Khi người ta... chán sống

Không có con đường cùng, vì lối đi ngay dưới chân mỗi người...
Không có con đường cùng, vì lối đi ngay dưới chân mỗi người...

GN - Theo khảo sát của cơ quan y tế, mỗi năm Việt Nam có 36.000 - 40.000 người tự tử, tức cao hơn 3-4 lần so với con số 10.000 - 13.000 người tử vong vì tai nạn giao thông. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết mỗi năm có 1.000.000 người trên thế giới chết vì tự tử, trung bình cứ một phút lại có hai người chết. Dự báo đến năm 2020, nguyên nhân tự chết sẽ cao hàng đầu trong các loại tử vong...

Tin dữ gần như thường ngày trên báo

Nghi án cựu cầu thủ An Giang giết 2 con rồi tự tử - tin ngày 5-6-2016 trên các báo. Bản tin cho biết, cựu cầu thủ đội bóng An Giang Nguyễn Xuân Bình, 32 tuổi được cho là đã giết hai con gái 5 và 8 tuổi rồi treo cổ tự tử.

Theo những người quen với gia đình Bình, rạng sáng 5-6, Bình đã đăng trên trang Facebook cá nhân nội dung đầy tâm trạng “vợ hư đốn”. Trước đó, khoảng 10 ngày, vợ Bình đã có đơn yêu cầu ly dị. Theo lời kể của những người chứng kiến, trước khi vụ việc xảy ra, vợ chồng Bình có cãi nhau. Nhiều người cho rằng Bình khóa cửa phòng và cho 2 đứa con uống thuốc độc trước khi tự cắt tay treo cổ tự tử.

Ngày 26-6-2016, báo chí lại đăng một tin khác - chồng đốt vợ rồi treo cổ tự tử. Án mạng xảy ra vào rạng sáng 26-6 tại căn nhà của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng (44 tuổi) và chị Phạm Thị Huyền (46 tuổi), thuộc tổ 15, ấp Long Hải, xã Trường Tây, Hòa Thành, Tây Ninh. Theo nhận định của nhiều người, sau khi nổi máu ghen, vợ chồng cãi nhau sau đó anh Hùng đã thiêu vợ bằng xăng rồi tự kết liễu đời mình.

Gần đây, tối 7-7, chị Nguyễn Kim Khoe (25 tuổi, cư ngụ Kiên Giang) nghi đã tìm cách cho hai con trai (1 tuổi và 5 tuổi) uống thuốc diệt cỏ để 3 mẹ con cùng chết. Hiện cháu bé 1 tuổi đã qua đời, cháu 5 tuổi đang được cấp cứu, còn chị Khoe đến chiều 8-7 đã qua đời. Theo thông tin từ báo Tuổi Trẻ, xảy ra thảm cảnh này có thể vì người chồng bị điều tra việc chiếm dụng tài sản khiến gia đình bế tắc, vợ chọn cách chết cùng các con.

Tất nhiên, đó chỉ là một vài liệt kê. Người viết thử đánh từ khóa “tự tử” trên Google và 446.000 kết quả đã được tìm thấy chỉ trong 0,38 giây. Với từ “tự sát” thì có 386.000 kết quả trong 0,40 giây, còn từ “tự vẫn” trong 0,32 giây đã cho ra con số 460.000 kết quả... Thật khủng khiếp! Vì lẽ đó mà thế giới đã lấy ngày 10-9 là Ngày phòng chống tự tử, để thể hiện quyết tâm xây dựng đời sống bớt đau thương.

Luôn có một lối ra...

Thực ra, chết là một điều hiển nhiên, bởi ai sinh ra cũng phải tới lúc mất đi theo quy luật sinh-diệt của cuộc đời. Tuy nhiên, có những cái chết đau thương như kể trên lại khiến ta khó an lòng mỗi khi nghe thấy.

Nguyên nhân của tự chết là những đau khổ ập tới hoặc những vết thương dai dẳng trong cuộc sống khiến ta bế tắc, không còn tìm thấy lối ra, trong khi không có một điểm tựa tinh thần để có thể chia sẻ, lấy lại cân bằng. Đó là những lúc mà người ta vẫn thường thốt lên “chết còn sướng hơn” - dù trong cuộc đời này, hầu như ai cũng sợ chết.

Nhưng, chết liệu có sướng hơn không? Người chết không thể trả lời, nhưng bức tranh cuộc sống phía sau những vụ tự tử có thể nói lên tất cả: là nó không hề sướng hơn, bởi sau cái chết, nỗi đau đó vẫn âm ỉ mỗi ngày với những người xung quanh, xã hội vẫn phải tiếp tục gánh chịu những thương tổn mà người tự tử đó gây ra. Xét về mặt nào đó, thì người tự chết không chỉ hại họ mà còn hại những người xung quanh, nhất là người thân trong nỗi ám ảnh về cái chết của họ.

Không phải tự dưng mà ở một số nơi còn giữ phong tục dùng roi quất vào quan tài người con/cháu dại dột chọn cái chết mà là bởi vì, hành động ấy như một biểu hiện mang ý nghĩa rằng: con/cháu đã quá hư, là đứa con/cháu bất hiếu với ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Có tội nào lớn hơn tội bất hiếu? Dù theo tôn giáo hay không theo tôn giáo thì tất cả đều coi trọng chữ hiếu, lấy đó làm thước đo về đạo đức, nhân phẩm của mỗi người. Do vậy, bạn đừng vội chọn cái chết, hãy nghĩ đến những người thân của mình dù họ còn hay mất - để giữ trọn vẹn chữ hiếu bằng chính cách mình sống, chọn sống (chứ không phải chọn chết) giữa cuộc đời này một cách kiên cường, vững chãi, tử tế.

Tại sao không nên tự tử? Bởi vì bạn cần tử tế để báo ân mà cha mẹ đã sinh thành, mọi người đã nâng niu, giúp đỡ, kể cả đất trời đã cưu mang. Và trước tiên là tử tế với chính mình, để có thể đóng góp cho xã hội một nhân tố tốt.

Vì sao không nên tự tử? Bởi vì con đường ở ngay dưới chân chúng ta chớ không phải ở một nơi nào khác. Mỗi người phải tự bước tới thì rồi mọi chuyện sẽ qua đi nhẹ nhàng, buồn vui cũng sẽ được hóa giải trong khi chúng ta luôn nghĩ về phía trước bằng những bước đi không sợ hãi. 

Không nên tự tử còn bởi vì chúng ta chưa phải là người khổ nhất. Vẫn còn rất nhiều người khổ đau hơn nhưng họ vẫn vui sống và có thể còn đóng góp niềm vui sống cho tự thân, gia đình, xã hội, truyền cảm hứng cho số đông. Tại sao họ làm được mà bạn không thể? Nếu bạn muốn làm và tin vào bản thân bằng cách bước tới, mở rộng tầm nhìn hơn, dấn thân hơn vào cuộc sống thì bạn sẽ nhận ra điều đó, sẽ có động lực để vượt qua, gia nhập vào nhóm những người hùng, truyền cảm hứng tích cực cho mọi người.

Ở trên đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là bước qua ranh giới ấy. Thông điệp ấy của một nhà văn, nhưng tôi nghĩ cũng là của những ai muốn sống trọn vẹn đời mình dù bản thân có lúc đón nhận những nỗi khổ niềm đau nào đó.

Để mình lệ thuộc vào bất cứ điều gì cũng đều không tốt. Học cách thương mình, làm chủ chính mình với những cảm xúc vui, buồn tất nhiên của những ai mang thân người; học cách đón nhận được/mất một cách mạnh mẽ vì biết mọi thứ đến/đi đều có nguyên do, để từ đó kiến tạo lại mọi thứ cho tốt đẹp hơn (bởi chỉ có ta làm điều tốt thì mới có thể thay đổi được cuộc đời mình, trong khi đó tự chết không phải là điều tốt).

Cách sống mạnh mẽ là cách sống có thể dựng xây được hạnh phúc cho tự thân và nó được bắt nguồn từ tư duy tích cực - kiểu như đó chỉ là chuyện nhỏ, mà chuyện lớn đã sao, mọi thứ đều có cách giải quyết.

Thêm nữa, cần nhận diện được buồn vui đi qua tâm thức để không bị những vui buồn cuốn lấy, đè bẹp suy nghĩ, để rồi chỉ sống theo những xúc cảm nhất thời - cũng là cách cho ta có thời gian tháo gỡ những nút thắt trong lòng.

Mong rằng, trong cuộc sống, bạn đừng khép kín lòng mình lại, hãy để mình có được những cơ hội sẻ chia, hãy tìm cho mình những nơi an toàn để quay về khi cuộc sống có những chông chênh...

Trang Phật giáo - Tuổi trẻ mời bạn chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm vượt qua nỗi khổ niềm đau mà bạn đã làm được, để cùng chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn - dẫu mỗi người, mỗi ngày vẫn đang phải trải qua những khó khăn, nhiều khi là những bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua. Ý kiến xin hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Chúc Thiệu

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.