Minh Béo: “Tôi hát là có Sở Văn hóa duyệt, tất cả đều có giấy phép, ai có quyền cấm?”

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Không phải tất cả những việc làm được cho là không vi phạm pháp luật đều đồng nghĩa với đạo đức truyền thống, được cộng đồng tán thành, đặc biệt là các sự việc liên quan tới tôn giáo, nhất là với các hình tượng thiêng liêng trong tâm thức con người.

Liên quan tới hình ảnh đăng trên mạng xã hội cá nhân Minh Hong Quang, được cho là của nghệ sĩ Minh Béo, khoe hình ảnh hóa trang với nội dung “Vinh dự được nghệ sĩ Phượng Trang trưởng đoàn Bông Sen Sài Gòn phân vai Đức Phật A Di Đà cho vở diễn sân khấu Phật giáo mới nhất. Đang thử phục trang chuẩn bị cho vai diễn tâm linh mới…”, nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Các báo điện tử chính thống cũng đã phản ánh sự việc, dẫn nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc trước sự việc trên liên quan.

Phóng viên đã có mặt tại nơi như trong ảnh Minh Béo khoe trong hình thức hóa trang được cho là đóng vai "Đức Phật A Di Đà", chiều 5-8, đây không phải là sân khấu, có thờ tự như cơ sở tín ngưỡng nhưng không thấy bất cứ một vị tu sĩ nào, tìm hiểu người dân lân cận thì được biết chưa thấy vở diễn nào có nhân vật như vậy tại đây - Ảnh: Q.H

Phóng viên đã có mặt tại nơi như trong ảnh Minh Béo khoe trong hình thức hóa trang được cho là đóng vai "Đức Phật A Di Đà", chiều 5-8, đây không phải là sân khấu, có thờ tự như cơ sở tín ngưỡng nhưng không thấy bất cứ một vị tu sĩ nào, tìm hiểu người dân lân cận thì được biết chưa thấy vở diễn nào có nhân vật như vậy tại đây - Ảnh: Q.H

Theo thông tin báo Thanh Niên đăng tải, nghệ sĩ Phượng Trang, Trưởng đoàn Bông Sen Sài Gòn (người được Minh Béo nhắc đến là nghệ sĩ Phượng Trang) đã phủ nhận thông tin mời Minh Béo tham gia vai diễn “Đức Phật” như nội dung nam diễn viên này chia sẻ trên trang cá nhân.

“Nghệ sĩ Phượng Trang nói thêm: Hôm qua bên chương trình của chúng tôi tập tuồng mới lấy phục trang cho các bạn thử. Minh Béo có lấy mặc thử rồi đăng hình lên Facebook. Tôi mới kêu cậu ấy gỡ bài xuống. Sao mà Minh Béo đóng vai đó được. Tôi đính chính là không có, chỉ có Minh Béo mượn bộ đồ để mặc”, trích thông tin báo Thanh Niên Online.

Một poster “vở diễn Mục Liên Thanh Đề”, có Minh Béo tham gia, được giới thiệu là diễn trong mùa Vu lan năm nay ở một ngôi chùa thuộc huyện Phú Giáo - tỉnh Bình Dương cho thấy nhân vật “Đức Phật” do một nghệ sĩ khác đảm trách chứ không phải là Minh Béo.

Còn hình ảnh Minh Béo hóa trang đăng trên tài khoản xã hội được cho là ghi hình tại một cơ sở thờ tự ở phường Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM). Phóng viên báo Giác Ngộ đã có mặt tại nơi được gọi là “tịnh thất Diệu Huệ” chiều 5-8, nhưng không gặp được người trách nhiệm. Qua thăm hỏi, người dân cho biết chưa thấy biểu diễn gì liên quan tới tuồng kia tại đây.

Đại đức Thích Thiện Minh, Chánh Thư ký Ban Trị sự GHPGVN Q.Bình Tân xác nhận với Phóng viên báo Giác Ngộ, “tịnh thất Diệu Huệ” không phải là cơ sở trực thuộc GHPGVN, và tại đây cũng không có Tăng, Ni sinh hoạt tôn giáo, hành đạo và tu tập. “Đây là cơ sở do người thế tục quản lý, nên chúng tôi cũng không quản lý được sinh hoạt”, Đại đức Chánh Thư ký Ban Trị sự Phật giáo quận cho biết.

Phóng viên tìm cách liên lạc với Trưởng đoàn Bông Sen Sài Gòn vào chiều 5-8, nhưng qua số điện thoại được cung cấp thì không liên lạc được.

Liên lạc qua điện thoại với nghệ sĩ Minh Béo, cũng vào chiều 5-8, khi xưng là phóng viên báo Giác Ngộ, thì vị này bày tỏ nhiều nội dung rất tế nhị không tiện chia sẻ trong bài viết này.

Minh Béo cũng khẳng định “tôi làm việc theo pháp luật” và cho biết tất cả những chương trình biểu diễn sân khấu đều có giấy phép của cơ quan chức năng quản lý về văn hóa của TP.HCM và cấp quận.

Nói về vấn đề này, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM cho biết Thượng tọa đã tiếp nhận sự việc trên qua phản ánh của báo chí.

Theo Thượng tọa, lâu nay, việc cấp phép cho các vở diễn sân khấu và các chương trình nghệ thuật có liên quan đến văn hóa Phật giáo đều do các cơ quan chức năng nhà nước thẩm duyệt. “Giáo hội không được tham khảo ý kiến về nội dung liên quan được thể hiện trong chương trình, nếu có thì rất hiếm hoi. Do đó, cũng đã xảy ra nhiều sự vụ đáng tiếc”, Thượng tọa Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM nói.

Thượng tọa chia sẻ thêm, không phải tất cả những việc làm được cho là không vi phạm pháp luật đều được cộng đồng tán thành, đặc biệt là các sự việc liên quan tới tôn giáo, truyền thống, nhất là hình tượng thiêng liêng của tôn giáo, ở đây là hình ảnh Đức Phật, các vị Bồ-tát, Thánh tăng… Người làm công tác văn hóa, nghệ thuật thì càng nhận thức sâu sắc về điều đó.

“Pháp luật không cấm, nhưng đạo đức lên án cũng là chuyện có thể xảy ra”, Thượng tọa nhận định.

Có ý kiến cho rằng: “Cửa Phật là cửa từ bi. Những lầm lỗi quá khứ của một người đã qua và đang sống tích cực ở hiện tại, biết ‘quay đầu là bờ’ thì ta không nên cố chấp, đừng đẩy người khác vào đường cùng tăm tối”.

Thượng tọa Thích Trí Chơn cho rằng, cái thiện tối thượng là đạo đức, nó nằm trong tâm thức mỗi người. Đạo đức tự thân nó là sáng chói. Không ai có thể đẩy người đạo đức vào đường tối. “Một người phục thiện có thể là một người lương thiện nhưng thủ vai thánh thiện để quần chúng tôn ngưỡng thì không ổn”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Thượng tọa lưu ý các chùa, cơ sở thuộc GHPGVN cũng nên cân nhắc, thận trọng khi mời các đoàn, nhóm đến biểu diễn; cần có sự thẩm định nội dung chương trình, không nên giao khoán cho họ muốn làm gì thì làm.

“Trong trường hợp cần có sự tham khảo và thẩm định nội dung chương trình, các tự viện trên địa bàn TP.HCM có thể liên hệ với Ban Văn hóa chúng tôi, chúng tôi sẽ cử người có chuyên môn hỗ trợ”, Thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.

Một chuyên viên ở Ban Tôn giáo TP.HCM từng phản ánh cho biết cơ quan này nhận được tờ danh sách chương trình biểu diễn văn nghệ ở mười mấy ngôi chùa, cơ sở Phật giáo trong mùa An cư kiết hạ do Sở Văn hóa TP.HCM cấp phép, chỉ để thông báo, xem như chuyện đã rồi. Vị này cho biết trước đó họ, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, không hề được Sở Văn hóa tham khảo ý kiến gì.

Liên quan tới vấn đề này, Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó Trưởng ban Văn hóa Trung ương, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM đề nghị các cơ quan quản lý về văn hóa, trước khi cấp phép cho các chương trình mang nội dung Phật giáo nên có sự tham khảo với các cơ quan chuyên môn của Giáo hội.

“Chúng tôi cũng sẽ cử người có chuyên môn tham gia thẩm định, để tránh những chuyện ‘cười ra nước mắt’, làm cho dư luận bức xúc, thậm chí hiểu lầm về động cơ của việc làm theo chiều hướng mang sắc thái tiêu cực”, Thượng tọa Thích Trí Chơn nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.