Lịch sử Kinh Pháp Hoa

Lịch sử Kinh Pháp Hoa
Môn Kinh bộ: Chứng chỉ Kinh Pháp Hoa
Pháp Hoa là bộ kinh mà tôi rất tâm đắc và chọn làm pháp môn tu cho mình. Trên bước đường tu hành, tôi thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa hơn 50 năm và đã thuyết giảng bộ kinh này hơn 40 năm. Trong nhiều năm thuyết pháp, tôi đã triển khai ý nghĩa của 28 phẩm kinh Pháp Hoa. Và trải qua một thời gian dài sống gắn bó mật thiết với yếu nghĩa của bộ kinh Pháp Hoa, tôi rút ra những phần quan trọng trong bộ kinh này để thuyết giảng gọi là Bổn môn Pháp Hoa kinh.

Sau đó, giảng dạy bộ kinh Pháp Hoa cho Tăng Ni sinh tại Viện Phật học thành phố Hồ Chí Minh và trường Cao đẳng Phật học, tôi lại nảy sinh một số ý tưởng mới về bộ kinh này. Vì thế, tôi biên soạn quyển Cương yếu kinh Pháp Hoa để bổ sung cho hai tác phẩm Lược giải kinh Pháp Hoa và Lược giải Bổn môn Pháp Hoa kinh đã in ấn trong các giai đoạn trước.

Vừa biên soạn xong quyển Cương yếu kinh Pháp Hoa thì cũng gặp đúng lúc Chương trình Phật học từ xa của nguyệt san Giác Ngộ thỉnh tôi cho những bài giảng về kinh Pháp Hoa để các Tăng Ni Phật tử có cơ hội thấu hiểu nghĩa lý của bộ kinh này. Bộ kinh Pháp Hoa rất quan trọng trong hệ thống tư tưởng Phật giáo Đại thừa và quyển sách Cương yếu kinh Pháp Hoa trong đó tôi đã tóm gọn những yếu nghĩa của bộ kinh tương đối đầy đủ. Nhưng nay số trang báo dành cho bài giảng về kinh Pháp Hoa lại còn giới hạn hơn nữa, mỗi số Nguyệt san đăng một bài giảng với số trang giới hạn và phải kết thúc bộ kinh trong một năm với 12 bài giảng. Vì vậy, chúng tôi đã phải cố gắng rút gọn thêm một lần nữa những ý chính trong sách Cương yếu kinh Pháp Hoa; điều này khiến cho việc thiếu sót khó tránh khỏi. Để cho việc học hiểu yếu nghĩa bộ kinh Pháp Hoa được dễ dàng, chúng tôi đề nghị quý học viên nên đọc thêm quyển sách Cương yếu kinh Pháp Hoa mà chúng tôi đã biên soạn.

Chúng tôi mong rằng sau một năm học xong kinh Pháp Hoa, quý học viên sẽ nắm vững được cốt tủy của kinh và vận dụng được trong cuộc sống tu học, gặt hái được nhiều lợi lạc trên bước đường thăng hoa đạo đức và tri thức cho mình và cho những người hữu duyên với mình.

Chúng tôi mong rằng những yếu nghĩa kinh trong tác phẩm này sẽ giúp cho những người có nhân duyên tu theo tinh thần Pháp Hoa cũng như người muốn nghiên cứu có được những nhận thức mới ứng dụng trong cuộc sống được lợi lạc, làm giàu thêm con đường tâm linh và đạo hạnh của mình.


BÀI  1
  
                                           Lịch sử  Kinh Pháp Hoa

                          NGUỒN GỐC PHÁT XUẤT  BỘ KINH PHÁP HOA

Kinh Pháp Hoa là bộ kinh được nhiều người trên thế giới thọ trì, đọc tụng, lễ bái, thậm chí có người kính lạy từng chữ, từng câu trong bộ kinh này. Ngài Thái Hư đại sư đã khẳng định giá trị của bộ kinh Pháp Hoa rằng chưa thấy một bộ kinh nào được kính trọng như thế. Vì kinh Pháp Hoa ẩn chứa nhiều ý nghĩa thâm sâu cao tột trong hệ thống kinh điển Đại thừa, cho nên tùy theo trình độ tu chứng của từng người mà hiểu ý nghĩa và lý giải bộ kinh này ở những khía cạnh khác nhau.

Theo Bồ tát Thế Thân, kinh Pháp Hoa là tối thượng thừa, vì kinh này chuyển tải áo nghĩa siêu tuyệt vượt hơn tất cả các kinh và là mục tiêu của hàng tam thừa phải đạt đến trên lộ trình Phật đạo. Ngài Trí Giả đại sư (Trung Quốc) cho kinh này là pháp mầu nhiệm có thể thống nhiếp tất cả các pháp. Ngài Nhật Liên Thánh nhân (Nhật Bản) cho kinh Pháp Hoa là môn đại Đà la ni, cho nên người tu chỉ cần niệm đề kinh Nam mô Diệu Pháp Liên Hoa kinh là tiêu trừ được tất cả tội chướng và thành tựu Vô thượng Bồ đề. Ngoài ba vị Thánh tăng nói trên, các pháp sư, thiền sư và cư sĩ trên khắp năm châu cũng đều thọ trì, đọc tụng, suy tư, lễ bái, ứng dụng trong cuộc sống và ít nhiều cũng đạt được công đức bất khả tư nghì.

Đối với chư vị Bồ tát hiện thân trên cuộc đời để giáo hóa độ sinh, hay đối với những người đã trồng căn lành sâu dày với Phật pháp, đặt trọn niềm tin kiên cố và cả thân mạng mình nơi chư Phật, thì dòng lịch sử kinh Pháp Hoa là dòng thác trí tuệ của chư Phật hằng tỏa sáng miên viễn từ thời Phật Oai Âm Vương và trước đó nữa. Thật vậy, bất cứ vị Phật nào trên lộ trình Bồ tát đạo muốn thành tựu quả vị Phật, đều phải học và thể nghiệm kinh Pháp Hoa có kết quả tốt đẹp thật sự trong cuộc sống.

Chính vì đặt trên nền tảng sống thực một cách hoàn mỹ, cho nên kinh Pháp Hoa là bộ kinh vô văn tự mà chư Phật và chư vị Bồ tát trong mười phương Pháp giới đang an trụ và giữ gìn, là bộ kinh mà Bồ tát Thường Bất Khinh nghe được khi đốt thân bằng lửa tam muội và thái tử Sĩ Đạt Ta nghe được sau 49 ngày tư duy thiền định ở Bồ đề Đạo tràng. Chính nguồn kinh Pháp Hoa như thật ấy mới tạo thành dòng lịch sử Phật giáo siêu tuyệt, nuôi dưỡng và phát huy tuệ giác cho hàng hàng lớp lớp người con Phật trên khắp năm châu bốn biển trải qua dòng thời gian hơn 2.500 năm, mãi còn sống động và là ngọn đuốc soi đường cho cả nhân loại.

Với mạng mạch Phật giáo siêu tuyệt như vậy, tất nhiên lịch sử kinh Pháp Hoa không phải là lịch sử của tri thức con người, không phải là lịch sử của gạch vụn và xác khô; mà là lịch sử của những con người đang sống với bản tâm, không bị ngũ ấm thân ngăn che và vượt qua được không gian mười muôn ức thế giới cũng như tự tại với thời gian ngũ bách ức trần.

Về học thuật, kinh Pháp Hoa ẩn chứa những tư tưởng phong phú, nên đã thu hút các học giả trên khắp thế giới quan tâm. Vào đầu thế kỷ XIX, Công sứ người Anh là ông Hamilton tìm thấy ở Népal  một bộ kinh Pháp Hoa chữ Phạn viết trên lá bối, thường được gọi là Pháp Hoa Népal. Sau đó, phái đoàn người Nhật, Anh, Pháp, Đức đã tìm thấy 19 bản Pháp Hoa chép tay bằng Phạn ngữ.

Ngoài ra, bốn phái đoàn thám hiểm Nhật, Anh, Đức, Nga sang vùng Trung Á tìm thêm được ở Kotan sáu bộ kinh Pháp Hoa Phạn ngữ và một bộ kinh Pháp Hoa ở Kucha, quê của ngài Cưu Ma La Thập.

Năm 1932, một bộ kinh Pháp Hoa cổ nhất được tìm thấy ở vùng Kashmir nối liền với Afghanistan, thường được gọi là bộ Pháp Hoa Gilgit. Bộ kinh này gồm có hai phần ba bằng chữ Phạn và một phần ba chữ Magadhi là loại chữ cổ nhất của nước Ma Kiệt Đà.

So sánh 28 bộ kinh Pháp Hoa tìm được rải rác khắp nơi, có ít nhiều khác nhau. Mặc dù do Đức Phật nói ra, nhưng kinh này đã được kiết tập ở nhiều địa điểm và nhiều giai đoạn khác nhau, do những nhóm người có trình độ không đồng nhau. Tuy nhiên, tư tưởng căn bản của kinh không thay đổi và trọng tâm của kinh ở những phẩm thứ 2, 11 và 16 thì tất cả bản kinh nào cũng đều có đủ ba phẩm này.

Tóm lại, theo sự khảo cứu trên, kinh Pháp Hoa được kiết tập và hệ thống lại vào khoảng 100 năm trước Tây lịch và chỉ đạo cho sự cai trị của vua A Dục. Ông cho xây 84.000 tháp ở khắp nơi theo tinh thần của phẩm Dược Vương Bồ tát trong kinh Pháp Hoa. Và cũng thể hiện tinh thần phẩm Tựa của kinh, giống như tám người con của Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, các  con của vua A Dục cũng đều xuất gia làm nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm. Họ xây chùa hoặc mang kinh Pháp Hoa truyền bá tận Trung Đông, Trung Á...

Ngoài ra, một vài tác phẩm xuất bản vào thế kỷ thứ nhất đã mang tư tưởng Pháp Hoa, đó là bằng chứng xác thực cho sự hiện hữu của kinh Pháp Hoa trước kỷ nguyên. Đặc biệt là bộ Đại Trí độ luận của Long Thọ Bồ tát đã dẫn dụng kinh này để chứng minh thuyết Trung đạo Đệ nhất nghĩa. Đến ngài Thế Thân Bồ tát, dẫn dụng kinh Pháp Hoa trong bộ Nhiếp Đại thừa luận và soạn bộ Pháp Hoa luận làm nền tảng cho các chú giải về sau.

SỰ PHÂN BỐ VÀ TRUYỀN DỊCH KINH PHÁP HOA

Nguyên bản Phạn văn Sadharma Pundarika Sutra tìm được ở Tây Vức và Népal mà ta quen gọi là Pháp Hoa Népal và Tây Vức. Gần đây, người ta đã dịch hai bản kinh Pháp Hoa này ra nhiều thứ tiếng để đối chiếu với các bản dịch xưa mà tôi sẽ trình bày thứ tự sau đây.

1- Kinh Pháp Hoa bằng chữ Hán:

A- Chánh Pháp Hoa kinh gồm có:


- Bộ kinh Pháp Hoa gồm 27 phẩm chia thành 10 quyển do ngài Pháp Hộ dịch vào đời Thái Khương năm thứ 7 (286).
- Kinh Pháp Hoa 10 quyển do ngài Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh, Pháp Hiển, Đàm Thuyên dịch vào đời Thái Đường năm thứ 7.
- Kinh Pháp Hoa 10 quyển do ngài Trúc Pháp Hộ dịch tại Trường An vào đời Tây Tấn, niên hiệu Thái Khương.
- Kinh Pháp Hoa 10 quyển do ngài Đàm Ma La Sát, người nước Nhục Chi, dịch tại Lạc Dương vào đời Tây Tấn, vua Võ Đế niên hiệu Thái Thủy năm thứ nhất.
- Kinh Pháp Hoa 10 quyển cũng gọi là Phương Đẳng Chánh Pháp Hoa kinh do Trương Sĩ Minh, Trương Trọng Chánh và pháp sư Nhiếp Thừa Viễn dịch vào năm Thái Khương thứ 7.

B- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa gồm có:

- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa 7 quyển do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào năm thứ 4, niên hiệu Hoằng Thủy, đời Dao Tần (402).
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa 7 quyển, cũng gọi là Tân dịch Pháp Hoa kinh được dịch tại Trường An, niên hiệu Hoằng Thủy thứ 8 do Ngài Tăng Hữu đề tựa và Ngài Pháp Hộ tu chỉnh tại thành Lạc Dương.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa 7 quyển do ngài Cưu Ma La Thập dịch tại vườn Tiêu Dao, Trường An vào năm thứ 7, niên hiệu Hoằng Thủy đời Hậu Tần.

C- Thêm phẩm Pháp Hoa kinh
:

Thêm phẩm Pháp Hoa kinh là bộ kinh Pháp Hoa được tăng bổ, hiệu đính các bản dịch trước và cũng là tiền thân của bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa được thông dụng ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam ngày nay.

Bộ kinh này do hai pháp sư người Tây Vức tên Khuất Đa và Cấp Đa soạn tại chùa Phổ Diệu vào năm Nhân Thọ thứ nhất đời nhà Tùy (601).

Ngoài ba dịch phẩm bằng chữ Hán còn lưu lại trong bộ Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, một số dịch bản khác được nhắc đến trong thư mục Trung Quốc, nhưng không thấy nguyên bản như:

a- Tác Đàm Phân Đà Lợi kinh: thuộc hệ thống Pháp Hoa vì trong đó có phẩm Hiện Bảo Tháp và phẩm Đề Bà Đạt Đa, gồm có:
- Một bộ 6 quyển do ngài Đàm Ma La Sát dịch vào đời Tấn Vũ Đế, niên hiệu Thái Thủy thứ nhất.
- Một bộ do ngài Trúc Pháp Hộ, người nước Nhục Chi dịch ra chữ Hán, vào đời Tây Tấn.

b- Phương Đẳng Pháp Hoa kinh:

- Bộ kinh này do ngài Chi Đạo Căn dịch, Trúc Đạo Tổ sao lục vào đời Đông Tấn, niên hiệu Hàm Khương thứ nhất.
- Phương Đẳng Pháp Hoa kinh gồm có 5 quyển đều bị thất lạc.

2- Kinh Pháp Hoa bằng chữ Tây Tạng:


Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Tây Tạng được dịch vào thế kỷ thứ VIII và còn tìm thấy trong những bộ đại tạng: Shar Thàn, Sde Dge, Bắc Kinh, v.v...

3- Kinh Pháp Hoa bằng chữ Tây Hạ:


Người Tây Hạ dịch kinh Pháp Hoa ra tiếng bản xứ vào thời Bắc Tống và nguyên bản còn giữ tại Đông Dương văn khố Nhật Bản.

4- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Triều Tiên:


Theo Phật giáo sử Triều Tiên, năm 1463, vua Thế Tổ triều Lý đã ký một sắc lệnh cho dịch bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán ra tiếng bản xứ. Các triều đại kế tiếp hiệu đính lại và lưu truyền đến ngày nay.

5- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mãn Châu
:

Không biết kinh Pháp Hoa truyền sang Mãn Châu vào thời nào. Nhưng bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mãn Châu được giữ tại Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa của Nhật Bản ngày nay là bộ Pháp Hoa duy nhất nằm trong bộ Ngự dịch Đại tạng kinh của vua Càn Long đời Thanh. Bộ này được dịch lại từ bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán của ngài Cưu Ma La Thập.

6- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mông Cổ:


Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Mông Cổ cũng không biết rõ được dịch vào thời kỳ nào. Nhưng bản kinh hiện đang lưu hành được dịch ra từ bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Tây Tạng, hoặc một bản chữ Phạn khác đồng với bản Tây Tạng, vì cách thức bố cục cũng như nội dung gần với tiếng Tây Tạng hơn những bản dịch khác.

7- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Đức và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ:

Đến nay các học giả Phật giáo cũng chưa xác định được bộ kinh Pháp Hoa bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ được dịch vào thời kỳ nào và sự tín ngưỡng của dân tộc ấy ra sao.

Trong thời gian cộng tác với Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa, tôi tìm được trong văn khố một tác phẩm dày 119 trang với nhan đề là: “Ein Turkishi Ubersetzung des XXV Kapithsderchineschen Ausgabe Des Sadharma Pundarika Sutram”.

Sách có phần nguyên bản chữ Vigur (thủy tổ dân Thổ Nhĩ Kỳ), bản dịch tiếng Đức, sau cùng là chú giải. Nội dung của sách tương ứng với phẩm Phổ Môn trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa (Sách này còn giữ tại Sở Nghiên cứu kinh Pháp Hoa Tokyo).

8- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Anh: Hiện có 4 dịch bản bằng tiếng Anh:


- The Lotus of the True Law do học giả Kern dịch từ bộ Phạn ngữ Népal vào năm 1880.
- The Lotus Scripture Essence: bộ này xuất bản năm 1900, gồm 28 phẩm và được dịch từ bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa bằng chữ Hán.
- The Lotus of the Wonderful  Law: gồm 28 phẩm do hai học giả Soothill và Kato dịch và xuất bản tại Luân Đôn năm 1930.
- The Lotus Sutra gồm 28 phẩm do Senchu Murano dịch từ bộ Diệu Pháp Liên Hoa của ngài Cưu Ma La Thập, được tông Nhật Liên xuất bản năm 1947 tại Nhật Bản.

9- Kinh Pháp Hoa bằng chữ Pháp:


Chỉ có một bộ duy nhất mang tên Le Lotus de la Bonne Loi do Hàn lâm học sĩ E. Burnouf  dịch từ bộ Phạn ngữ Népal năm 1925 và còn lưu truyền đến ngày nay.

Bộ kinh này cũng được cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch ra tiếng Việt năm 1937 và cư sĩ Mai Thọ Truyền tĩnh lược trong Pháp Hoa huyền nghĩa năm 1964.

10- Kinh Pháp Hoa bằng chữ Nhật:

Nhật có rất nhiều dịch bản, tôi chỉ đơn cử 6 bản thông dụng về học thuật và tín ngưỡng:
- Phạn Hán đối chiếu Tân dịch Kinh Pháp Hoa do Hàn lâm đại học sĩ Nanjoo dịch năm 1913 bằng cách so sánh bộ Diệu Pháp Liên Hoa chữ Hán và Sadharma Pundarika Sutra mà dịch ra quốc ngữ.
- Phạn bản Hòa Dịch Pháp Hoa kinh do hai giáo sư Sakamoto và Iwamoto dịch và chú giải từ bản Phạn ngữ Népal và nguyên bản Kimarajiva (Cưu Ma La Thập).
- Phạn tạng Truyền dịch Quốc dịch Pháp Hoa kinh do giáo sư Kawaguchi so sánh hai bản tiếng Phạn và Tây Tạng mà dịch ra quốc âm.
- Hòa dịch Pháp Hoa kinh do giáo sư Yamagawa kê cứu các bản kinh chữ Hán mà dịch ra quốc âm.
- Hán Hòa đối chiếu Diệu Pháp Liên Hoa kinh do giáo sư Shimachi và một số học giả khác so sánh và kê cứu tất cả các bản kinh đang lưu hành mà giám định lại kinh Pháp Hoa chữ Nhật.

11- Kinh Pháp Hoa bằng tiếng Việt Nam:

Sự nghiệp dịch kinh của người Việt Nam đã có rất sớm và phát triển mạnh vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ hai. Theo Lịch đại Tam bảo ký, bộ kinh Pháp Hoa Tam Muội đã được ngài Chi Cương Lương Tiếp hợp tác với các học giả Việt Nam và dịch ra chữ Hán tại Giao Châu vào năm 260.

Trước đó, ngài Khương Tăng Hội đã trích dịch phẩm Thí dụ với tên Phật Thuyết Tam Xa Dụ kinh.

Lịch sử dịch kinh Pháp Hoa của người Việt Nam có thể chia ra làm ba thời kỳ khác nhau:

* Thời kỳ chữ Hán:

Theo sử liệu Trung Quốc, đạo tràng phiên dịch ở Giao Châu (Hà Nội) đã được thành lập vào đời Hậu Hán do sự giúp đỡ của các quan thứ sử và sự hợp tác của các danh gia Ấn Độ, Trung Á, Trung Đông, v.v...

Một bộ kinh Pháp Hoa 6 quyển được dịch ra Hán văn tại đạo tràng Giao Châu vào năm 256 đã làm cho đạo tràng này càng ngày càng thêm sáng chói trên văn đàn Trung Quốc.

* Thời kỳ chữ Nôm:

Nhiều tác phẩm mang thể tài Phật giáo được tìm thấy ở miền Bắc có thể coi như sớm nhất trong văn học chữ Nôm.

Bộ Quốc dịch Pháp Hoa kinh bằng chữ Nôm (Tự Đức nguyên niên) hiện còn giữ tại Đông Dương Văn khố Tokyo  đã nói lên được tinh thần dân tộc, độc lập và óc sáng tạo của tiền nhân.

* Thời kỳ chữ Quốc ngữ:

Năm 1937, cư sĩ Đoàn Trung Còn đã so sánh hai bản dịch của Pháp và Hán mà soạn ra bộ kinh Pháp Hoa bằng quốc âm.

Mười năm sau, Hòa thượng Trí Tịnh cũng ký âm Latin và dịch nghĩa bộ Diệu Pháp Liên Hoa để giúp các nhà tân học tiện việc trì tụng và nghiên cứu.

KẾT LUẬN

Trong bài này, những tư liệu được chúng tôi trích dẫn từ luận văn tiến sĩ về kinh Pháp Hoa mà chúng tôi hoàn thành tại Nhật Bản từ năm 1970. Vì vậy, từ thời gian đó đến nay trải qua gần 40 năm, dĩ nhiên đã có rất nhiều dịch bản kinh Pháp Hoa hoặc những tác phẩm giảng giải bộ kinh này đã được in ấn, phát hành ở nhiều nước trên thế giới nói chung, cũng như tại Việt Nam. Vì bận nhiều việc Phật sự, chúng tôi không thể cập nhật trong bài này những tư liệu mới sau này; cho nên phần nội dung trích dẫn đã không thể đầy đủ. Mong quý vị học viên hoan hỷ và có thể tự bổ sung trong phần bài thi của mình.

Ngoài ra, chúng tôi thiết nghĩ rằng bộ kinh Pháp Hoa bằng văn tự tuy cần thiết trong hệ thống kinh điển Đại thừa, nhưng điều quan trọng hơn chính là sự thọ trì kinh Pháp Hoa của các hành giả kiểu mẫu đã đạt được những thành quả lợi ích thiết thực trong cuộc sống tu hành mới đáng để chúng ta quan tâm, suy nghĩ và noi theo.

Điển hình như Bồ tát Quảng Đức đã trì kinh Pháp Hoa trong suốt 49 năm. Ngài an nhiên tự tại trong ngọn lửa đốt thân, thể hiện tinh thần tự tại vô úy của Bồ tát hiện hữu giữa nhân gian này và Ngài còn để lại cho nhân loại một trái tim đượm thắm tinh thần từ bi, xóa tan thế lực thù hận khiến cả thế giới phải rúng động.

Ngoài ra, cố Hòa thượng Trí Hữu là vị sáng lập Tổ đình Ấn Quang, cũng chuyên trì kinh Pháp Hoa; khi trì xong một bộ kinh Pháp Hoa là ngài đốt một liều hương trên đầu để cúng dường, đến khi trên đầu không còn chỗ nào để đốt hương thì ngài đốt liều hương trên hai cánh tay, cho đến đốt rụng cả một ngón tay để cúng dường mà không cảm thấy đau. Và ông Đốc Ý là người đắp tượng Đức Phật Thích Ca ở chánh điện chùa Ấn Quang, cũng là hành giả Pháp Hoa. Ông đã lạy từng chữ trong kinh Pháp Hoa trong suốt thời gian ông làm tượng Phật, tổng cộng đến hơn 60.000 lạy. Từ buổi khởi đầu, với sự trang nghiêm ngôi già lam bằng công đức thọ trì kinh Pháp Hoa của cố Hòa thượng Trí Hữu và sự đầu tư công đức vào pho tượng Phật bằng cách lễ lạy kinh Pháp Hoa của ông Đốc Ý, mà Tổ đình Ấn Quang đã là trung tâm đào tạo được nhiều vị Tăng tài đem lại rất nhiều thành quả vẻ vang cho Phật giáo chúng ta.

Nhìn lại sự nghiệp của chư vị tiền bối đã để lại, chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam đóng góp rất nhiều cho sự phát huy tư tưởng Nhất Phật thừa và kinh Pháp Hoa cũng trở thành nguồn sống của dân tộc hiếu hòa.


Phật giáo chúng ta trải qua bao nhiêu sóng gió thăng trầm trên dòng sinh diệt; nhưng Pháp Hoa vẫn hiện hữu ngời sáng nhiệm mầu qua biểu tượng Bồ tát Quan Âm và những việc làm vô ngã vị tha của chư tôn thiền đức tỏa sáng từ bi và trí tuệ trên vạn nẻo đường đời. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.