Lễ Magha Puja tại các nước Phật giáo Nam truyền

Lễ Magha Puja tại các nước Phật giáo Nam truyền
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ngày 16-2, các Phật tử theo truyền thống Nam truyền đã tổ chức ngày lễ Magha Puja hay còn gọi là “Ngày Tăng đoàn” (Sangha Day), một trong những ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất đối với nhiều nền văn hóa và tín ngưỡng trên thế giới.

Thông thường, ngày lễ này diễn ra và ngày trăng tròn tháng Ba âm lịch, rơi vào khoảng hạ tuần của tháng 2 hoặc đầu tháng 3 dương lịch. Theo truyền thống, Magha Puja được tổ chức mỗi năm để kỷ niệm ngày 1.250 vị Tỳ-kheo A-la-hán cùng nhau vân tập về tinh xá Trúc Lâm để diện kiến và đảnh lễ Đức Thế Tôn mà không cần hẹn trước. Có thể nói đây là hình ảnh Tăng đoàn lý tưởng và mẫu mực đầu tiên trong lịch sử Phật giáo. Ngoài ra, các Phật tử cũng tin rằng ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) và ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên) cũng được Đức Phật chỉ định trở thành hai vị đệ tử lớn trong Tăng đoàn vào dịp này.

Đặc biệt, đối với một số quốc gia Đông Nam Á như Cam-pu-chia, Lào và Thái Lan, ngày lễ này được tổ chức một cách trọng đại chẳng khác gì một ngày lễ chính thức của quốc gia. Vào dịp này, các Phật tử sẽ đến chùa để cúng dường Tam bảo, nghe chư Tăng thuyết pháp, hành thiền và làm một số việc phước thiện cho cộng đồng. Tùy theo mỗi phong tục và đặc thù văn hóa của mỗi nơi mà Phật tử có các tên gọi và cách tổ chức khác nhau.

Thái Lan: Makha Bucha

Vào ngày 16-2 vừa qua, tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, hàng trăm người đã đến chùa, cầu nguyện, làm công quả, cúng dường tứ sự đến chư Tăng và tham gia lễ Wian Tian vào buổi tối. Trong buổi lễ này, các Phật tử rước nến và kinh hành xung quanh các ngôi chùa và bảo tháp dưới sự hướng dẫn của chư Tăng.

Sau 2 năm lễ hội bị trì hoãn vì đại dịch hoành hành, các Phật tử Thái Lan đã rất mong muốn trở lại trạng thái bình thường để được đến chùa và trực tiếp tham gia vào những hoạt động của buổi lễ thay vì chỉ quan sát qua các phương tiện truyền thông. “Tôi cảm thấy việc đến chùa, làm công quả vào ngày lễ này khiến tôi cảm thấy dễ chịu và bình an. Tôi tin rằng điều đó có thể mang lại phước lành cho cuộc sống”, Boworn Thongmark, một Phật tử tại Bangkok cho biết.

Chư Tăng rước nến và kinh hành

Chư Tăng rước nến và kinh hành

Ngoài ra, ở Dhammakaya, một ngôi chùa lớn ở ngoại ô thành phố Bangkok, hàng nghìn ngọn nến đã được thắp lên tạo thành một khung cảnh lung linh, huyền bí.

Đặc biệt, tại quốc gia này, rượu và các chất gây say bị cấm bán trong vòng 24 giờ, đồng thời, các quán bar, quán rượu, câu lạc bộ đêm cũng như các địa điểm tương tự cũng bị hạn chế hoạt động trong ngày Makha Bucha.

Campuchia: Meak Bocheak

Đây là một ngày lễ quan trọng được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng 3 theo lịch truyền thống của người Khmer.

Người dân Campuchia tin rằng Meak Bocheak là ngày để đánh giá phẩm chất của một Phật tử. Nếu thực sự là một tín đồ của Phật giáo thì trong dịp này, họ không nên xao nhãng và phớt lờ những bổn phận của mình bằng cách thực hiện những việc có ích cho cộng đồng, đến chùa để cúng dường Tam bảo và lan truyền những điều tích cực đến mọi người xung quanh.

Chư Tăng tham dự lễ hội Meak Bocheak năm 2020

Chư Tăng tham dự lễ hội Meak Bocheak năm 2020

Ở quốc gia này, ngày lễ Meak Bocheak cũng được các nhà lãnh đạo chính phủ quan tâm và đánh giá cao. Về ý nghĩa của ngày lễ này, Thủ tướng Hun Sen chia sẻ: “Phật giáo không chỉ mang lại sự bình yên cho tâm hồn mà còn góp phần tạo nên trật tự, hòa bình và hạnh phúc cho xã hội cũng như bảo tồn văn hóa và bản sắc dân tộc ở Campuchia”.

Năm nay, trong sự hạn chế tập trung vì đại dịch Covid-19, các hoạt động không được tổ chức trọng đại với quy mô lớn như các năm. Tuy nhiên, một buổi lễ chính thức với sự tham dự của 80 vị sư vẫn được diễn ra tại Phnom Preah Reach-Trop, cố đô của Oudong, tỉnh Kandal. Các đường phố được trang trí bằng biểu ngữ và hình ảnh kỷ niệm sự Đản sinh, Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật.

Sri Lanka: Nawan Poya

Năm nay, ngoài việc cúng dường thực phẩm cho chư Tăng và thực hiện những nghi thức Phật giáo, các Phật tử tại đảo quốc Sri Lanka đã kỷ niệm ngày Nawan Poya với những cuộc diễu hành đường phố cùng với những chú voi được phủ những tấm vải với màu sắc sặc sỡ. Những người thổi kèn, đánh trống và các nghệ sĩ đã thể hiện những hoạt động truyền thống trên các tuyến đường của thủ đô Colombo.

Voi được hóa trang tham dự diễu hành trong đại lễ

Voi được hóa trang tham dự diễu hành trong đại lễ

Ngoài ra, Phật tử cúng dường hoa và đèn tại các bảo tháp bên trong và ngoài các tu viện.

Bangladesh: Maghi Purnima

Ngày Maghi Purnima đặc biệt quan trọng trong đời sống tôn giáo và xã hội của cộng đồng Phật giáo ở Bangladesh. Các hội chợ Phật giáo được tổ chức ở nhiều làng, đặc biệt là ở các khu vực và tu viện có người theo Phật giáo ở Chittagong.

Như vậy, có thể nói việc tổ chức ngày lễ Magha Puja của các cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới là bước đầu tiên đánh dấu sự trở lại của các hoạt động và lễ hội Phật giáo sau 2 năm im lìm vì đại dịch.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.