Mẹ tâm linh

GN - Nhớ thời ấu thơ, chỉ cần nhìn thấy mẹ (mạ) và được mạ ôm vào lòng là thấy ấm áp lạ thường. Càng lớn khôn, tôi càng xa rời mạ về hình tướng, nhưng lại gần mạ trong tâm tưởng. Dù đã năm mươi tuổi, nhưng mỗi lần về thăm mạ, luôn được mạ xoa đầu, cầm tay, hỏi muốn ăn món chi để mạ mua. Mạ đã 80 tuổi rồi, nhưng lần nào cũng vậy, mạ luôn hỏi han và nhìn tôi như đứa bé ngày nào.Cuộc sống cứ trôi dần qua, không hiểu sao và từ khi nào mà mỗi lần bất an tôi cũng phát ra lời niệm Phật, những lần gia đình có chuyện không hay, tôi cũng thường thấy mạ niệm Phật thầm trong miệng, tôi nghĩ điều đó do ảnh hưởng từ công phu tu tập của bà ngoại.
metamlinh.jpg
Quán Thế Âm Bồ-tát là bà mẹ tâm linh của dân Việt - Ảnh: L.Đ.L

Còn nhớ từ những ngày thơ dại, do đam mê võ thuật, tôi thường luyện tập vào lúc chiều xuống và từ sáng sớm, những lúc đó tôi thường nghe ngoại tôi niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ-tát liên tục, rồi đọc tên từng thành viên trong gia đình từ ba mạ tôi đến chín anh chị em tôi, sau loạt tên đó là những lời cầu nguyện được phù hộ, mà ngày xưa đứa trẻ nhỏ như tôi thật tình không hiểu hết ý nghĩa.

Còn nhớ những câu như: “… khỏi đao binh súng đạn, khỏi thủy hỏa đạo tặc, ác thú đừng nhiễm hại, điều lành đem đến, điều dữ tránh đi, sáng con mắt chắc đầu gối, đi đến nơi về đến chốn…”. Sau này tôi tiếp nhận thêm ngôn ngữ thì hiểu ra là ngoại đang cầu nguyện cho gia đình được an lành. Ngoại ngồi kiết-già đọc chú Đại bi, niệm danh hiệu Phật và phần sau cùng là cầu nguyện cho cả gia đình.

Tôi ảnh hưởng Phật giáo từ ngoại như thế, rồi lớn lên có điều kiện đọc thêm sách vở, hiểu ra Quán Thế Âm Bồ-tát là vị nam Bồ-tát ở Ấn Độ có tên Avalokitesvara. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn thích hình ảnh Quán Thế Âm Bồ-tát trên bàn thờ, ngoại thường rửa tay trước khi thắp hương và ngồi công phu dưới bàn thờ Phật. Sau này trưởng thành, tôi cũng bắt chước ngoại niệm Quán Thế Âm Bồ-tát và cầu nguyện cho mọi người trong đại gia đình, kể cả những người thân của tôi, tôi cũng không quên cầu nguyện ngoại được an lạc ở cảnh giới xa xăm nào đó.

Không biết khi ngoại cầu nguyện thì ngoại như thế nào, nhưng mỗi lần tôi thầm nhắc đến tên người thân để cầu nguyện thì hình ảnh gương mặt người đó hiện ra trong tâm trí tôi; tôi cầu nguyện cho ba mạ tôi, vợ con tôi và gia đình của các anh chị em tôi cùng người thân của tôi như những lời ngoại đã cầu nguyện, tôi còn thêm câu “cho mọi người được tinh tấn trong con đường tâm linh”, sau này tôi cầu nguyện sự bình an đến cho tất cả mọi người và muôn vật.

Tháng ngày cứ trôi qua không đợi chờ một ai, không đợi chờ điều gì, tôi vì không việc nên ngày càng ít về thăm ba mạ và thắp hương bàn thờ Phật, thắp hương bàn thờ ngoại. Nhưng dù ở đâu, khi lo lắng cho gia đình và mọi người, tôi thường niệm Quán Thế Âm và cầu nguyện an lành cho mọi người.

Nhớ một lần quá đau răng, tôi đi đến một nha sĩ để chữa trị, cứ mỗi lần ông nha sĩ đưa đồ nghề vào miệng tôi để làm là tôi bị kích thích phải nôn, ông bất lực, bực bội nói thế thì không làm được. Tôi áy náy quá, nên xin ông nghỉ ít phút, tôi hít một hơi dài, hai tay tự nhiên bắt ấn và tâm trí tôi niệm Phật, nha sĩ bảo tôi há miệng, rồi ông làm mọi cái thật suôn sẻ, làm xong khi nào tôi chẳng hay. Tôi chỉ biết thời khắc đó tâm trí tôi trôi vào một cảnh giới thật xa, tôi cứ bềnh bồng như thế cho đến khi nghe lời nhắc của nha sĩ xong rồi. Tôi tỉnh dậy thấy mình như trải qua một cảm giác kỳ diệu, chứ không phải bệnh nhân đi làm răng, cho đến bây giờ tôi cũng chưa lý giải được điều đó.

Còn nhớ những ngày bé thơ, mỗi lúc bị la mắng, ăn đòn của ba, của người chị đầu, hay buồn bực do không thỏa mãn điều gì đó, đến khi được mạ tôi kéo tay ôm vào lòng, xoa đầu, lúc đó tôi cảm nhận được sự bình an và ấm áp vô cùng, mọi tủi hờn, tức giận đều tan biến. Cũng như thế, khi rời xa mạ để bước vào cuộc sống riêng, tôi nhìn thấy nỗi buồn và lo âu trong ánh mắt mạ tôi, tôi biết mạ không yên lòng. Nhưng rồi thời gian cũng làm vơi đi tất cả, nhưng lúc đó mạ tôi không biết rằng, tôi đã có bàn tay xoa dịu nỗi đau cùng sự ấm áp mỗi khi niệm Quán Thế Âm. Tôi cảm nhận sự che chở trong nội tâm, tôi cảm nhận được nỗi lo lắng về người thân tan biến đi khi nghĩ đến Quán Thế Âm Bồ-tát. Tôi tin tưởng rằng Bồ-tát sẽ che chở cho mọi người.

Dần dà tìm kiếm sách vở để đọc thì gặp được cuốn sách viết về Quán Thế Âm Bồ-tát của Đại sư Tuyên Hóa, tôi đọc xong đưa về để mạ tôi đọc với mong mỏi rằng mỗi lần mạ lo lắng cho chín người con và các cháu, dâu rể thì mạ vững tin niệm Quán Thế Âm Bồ-tát.

Tôi chợt hiểu ra rằng, khi gặp nạn thì người bị nạn sẽ nghĩ đến người thân gần gũi nhất, được thương yêu nhất, vì vào thời khắc đó, có thể bắt gặp một nối kết vô hình nào đó để người bị nạn có được phút chốc an ủi như liều thuốc morphin làm vơi dịu cơn đau. Vì thế, tôi liên tưởng đến những người tự sát, phải chăng họ không còn ai để chia sẻ, không còn ai để được vỗ về, an ủi nên đã dẫn đưa họ vào con đường tuyệt vọng.

Viết đến đây, chợt nhớ mơ hồ đâu đó trong sách của Phạm Công Thiện từng viết lúc ông sống ở Đà Lạt, ông muốn tự sát vì không ai hiểu ông, không ai chia sẻ cùng ông… Nhưng trong một đêm vắng dưới cơn mưa phùn lạnh giá của Đà Lạt thời còn mộng mơ, những bước chân ngỡ là cuối cùng của ông, bất chợt khựng lại, khi một ông lão xuất hiện và đưa ông chiếc áo mưa, Phạm Công Thiện đã run rẩy đón nhận, cho dù đối với chàng thanh niên lang bạt như Phạm Công Thiện thì chiếc áo mưa kia là không cần thiết lúc đó, nhưng ông run rẩy do xúc động vì đón nhận tình người, để rồi ông nhận ra rằng bên cạnh ông vẫn còn những con người thật sự, vẫn còn sự chia sẻ đúng nghĩa và đúng thời điểm. Đêm đó, ý nghĩ về tự sát đã tan biến trong trí tưởng của Phạm Công Thiện, ông thấy cuộc đời đáng sống hơn bao giờ hết.

Qua câu chuyện đó, tôi cảm nhận được Quán Thế Âm Bồ-tát chính là hiện thân của tình người, chính là tình thương và sự sẻ chia nỗi đau trong mọi hoàn cảnh. Vì người ban tình thương là người còn hạnh phúc hơn cả người đón nhận. Tôi nhận ra khi mình chăm lo cho những đứa con chính là niềm vui lớn nhất, cũng như chăm lo cho ba mạ và những người thân cũng vậy. Như khi mình niệm Quán Thế Âm Bồ-tát để cầu nguyện an lành cho mọi người thì mình là người bình an đầu tiên, mặc dù tôi chưa bao giờ cầu nguyện cho chính mình.

Cho đến bây giờ, thế giới vẫn đem sự bất an đến với mọi người, từ những nước văn minh nhất, cho đến các quốc gia khép kín hay những nước đang phát triển. Nào là tai nạn giao thông, tai nạn máy bay, tai nạn trên sông trên biển; nào là khủng bố nổ bom, xả súng, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, bán nội tạng, nào thông tin ảo, thông tin đen,… Tất cả đều do tâm thức bao trùm ở quốc gia đó không có sự thanh bình. Cũng như trong một gia đình vậy, khi sự bất an xâm lấn vào các thành viên trong gia đình thì gia đình đó không có được sự bình an. Với một quốc gia thì người ban bố phần nào thanh bình cho người dân chính là chủ trương đường lối đề ra của chính phủ hợp với lòng dân, điều mà Nguyễn Trãi đã nói “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” hay người xưa nói muốn trị quốc thì phải an dân, đó là chính trị, nếu không làm được thế thì không phải chính trị mà đó là tà trị.

Vậy, thì vấn đề đặt ra là sự thanh bình trong mỗi cá nhân được hình thành như thế nào? Chỉ có tôn giáo đích thực đem lợi lạc đến tất cả mọi người, bất vụ lợi cá nhân, lợi ích nhóm mới đem lại thanh bình nội tâm cho mỗi con người. Như hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm thị hiện trong tâm thức của mỗi người khi niệm danh hiệu một cách trọn vẹn và vô cầu. Đặc biệt, với hình ảnh Quán Thế Âm ở Dương Hòa, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, vì sao người thập phương dồn về ngày một nhiều vào dịp rằm và mồng một, cho dù chỉ ở hình thái tín ngưỡng, nhưng đó là cánh cửa để đi vào khám phá tâm hồn của mỗi người.

Phải chăng chúng ta đang có chung một bà mẹ tâm linh mà chúng ta không biết cách để gần gũi, để được che chở, được xoa dịu khi những cơn đau ập đến. Mẹ tâm linh là người đang nối kết mọi người để cùng hướng về, cùng chia sẻ, cùng mang lại thanh bình nội tại cho nhau, và khi khối tâm thức đó hội tụ ngày mỗi lớn dần thì sự bình an sẽ lan tỏa để xua tan nỗi bất an đang cuồn cuộn từ khởi nguyên ập về.

Tôi xin được gọi Quán Thế Âm Bồ-tát là bà mẹ tâm linh của dân Việt và cũng mong rằng, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo trên thế giới nên có một người Mẹ tâm linh để mỗi đứa con lạc lối có nơi hướng về và nương tựa để được chở che, xoa dịu và chuyển hóa cơn đau ẩn sâu tận trong cõi lòng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.