt của thiên nhiên, cỏ cây thay cho lời chào sau cuối với ruộng đồng bờ bãi. Để từ đây rơm rạ rẽ mình vào một cuộc hành trình mới đầy màu sắc của sự đổi thay.
Rơm nằm lại trên ruộng chừng đôi ba ngày cho khô cong trong nắng thì có máy cuốn rơm xuống thu về. Người ta chất những cuộn rơm lên xe tải chở đi. Rơm đi đâu? Đi về nơi tập kết để chờ hóa mình vào nhiệm vụ mới.
Rơm được dùng để trồng nấm hoặc để che phủ cây trồng. Những luống rau mới gieo rất cần được che đậy thì rơm là lựa chọn tốt nhất. Vừa giữ được độ ẩm cho đất, vừa dễ dàng cho hạt mầm khi đội đất nhô lên có thể lách qua những cọng rơm mềm để đón nắng mà gốc rễ vẫn được chở che. Ngoài ra, rơm còn được trữ làm thức ăn cho gia súc khi vào những ngày mưa gió hoặc những ngày bận bịu vì việc gì đó mà người nuôi không thể đi chăn thả hoặc cắt cỏ. Những sợi rơm vàng thơm mùi nắng được những chú bò, trâu ung dung nhai như bao đời nay vẫn vậy.
Có những ruộng, rơm khô không được thu về mà chủ ruộng sẽ đốt luôn ở đó. Tro rơm rạ góp mình làm cho đất thêm mỡ màu, cho mùa sau cây xanh cây lớn. Rơm khô bén lửa, lửa bắt đầu cháy theo những luống rơm, chạy dài đến khi những luống rơm cháy hết, để lại trên ruộng những vệt đen còn thoang thoảng mùi khói. Thật thà gợi nhớ thương một thời gian khó cùng khói đốt đồng quấn quýt rạ rơm.
Tôi nhớ về những ngày mình còn thơ bé, ngày đó việc cấy trồng, gặt hái chưa được tân tiến, hiện đại như bây giờ. Nói vậy là bởi thời đó chưa có máy gặt, máy cuốn rơm. Tất cả nhờ sức người là chính. Lúa được gặt về, nhà ít thì tranh thủ đập bằng tay, nhà nhiều thì gọi máy tuốt lúa. Xong thì sân dùng phơi lúa, đường ngõ phơi rơm. Những mùa gặt, đường làng đâu đâu cũng tràn ngập rơm phơi.
Vài ba hôm, rơm rạ khô được thu về chất lên thành đống chắc chắn. Rơm dành cho bò, cho trâu; rơm – rạ dành đun nấu. Mẹ vo mớ rơm mềm đi để lót ổ cho con gà mái mơ nằm đẻ trứng. Sau những ngày mưa, quanh chân đống rơm, vạch những mớ rơm đã mục, kiểu gì cũng nhặt được vài nấm nâu nâu mũm mĩm. Chỉ cần chục cây là được nồi canh. Bát canh nấm rơm nấu lẫn với rau muống thơm phức hiện ra trong tâm trí, chẳng cần ai xui ai khiến gì mà tự nhiên nuốt nước miếng háo hức thèm thuồng.
Tôi nhớ những mùa gặt, khi ruộng lúa nếp được gặt về, bao giờ mẹ và bà cũng cẩn thận chọn những bông lúa đẹp nhất để làm giống cho mùa sau. Rơm nếp dài, đẹp được bà tuốt ra để dành bện chổi. Những chiếc chổi rơm chắc chắn dùng để quét nhà, quét sân. Khi nào mòn lại được thay bằng chiếc chổi mới. Suốt năm suốt tháng, mùa nối mùa, còn mùa còn chổi rơm. Bà dạy mẹ cách bện chổi rơm. Tôi cũng học bà, học mẹ bện chổi nhưng ngày đó, tôi chỉ có thể bện những chiếc chổi nhỏ, tay siết chổi cũng không được chắc chắn như mẹ như bà. Bao nhiêu năm, xã hội đổi thay, chổi đót được dùng thay cho chổi rơm, nhưng ký ức về một thời xưa cũ vẫn như vẹn nguyên trong tâm trí. Để bây giờ trong tôi lại sống dậy hình ảnh bà ngồi bện chổi nơi hiên nhà, và tôi, cô cháu nhỏ ngồi bên chăm chú ngắm nhìn.
Tôi nhớ những bữa cơm được nấu từ rơm rạ quê nhà. Nhớ những buổi trời mưa, khói rạ rơm làm cay xè con mắt. Nấu xong bữa cơm, có khi tro bếp lem nhem đầy trên khuôn mặt. Ấy vậy mà vui, chẳng bao giờ quản ngại chuyện vào bếp với rạ rơm, mẹ cha sau một buổi làm đồng vất vả trở về vẫn có cơm canh tinh tươm đợi sẵn.
Tôi nhìn những thân rơm còn nằm lại trên đồng, tự nghĩ vẩn vơ. Thời bây giờ, dù không còn được dùng để nấu bếp như xưa thì rạ rơm vẫn đi hết một đời hữu ích.