Lòng vị tha, pháp hành cần thiết trên con đường giải thoát

NSGN - Đức Phật rời bỏ cung vàng điện ngọc, đi tìm chân lý cũng phát xuất từ tấm lòng vị tha vô biên hướng đến nhân loại nói riêng và mọi loài chúng sanh trong Pháp giới đang trầm luân đau khổ trong sanh tử luân hồi. Và sau khi thành đạo, Đức Phật không nề hà cuộc sống dầm mưa dãi nắng, không nghĩ gì đến lợi lạc cho riêng mình. Trong suốt 49 năm giáo hóa độ sanh, Ngài đã lặn lội khắp vùng ngũ hà Ấn Độ cũng chỉ nhằm mục đích chỉ dạy mọi người cách sống an vui, hạnh phúc, giải thoát và xây dựng xã hội phát triển, thái bình, thịnh vượng.
ht tri quang1.jpg
Một góc quần thể hang động Ajanta, Ấn Độ

Ngày nay, bước theo dấu chân Phật, trên bước đường tu tập, chúng ta tự hoàn thiện mình trong từng ngày. Một trong những pháp tu căn bản quan trọng trong quá trình hoàn thiện mình, đó là thực hiện lòng vị tha. Thật vậy, vị tha là pháp hành vô cùng cần thiết mà hàng đệ tử Phật cần rèn luyện để tạo dựng được cuộc sống hòa hợp, an vui, giải thoát cho mình và cho mọi người.

Nói đến đạo Phật, tiền đề căn bản luôn được nhắc đến rằng đạo Phật là đạo từ bi, vô ngã, vị tha. Nói cách khác, lòng vị tha được xây dựng trên nền tảng từ bi và vô ngã, nghĩa là phát xuất từ tình thương yêu, người vị tha biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để cảm thông sâu sắc sự vui buồn, khó khăn của họ và từ đó thực hiện những phương cách cưu mang, giúp đỡ người khác một cách vô điều kiện, thậm chí hy sinh lợi ích và hạnh phúc của riêng mình để cho người có được cuộc sống tốt đẹp.

Thực sự người có lòng vị tha là người biết nghĩ đến người khác, biết tha thứ những lỗi lầm của họ. Chính phẩm chất tốt đẹp này là chất keo gắn bó tình thân giữa các thành viên trong gia đình, thắt chặt tình bạn hữu, tình pháp lữ, cho đến mở rộng vòng tay nhân ái với mọi người trong đoàn thể, trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, thể hiện lòng vị tha không đơn giản, nhất là bao dung, tha thứ những tội lỗi của người rắp tâm hại mình, Mặc dù khó làm, nhưng chúng ta theo Phật là nương theo trí sáng suốt để quán sát mọi tình huống xảy đến trong cuộc sống của mình mà tùy theo đó có cách ứng xử đúng đắn. 

Trước hết, có thể nói vị tha đối với người hại ta là vì lợi ích cho chính mình. Thật vậy, vì nếu không tha thứ cho họ, mà cứ nuôi dưỡng lòng oán giận thì tâm xấu ác này sẽ gặm nhấm tâm trí mình, khiến cho tinh thần ta căng thẳng, khó chịu, bất an, tất nhiên sẽ tác hại không ít đến sức khỏe và công việc của mình. Và hạt nhân oán ghét, giận dữ vẫn được tàng trữ trong tâm thức ta, đến một lúc nào đó, nó gặp duyên khiến ta phát ra lời nói thô ác, sai lầm, tiếp theo là hành động tàn ác để trả thù, chắc chắn dẫn đến hậu quả tai hại, phá vỡ sự bình yên của ta và gia đình.

Ngoài ra, chúng ta biết rằng trên cuộc đời này, không có ai hoàn hảo, người nào cũng có lần phạm sai lầm. Họ nói điều xấu ác, hại ta, vì suy nghĩ, lời nói và hành động của họ phát xuất từ sự không biết là vô minh. Nếu biết tội lỗi như vậy sẽ gây ra hậu quả đáng sợ như thế nào thì họ đã không dám làm. Nghĩ như vậy, ta dễ dàng tha thứ cho người tổn hại mình.

Và tiến hơn một bậc nữa, tu theo Phật, thấm nhuần luật nhân quả, chúng ta khởi tâm thương xót người ác làm tổn thương mình. Vì họ đã tạo nghiệp ác, có ngày phải nhận lãnh quả báo khổ đau, trong khi ta nhường nhịn họ, tha thứ cho họ, lòng ta thanh thản, chỉ lo nỗ lực tu hành, nên công đức được tăng trưởng. Nói cách khác, nhờ họ mà mình có cơ hội thành tựu hạnh vị tha theo Phật dạy; cho nên cảm thấy thực sự thương họ hơn là ghét họ.

Tuy nhiên, trên bước đường tu, có lúc chúng ta cũng chạm trán với người ngang tàng, không biết đạo đức là gì. Họ nói rằng họ không cần ta tha thứ gì cả và họ sẽ có cách đối phó. Nhớ lời Phật dạy, ta phải nhận ra rằng trong trường hợp này mình đang gặp lại oan gia trái chủ đây. Như vậy thì càng cần bình tĩnh hơn, giữ tâm thanh tịnh và quán sát thực tại để giải quyết một cách nhẹ nhàng nhất có thể. Thiết nghĩ đó là cách tốt nhất giúp ta vượt qua chướng ngại và giữ tâm an vui trên bước đường tu tập, nhất là hòa hợp được với người xung quanh.

Đặc biệt, đối với các bậc chân tu, các bậc Thánh nhân, tâm vị tha của các ngài mang lại kết quả thực lớn lao. Điển hình như Thánh Đề Bà, ngài đã đưa chiếc y cho kẻ ngoại đạo sát nhân đã hại ngài. Hắn mặc y của ngài để có thể thoát ra khỏi tu viện mà không bị bắt. Tâm vị tha vô biên và hành động vị tha vô cùng của ngài đã chạm đến trái tim của tên sát nhân khiến hắn ta hối hận đến mức quỳ xuống xin làm đệ tử ngài. Tấm lòng vị tha của Thánh Đề Bà đã chuyển hóa tâm cực ác của kẻ sát nhân quay về đường thiện, mở ra cuộc sống thiện lành cho hắn bước đi trên con đường tương lai tươi sáng.

Tóm lại, đối với hàng đệ tử Phật, tấm lòng vị tha và việc làm vị tha rất cần được phát huy trên nền tảng từ bi và vô ngã. Đó là pháp hành giúp chúng ta thanh lọc tâm trí, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp và thể hiện những việc làm lợi lạc cho mọi người. Và đó cũng là một trong những pháp hành giúp chúng ta phát huy trí giác, tăng trưởng đạo hạnh để thăng hoa trên lộ trình tiến đến quả vị Toàn giác, đồng thời xây dựng tiểu Cực Lạc trên nhân gian này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.