GNO - Tin từ Bộ VH-TT&DL cho biết, Bộ này vừa chính thức công nhận lễ hội Ok-om-bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ok-om-bok còn gọi là lễ cúng trăng, là một trong ba lễ hội dân gian chính có từ rất lâu đời được tổ chức hằng năm của đồng bào Khmer Nam bộ (Sêne Đôlta, Ok-om-bok và Chôl-Chnam-Thmây).
>> Nhớ Phật, cúng trăng, tạ ơn lúa và nước
>> Lễ hội Ok-Om-Bok tại chùa Cadaransi
Một hoạt động văn hóa tại lễ Ok-Om-Bok
Lễ Ok-om-bok được tổ chức vào tháng 10 âm lịch (ngày 15 tháng Ka-Đât theo lịch Khmer). Thời điểm này cũng là lúc kết thúc vụ mùa, người dân tổ chức lễ cúng trăng để tỏ lòng biết ơn đối với mặt trăng - vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ họ trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại mùa màng tốt tươi và sự no ấm.
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer, thần mặt trăng được xem là vị thần quan trọng, nên được mỗi gia đình, mỗi phum, sróc và cộng đồng người Khmer suy tôn và thờ cúng. Từ xưa, hằng tháng cứ vào ngày trăng tròn, người Khmer đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà, cầu cho vị thần này bảo hộ mùa màng để lúa thóc đầy bồ.
Đến khi Phật giáo Nam tông ảnh hưởng, người Khmer vẫn chọn ngày trăng tròn và ngày không trăng (ngày rằm và 30 âm lịch) hằng tháng đến chùa nghe kinh, niệm Phật cầu khấn các vị thần linh, trong đó có thần mặt trăng, phù hộ cho họ có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Trong lễ hội Ok-om-bok có nhiều nghi thức được tổ chức cúng tại nhà và cúng ở chùa.
Buổi chiều, người dân chuẩn bị các vật cúng, chủ yếu là nông sản mà họ sản xuất ra như cốm, chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, cam, quýt… Đến tối, khi mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre, người ta sắp xếp các vật cúng đã chuẩn bị sẵn lên một cái bàn có trải vải đặt trước sân.
Chủ nhà đóng vai trò là chủ tế thắp nhang kính cẩn khấn vái tạ ơn thần mặt trăng năm qua đã phù hộ, độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu; cầu mong thần tiếp nhận những lễ vật và chứng giám lòng thành mà tiếp tục phù hộ cho gia đình năm sau vạn sự như ý.
Bên cạnh việc cúng trăng tại nhà, nghi thức cúng trăng tại chùa được tổ chức quy mô hơn ở gia đình bởi nó mang tính cộng đồng của phum sóc.
Các hoạt động được tổ chức trong lễ hội Ok-om-bok thường là đua ghe ngo, thả đèn nước, lồng đèn gió cùng với các trò chơi dân gian như: kéo co, đập nồi đất, nhảy bao, đẩy gậy, bóng chuyền, leo cây dầu…
Hằng năm, lễ hội Ok-om-bok tại Trà Vinh được tổ chức rất long trọng tại khu di tích danh thắng cấp quốc gia Ao Bà Om, thu hút hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước về đây tham dự.
Được biết, trước đó, lễ hội cúng biển Mỹ Long, nghệ thuật Chầm Riêng - Chà Pây của nghệ nhân Khmer xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú... đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.