Chúng ta hoàn toàn có thể biến những ngày “án binh bất động” trở thành một “khóa tu tập chủ động”, với thời gian biểu và các “pháp môn tu” phù hợp với riêng mỗi người.
Bình thường ai cũng có lịch làm việc tất bật, cuộc sống hối hả, thời gian này chủ yếu ở nhà, chúng ta nên tạo những nếp sinh hoạt cố định. Cái gì đưa vào được thành “cơ chế thực hành hàng ngày”, tự nhiên sẽ tạo thành thói quen tích cực và lành mạnh. Chúng có tác động như kiểu sạc pin điện thoại mỗi ngày. Dần dần, chúng ta sẽ cảm thấy mình đang thay đổi, mỗi ngày thêm một chút, mỗi ngày sẽ “đầy pin” hơn, để sau đó, ta sẽ trở thành “một cục pin đầy”.
Trong thời gian “sống chậm” ta nên tạo thói quen cho mình là thiền tập mỗi ngày. Bắt đầu từ 10 phút mỗi sáng sớm, tập trung vào hơi thở cho mọi cái nhẹ nhàng, sau đó từ từ nâng số phút thiền đều đặn mỗi ngày, theo số tuổi mình đang có. Sau đó, hãy thu xếp thời gian đọc kinh sáng. Đọc kinh được giờ nào cũng tốt, nhưng với tôi, việc kinh kệ đầu ngày tạo cho mình một nguồn năng lượng lành, để sau đó, cả ngày bình an, đưa mọi cái về hướng tích cực.
Nếu bạn đang không sinh hoạt tại một đạo tràng cụ thể nào, bạn có thể chọn những bài kinh, bài kệ nào bạn đang cảm thấy thấm nhất và đọc nhẹ nhàng mỗi sáng. Sau nữa, là 108 thời niệm bốn câu “thần chú” của người Hawaii cổ: “Tôi xin lỗi; Hãy tha thứ cho tôi; Cám ơn bạn; Thương lắm!”. Với tôi, đây cũng như một phương pháp “sám hối” và khởi lòng biết ơn khá hiệu quả, làm cho cuộc sống chúng ta thêm nhẹ nhàng hơn.
Vận động hàng ngày cũng là một điều tối quan trọng cần giữ, đi kèm với các bài tập hít thở có ý thức. Các bạn có thể chọn thể dục nhẹ nhàng, hoặc tập yoga, khí công… ngay tại nhà. Điều này sẽ tạo một nền tảng vô cùng lý tưởng cho hệ miễn dịch được tăng cường, và vì bạn cảm thấy khỏe mạnh, bạn cũng cảm thấy yêu đời. Và từ cảm giác khỏe mạnh yêu đời, bạn sẽ tự động hình thành một “cái rào chắn”, làm giảm thiểu rủi ro các loại bệnh tấn công bạn.
Ngoài lo cho phần thân, việc sống tích cực cũng cần được chăm sóc cẩn thận. Theo biểu đồ thước đo năng lượng của Tiến sĩ David Hawkins, việc sống lo lắng, sợ hãi… chính là nguyên nhân lớn dẫn đến sự tuột năng lượng nội tại xuống tầng “thấp” - tức sâu bên dưới mức 200, mức tối thiểu để giữ cho một con người sống bình thường.
Vậy việc bạn để cho mình bình tĩnh trong những ngày này cũng là một cách thức vô cùng hiệu quả để giữ được trường năng lượng sinh học trong cơ thể ở trên mức 200. Và nhờ sự “bình tĩnh” bạn sẽ đủ tỉnh táo để nhìn xung quanh, rút ra những kinh nghiệm trong thử thách, các cách thức để duy trì cuộc sống ở mức tiết kiệm nhất nhưng vẫn đủ bình an và an toàn… Nó giống như việc cho bạn một “cọng rơm” để giữ mình vẫn có được dưỡng khí khi rơi vào trong nước. Bình tĩnh, giữ sự cân bằng nội tại, chính là chìa khóa then chốt để mỗi người có thêm cơ hội đi qua mùa dịch một cách an lành.
Những ngày này cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi thêm rất nhiều cái mới. Hãy lên mạng tìm những clip chia sẻ những điều hay, thú vị mà bạn có thể tiếp thu được như học nấu những món chay ngon, làm thêm những vật phẩm xinh xinh cho gia đình, học thêm ngôn ngữ và kiến thức mới, nghe một vài bài pháp giảng của các thầy,... Những dịp lòng người dễ chênh chao là lúc con người ta chịu quay về với nơi nương tựa tâm linh nhất.
Đây cũng là dịp tốt để chúng ta thực hành hạnh cho đi trong khả năng của mình: giúp chăm sóc từ sức khỏe đến các bữa ăn, điều kiện vệ sinh; giúp định hướng tinh thần bằng những bài viết chia sẻ hữu ích; người có điều kiện tài chính thì hỗ trợ bằng những khoản đóng góp cho nơi nào cần thiết… Chỉ cần ta làm được những điều này, cuộc sống sẽ ý nghĩa thêm nhiều lắm.
Nhìn chung, đây là lúc cần khuyến khích tất cả những ai hữu duyên tích cực tập trung vào ba chân giá trị: sống tích cực, thiện lành và đầy yêu thương. Dựa trên ba yếu tố tối cơ bản đó, chúng ta hãy lan tỏa sự biết ơn với tất cả những gì đang có, yêu thương những gì có thể và chủ động dành thời gian cho cầu nguyện. Hãy cùng nhau tụng đọc kinh Dược Sư theo lời kêu gọi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, để mỗi ngày trôi qua thật sự ý nghĩa khi chúng ta luôn hướng về nhau bằng tình thương và sự gắn kết. Cái gì cũng sẽ qua đi, sau cơn dịch, điều còn lại sẽ là một cộng đồng mạnh mẽ hơn, biết yêu thương hơn và có đức tin tâm linh vững chắc hơn. Chắc chắn là như vậy.