Hiểu đúng về “xả bỏ ham muốn”

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...
Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống...
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Theo tôi được biết, đạo Phật dạy con người xả bỏ ham muốn, nhưng thực tiễn cuộc sống thì vẫn phải có ham muốn. Như vậy đạo Phật cho phép ta muốn gì và không muốn gì? Thế nào là muốn ít và biết đủ?

(MINH HIỆP, vuminhhiep…@gmail.com)

Bạn Minh Hiệp thân mến!

Theo Phật giáo, ham muốn (tham lam, tham ái, tham dục, dục vọng) là phiền não căn bản tồn tại trong tất cả mọi người. Tham ái và vô minh chính là cội nguồn của mọi tranh chấp, khổ đau. Vì lòng tham vốn vô hạn, dục vọng không có điểm dừng nên Phật giáo dạy người phát huy tỉnh thức để chuyển hóa, giảm thiểu và buông xả bớt ham muốn nhằm thiết lập bình an, lợi mình và ích người. Xả ly toàn bộ ham muốn vị kỷ chính là bậc Thánh A-la-hán, hoàn toàn giải thoát sinh tử, khổ đau.

Vì bản chất của con người là tham-ái-dục nên xả bỏ ham muốn hoàn toàn (ly tham, đoạn tham) là ước vọng, là cứu cánh, còn sống trong đời thường giảm thiểu ham muốn đã là quý hóa lắm rồi. Nói cụ thể, mục tiêu của người Phật tử là buông xả bớt ham muốn, không bo bo vị kỷ, sống san sẻ vị tha để mình và người đều lợi ích, an vui. Nên phải xác định ly tham là mục tiêu sau cùng, bớt tham là mục tiêu hiện tại.

Ham muốn thì vô cùng, phân loại thì có tham ngũ dục (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ), đắm lục trần (đối tượng của sáu giác quan: sắc- cảnh đẹp, thanh- tiếng hay, hương- mùi thơm, vị- ngon ngọt, xúc- êm ái, pháp- những đối tượng của tâm ý). Dĩ nhiên khó có thể đạt được những tham muốn này, thường thì được cái này lại mất cái kia, dù sao thỏa mãn các tham muốn vẫn là hạnh phúc của thế thường. Thực tiễn đời sống phải có ngũ dục (không có là nguy), phải có đời sống dễ chịu (lục trần, ngoại cảnh không chướng nghịch) nhưng quá tham đắm lại là điều không tốt, nhiều mong cầu sẽ phiền não khổ đau.

Thế nên, người Phật tử cũng có mong muốn chính đáng như sức khỏe, bình an, hạnh phúc; mong muốn đầy đủ phước báo để lợi mình và lợi người. Thực tập buông bớt tham đắm, người Phật tử lập hạnh muốn ít và biết đủ (thiểu dục và tri túc). Muốn ít là vì biết nghĩ đến người, mong muốn được sẻ chia với người nên không gom hết cho mình. Biết đủ là không quá tham cầu, chấp nhận thực tiễn, vui với những gì mình đang có (vì muốn nhiều hơn chưa hẳn đã được mà càng nặng nề, bận tâm thêm).

Cần phải thấy rõ, các duyên bên ngoài (có vật chất, ngũ dục) chỉ là những điều kiện cần, bình an trong tâm mới là điều kiện đủ cho hạnh phúc, cho chất lượng cuộc sống. Chạy theo ngũ dục mà đánh mất bình an bản thân và gia đình là một sự trả giá quá đắt, một sự thiếu trí tuệ. Cho nên, người Phật tử lập hạnh muốn ít và biết đủ không phải là sự thụ động, kìm hãm sự phát triển kinh tế của bản thân và xã hội mà đó chính là thiết lập sự thăng bằng giữa phát triển vật chất và tinh thần, hài hòa giữa sự thành đạt và bình an.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.