GN Xuân - Trong cuộc đời, chắc chắn ai cũng gặp những khó khăn. Làm thế nào để vượt qua chúng, hãy nghe kinh nghiệm từ các vị Thầy, Đức Dalai Lama và Thiền sư Nhất Hạnh.
Kẻ thù chính là thầy của ta
Khi chúng ta gặp phải những vấn đề trong đời sống hàng ngày, mà tất cả chúng ta ai ai thỉnh thoảng cũng đụng đầu, việc rèn luyện tâm trí sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn sát thực tế hơn về nguyên nhân gây ra những khó khăn ấy.
Đức Dalai Lama
Chẳng hạn, nếu chúng ta có lời qua tiếng lại gay gắt với ai đó - người trong gia đình, bạn đồng nghiệp, hay một người không quen biết - thì nên dùng một vài phút trong thời thiền tập hồi tưởng lại cảnh tượng ấy và xem xét các phản ứng của chúng ta. Sau đó, hãy hình dung ra đối phương ở ngay trước mặt, chúng ta nên có một cảm giác biết ơn người ấy.
Điều đó thoạt nghe hơi kỳ quặc. Nhưng, như tôi đã từng chỉ rõ, những kẻ thù của ta, về một nghĩa nào đó, là người thầy của ta, vì thế cảm giác biết ơn là hoàn toàn thích hợp. Với ý nghĩ này trong trí, chúng ta hình dung mình cúi đầu chào đối phương. Khi lặp đi lặp lại vài lần như thế, nếu thái độ của chúng ta là thành thật và động cơ thanh khiết, thì lòng ghét bỏ đối phương trong ta dần dần phai nhạt, và thay vào đó, chúng ta có thể phát sinh lòng từ ái đối với người ấy.
Dalai Lama
7 bước vượt qua khó khăn trong đời sống
“Sống đẹp là sống đúng với bản chất mình. Bạn không cần được người khác chấp nhận, mà bạn cần chấp nhận chính bản thân mình”.
Thiền sư Nhất Hạnh
Bước 1 - Mỗi khi bạn nhận ra những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực đang nhen nhóm trong mình, thay vì cố chối bỏ và gạt chúng sang bên, hãy nhìn nhận chúng một cách nghiêm túc.
Bước 2 - Hãy làm rõ từng cảm xúc khó chịu của bạn bằng cách xác định suy nghĩ cụ thể nào đang khiến bạn khổ sở. Đó có phải là do bạn tự dằn vặt bản thân, hay những ký ức đau khổ, hay nỗi sợ hãi mơ hồ về tương lai? Bất kỳ suy nghĩ nào gây khó chịu cho bạn, bất kể trong hiện tại, quá khứ hay tương lai đều có thể áp dụng phương pháp này.
Bước 3 - Tiếp đến, xác định cụ thể những cảm xúc đang dâng lên trong bạn là kết quả của những suy nghĩ nói trên. Chúng có cảm giác ra sao? Bạn có thấy lồng ngực của mình bị siết lại? Dạ dày bạn quặn lên hay có cảm giác đau nhói trong đầu? Tương tự, mọi cảm xúc tiêu cực bạn nếm trải cũng đều có thể áp dụng phương pháp này.
Bước 4 - Một khi đã xác định rõ ràng những suy nghĩ và cảm xúc đó, hãy nhắm mắt và để chúng tự hòa quyện với nhau thành những hình ảnh ý niệm (khi đã quen với việc này, bạn sẽ không cần nhắm mắt lại nữa mà vẫn có thể vừa làm việc khác vừa thực hành điều này). Những suy nghĩ và cảm xúc đó có tạo nên trong bạn những hình hài, màu sắc hay nhân vật nào không? Chúng mờ mịt hay rất rõ ràng? Điều quan trọng là bạn hãy thả lỏng cho chính những cảm xúc và suy nghĩ của mình tạo nên những hình ảnh tưởng tượng đó trong khi bạn chỉ đơn giản là nhận thức chúng thôi.
Bước 5 - Hãy giữ hơi thở. Xin chúc mừng vì bạn đã hoàn thành được một nửa chặng đường! Chúng ta thường có khuynh hướng tự ngăn mình tiếp cận với các cảm xúc và suy nghĩ khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, và tự nhủ với mình rằng sẽ đối phó với chúng sau, nhưng thành thực mà nói thì hầu như chúng ta không bao giờ làm vậy. Vì vậy, riêng chuyện bạn dành thời gian để nghiêm túc đối mặt và nhìn nhận những suy nghĩ và cảm xúc khó chịu của mình đã có thể xem là một bước tiến lớn. Tuy nhiên, chúng ta không ngừng tại đây, bởi vì chính từ đây những điều thực sự tốt đẹp mới bắt đầu diễn ra.
Bước 6 - Đây là bước mà mọi thứ bắt đầu thay đổi. Một khi bạn đã có được hình ảnh ý niệm từ những suy nghĩ và cảm xúc của mình (mà kể cả chẳng có hình ảnh nào trong đầu cả thì bài tập này cũng rất có ích), hãy hình dung bạn đang ôm trọn những hình ảnh đó trong vòng tay như người mẹ nâng niu đứa trẻ sơ sinh. Hãy tưởng tượng bạn đang bảo bọc những suy tư và cảm xúc đó của mình trong một chiếc chăn ấm áp và đầy yêu thương.
Bước 7 - Tiếp đến, hãy tự nhủ với mình (không thành tiếng hoặc thành tiếng) như đang nói với những hình ảnh tưởng tượng đó rằng bạn thực sự quan tâm trân trọng và yêu thương chúng như một phần thuộc về mình cho đến khi chúng sẵn sàng để ra đi. Hãy cố gắng nói những điều đó thật chân thành từ trái tim.
Bằng cách thực sự quan tâm đến những cảm xúc phiền muộn và khó chịu nhất, những suy nghĩ mệt mỏi nhất một cách chân thành và đúng mực, bạn cũng đã tự trân trọng những mặt tối sâu kín nhất, day dứt và đau đáu nhất của mình. Và chính điều ấy khiến những nỗi niềm đó thực sự có thể ngủ yên, những vết thương lòng sẽ thôi đau đớn và những cảm xúc tiêu cực sẽ thôi vùng vẫy trong bạn. Hãy tập trân trọng cả những điều khó chịu nhất, không bằng cách gặm nhấm và dằn vặt mà bằng cách thực sự nâng niu.
Thích Nhất Hạnh
(theo Elephanjournal)