Lễ hội Bon và vũ điệu Bon Odori của Nhật Bản

Tranh vẽ Nhật Bản thế kỷ XVII mô tả vũ điệu Bon Odori
Tranh vẽ Nhật Bản thế kỷ XVII mô tả vũ điệu Bon Odori
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Lễ Vu lan tại Nhật Bản còn được gọi là Obon (お 盆) hay Bon là một ngày lễ truyền thống của Phật giáo Nhật Bản. Đã tồn tại ở Nhật Bản hơn 500 năm, lễ hội này đã trở thành nét đẹp tâm linh của người dân ở đất nước Mặt trời mọc.

Trong đó, điệu múa Bon Odori nổi bật và có ý nghĩa hơn cả trong số các hoạt động tập thể trong dịp lễ hội này. Tuy nhiên, tùy vào mỗi vùng miền mà hình thức của các điệu nhảy và âm nhạc khác nhau. Vũ điệu của mỗi vùng thể hiện lịch sử và nét đặc trưng ở nơi đó.

Kyoto là một thành phố nằm trong một thung lũng được bao bọc bởi những núi rừng tuyệt đẹp, cùng với con sông Kamo trải dài từ Bắc đến Nam. Thực ra, thành phố được thiết kế như một mạn-đà-la trên một cảnh quan tự nhiên. Vào lúc cao điểm của mùa hè, năm đỉnh núi được khắc những ký tự khổng lồ, và những chiếc đèn lồng thắp lên dựa theo hình dáng của những chữ này, tạo ra một khung cảnh thiêng liêng trên bầu trời đêm bao quanh thành phố Kyoto cổ kính. Đây là lễ hội Obon, có nghĩa là “tiễn đưa”. Trong 3 ngày của sự kiện này, người Nhật tin rằng tổ tiên trở về với con cháu của họ, vì vậy, họ tổ chức lễ hội, bày biện các món ăn và nhảy múa để chào đón những người thân quá cố; và tiễn đưa họ về thế giới bên kia trong đêm cuối cùng.

Lễ hội Obon là một truyền thống Phật giáo kết hợp với Nho giáo tại Nhật Bản, dựa trên các quan điểm về ngạ quỷ và thế giới bên kia. Theo truyền thuyết, một trong những đệ tử lớn của Đức Phật Thích Ca là Mokuren trong tiếng Nhật (Mục-kiền-liên) đã chứng kiến mẹ mình dưới hình dạng của một ngạ quỷ và đang phải chịu đau khổ nơi địa ngục. Những ai bị đọa vào cõi ngạ quỷ luôn bị đói khát, thiếu thốn, bức bách và khổ đau. Những chúng sinh ở cõi này thường có bụng phình to, cổ dài và nhỏ như cây kim khiến cho việc ăn uống gần như là không thể.

Đức Phật đã hướng dẫn Mokuren dâng thức ăn cho mẹ mình và bố thí cho những ngạ quỷ khác, và mời họ đến cõi trần để xoa dịu phần nào nỗi đau của họ trong vòng 3 ngày. Người dân được hướng dẫn đốt lửa, thắp nến, và tụ họp lại để bắt đầu nhảy múa vui vẻ trong những bộ kimono truyền thống. Bờ sông Kamo là nơi có những hoạt động dã ngoại và nhảy múa suốt cả ngày đêm trong khi những giai điệu về tổ tiên của họ vang lên khắp bốn bề.

Người dân Nhật Bản tổ chức lễ hội Bon vào 3 thời điểm chính:

“Shichigatsu Bon” (lễ Bon vào tháng 7) được tổ chức vào ngày 15-7 dương lịch ở miền Đông Nhật Bản.

“Hachigatsu Bon” (lễ Bon vào tháng 8) được tổ chức vào ngày 15-8 âm lịch, đây là thời gian phổ biến nhất của lễ Vu lan tại Nhật Bản.

“Kyu Bon” (lễ Bon truyền thống) được tổ chức vào ngày 15-7 âm lịch ở các khu vực như phía Bắc của vùng Kantō, vùng Chūgoku, Shikoku và tỉnh Okinawa.

Ở nhiều nơi trên thế giới, mùa hè là thời gian để những thành viên trong gia đình đoàn tụ và sum họp bên nhau; trong đó, lễ hội Obon là lễ hội dành cho tất cả các thế hệ, người già đến trẻ em, kẻ còn đến người mất. Con cháu tụ họp để ăn mừng thời điểm tốt lành; thậm chí người Nhật còn cho rằng họ làm như vậy để tổ tiên có thể chứng kiến và cảm thấy hài lòng đối với thế hệ tiếp nối ngày nay. Vào những ngày này, Bon Odori, hay còn gọi là điệu múa Bon, diễn ra liên tục trong nhiều giờ cùng với những người ngâm ca các bài hát truyền thống.

Không thể đếm xuể các loại vũ điệu Obon trong khu vực. Người dân cảm thấy vô cùng tự hào và hạnh phúc khi được tham gia vào lễ hội ý nghĩa này. Đặc biệt, ở quận phía Nam Tokushima, Awa Odori nổi bật với một đám rước khổng lồ cùng với những vũ điệu đặc sắc. Những người nơi đây đã cho xuất bản một video dài 8 phút để ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ và sự phong phú của các điệu múa. Trong đó, một phần đặc biệt của Awa Odori là các phụ nữ nhảy trên mũi trước của đôi guốc gỗ truyền thống geita. Điệu múa này đã trở thành một nghệ thuật đáng tự hào và mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với người dân xứ này.

Điệu Nembutsu Odori cổ đại cũng được tái hiện trong thời gian lễ hội Obon. Dựa trên những bài tụng Phật giáo đơn giản nhất về Namo Amidha Butsu, nhà sư nổi tiếng Jikaku Daishi (khoảng 793-864) đã dạy các loại thần chú đơn giản này cho những người dân chân chất ở xứ này như một phương thức để tự giúp đỡ bản thân và những người thân của họ; đồng thời, ngài cũng cam kết rằng nếu họ thực hiện đúng như vậy, ngài sẽ dạy cho họ một điệu múa kết hợp với việc sử dụng trống.

Khi những câu thần chú được cất lên với giọng mạnh mẽ, trống sẽ nhịp theo chầm chậm và nhóm người đội những chiếc mũ to đặc trưng được gắn thật nhiều tua rua sẽ bắt đầu nhảy múa. Có rất nhiều biến thể của điệu múa này vì hoàn toàn không có một sự sắp xếp nào cố định. Quan trọng là tạo được sự bí ẩn và phấn khích đối với người dân.

Bon Odori và Nembustu Odori đều dựa trên những câu chuyện về ngạ quỷ, cho dù đó là tổ tiên hay những chúng sinh trở về từ các cõi khác để thăm thế hệ tiếp nối hiện nay của họ. Mỗi năm, cứ đến ngày lễ hội, những giọng điệu Obon vui vẻ và đầy tình yêu thương lại được cất lên: “Hiện tại là những ngày đầu hạ và chúng ta lại ở bên nhau. Hẹn gặp lại nhau vào năm sau”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.