Linh bất linh tại ngã

Đến chùa để thấy những điều vi diệu - Ảnh minh họa. Trong ảnh, danh thắng Tây Thiên ở Vĩnh Phúc
Đến chùa để thấy những điều vi diệu - Ảnh minh họa. Trong ảnh, danh thắng Tây Thiên ở Vĩnh Phúc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tôi ấn tượng và suy ngẫm nhiều hơn về câu “Linh bất linh tại ngã”. Bởi tự thân nó đã nói lên một điều rằng, ngoài lòng tin tuyệt đối từ bản thân thì còn là sự phấn đấu vươn lên, sự nghiêm túc, thành kính từ mỗi con người, được vậy mới mong mọi thứ vuông tròn như nguyện...

Thuở nhỏ, tôi thường đến chùa Lưỡng Xuyên học đạo. Tuy sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống mộ đạo, tin tưởng trời Phật, anh chị em chúng tôi đều được ba mẹ cho quy y Tam bảo từ tấm bé, nhưng thời trai trẻ, có lẽ tiêm nhiễm “lối sống mới” nên tôi không mấy mặn mà với chuyện mầu nhiệm tâm linh, thậm chí tôi còn nghiêng về phe duy vật.

Ngày đó, bạn bè chúng tôi thường hay tranh luận chuyện duy vật, duy tâm, cãi nhau chí chóe suốt ngày, ai cũng giành cho mình phần đúng, là chân lý. Nói vậy thôi chứ có đứa nào đủ hiểu biết, kiến thức, trình độ đâu mà khiến đối phương quy phục. Bản thân tôi cũng thấy nhận thức, hiểu biết của mình còn chênh vênh nên quyết… tầm sư học đạo.

Trong một lần học đạo với thầy (cố HT.Thích Thái Không), tôi hỏi: Thầy có tin chuyện linh ứng, mầu nhiệm không? Thầy cười khà khà nói, có câu “Linh bất linh tại ngã”, rồi giảng rằng: Linh ứng hay không là do ở bản thân mình. Nói cách khác, sự linh ứng chỉ hiển hiện với những ai có lòng tin thuần khiết, chân thành. Lời thầy khá thuyết phục, nhưng tôi vẫn còn… bán tín bán nghi. Tuy vậy, thật lòng mà nói, trong tôi đã có ít nhiều thay đổi.

Từ hôm đó tôi bắt đầu xoay chuyển dần quan điểm của mình, hay ít nhất là “thử” xem có đúng là “Linh bất linh tại ngã”. Nhưng có lẽ tâm trí của cậu trai trẻ còn nhiều dao động nên sự linh ứng cũng mù mờ, nhợt nhạt. Rồi lớn lên, đối diện với cuộc sống cơm áo gạo tiền, tôi dần quên đi việc thể nghiệm cái thế giới nhiệm mầu ấy.

Cho đến một hôm, tôi linh cảm được sự báo ứng sẽ mang đến cho tôi nhiều rủi ro, bất trắc, xuất phát từ việc làm thiếu nghiêm túc, kính cẩn của tôi với người quá cố. Hôm ấy, tôi cùng vợ đi xe máy trên đoạn đường chỉ hơn trăm cây số mà phải vá, thay vỏ ruột xe trên 10 lần. Một sự rủi ro rất không bình thường, chỉ vì sơ suất xúc phạm nên mới vậy, cho đến khi tôi thành khẩn vái van mong chư vị hỷ xả thì mọi thứ mới bình yên. Tôi nhận ra một sự thật rằng, trong thế giới hữu hình hay vô hình thì chúng ta cũng phải “sống” cho đàng hoàng, nghiêm túc! Có thể nói, trải nghiệm này là bước ngoặt thay đổi tận cùng quan điểm có sự linh ứng trong tôi.

Chuyện báo ứng, linh ứng hay nói đúng hơn là lòng tin vào cái thế giới đa chiều “Phàm Thánh đồng cư” đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống gia đình chúng tôi. Lòng tin hay linh ứng không chỉ với trời Phật thánh thần mà với cả người quá cố. Thậm chí với cuộc sống hiện hữu tôi bắt đầu tin vào quy luật nhân quả như làm điều thiện sẽ gặp quả lành, may mắn vậy. Bản thân tôi, gia đình tôi cũng đã cảm nhận được “sự đền đáp” cho tấm lòng thành, cho một lòng tin thuần khiết.

Tôi ấn tượng và suy ngẫm nhiều hơn về câu “Linh bất linh tại ngã”. Bởi tự thân nó đã nói lên một điều rằng, ngoài lòng tin tuyệt đối từ bản thân thì còn là sự phấn đấu vươn lên, sự nghiêm túc, thành kính từ mỗi con người, được vậy mới mong mọi thứ vuông tròn như nguyện (đơn cử như muốn thi đậu thì phải cố gắng học vậy).

Người bạn hỏi: Anh có tin vào sự linh ứng, vào thế giới vô hình…? Tôi đáp: Có. Bởi niềm tin ấy làm cho tâm hồn ta thanh thản hơn, khiến cho con người sống đàng hoàng, trật tự và tử tế hơn nhiều.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.