Khoảng lặng chiều cuối năm!

Ngoài kia, hai đứa trẻ con hì hục…bới rác. Chúng tìm kiếm bằng đôi tay khẳng khiu, thô kệch. Trên khuôn mặt đen nhẻm, nét thơ ngây bị tước đi bởi những tháng ngày lang thang, giành giật miếng ăn, sự sống.

Chiều 30 tết năm ngoái, đến hẹn lại đi, con bình bịch chậm rãi lăn bánh!

Gió mùa tăng cuờng về. Cái lạnh đến se lòng!

Chợ hoa nhộn nhịp mấy ngày giáp tết, giờ ảm đạm, đìu hiu. Lác đác vài “ông đi trưa, bà bán ế”. Quất tốt tươi, mẫm mụp có kẻ rước ngay. Đào chúm chím, e lệ đuợc người giấm sẵn. Lan Hồ Điệp, thuỷ tiên xanh, hải đường đỏ rủ nhau lấy chồng hết. Giàu sang sắm trước, nghèo hèn nhặt nhạnh sau. Tơ hơ quất héo, đào còi và vài kẻ hẩm hiu cam chịu cảnh quá lứa lỡ thì. Chẳng thấy người đi buôn vồn vã, chèo kéo còn khách hàng thủng thẳng làm kiêu nữa. Thương cái chợ hoa chiều, ì xèo trong gắng gượng và vớt vát!

hanoi-18.gif
Phó Phan Đình Phùng - Hà Nội chiều cuối năm
(Ảnh minh họa - Bảo Thiên)

Phố chợ cũ Kim Liên rậm rịch cất dọn, chị ô sin quê xa bới nhanh mẹt quần áo hạ giá, cố tìm chiếc áo len cho cô con gái nhỏ, lòng ước gì nó đừng mang tên gọi hàng thùng, đỡ chịu tiếng mới ta, cũ người. Góc khuất gần đấy, anh thanh niên khắc khổ chìa tờ tiền nhăn nhúm, đượm mùi hồ vữa để lấy đôi giầy, thứ mà nếu không phải vì tết chắc anh chẳng bỏ tiền mua, cả năm lam lũ, chân đất chai sạn vốn quen rồi. Còn chốn đó, bên kia đường Tôn Thất Tùng, quán karaoke xập xình ầm ĩ, tiếng hát át tiếng “dzô”. Tất niên phè phỡn, bù khú. Giải đen, giải khát, giải sầu …để có cớ giải ngân. Giàu nghèo khoảng cách thế sao, chạnh lòng thấy xã hội bất công!

Ngoài kia, hai đứa trẻ con hì hục…bới rác. Chúng tìm kiếm bằng đôi tay khẳng khiu, thô kệch. Trên khuôn mặt đen nhẻm, nét thơ ngây bị tước đi bởi những tháng ngày lang thang, giành giật miếng ăn, sự sống. Quần áo phong phanh hứng từng cơn gió bắc, mưa, rét…lạnh thấu xương. Chúng ước được một lần đón tết trong mâm cơm tất niên đầm ầm, được quây quần bên gia đình song biết đến bao giờ khi cha mẹ chúng còn đang vật lộn với khói thuốc cùng bệnh tật. Sinh ra mỗi người một số phận, sao éo le đến nao lòng?

Một bà lão ngoài 70 tuổi, còng còng chiếc ba lô đựng manh chiếu rách, tay khua gậy lần đường, tay chìa chiếc nón sờn ra trước, miệng thều thào không ra hơi, môi lập bập bởi rét, hướng mắt về phía người đàn ông vừa bước ra từ chiếc ô tô sang trọng. Chẳng biết tiếc tiền hay sợ chiếc nón làm xước cái vật trị giá 800 triệu đồng chưa kể 20 triệu “rửa xe” mà anh ta đuổi bà lão như đuổi tà. Thế rồi, từ xa một cháu bé ở đâu chạy đến, bỏ vào nón bà lão đồng xu vàng óng ánh, lễ phép “cháu biếu bà”. Cả góc chợ Đồng Xuân xúc động. Con người đối xử với nhau, chứng kiến  mà buồn vui lẫn lộn!

Qua cầu Chương Dương, nhìn xóm chài vắng vẻ, yên ắng. Gió bắc ào ào trên sông, lách qua mái thuyến bằng tôn lâu ngày, kêu sàn sạt. Con thuyền lắc lư chao đảo trên sông như những người dân chài đang giật gấu, vá vai, vật lộn với cuộc sống mưu sinh trong nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền từng ngày, từng đêm, suốt 364 ngày đã qua và cả ngày cuối năm sắp qua này nữa.

Chiều muộn, bóng tối sắp phủ dần, ánh nến leo lét trong những căn nhà thuyền lại sắp sửa được thắp lên. Cứ tăm tối, yếu ớt như chính cuộc đời họ sao?

Bên hồ gươm, pháo được dựng thành hàng, hướng lên trời hùng dũng. Đêm giao thừa, khi năm mới sang, tết về, mùa xuân rạo rực sức sống, nhiều người sẽ chờ xem pháo hoa được bắn lên trong giờ phút thiêng liêng đó. Thứ ánh sáng ấy biết đâu sẽ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh trong cái rét tê tái, thắp lên cho họ nhiều hi vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn năm cũ.

Lại sắp 30 tết nữa rồi!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.