Lời cảm ơn trên bìa carton và nhật ký của vị thầy trẻ

GNO - Những dòng nhật ký từ góc nhìn của một vị tu sĩ trẻ cùng những lời cảm ơn viết vội trên các bìa carton tại khu cách ly ở TP.HCM mang đến nhiều thông điệp ấm áp, niềm tin mạnh mẽ vào tình yêu thương, sự đoàn kết trong những ngày cao điểm chung tay chống dịch Covid-19.

Là một du học Tăng tại Thái Lan, trở về nước vào ngày 20-3, ĐĐ.Thích Thông Đạo cùng một số bạn đồng tu với mình được bố trí sinh hoạt tại khu cách ly G3, KTX Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ngày 3-4, khi hết thời hạn 14 ngày cách ly, hình ảnh lời cảm ơn được những người trong khu cách ly G3 viết trên những tấm bìa carton để tặng lại cho các chiến sĩ, ban quản lý, tình nguyện viên được thầy đăng tải, mang đến nhiều xúc động cho người xem.

anh 1.jpg
Các chiến sĩ dân quân tự vệ không ngại nắng nóng, thường xuyên túc trực
và làm nhiệm vụ chuyển các đồ sinh hoạt cần thiết tới cho người dân trong khu cách ly

Đặc biệt, kèm theo đó là những dòng nhật ký viết khi sắp hết hạn cách ly cũng được ĐĐ.Thích Thông Đạo chia sẻ, mang đến những thông điệp ý nghĩa về nhịp sống trong khu cách ly qua góc nhìn hội tụ đầy đủ các yếu tố Bi - Trí - Dũng của nhà Phật.

“Những tưởng cánh cửa khi đóng lại cũng là lúc không gian thu hẹp lại, sự tiếp xúc của chúng tôi như bị giới hạn trong 4 bức tường vuông của căn phòng kí túc xá với những thứ vật dụng và nhu yếu phẩm được chu cấp. Nhưng một thế giới khác lại tức thời mở ra…

Thế giới này được tạo nên bởi những câu chuyện về những kỷ niệm buồn vui trên con đường tu học của những anh em cách ly cùng phòng với những câu kinh, tiếng niệm Phật. Nơi mà có những sư huynh, sư đệ đã từng sống chung và gắn bó nhiều năm chung một phòng kí túc xá bên trường, lại có những người anh em, đã quen mặt biết tên nhưng chưa bao giờ gần gũi đến lạ thường như bây giờ" - thầy Thông Đạo viết.

Theo thầy, ai cũng mong dịch bệnh sớm tiêu tan, bình yên không lâu lại ngập tràn muôn nơi trên quê hương mình…

ĐĐ.Thích Thông Đạo chia sẻ: "Cảm ơn những màu xanh, màu của hy vọng, màu của niềm tin chiến thắng dịch bệnh. Cảm ơn các nhân viên y tế, những người anh, người em đã bao ngày chưa về nhà, bao đêm thức khuya với những buổi cơm vội, những giọt mồ hôi rơi. Có thể cánh cửa sắt và bức tường kia ngăn đôi hai thế giới, nhưng chúng ta đã gặp nhau và tiếp xúc trực diện nhau rồi. Đó là sự tiếp xúc của Từ Bi".

Theo thầy, tình nguyện cách li vì không phải là từ bi chỉ với bản thân mình, mà là biểu hiện của tình thương, trách nhiệm bảo vệ người mình thương: gia đình, người thân và xã hội. Ai cũng nuôi dưỡng ý thức tự giác, tuân thủ nội quy khu cách ly để ngăn ngừa sự bùng phát của dịch bệnh.

Còn bên kia, những người chiến sĩ trẻ lại biểu hiện tình yêu thương và đối xử tất cả mọi người nơi này như những người thân trong gia đình, hướng dẫn, tuyên truyền, nhắc nhở những nếp sống hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. "Và như thế, chúng ta lại tiếp xúc nhau trong ánh sáng của Trí Tuệ".

Thầy cũng nói về cái tâm dũng cảm. "Biết rằng trong khu cách ly có thể đối mặt với những mối nguy hiểm của sự lây lan dịch bệnh - nhưng tôi và anh đều có chung một chữ dũng. Đó là khi chúng tôi không né tránh cách ly, cũng như người chiến sĩ không ngại vất vả và hiểm nguy nơi này”.
ảnh 3.jpg
Những lời cảm ơn viết vội trên các tấm bìa carton trong ngày hết hạn cách ly dành trao tặng lại cho các chiến sĩ, tình nguyện viên


Chia sẻ với CTV báo Giác Ngộ, ĐĐ.Thích Thông Đạo cho biết 14 ngày cách ly là một khoảng thời gian để mỗi người cảm nhận rõ hơn về tinh thần, trách nhiệm của mình với cộng đồng, thấy được tình yêu thương thực sự giữa người với người cũng như thức dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết.

“Đây cũng là cơ hội trải nghiệm, ứng xử trước khó khăn, dịch bệnh cho chúng ta trong cuộc sống. Sự tiếp xúc cùng nhau của Bi-Trí-Dũng sẽ là nền tảng vững chắc cho chúng ta để chiến đấu với dịch bệnh và mang lại bình yên cho chính chúng ta mỗi ngày”, vị thầy trẻ nói.

Lương Đình Khoa
- Ảnh: NVCC

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.