Cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, người địa phương gọi thân mật là “mệ Huệ”, pháp danh Nguyên Hương, sinh năm 1922. Năm nay (2023) dù đã ngoài trăm tuổi, vậy mà hàng ngày, mệ vẫn miệt mài, tỉ mẩn may gối trái dựa cung đình để lưu giữ nghề truyền thống.
Như nhiều người dân sinh ra ở cố đô, mệ Huệ quy y Tam bảo từ thuở ấu thơ. Đặc biệt hơn, mệ đã ăn chay trường được 60 năm nay, từ sau pháp nạn Phật giáo bị đàn áp tại Huế năm 1963.
Dù đã 101 tuổi, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ mỗi ngày vẫn tỉ mẩn may gối trái dựa - Ảnh: Như Danh/Báo Giác Ngộ |
Giữ nghề truyền thống
Ghé nhà mệ Huệ (xóm 8, thôn Giáp Đông, X.Hương Toàn, TX.Hương Trà, TP.Huế), được gặp trò chuyện và trực tiếp thấy mệ làm việc với những đường kim mũi chỉ thẳng thớm, tỉ mẩn, tinh tường, người viết không khỏi bất ngờ bởi mệ ở tuổi đã ngoài một thế kỷ!
Mệ Huệ cho biết mình là cháu nội của Hoài Đức Quận vương Nguyễn Phúc Miên Lâm, chắt nội vua Minh Mạng. Lúc còn nhỏ, mệ Huệ ở nhà phụ cha làm nghề thuốc Bắc. Năm 17 tuổi, mệ vào cung học may vá, thêu thùa như các cô gái khuê các Công tôn nữ khác. Từ đây, mệ được tiếp xúc với gối trái dựa, loại gối có nhiều nếp gấp, có thể gập mở để gối đầu, tựa lưng, hoặc tì cánh tay trong lúc ngồi đọc sách, thưởng trà.
Nụ cười và ánh mắt của mệ luôn rạng rỡ khi nói về việc làm gối trái dựa, về những giá trị truyền thống của một thời vàng son và nếp nhà cần giữ gìn cho thế hệ sau. Cùng với mỗi lời mệ chia sẻ, thời gian như ngừng lại, cùng sự hăng say của đam mê, đưa người nghe tìm về cội nguồn nguyên sơ.
Mệ nói để làm gối, công đoạn đầu tiên là phải đo vải cho bằng nhau sau đó cắt vải theo khổ cho thẳng thớm, rồi dùng chỉ may ruột gối; rồi thì chèn bông vào từng ruột gối sao cho gối vuông vức. Cuối cùng sẽ kết thành 5 lá gối, may thêm vải bọc ngoài. Mệ cho biết làm gối không khó, nhưng mọi công đoạn cần phải tỉ mỉ, cần phải kỹ, sai đi một tí thì bị phồng lên, không đẹp…
Để tự nhắc mình, mệ đã dán câu “thần chú” ở nơi dễ đọc nhất: “Hãy làm chu đáo việc bạn đang làm”. Trước tiên là dặn mình, sau là răn dạy con cháu trong nhà luôn cố gắng tỉ mỉ, chu đáo trong công việc kể cả những việc nhỏ nhất.
Mệ Huệ bên chiếc gối trái dựa - Ảnh: Journeys in Hue |
Trăn trở về nghề truyền thống nay đã dần mai một, mệ Huệ bày tỏ: “Tôi luôn mong người ta ưa chuộng cho nhiều, để mình có thể sống với nghề, và truyền lại cho con cháu. Chứ tuổi lớn rồi, ra làm cái chi cũng đâu có được, giờ truyền lại cho con cháu để có thể sống được cái nghề lành, có tiếng tăm tốt là hết sức quý”.
Hiện tiếp nối nghề ở gia đình mệ có con gái, con dâu và cháu, trong đó cô Lê Thị Liền (69 tuổi) - con dâu của mệ được xem là người nối nghề giỏi nhất. Cô Liền cho biết hồi xưa thấy mệ làm một mình, rồi thương nên cô phụ, làm riết quen tay, thành ra làm thiệt. Cô Liền kể có nhiều khách yêu quý các giá trị truyền thống nên đặt mua về làm quà tặng. Cũng có những người ở nước ngoài tới mua về tặng cho mẹ và các cháu, nhưng việc làm gối luôn không ổn định, vì ít người biết đến.
“Chỉ mong có người đặt hàng để làm thôi, chứ bây giờ lớn tuổi rồi, khi mệ mất mình tiếp tục nối nghề của mệ. Nghề này cũng khó, hàng không đều, với người bình thường đi làm thì đâu có thời gian để sử dụng gối trái dựa, chỉ mong có hàng vừa đủ là được rồi, chỉ cần giữ cái gốc của mệ thôi”, cô Liền bộc bạch.
Ít ham muốn biết đủ
Bằng nụ cười hiền lành, dễ thương cùng với sự hóm hỉnh trong từng lời kể, mệ Huệ cho biết từ khi còn trong bụng mẹ đã theo mẹ đi chùa, rồi thường theo ba (cụ ông Nguyễn Phúc Hường Dẫn) khám chữa bệnh, tối về tụng kinh, dạy chữ Nho, nên cứ thế mà làm theo. “Ông chữa bệnh hay lắm mà dạy chữ cũng giỏi nữa. Có lẽ nhờ đó mà tui cũng rất sáng dạ, thông minh”, mệ Huệ cười hiền, kể lại.
Mệ cho biết lúc nhỏ ở gần nhà cư sĩ – bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, mỗi tối ông tụng kinh cầu an, nghe tiếng chuông đánh boong, qua tiếng thứ 3 là mệ đã có mặt ở nhà của vị đại cư sĩ hộ pháp này. “Qua đó chưa biết tụng kinh chi hết vì còn nhỏ, rồi quen quen, rồi mê, nghe tụng kinh rồi thuộc luôn”, mệ Huệ nói.
Gia đình bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cúng dường gối trái dựa đến chùa Từ Hiếu trong mùa an cư - Ảnh: Journeys in Hue |
Năm 1963, mệ tham gia phong trào tranh đấu phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo, có những ngày ở lại chùa Tỉnh Hội (Từ Đàm) phụ làm việc, tối tụng kinh, sáng dậy lo quét dọn, nuôi người bệnh. Mệ nhớ lại: “Hồi đó không thấy vất vả, không mệt. Cái tâm mình cứ rứa mà làm, không buồn, cũng không vui không có chi hết. Cái đó là từ nhỏ nó vậy”. Rồi từ đó mệ phát nguyện ăn chay trường cho tới nay, đã 60 năm để cầu cho Phật giáo trường tồn và cho những đạo hữu của mình được khỏe mạnh.
Mệ cho biết thường ngày vào buổi sáng, mệ ăn bánh mì với sữa, hoặc mì trộn, trưa với tối ăn cơm, có khi cà-rốt kho với nước tương, đậu bắp luộc… Món mệ ăn không ngọt quá, không mặn quá, không cay quá, và được cắt nhỏ.
“Tui ăn rất bình thường, mà khỏe biết mấy, có lẽ được Phật gia hộ. Còn đi chùa là trong bản ngã mình ưng, nhớ lời Phật dạy nên không có cái chi mà quá, vừa đủ thôi, không có chi hết, vừa đủ thôi, rứa mà làm thôi”, nụ cười mệ Huệ bật lên như tỏa nắng giữa mùa đông mưa rét cố đô.