Năm 1964 tôi về Trường đại học Văn khoa Sài Gòn học tiếp cử nhân triết Đông. Thầy Thích Minh Châu dạy triết học Ấn Độ và Sanscrit lại vừa làm viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh, Thầy là một tiến sĩ triết học Phật giáo ở nước ngoài về, rất thương học trò và bảo vệ sinh viên tranh đấu bị cảnh sát theo dõi.
>>
Tiếc thương cố HT.Thích Minh Châu
>>
Trưởng lão HT.Thích Minh Châu viên tịch
>> Chủ tịch nước gửi vòng hoa kính viếng
Thầy Minh Châu tại triển lãm tranh của tác giả (bìa phải) - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Sinh viên chúng tôi thường “gọi lén” thầy là “ông Phật sống” với thái độ vô chấp, luôn giữ nụ cười từ bi, hỉ xả và thương yêu mọi người...
Năm 1966, tôi bị tù 3 tháng ra, bị theo dõi nên phải đi trình diễn văn nghệ dân tộc ở Tổng hội Sinh viên, Sinh viên Phật tử rồi Đại học Vạn Hạnh do nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ hướng dẫn vào các dịp lễ, tết... Chúng tôi diễn Bông hồng cài áo trong lễ Vu lan để nhớ mẹ, hay Nhớ người thương binh, Hòa bình ơi hãy đến để lên án chiến tranh. Nhất là nhạc kịch Sắc lụa Trữ La tôi phải giả trai đóng đại quan Điền Quân về làng thăm mẹ mất, thấy vợ tiều tụy và dân làng quá khổ vì tham quan gian ác, tôi phải vứt áo đại quan xuống sông để chống đối và khóc mẹ!
Thầy Minh Châu rất thích màn này và phát biểu: “Văn hóa dân tộc và tình tự dân tộc là mẫu số chung để chấm dứt 25 năm chiến tranh, chừng nào mọi người chịu quay về với tình tự dân tộc của mình, chiến tranh mới có duyên chấm dứt”. Và thầy kêu gọi sinh viên Vạn Hạnh hãy khơi dậy cái tình tự dân tộc đó trong lòng người.
Năm 1968, tôi lại bị tù 4 tháng. Ra tù, tốt nghiệp đại học, kết hôn với bạn Nguyễn Hữu Thái, sinh viên kiến trúc cũng mới ra tù, cùng tranh đấu cho hòa bình VN. Năm 1972 anh Thái lại bị bắt, tôi đành phải nghỉ dạy, ở nhà làm bánh nuôi con đi học và chồng ở tù. Một hôm mang bánh vào cho câu lạc bộ Vạn Hạnh, gặp thầy Minh Châu. Thầy hỏi chuyện tôi rồi lắc đầu nói: “Bỏ luôn cái cao học sao? Thôi về viết đơn mai đem đến văn phòng thầy cho vô làm giảng nghiệm viên, phụ khảo cho thầy Thục, rồi tiếp tục cao học triết với thầy Lê Mạnh Thát đi”... Tôi bỗng trào nước mắt và nhớ mãi hình ảnh thầy hôm ấy, trong cái tâm Phật của thầy vừa có tình thầy - trò, vừa có tình cha - con”.
Năm 1975, thầy về Thiền viện Vạn Hạnh trên đường Nguyễn Kiệm bây giờ, hồi đó còn nhỏ và sơ sài lắm. Chúng tôi xong việc liền chạy qua phụ giúp các thầy mà muốn khóc.
Thầy Minh Châu lại cười bảo: “Các con về lo cho gia đình đi, Tăng Ni ở đây biết làm tương, chao nuôi thầy sống được rồi, không can chi mô! Ngày xưa Đức Phật đi tu, ngài chỉ ngồi dựa gốc cây bồ đề thôi mà cũng tu được”. Chúng tôi nhìn nhau muốn khóc, thầy Minh Châu là như vậy đó, luôn thương yêu học trò như con trong mọi hoàn cảnh, cái tâm Phật của thầy đã sáng mãi trong tâm trí chúng tôi như ngọn lửa thiêng để không bao giờ chịu lùi bước trước khó khăn và luôn cố gắng vượt lên để giúp đời bớt khổ... Nhờ vậy chúng tôi đã lao vào công tác những ngày đầu cách mạng đầy thách thức và mỗi khi nhớ đến thầy là cứ “ráng lên”.
Năm 1990, tôi đi Canada đoàn tụ gia đình, thường về thăm thầy, đưa thầy xem hình cùng hai con Thái Hòa, Thiên Nga lập đoàn văn nghệ Lạc Việt gồm sinh viên VN và nước ngoài đi trình diễn văn nghệ dân tộc được hoan nghênh lắm. Thầy rất vui thích và nói: “Bảo các cháu về đây diễn đi”. Năm 2002, tôi về VN luôn. Thầy hơi yếu nhưng rất vui khi cắt băng khánh thành triển lãm tranh thủy mặc và thư pháp của chúng tôi.
Ngày 1-9-2012 nghe tin thầy mất, tôi khóc ngất chạy qua Thiền viện Vạn Hạnh thấy thầy nằm như ngủ. Đám tang thầy, ai cũng nói chưa có đám tang nào mà người VN ở nước ngoài về dự đông như vậy. Chúng tôi vừa khóc nhiều vừa hãnh diện lắm về ngọn lửa thiêng của thầy trong tâm - trí chúng con. Thầy ơi!...