Mạnh mẽ vượt qua những lần thi

GNO - Hôm qua, buổi tối đang ngồi trước màn hình máy tính thì có cuộc gọi đến của cô em họ. Tuy là họ hàng xa với nhau nhưng hai anh em chơi với nhau thân thiết, chia sẻ những chuyện vui, buồn trong cuộc sống như những người bạn tri kỉ.

Bên kia đầu dây tôi nghe tiếng em nấc nghèn nghẹn, đoán chắc rằng em đã trượt vòng thi cuối cùng của một ngân hàng lớn ở thành phố. Bởi mấy hôm trước em khoe với tôi rằng, đang ở trong tâm thế sẵn sàng, chuẩn bị tốt nhất có thể cho đợt thi tuyển lần này. Em cũng hi vọng lắm!

Vậy mà… cuộc sống không như cuộc đời, không thể theo ý nghĩ của mình được. Tôi biết em buồn. Dĩ nhiên, trong trường hợp là em tôi cũng sẽ buồn, khi mà bản thân chúng ta đã hi vọng vào một điều gì đấy, không làm được thì buồn lắm. Em bảo, tại sao em chuẩn bị tốt đến thế, bằng cấp, bảng điểm, kể cả ngoại hình ổn như thế sao lại có thể trượt được? Tôi cũng chẳng biết nói gì với em ngay lúc này, chỉ động viên em rằng hãy quên mọi chuyện hết đi, xốc lại tinh thần để vạch cho mình phương hướng tiếp theo.

Sau cuộc nói chuyện với cô em tôi ngẫm nghĩ lại cuộc đời của mình. Tôi hơn em 6 tuổi. Ba mươi năm qua trong cuộc đời tôi đã trải qua không ít những kỳ thi và đã nếm mùi thất bại. Một trong những thất bại lớn nhất mà tôi gặp phải đó là cú sốc trượt đại học.

muathi.jpg


Tự tin trong mùa thi - Ảnh minh họa

Không phải tự cao, ảo tưởng về bản thân mình, chứ ngày ấy tôi là học sinh giỏi của một lớp chọn, được thầy cô đánh giá và dự đoán là một trong những người đỗ đại học đầu tiên của lớp. Vậy mà tôi đã trượt đại học. Thầy cô, bạn bè lúc đó cũng sốc không kém bản thân tôi, họ nói rằng với lực học của tôi như vậy thì “trượt còn khó hơn cả đỗ”. Tôi đã mắc phải sai lầm trong bài thi, chủ quan những bài dễ, không rà soát lại sau khi tính toán và còn thừa thời gian. Và những sai lầm đó tôi phải trả giá cho việc trượt đại học. Tuổi mười tám của tôi với bao mơ mộng, hi vọng thì bỗng chốc bị dập tắt. Sau đó tôi bị stress rất nặng.

Nhưng may mắn tôi không bị bỏ rơi lúc đang xuống vực thẳm. Gia đình, thầy cô và bạn bè đã đến bên tôi, cho tôi những lời khuyên bổ ích để cố gắng cho mùa thi năm tới. Chẳng còn ai nhắc tới chuyện cũ, một học sinh giỏi mà bị thi trượt đại học nữa. Bố mẹ hỗ trợ toàn phần thời gian để tôi có thời gian nghỉ ngơi, học hành. Bạn bè lâu lâu lại gửi quyển sách tham khảo nọ kia để tôi ôn kiến thức. Và tôi đã vào được đại học năm liền kề sau đó.

Rồi khi vào đại học, rất nhiều cuộc thi lớn nhỏ tôi tham gia nữa. Có cuộc thi tôi thành công, cũng không ít cuộc thi tôi bị dừng bước. Ngày ấy, trên truyền hình đang còn có cuộc thi “Rung chuông vàng” cho sinh viên của các trường. Nhà trường tổ chức sơ tuyển, tôi đăng ký nhưng không thể vượt qua các ứng viên khác. Hay cuộc tuyển chọn làm tình nguyện viên dự án môi trường ở khoa tôi cũng bị đánh rớt ngay vòng đầu nộp hồ sơ. Nhưng tôi chỉ buồn một chút rồi thôi. Tôi luôn giữ cho mình lối tư duy, suy nghĩ tích cực mà không ảo tưởng. Tại thời điểm lúc đó, tôi không cho mình là thất bại mà nghĩ rằng mình chưa phù hợp với sân chơi, cuộc thi đó. Nhiều người nổi trội hơn mình. Sự cố gắng của mình chưa đủ để vượt qua đối thủ.

Thay vì ủ rũ, buồn bã làm nhụt tinh thần, tôi bổ sung thêm kiến thức, cho dù không có đợt thi rung chuông vàng lần sau đi chăng nữa, hay đợt tình nguyện cho dự án môi trường mãi mãi khép lại nhưng tôi vẫn có thể tự tin với vốn kiến thức của mình để sau này gặp một ai đó hay gặp lại một cuộc thi cần kiến thức tương tự thì tôi có thể sẵn sàng tham gia. Khi làm hết sức mình, dẫu có thành công hay thất bại tôi tin bạn cũng như tôi thôi sẽ rất hạnh phúc với thành quả của mình.

Trải qua bấy nhiêu kì thi trượt là bấy nhiêu kinh nghiệm, không phải vì vô cớ, mà người ta lại đúc rút câu “thất bại là mẹ thành công”. Tuy nhiên, khi thua cuộc mỗi chúng ta cần nhìn nhận lại bản thân, xem nguyên nhân tại sao mình lại thất bại? Bổ sung điểm yếu, học hỏi thêm để chinh phục mục tiêu trong lần sau, không sao cả! Như cô em họ của tôi, phải đặt câu hỏi tại sao nhà tuyển dụng chọn người khác mà không phải là mình? “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Hôm nay bạn thất bại, không đồng nghĩa là những lần sau đó bạn thất bại liên tiếp. Hãy vững vàng một niềm tin vào bản thân, vào sức mạnh ý chí, giữ cho mình lối suy nghĩ tích cực tối đa. Tôi tin người khác làm được, bạn cũng sẽ làm được!

Tăng Hoàng Phi (Hà Nội)

Nhật ký cuộc sống

Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác.

Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV.

PGTT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.