Lòng hiếu thảo của chàng trai khiếm thị

GN - Tai nạn giao thông đã tước đi đôi mắt của em Lại Hữu Thành, lấy đi thanh xuân và đem đến biết bao xáo trộn cho cuộc đời nhiều hoài bão của chàng trai trẻ.

trangtre.1063.1.jpg
Khoảnh khắc hạnh phúc giản đơn của Thành mỗi ngày là chỉ cần ngồi cạnh ba
- Ảnh: Khánh Vi

Sâu thẳm tình thương

Theo lời giới thiệu của bạn đọc báo Giác Ngộ, chúng tôi tìm đến căn nhà số 148/2/13 Tôn Đản, P.10, Q.4, TP.Hồ Chí Minh, nơi hai cha con Thành sinh sống. Đến đây, hỏi thăm nhà của Thành, ai cũng biết. Cô Tám, người có hàng bán cơm tấm ở đầu hẻm nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đến tận nhà Thành, vừa đi, cô vừa kể: “Hai cha con đều khuyết tật, nhưng sống đàng hoàng, hiền lành, ai cũng thương. Cha thì khuyết tật ở hai chân, còn Thành thì khuyết tật đôi mắt, sống mũi gãy dập nát, ngoại hình khiêm tốn. Thành khù khờ vậy chứ lòng hiếu thảo của nó thì cả xóm này ai cũng biết”. 

Vừa vào đến trước nhà, đã nghe tiếng của Thành vang vọng: “Ba cúng bữa sáng cho mẹ, rồi ba có cúng nước chưa. Có quên cúng nước không đó”. Liền sau đó là tiếng ba em đáp lại: “Có chứ, đâu để mẹ con khát nước đâu mà con lo”. Biết có người đến, Thành liền lò dò bước ra. Trước nay, đa số ai đến nhà Thành cũng chủ yếu là để tìm mẹ em, vì vậy, cho đến bây giờ, khi mẹ Thành đã mất, em vẫn luôn nghĩ những người khách lạ đến nhà cũng đều là để thắp hương cho mẹ.   

Chú Sơn, ba của Thành kể: “Vợ tôi vừa mất vì bệnh ung thư. Những ngày vợ tôi bệnh nặng, dù không nhìn thấy nhưng Thành chăm mẹ kỹ lắm. Lúc mẹ đau, nó cứ ôm mẹ, cho mẹ nó tựa vào lòng, mà người nó thì nhỏ thó. Mẹ mất rồi, ai chỉ nó làm gì để tốt cho mẹ, là nó đều làm. Mỗi ngày Thành đều thắp nhang cho mẹ, mỗi lần nhớ là lại thắp nhang. Có bữa muốn cúng nước, nhưng chưa quen tay, nó quơ trúng, làm đổ hết đồ trên bàn thờ. Sáng vừa ngủ dậy là hỏi, hôm nay mình cúng cơm món gì cho mẹ, như đã thành thói quen”.

Chi phí sinh hoạt hàng ngày của hai cha con Thành chủ yếu dựa vào khoản tiền trợ cấp một triệu một trăm bốn mươi ngàn. Cũng vì chỉ có được mức tiền eo hẹp như vậy, tất cả chi tiêu đều được chú Sơn tính toán kỹ lưỡng từng đồng, gói ghém từng chút. Chật vật khó khăn là vậy, nhưng tình thương luôn hiện diện, tỏa sáng trong căn nhà của hai cha con Thành. Đối với Thành, ba nấu canh hay rau luộc, nước tương, món nào cũng thơm ngon, dù tai nạn đã làm hỏng cặp mắt, tổn thương dây thần kinh, gãy sống mũi, khiến Thành không ngửi được các mùi thơm gia vị.

“Một ngày hai cha con ăn cơm hai cữ, trưa và chiều, còn cữ sáng rất ít ăn. Tháng nào mà có mạnh thường quân, với các chùa cho gạo, mì gói, nước tương, là tháng đó hạnh phúc lắm, được ăn no cơm, dư ra tiền mua đậu hủ, rau cải thêm nữa. Có bữa, chỉ dám mua ổ bánh mì không, về ăn nước tương, có khi ba chiên cho cái trứng”, Thành chia sẻ.

Ước mơ của Thành

Dù cho tuổi đã ngoài 35, nhưng do sức khỏe yếu, cộng thêm ảnh hưởng của tai nạn, nhiều lúc Thành nói chuyện ngây ngô như đứa trẻ. Tuy vậy, những gì liên quan đến người mẹ quá cố của mình, Thành không hề quên.

“Lúc mẹ còn sống, mẹ bán vé số để lo cho em và ba. Em có nghĩ đến việc phụ mẹ, nhưng mẹ cứ nói, mày đừng đi lung tung, không thấy đường đi đâu, đi lạc mẹ biết đâu mà tìm. Trong xóm có người bán vé số bị giựt hoài, mẹ nhiều khi cũng xém mất vé số, nên không cho em đi bán.

Lúc mẹ còn khỏe, mẹ dẫn em qua chùa Kỳ Quang 2 ở Gò Vấp để em học nghề. Mỗi lần em học là mỗi lần mẹ ngồi chờ. Em học bên trong, mẹ lạy Phật, tụng kinh ở bên ngoài. Đợi em học xong thì mẹ dẫn về. Nhưng em chỉ học được căn bản, chưa chuyên sâu, nên không tìm được việc làm”, Thành nhớ lại.

Riêng với ba, Thành luôn canh cánh trong lòng nhiều điều: “Em muốn có ai đó dạy nghề massage bài bản miễn phí cho em, và nhận em làm, để em có tiền lo cho ba, báo hiếu ba. Em không thấy đường, chứ em biết ba em không khỏe, đôi chân của ba đau nhiều, mà tại ba giấu đi không nói, không than. Tối ngủ chung, ba cứ xoay người, thức giấc không ngủ được là em biết”. 

Suy nghĩ của con trẻ làm cho chú Sơn trăn trở nhiều, có khi cả đêm thức trắng. “Có nhiều đêm nhớ vợ, rồi nghĩ đến con. Tuổi tôi cũng đã ngoài 60, sức khỏe cũng không như nhiều người khác. Tôi sợ nhiều thứ lắm, sợ bệnh nặng thì không có tiền lo thuốc thang, không nấu cơm nước được cho thằng Thành ăn, nhưng nói thật, sợ nhất là chết. Không phải mình sợ kiểu ham sống sợ chết đâu, mà sợ mình chết rồi thì không ai lo cho con mình, tội cho con mình”, nỗi lòng của chú Sơn, hẳn ai đã và đang là cha mẹ, đều thấu hiểu.

Trong tận cùng của khó khăn, tình yêu thương là chất liệu sưởi ấm lớn nhất, giúp hai cha con Thành thêm mạnh mẽ, dìu nhau bước qua khó khăn và hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Khi chúng tôi ra về, cũng là lúc Thành chuẩn bị giấy tờ, để gửi các cô chú trong “Hội Người mù” đi đăng ký xin quà ở các chùa, nhân mùa Vu lan. “Giờ mùa dịch Covid-19, không biết có cho hay không. Nhưng không có thì thôi, chứ không được đòi hỏi. Nếu có quà, thì ba Sơn sẽ đỡ hơn xíu”, Thành nói với tất cả niềm hy vọng và nụ cười tươi rói bừng lên trên gương mặt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.