Tôi vì... bị... gia đình không đồng ý, hoàn cảnh khó khăn không đủ điều kiện để nuôi cháu bé. Kính mong cộng đồng xã hội nhận nuôi cháu bé giúp tôi. Nuôi dưỡng cháu khôn lớn, trưởng thành... Cháu sinh ngày 10-7-2021”. Đó là những dòng cuối cùng người mẹ để lại trước lúc giao phó đứa con mình dứt ruột sinh ra nhờ sự bảo bọc nơi lòng từ bi của người khác.
Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, tối 13-7, bà Hạnh (trú thôn Việt Hùng, xã Việt Thuận) trên đường đi qua nghĩa trang thì nghe tiếng khóc trẻ con. Đứa bé sơ sinh được phát hiện vẫn còn nguyên dây rốn, bà Hạnh vừa ủ ấm vừa hô lên để mọi người đến giúp. Bà Hạnh sau đó đã nhận chăm sóc đứa bé.
Một người đàn bà ôm đứa trẻ sơ sinh trong đêm tối tăm, ủ ấm cho nó, che chở cho nó trước bóng tối cuộc đời và chính bà cũng đã nhặt lại cuộc đời nó. Bà gợi ta nhớ đến hình ảnh Quan Âm tống tử trong văn hóa Phật giáo Đại thừa được xem là một trong những hiện thân của Quan Âm Bồ-tát với thần lực ban con cho những đôi vợ chồng hiếm muộn cũng như giúp đỡ sản phụ qua cơn nguy nan.
Tâm thức dân gian đã đồng nhất hình tượng Đức Quán Thế Âm với hình tượng người mẹ, một người mẹ chở che cho những hài nhi vốn mong manh trong cõi Ta-bà. Đó không chỉ là người mẹ có công tạo sinh mà còn có công dưỡng dục dù máu trong con không chảy cùng dòng máu của mẹ. Và trên đời này không hiếm những người mẹ như vậy. Những người mẹ không chín tháng cưu mang, không biết cái đau đớn của sinh nở, nhưng biết cái đau đớn của một người mẹ trước những nỗi bất hạnh sai lầm của con cái. Trong văn chương - nghệ thuật, trong cuộc đời, thật không hiếm hoi những người mẹ như thế đã làm rộng ra thêm hàm nghĩa của tiếng mẹ.
Một người mẹ dù ra đường có làm bao chuyện xấu đi nữa, thì về nhà vẫn ôm ấp nâng niu đứa con của mình. Dù người mẹ lành hay dữ với đứa con, thì đối với con mẹ là mẹ, có thể thương yêu, có thể chê trách, lánh xa, nhưng không thể tước cái danh vị Mẹ ra khỏi họ.
Vì tình mẫu tử đó nên Tôn giả Mục Kiền Liên mới xả thân đi vào địa ngục cầu mong cứu được mẹ là bà Thanh Đề, dù bà lúc sanh tiền mang nhiều tội nghiệp, phỉ báng Phật pháp… Vị Tôn giả nổi tiếng thần thông này không phải không biết những nghiệp chướng của người mẹ, nhưng trước khi là một Tôn giả Đệ nhất thần thông, ông trước nhất là người con, và người con trước khi là người cầu mong giải thoát chúng sanh trong cõi hữu tình này thì phải giải thoát cho mẹ khỏi địa ngục của sân hận.
Có người dựa vào chi tiết này để bảo rằng ngài Mục Kiền Liên chưa phá chấp, chưa thấu triệt được luật nhân quả. Nhưng đâu phải chỉ có những bậc chân tu có tấm lòng từ bi như Tôn giả Mục Kiền Liên mà đến những con người thoạt trông tưởng rằng có một tâm hồn tăm tối vị kỷ, nhưng khi đứng trước tiếng mẹ thiêng liêng thì cũng trở nên nhỏ bé, hiền lành.
Because I feel that, in Heaven,
Angels, whispering to each other,
Can be found, among their burning love terms,
No one is as reverent as “Mother”...
Tạm dịch:
Vì con cảm thấy rằng, trên Thiên đàng,
Các thiên thần, thì thầm với nhau,
Có thể tìm thấy, trong số các thuật ngữ tình yêu cháy bỏng của họ,
Không gì sùng kính như từ “Mẹ”…
Bốn câu thơ trên không thuộc những gì xuất sắc nhất mà nhà thơ người Mỹ Edgar Allan Poe (1809-1849) từng viết ra, nhưng trong sự nghiệp của mình, đây có thể là bài thơ bài thơ đặc biệt, tách mình ra khỏi giọng thơ trầm buồn, u uẩn, bi thương hay những thiên truyện thấm đẫm màu sắc kinh dị.
Bài sonet này ông làm để bày tỏ tình yêu với người mẹ, nhưng điều kỳ lạ hơn, Poe không viết bài thơ để gửi cho người mẹ quá cố, qua đời lúc ông còn nhỏ, cũng không phải dành cho bà Allan, người đã nhận nuôi ông sau khi ông mồ côi cha mẹ (Allan trong tên ông là cái họ thứ hai của Poe để ghi nhớ ơn dưỡng của gia đình Allan). Vậy bài thơ này rốt cuộc dành tặng ai? Nhiều độc giả sẽ bất ngờ bởi bài thơ được viết để dành tặng cho thân mẫu của Virginia Clemm, tức mẹ vợ của Poe.
Nếu từng đọc qua bài thơ kiệt tác The Raven (Con quạ) của Poe, hẳn đã biết phần nào phong cách của ông. Một bài thơ dài, kể lại một đêm mùa đông ám ảnh bóng quạ, với từ “nevermore” lặp lại cùng những hình ảnh ẩn dụ. To my Mother lại được viết dung dị, sáng rõ, trực tiếp bộc lộ tình cảm chân thật của ông dành cho mẹ vợ. Nếu người vợ Virginia Clemm là tình yêu lớn của cả đời ông thì thông qua sự tôn vinh mẹ vợ, ông đã thể hiện lòng biết ơn đối với người đã sinh ra tình yêu lớn của đời mình.
Tiếng “Mẹ” ở đây càng được mở rộng ra thêm một chiều kích khác. Mẹ ruột, mẹ nuôi, mẹ vợ đều là những người mẹ và đều xứng đáng được ta tôn vinh. Màu trắng hay hồng của bông hồng trên ngực áo vả chăng được tính luôn cả cho mẹ vợ của mình.
Edgar Allan Poe là nhà thơ của bóng tối, vậy mà trong cõi tối tăm đó ông nhận ra được ánh sáng của người mẹ, thậm chí mối quan hệ mẹ vợ - con rể vốn không được xem trọng, vậy thì hà cớ gì Tôn giả như Mục Kiền Liên lại không tìm được ánh sáng người mẹ trong cõi địa ngục?
Giờ ta trở lại người mẹ đã nhắc ở đầu câu chuyện, người mẹ bỏ lại đứa con còn nguyên dây rốn. Đáng thương hay đáng trách, công luận rồi đây có những nhận định của riêng mình. Nhưng đứa trẻ ấy sau này lớn lên, nếu biết mình có một người mẹ sinh thành trước người mẹ dưỡng nuôi, nó sẽ hoài nhớ hay oán giận? Nhưng hoài nhớ hay oán giận thì cũng đều từ tình yêu, thứ tình yêu khó tả thành lời gắn kết đứa con và người mẹ. Mà nói như Poe, không có gì cao quý trong pho từ vựng của chư thiên, lại cao quý hơn từ “Mẹ”.