Bài trên Báo Giác Ngộ số 1159 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Dự án này sẽ được tiến hành bởi Tổ chức Catalan Coordinator of Buddhist Entities (CCEB), một hiệp hội quy tụ khoảng 30 cộng đồng thuộc nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau ở Catalonia và quần đảo Balearic. FCBC là dự án tiên phong trong số các dự án Phật giáo tại Tây Ban Nha và cũng là kết quả của sự hợp tác giữa CCEB và Tổ chức Điện ảnh Phật giáo (BFF), nhà sản xuất của Liên hoan phim Phật giáo Quốc tế (IBFF).
Liên hoan phim Phật giáo Catalonia sẽ trình chiếu hầu hết các bộ phim điện ảnh và phim tài liệu phi thương mại. Đây là những bộ phim được sản xuất cho công chúng, tập trung vào các chủ đề như khủng hoảng khí hậu, giáo dục, công bằng xã hội và bình đẳng giới. Mỗi bộ phim sẽ có các bài thuyết trình trực tiếp và trực tuyến của các đạo diễn phim, cũng như các cuộc phỏng vấn và hội đàm liên quan. Các buổi chiếu phim sẽ diễn ra từ ngày 19 đến ngày 23-10 tại Cines Verdi, nằm ở trung tâm khu phố Gracia của Barcelona.
“FCBC được thành lập với mục tiêu dài hạn là duy trì việc tổ chức sự kiện hai năm một lần. Đây không phải là một lễ hội do Phật tử tạo ra cho Phật tử, mà là tìm kiếm và mang những giá trị của Phật giáo đến với số lượng quần chúng lớn nhất có thể, thông qua một phương tiện hấp dẫn và phù hợp với thời đại của chúng ta, chẳng hạn như phim ảnh”, Montse Castellà Olivé, đồng sáng lập và là Phó Chủ tịch của CCEB, cho biết.
Dự án này được tiến hành nhằm truyền bá và thảo luận về những chân lý và các giá trị nhân văn của Phật giáo, chẳng hạn như: “Đặc tính vô thường của vạn vật, sự tương tục, tầm quan trọng của việc giáo dục về những giá trị và chăm sóc môi trường. Về mặt này, FCBC cũng mong muốn chủ động hạn chế chất thải sinh thái của mình; vì vậy, việc sử dụng giấy sẽ được giảm thiểu đáng kể và chỉ sử dụng những vật liệu có thể tái chế. Đồng thời, các bộ phim được lựa chọn để đưa vào chương trình phải dựa trên tiêu chí tôn trọng bình đẳng giới”, Castellà cho biết thêm.
FCBC sẽ mở đầu với bộ phim “Lời chào từ Fukushima” (Grüße aus Fukushima) của Doris Dörrie, một đạo diễn người Đức và cũng là người sẽ trực tiếp giới thiệu về bộ phim. Tác phẩm này đã giành được Giải thưởng Confédération Internationale des Cinemas d’Art et d’Essai (CICAE) và Giải Heiner Carow tại Liên hoan phim Berlin 2016, cũng như được đề cử cho Panorama Audience Award (phim viễn tưởng).
Dörrie, ngoài vai trò là nhà viết kịch bản, giáo sư, đạo diễn opera và nhà văn, còn là một vị khách danh dự của Barcelonan. Trong bộ phim “Lời chào từ Fukushima”, Dörrie đưa chúng ta đến vùng Nhật Bản bị động đất vào năm 2011; trong đó, nổi bật hơn cả là một tình bạn tuyệt vời được hun đúc giữa một phụ nữ trẻ người Đức và một geisha (nghệ sĩ tài năng) lớn tuổi.
Tuy vậy, vấn đề đặt ra là có thể loại phim Phật giáo riêng biệt hay không? Gaetano Kazuo Maida, Giám đốc điều hành của BFF và là thành viên sáng lập của Tạp chí Tricycle, đồng thời cũng là đạo diễn của bộ phim tài liệu “Peace Is Every Step” nói về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chia sẻ:
“Tổ chức Điện ảnh Phật giáo và Liên hoan Phim Phật giáo Quốc tế được thành lập vào năm 2000 nhằm giới thiệu đến công chúng các tác phẩm điện ảnh về các chủ đề Phật giáo hoặc được lấy cảm hứng từ Phật giáo. Là những nhà làm phim Phật giáo, nhà giáo dục và người yêu thích điện ảnh, tất cả chúng tôi đều biết đến rất nhiều bộ phim được đánh giá cao, nhưng điều đó thể không thu hút được các khán giả, thậm chí ngay cả trong các lễ hội.
Tiêu chí của chúng tôi đối với các bộ phim là: thứ nhất, phải có một cốt truyện có ý nghĩa; thứ hai, phải có một phân cảnh, nhân vật hoặc sự kiện Phật giáo làm trọng tâm của bộ phim; hoặc thứ ba, phải có một nhà sáng tạo nội dung Phật giáo chủ chốt (đạo diễn hoặc người viết kịch bản) hoặc có sự tham gia của một Phật tử… Như vậy, cho đến nay, chúng tôi đã trình chiếu hơn 300 bộ phim từ 22 quốc gia và có khoảng 3.000 tiêu đề trong cơ sở dữ liệu của mình. Thực sự là có điện ảnh Phật giáo!”
Dharma-Gaia (DGF) cũng hứa hẹn cho sự thành công của sáng kiến này trong việc giữ gìn, truyền bá và giảng dạy tất cả các giá trị của văn hóa Phật giáo. Daniel Millet, người sáng lập DGF và cũng là biên tập viên của trang Buddhistdoor en Español, chia sẻ: “Phim là một cách thức tuyệt vời để truyền bá Phật giáo và cũng là tấm gương phản ánh tốt nhất và phù hợp nhất cho xã hội hiện đại của chúng ta. Phim là phương tiện để đưa Phật giáo đến với nhiều khán giả hơn, vì chúng có thể giúp chia sẻ những giáo lý căn bản theo cách giải trí, nhưng cũng không kém phần sâu sắc và sống động so với các bài thuyết pháp.
Những bộ phim Phật giáo cũng giống như kinh điển ngày xưa, chứa đựng nhiều câu chuyện có thể giúp chúng ta giác ngộ. Chúng ta thấy Tứ diệu đế được phản ánh trong các bộ phim, cũng như nhận ra tác hại của tam độc (tham, sân và si), mối liên hệ của vạn vật và sự cần thiết của lòng từ bi và tình yêu thương trên con đường đi đến hạnh phúc”.
Ngân sách hoạt động của FCBC chủ yếu được tài trợ bởi các khoản đóng góp từ DGF và các tổ chức công lập như Hội đồng thành phố Barcelona, bán vé, cũng như từ các công ty tư nhân. FCBC là liên hoan phim Phật giáo đầu tiên được tổ chức ở Tây Ban Nha, đồng thời cũng là một trong những sự kiện liên hoan phim đầu tiên của bất kỳ quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha nào.
Ở cuối chương trình, Liên hoan phim Phật giáo lần thứ nhất ở Catalonia cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động tại các địa điểm khác nhau và được tiến hành bởi các thành viên của CCEB, bao gồm các buổi thiền và trò chuyện dành cho trẻ em, diễn đàn phim, hội nghị, và tọa đàm.
Kazuo Maida cũng rất kỳ vọng đối với FCBC. Ông tin tưởng rằng sự kiện lịch sử này ở Tây Ban Nha sẽ mang đến cho khán giả cơ hội biết đến sự đa dạng của các nền văn hóa Phật giáo đương đại thông qua điện ảnh: “Chúng tôi đã từng chứng kiến những cuộc Liên hoan phim Phật giáo quốc tế trên khắp thế giới đã kích thích và khuyến khích những người tham gia cũng như các nhà đạo diễn địa phương tìm kiếm một sự cam kết sâu sắc hơn đối với các ý tưởng và giáo lý Phật giáo.
Đối với việc khám phá các cảnh quan Phật giáo, rạp chiếu phim là một không gian ít khiến cho người ta cảm thấy sợ sệt hơn so với một ngôi đền, tu viện, hoặc một trung tâm thiền định. Thực tế là đã có một cộng đồng Phật tử vững chãi thuộc một số truyền thống Phật giáo khác nhau ở Barcelona và các khu vực xung quanh. Điều này chứng tỏ rằng đây là một cơ sở tuyệt vời để phát triển Phật giáo ở Barcelona, cũng như hứa hẹn một tương lai rực rỡ cho FCBC”.