Khóc - Sức mạnh của trẻ con

NSGN - Đứa bé gái sáu tuổi người Nam Mỹ bị tách rời khỏi người mẹ thân yêu, vừa khóc vừa nói, như nói với nước Mỹ và thế giới rằng: “Con có số điện thoại của cô. Xin gọi cho cô để đón con về. Con hứa sẽ rất ngoan”. Con bé được mẹ đem đến biên giới Hoa Kỳ từ Nam Mỹ.

monklittle.jpg

Chính sách của Hoa Kỳ đối với việc di dân bất hợp pháp là giam giữ người lớn, và con cái của họ được đưa vào trại tập trung, hầu làm giảm thiểu tình trạng di dân bất hợp pháp. Con bé cứ tưởng mình bị bỏ rơi vì không ngoan, đã khóc thảm thiết với một lời cầu cứu, xin gọi giúp cô nó theo số điện thoại mà mẹ nó đã đưa với những lời căn dặn cần thiết.

Những tiếng khóc đã vang đến tai các cựu phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ. Phu nhân Tổng thống đương thời và con gái của bà cũng không thể chịu được khi nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ vô tội, hoặc một mình hoặc ôm chân mẹ khóc nức nở... Cuối cùng, thêm 76% phiếu chống chia cắt gia đình, luật pháp Hoa Kỳ phải thay đổi1.

Hình ảnh những đứa bé với sự cam chịu hay bình thản có lẽ không làm chao đảo lòng người đến vậy.

Thời Phật, khi ngài đang ở nước Xá-vệ, đã nói với các thầy Tỷ-kheo rằng: “Có sáu sức mạnh ở đời. Thế nào là sáu? Trẻ con lấy kêu khóc làm sức mạnh, muốn đòi gì trước hết khóc. Đàn bà lấy sân giận làm sức mạnh, nương vào sân giận rồi mới nói. Sa-môn, Bà-la-môn dùng nhẫn làm sức mạnh thường nghĩ thấp mình, đối với người, rồi sau bày tỏ. Quốc vương dùng kiêu ngạo làm sức mạnh, lấy hào thế này để tự biểu lộ. A-la-hán lấy tinh chuyên làm sức mạnh để tự trình bày. Chư Phật Thế Tôn thành tựu đại từ bi, lấy đại bi làm sức mạnh để lợi ích rộng rãi cho chúng sinh”2. Sức mạnh Đức Phật nói ở bài kinh này muốn nhấn mạnh đến mặt nội tâm hơn là tác dụng ngoại cảnh. Nước mắt trở thành sức mạnh của trẻ con, đơn giản vì nó không có nội lực, cũng không có tài gì khác ngoài việc khóc, để mọi người biết nó bất lực, không thể làm gì khác để thỏa mãn nhu cầu của nó ngoài khóc. Sức mạnh Phật muốn nói ở đây là vậy. Ở mặt nội tâm hơn mặt tác dụng ngoại cảnh. Tuy vậy, kết quả mà chúng gặt được có khi cũng nhờ vào sức mạnh đó, như trường hợp vừa nêu.

Nói đến nước mắt, có lẽ cần phân biệt rõ nước mắt nào được mới gọi là sức mạnh của trẻ con.

Tuy có nhiều dạng nhưng nước mắt được gom thành ba loại chính, dựa trên công dụng của nó. Nước mắt nền, nước mắt phản xạ và nước mắt để giải tỏa cảm xúc.

Nước mắt nền giúp giữ cho con ngươi lúc nào cũng ướt, loại bỏ vi khuẩn gây hại, bảo vệ giác mạc khỏi bị tổn thương, tạo bề mặt luôn trơn láng giúp con người có thể nhìn xuyên và có tác dụng ngăn các lớp bên trong bay hơi. Nước mắt phản xạ xuất hiện khi mắt bị tác động bởi gió, bụi, hay côn trùng, nó được sản sinh nhằm bảo vệ mắt3. Hai loại nước mắt này ai cũng có, cần thiết có, để duy trì mắt không bị tổn thương.

Nước mắt giải tỏa cảm xúc xuất hiện khi con người bị những xúc cảm mãnh liệt chi phối. Vingerhoets, Giáo sư Đại học Tilburg Hà Lan, đồng thời cũng là chuyên gia nghiên cứu nước mắt cho biết: “Nước mắt có thể kích thích việc giải phóng các hóa chất ở não như hormone oxytocin và opioid nội sinh giúp chúng ta cảm thấy thư giãn và nhẹ nhõm hơn sau khi khóc”4. Vì thế, loại nước mắt này không hẳn ai cũng có, luôn có hay cần thiết phải có. Nếu cảm xúc không mãnh liệt, hoặc cảm xúc được làm chủ một cách tốt đẹp, nước mắt không tuôn trào. Không cần có sự giải tỏa. Vì thế, tuy người lớn cũng khóc, người giàu cũng khóc, đàn ông cũng khóc… nhưng Phật không nói khóc là sức mạnh của mọi loài mà chỉ là sức mạnh của trẻ con. Vì trẻ con, đa phần không biết làm chủ được cảm xúc của mình, cũng không có sức mạnh hay phương tiện để có thể thực hiện được những gì nó muốn ngoài việc dùng nước mắt như Phật nói: “Muốn đòi gì, trước hết khóc”. Cho nên, đói cũng khóc, nóng cũng khóc, tiêu tiểu cũng khóc, đau cũng khóc v.v… Thứ gì cũng khóc như một dấu hiệu giúp người lớn nhận biết tình trạng bất ổn về tâm sinh lý của nó, cần một sự giúp đỡ.

“Muốn đòi gì, trước hết khóc”, vì tiếng khóc dễ làm yếu lòng người. Đương nhiên, trẻ con thì không biết điều đó và không phải ai cũng mềm yếu trước tiếng khóc của người khác. Thánh giả, không nghe khóc mà động tâm. Kẻ nghe khóc mà động tâm vì tâm còn ái, ố, hỷ, nộ. Mà thế gian này mấy ai đã hết ái, ố, hỷ, nộ? Nắm được tâm lý đó của người đời, người lớn có khi cũng dùng nước mắt làm sức mạnh của mình, lung lạc lòng người, nhằm đạt mục đích cần đạt.

Thời Phật Ca-diếp Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác, sau khi Phật nhập diệt, vua Đại Quả thống lĩnh cõi nước Diêm-phù-đề5. Vua có đến tám vạn bốn ngàn cung phi nhưng phải cầu khẩn mãi mới được một thái tử, dung mạo đoan chính hiếm có, mặt như màu hoa đào. Quần thần nhìn thấy cho rằng nhất định thái tử sẽ có thế lực lớn, nên vua Đại Quả đặt tên cho con là Đại Lực. Có điều, từ lúc 8 tuổi đến 30 tuổi, mỗi khi vua cha nhắc đến việc cưới vợ, thái tử đều từ chối. Vua phải đánh chuông, gióng trống ra lệnh cho nhân dân trong nước rằng: “Ai có thể khiến Thái tử thanh tịnh vui ngũ dục, ta sẽ ban cho ngàn vàng và các báu vật”.

Một cô gái tên Dâm Chủng, thông thạo sáu mươi bốn cách có thể làm cho thiên hạ ham thích ngũ dục, liền nhận việc ấy, với điều kiện không được ngăn trở cô ta ra vào trong cung thái tử.

Canh hai đêm ấy, cô gái đứng sát cửa phòng thái tử khóc. Thái tử tỉnh giấc hỏi người hầu và được biết cô ta khóc vì bị chồng bỏ. Thái tử ra lệnh dẫn cô ta đến chuồng voi. Đến đó, cô ta khóc tiếp. Ra lệnh dẫn qua chuồng ngựa, cô ta vẫn khóc. Sau cho về lại cung Thái tử, vẫn khóc. Thái tử đích thân đến hỏi:

- Sao chưa ngưng cho rồi?

Dâm nữ trả lời:

- Thưa thái tử! Thân đàn bà yếu đuối lẻ loi, rất sợ hãi… cho nên tôi khóc.

Thái tử bảo:

- Lên giường của ta, có thể hết sợ hãi.

Cô gái lên giường nằm, không nói cũng không khóc nữa, nắm lấy tay thái tử để lên ngực mình. Dục tưởng dần khởi lên và thái tử đánh mất sự thanh tịnh của mình.

Bắt đầu từ đó, mọi cô gái chưa chồng trong Diêm-phù-đề đều phải đến cung thái tử trước khi lấy chồng. Đó là sự cầu xin của Thái tử và đã được vua cha chấp thuận. Việc này kéo dài khiến nhân dân trong thành phẫn nộ. Họ sắm sửa chiến cụ, mặc giáp, cầm gậy, tiến đến hoàng cung và tâu rằng: Hoặc là thái tử phải chết hoặc là nhà vua phải chết để tránh cái nhục phép nước.

Vua đồng ý để họ giết thái tử. Thái tử lúc sắp chết phát lời thề rằng: “Các ngươi giết ta oan uổng, vì vua cha cho phép ta. Nay ta chịu chết, chỉ mong đời sau sẽ báo được oán này, lại khiến ta gặp được bậc chân nhân La-hán để mau được giải thoát”. Nhân dân giết thái tử xong thì giải tán.

Đó là tiền thân của ngài Ương-quật-ma.

Câu chuyện giải thích vì sao Ương-quật-ma giết người tàn bạo mà vẫn chứng được quả giải thoát khi gặp Phật. Bước đầu là do không làm chủ được tâm khi thấy Dâm Chủng khóc. Từ đó nảy sinh những hậu quả không hay. Do lời nguyền báo oán mà gây ra cái nhân sát hại vô số người và phải nhận lấy cái quả ấy. Cũng nhân nơi lời nguyện mà gặp Phật và chứng quả Thánh. Tất cả đều bắt nguồn từ cái nhân là để tiếng khóc của Dâm Chủng làm não tâm.

Trong kinh điển cũng hay thấy ngài A-nan khóc, như trong kinh Thủ lăng nghiêm.

Bị cái nạn Ma-đăng-già, được Phật cứu thoát, khóc. “A-nan thấy Phật, liền đảnh lễ khóc lóc hối hận, từ vô thủy đến nay một bề học rộng nên chưa toàn đạo lực. Ông thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp Xa-ma-tha, Tam-ma, Thiền na, là phương tiện ban đầu của mười phương các Đức Như Lai chứng được đạo quả giác ngộ”6.

Nghe Phật dạy do nhận vọng tưởng làm tâm chân thật, nên tuy học rộng nghe nhiều mà chẳng thành Chánh quả, khóc. “A-nan nghe xong lại buồn tủi khóc lóc năm vóc gieo xuống đất, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:“Con từ khi xuất gia theo Phật, chỉ ỷ vào uy thần của Phật, thường tự suy nghĩ con không phải nhọc nhằn tu tập, mà cho rằng Như Lai sẽ ban cho con chánh định, tuy thân xuất gia mà tâm chẳng vào đạo…”7.

Nghe Phật dạy về Diệu minh chân tâm, mình và người như đám người trong mê, bỏ đi trăm ngàn biển lớn trong lặng, chỉ nhận một bọt nổi cho là toàn thể biển cả, khóc. “Ông A-nan vâng nghe lời Phật từ bi cứu độ chỉ dạy, khóc lóc vòng tay bạch Phật…”8

Nghe Phật dạy về tánh thấy, thông chưa được, khóc. “Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, Thế Tôn vì bọn con tuyên nói nghĩa nhân duyên và tự nhiên, các tướng hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa khai ngộ, nay lại nghe Phật dạy tánh thấy chẳng do thấy, lại càng thêm mê muội. Cúi mong Phật mở rộng lòng từ, bố thí cho con mắt đại trí huệ, chỉ bày cho chúng con giác tâm được tròn sáng”. Nói lời ấy rồi, buồn khóc đảnh lễ, vâng lời chỉ dạy của Phật”.

A-nan khóc, đương nhiên không vì đạt lợi ích của riêng mình. Ngài không có mưu đồ khi khóc. Không phải dùng nước mắt như là sức mạnh của chính mình. Chỉ là không làm chủ được cảm xúc của mình, những cảm xúc xuất phát từ nhân duyên rất thiện: Chưa hiểu mong hiểu. Chưa thông mong thông. Hoặc nhận ra chỗ yếu kém của mình mà khóc, khóc vì muốn vượt thoát. Song dù là gì thì nước mắt như thế cũng biểu hiện cho cái gọi là đang bị thất tình lục dục chi phối, tuy không thô như người đời, nhưng cũng xuất phát từ cảm xúc mà ra. Nói theo nhà thiền là đối cảnh tâm chưa không. Cũng không ý thức được là phải làm chủ những cảm xúc mà mình đang có. Cứ theo cảnh mà chạy. Việc này không có gì lạ. Vì A-nan xuất gia là do thích thân tướng của Phật mà xuất gia, “Bạch Đức Thế Tôn, con là em yêu của Phật, vì tâm mến Phật khiến con xuất gia…”9, không phải do phát tâm Bồ-đề mà xuất gia. Tuy cận kề Như Lai, làm thị giả cho Như Lai, ghi chép những lời Như Lai đã thuyết, nhưng vẫn còn trong hàng hữu học, như chính Ngài từng thừa nhận “Một bề nghe rộng nhớ nhiều. Tha thiết xin Phật chỉ dạy cho pháp Xa-ma-tha, Tam-ma, Thiền na vi diệu…”. Chính Phật cũng nói: “A-nan tuy có tánh nhớ dai/ Vẫn không khỏi mắc các tà niệm”10. Do vậy mà nước mắt dễ rơi.

Nhấn mạnh đến việc nghe nhiều nhớ giỏi, không có nghĩa nghe nhiều nhớ giỏi là duyên khiến A-nan hay khóc. Vẫn có nhiều người nghe nhiều nhớ giỏi mà không khóc. Chỉ là muốn nói A-nan chưa có công phu thiền định đủ để điều phục các chủng tử tập khí liên quan đến xúc cảm. Thêm vào đó, lại để cho tập khí “ỷ lại” hiện hành, thường nương vào uy thần của Phật mà cho rằng Phật có thể ban phát hay lo lắng hết cho mình, nên nhẫn lực không có, đủ duyên là khóc. Thành tuy là Sa-môn mà không thể dùng nhẫn lực làm sức mạnh của mình. Càng không thể dùng tinh chuyên của hàng La-hán hay đại từ bi của Phật làm sức mạnh. Cho nên, xét ở mặt hàm dưỡng công phu, A-nan quả là trẻ con trong hàng Đại đệ tử của Phật. Nước mắt dễ tuôn là đương nhiên. Khi Đức Thế Tôn sắp nhập Niết-bàn, có ban di huấn. Nghe xong, A-nan thân run, tâm động, buồn khóc nghẹn ngào, mê muội té xuống trước mặt Phật như người chết. Phải nhờ A-nâu-lâu-na nhắc nhở, A-nan mới lai tỉnh mà thỉnh Phật trả lời bốn câu A-nâu-lâu-na đã mớm. Đến khi Phật nhập Niết-bàn thì A-nan té xuống đất, mất thở như người chết. A-nâu-lâu-na phải lấy nước lạnh rắc vào mặt, an ủi, A-nan mới lần lần tỉnh ngộ, nghẹn ngào… khóc tiếp11. Đây có lẽ là lần cuối A-nan được khóc. Vì sau đó, ông phải tập trung cho việc chứng Thánh quả để dự buổi kết tập kinh điển, hầu hoàn thành sứ mạng mà Phật đã giao.

Kết là…

Kẻ tu Phật, dù là xuất gia hay tại gia, một khi tâm đã quy hướng Bồ-đề vô thượng, đã chọn cho mình con đường Như Lai đã đi, thì dù chưa thể dùng đại bi làm sức mạnh, cũng nên tập cho mình đức nhẫn của Sa-môn, lấy đó làm sức mạnh của mình. Chớ như trẻ con, được dịp là khóc, bành trướng cái khóc cho thành tập khí. Có thể nhờ đó mà xong được nhiều việc, nhưng không phải là việc tốt cho mình. Bởi khóc hoài, nếu không gặp duyên lành như A-nan gặp Ca-diếp, thì khóc sẽ được huân tập vào tạng thức, lực khóc ngày càng mạnh. Mạnh rồi thì đụng đâu cũng khóc. Chuyện không đáng cũng khóc. Lực khóc ngày càng mạnh thì khi ý thức được phải dừng khóc, rất mất thời gian.

Trong Thủ lăng nghiêm, phần Thọ ấm ma, Phật dạy: “Bỗng nhiên phát sinh thương xót vô hạn, như thế cho đến xem thấy muỗi mòng như là con đỏ, tâm sinh thương xót, bất giác rơi lệ. Đây gọi là dụng công đè nén thái quá. Nhận biết như thế thì không lỗi, không phải chứng bậc Thánh, hiểu biết không còn lầm lẫn nữa, lâu rồi tự tiêu. Nếu nghĩ là chứng ngộ thì bị giống ma sầu bi nhập vào tim gan…”. Do dụng công rồi phát tâm thương chúng sinh mà khóc còn phải bỏ, huống là chuyện thường tình được mất ở thế gian mà phát huy cái khóc cho mạnh? Thật là không nên đối với kẻ tu hành. Ngài Hàm Thị bàn rằng: “Nếu hay xa lìa được tâm ấy, thì dù sinh nơi nào vẫn không bị “ái kiến” che đậy. Đại bi mà là Đại bi ái kiến thì không tránh được thân sơ, thương ghét v.v…

Đó là việc mà người tu cần ý thức.

Thế Tôn dạy: “Này các Tỷ-kheo, nên nhớ tu hành sức đại từ bi, các Tỷ kheo nên học điều này!”12.

Đại từ bi là quả của định tuệ. Từ bi đi liền với định tuệ. Muốn có định tuệ, phải buông cho được tâm xúc cảm và phân biệt. Phân biệt ta - người, thân - sơ, tăng - tục, sinh tử - Niết bàn v.v… Không phải người thuận với mình thì thương còn người không thuận với mình thì khởi tâm nghi kỵ. Không phải người thân với mình mới là tốt, còn người không thân với mình là kẻ xấu v.v... Những tâm đó, người tu không nên có. Vì những tâm đó hiện tiền thì chẳng thể có trí tuệ. Không trí tuệ thì thân, khẩu, ý khó tránh được sai lầm, mọi hành vi đều y thương ghét mà lập, tâm bao dung không chỗ dung thân. Không thể huân tập đại từ bi thành lực làm sức mạnh của mình như lời Phật đã dạy.

Chân Hiền Tâm

_________________

(1) http://vanghe.blogspot.com/2018/06/tieng-khoc-tre-tho-lay-ong-long-nguoi.html.

(2) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 2 - phẩm Lực (1). HT.Thích Thanh Từ việt dịch. HT.Thích Thiện Siêu hiệu đính.

(3) Bác sĩ người Mỹ, Michael Roizen. Nguồn: Healthguidance.org, Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ. https://tuoitre.vn/bi-mat-nuoc-mat-moi-nam-tao-113-lit-nuoc-giau-khoc-nhieu-hon-20171106102758401.htm.

(4) Nguồn https://tuoitre.vn/bi-mat-nuoc-mat-moi-nam-tao-113-lit-nuoc-giau-khoc-nhieu-hon-20171106102758401.htm.

(5) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 2 - phẩm Lực (1). HT.Thích Thanh Từ việt dịch. HT.Thích Thiện Siêu hiệu đính.

(6) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 1 - phần A-nan khóc lóc và hối hận... - TS.Hàm Thị trực giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

(7) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 1 - phần Bày chướng cầu chỉ dạy - TS.Hàm Thị trực giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

(8) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 -phần Trước bày chỗ ngộ chẳng dám tự nhận - TS.Hàm Thị trực giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

(9) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 1 - phần Cầu xin chỉ dạy - TS.Hàm Thị trực giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

(10) Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ quyển 6 - Phần Trách nghe nhiều và khuyên tu - TS.Hàm Thị trực giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

(11) Kinh Đại bát Niết-bàn tập 2 - phẩm Di giáo - HT.Thích Trí Tịnh Việt dịch.

(12) Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 2 - phẩm Lực (1). HT.Thích Thanh Từ việt dịch. HT.Thích Thiện Siêu hiệu đính.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.