Theo đó, công nhận Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn (hay còn gọi là Lễ hội Quán Âm 19-2) là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh tín ngưỡng của cộng đồng địa phương.
Hằng năm, lễ hội được diễn ra vào ngày 19 tháng 2 âm lịch, đây là dịp để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ khai mạc Lễ hội Quán Thế Âm |
Lễ hội Quán Thế Âm bao gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ mang đậm màu sắc lễ nghi Phật giáo hoà quyện với phần hội là những sinh hoạt văn hoá cổ truyền đậm tính nhân văn.
Nội dung phần lễ gồm: Lễ rước ánh sáng, khai kinh, trai đàn chẩn tế, thuyết giảng về Bồ-tát Quan Thế Âm và dân tộc, rước tượng Quan Âm.
Ngoài các nghi lễ trên, còn có lễ tế Xuân (cúng Sơn Thuỷ, Thổ Thần) để cầu quốc thái dân an - thường được tổ chức vào đêm ngày 18-2 âm lịch - giống như các lễ tế Xuân, Thu trong cả nước.
Riêng phần hội, được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú: hội hoá trang, hát bội (tuồng), thi các môn: thi pháp, tranh thuỷ mặc, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, trang trí cổng trại, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá của làng đá mỹ nghệ Non Nước…
Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được công nhận và xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn cấp quốc gia. Từ đó đến nay, hằng năm cứ đến mùa Xuân, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn được tổ chức quy mô, phong phú cả về nội dung lẫn hình thức.
Lễ hội đã thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, gồm cộng đồng Phật tử theo đạo Phật, người dân địa phương, cùng du khách trong và ngoài nước về tham dự, chiêm bái và lễ Phật.