Tuy nhiên, với người hiểu đạo thì không phải mình sống bao lâu mà là sống có chất liệu của an vui, tỉnh thức hay không. Thực ra, khi có tỉnh thức, ta sẽ an vui. Bởi vì khi đó, ta nhìn rõ quy luật của cuộc sống, là vô thường, vô ngã. Mọi biểu hiện đều có nhân-duyên của nó, sinh-diệt liên tục. Vì vậy, dù thành hay bại ta cũng tự tại, chỉ cần ghi nhận và mỉm cười với nó.
Ta thường có xu hướng lưu lại những buồn vui quá khứ để sống với nó. Khổ đau hay tự mãn đều khiến mình kẹt lại, phiền não từ đó mà sinh.
Có những người buồn một người, thậm chí một câu nói của ai đó mà khổ cả năm, rồi có khi cả đời cũng không buông được. Ngay cả khi đó là một việc làm, lời nói vô ý. Ai đó nói, “chúng ta xứng đáng được bình an” để buông nỗi buồn, phiền não ra. Những gì người ta gây cho mình, dù vô tình hay hữu ý đều có nhân duyên. Có thể đó là cái quả mà mình đã gieo nhân từ lâu lắm. Có thể là một cái duyên mà họ mới tạo với mình. Nếu mình hiểu, ân-oán là sợi dây nối đến sinh tử luân hồi thì ta sẽ sợ mà hỷ xả. Từ đó “mỉm cười cho qua”, không lưu vào tàng thức làm chi.
Tất nhiên, để đạt được “cảnh giới” tự tại đó của tâm, ta phải thực tập, phải chuyển hóa trong đời sống, với những mối quan hệ thân gần, những việc đã-đang gặp ngay trong kiếp sống này, khi mình đang hiện hữu, bây giờ và ở đây.
Ta vẫn thường nghe nhiều người bảo, trẻ mà tu chi uổng vậy. Nhưng già rồi thì tu sao cho kịp. Quan trọng hơn, tu, không chỉ là chuyện ăn chay niệm Phật mà gần gũi nhất chính là nhận diện những biểu hiện ở hiện tại, bên ngoài và bên trong ta. Biết rõ. Và không phán xét, không phản ứng. Chỉ cần chúng ta gia thêm chút gia vị “nhận xét”, “đánh giá” là sẽ phiền liền.
Tỉnh thức là biết rõ mình đã đối cảnh như thế nào. Từng sự từng việc, có lúc ta thất niệm nên đã não phiền. Ta xin lỗi chính mình vì đã tu dở quá khiến ta vào ra địa ngục như cơm bữa. Tới đây ta sẽ thấy, chính ta là người sinh ra mình, quyết định nơi sinh, người sinh (theo nghiệp-duyên đã tạo). Ta cũng đang đưa mình xuống lên sáu cõi trong từng sát-na mà có khi mình không nhận ra nên cứ xuống lên hoài hoài.
Nỗi khổ niềm đau cũng có giá trị riêng của nó. Như một tiếng chuông giúp mình tỉnh thức. Tại sao ta lại cứ chấp giữ một cái khiến mình khổ đau như vậy. Câu hỏi có thể khiến mình dừng lại và buông.
Chợt nhớ chuyện người đi hỏi đạo thiền sư. Sau khi nghe anh trình bày nỗi khổ, thiền sư mời trà và cố tình rót tràn ly trên tay người đến tham vấn. Vì nước trà quá nóng nên tự nhiên buông tay. Lúc này thiền sư mới nói, khổ cũng vậy, đến lúc đủ khổ thì tự nhiên sẽ buông, sẽ quay đầu. Người ta còn cố chấp là vì chưa nhận ra đó là khổ. Hoặc nhận ra rồi nhưng khổ ấy còn chịu được. Đó là chưa nói, có thể cũng có vui, vui nhiều hơn cái khổ đang mang nên chưa nỡ đặt xuống thôi.
Có người 50-60 cứ bảo, đi tu cho khỏe. Đó là vì những người ấy đã đi qua hết nỗi thương đau cuộc đời. Người trẻ còn thấy vui với cuộc sống đang là nên chưa-chịu-tu. Hiểu vậy sẽ tùy duyên được. Ai sớm nhận ra nỗi khổ mà chọn đường tu thì tốt, chưa thì cũng không sao. Cứ để họ trải nghiệm.
Một năm mới sắp tới, thực lòng không mong chỉ toàn thuận duyên và những điều như ý, không hề có những khó khăn, mà mong dù gặp bất cứ điều gì cũng luôn sáng suốt, vững chãi, bước qua nhẹ nhàng.
Để được vậy, lại nghĩ về chánh niệm, tỉnh thức. Rồi thực tập. Biết rõ, bây giờ và ở đây. An trú trong hiện tại.
Ngày nay đã qua
Đời sống ngắn lại
Hãy nhìn cho kỹ
Ta đã làm gì?
Đại chúng hãy cùng tinh tấn
Thực tập hết hòng
Sống cho sâu sắc và thảnh thơi
Hãy nhớ vô thường
Đừng để tháng ngày trôi qua oan uổng.
(Kinh Quán Chiếu Vô Thường, Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch)