Khép lại ước mơ

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1295 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1295 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Có những người sinh ra, sống một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác nhưng cũng có không ít người khi sinh ra, luôn mang trong mình một ước mơ to lớn xây dựng quê hương, kiến thiết đất nước.

Có những người thực hiện được ước mơ cao đẹp đó nhưng cũng có không ít người do nhiều nhân duyên khác nhau, cho tới lúc lìa đời, ước mơ vẫn là mơ ước!

Năm 1954, rời quê hương Kim Sơn, Ninh Bình, anh theo đoàn người di cư vào Nam. Không ai biết anh xuất gia năm nào nhưng trong Pháp nạn 1963, anh luôn sát cánh bên Sư phụ và hình ảnh một thanh niên Tăng đầy nhiệt huyết của anh xuất hiện trên trang đầu của tờ báo Tranh đấu bảo vệ Phật pháp năm 1963.

Sau đó, anh được Sư phụ cho sang Nhật du học. Anh đến Nhật ngày 9-6-1966 khi mới 19 tuổi. Anh ra đi khi quê hương còn chìm trong khói lửa. Những trang sách dù thơm mùi mực mới cũng không làm an lòng chàng thanh niên nặng lòng với quê hương. Hàng ngày anh cùng một số sinh viên yêu nước tham gia phong trào chống chiến tranh tại Việt Nam. Tuy gởi cà-sa lại cửa thiền nhưng anh không theo vết chân của Hư Trúc, mà sống cuộc đời thanh cao thoát tục của Tuệ Trung thượng sĩ.

Ngoài việc biểu tình chống chiến tranh, anh quy tụ những anh em yêu nước, cùng phân công mỗi người học một ngành nghề khác nhau để sau này khi quê hương thôi không còn khói lửa thì cùng chung tay xây dựng cơ đồ. Riêng anh, anh theo học khoa Kinh tế tại Trường Đại học Komazawa (駒澤大学), một trong những trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất ở Nhật Bản.

Dường như những nỗ lực của anh, dù khiêm tốn, cuối cùng cũng đơm hoa kết quả. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất. Mùa xuân đầu tiên ấy đã đến. Sau năm 1975, anh lại tích cực tham gia các phong trào yêu nước bằng việc thành lập tờ báo Người Mới và anh làm Thư ký. Qua tờ báo, những sinh viên yêu nước lúc bấy giờ đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu để xây dựng một đất nước Việt Nam sau chiến tranh hoang tàn và đổ nát. Năm 1977, anh là một trong 5 sinh viên yêu nước tiêu biểu được mời về thăm quê hương sau ngày đất nước thống nhất. Phái đoàn sinh viên yêu nước đang du học tại Nhật Bản lúc bấy giờ gồm anh Nguyễn Văn Chuyển, anh Huỳnh Trí Dũng, anh Huỳnh Chí Thành, chị Nguyễn Thị Bích Thủy và anh.

Sau hai tháng thăm quê hương trở lại Nhật, anh ít nói hơn, không thấy anh bàn đến việc học kinh tế hay kỹ thuật gì nữa, anh dần dần cắt đứt liên lạc với tất cả bạn bè, không đi đâu ngoài Nhật Bản và cũng không rời Tokyo nửa bước, sống cuộc sống cô thân chích ảnh. Thời gian cứ như thế lặng lẽ trôi qua: Một năm, hai năm, năm năm, mười năm rồi hai mươi năm... Dường như không ai biết có một Sa-di hùng tâm tráng chí năm 1963 và một sinh viên hào khí xung thiên những năm 1970 đang tồn tại trên đất nước Hoa anh đào!

Thế rồi một ngày tháng 4-2023, tôi nhận được điện thoại của anh Hồ Phùng (bạn thân của anh) qua lời giới thiệu của Hòa thượng Thích Giác Toàn. Anh Hồ Phùng cho biết: Sau một thời gian miệt mài tìm kiếm mới liên lạc được với anh và anh Phùng cũng cho biết: Anh rất muốn về Việt Nam để sống những ngày cuối cùng nơi cội nguồn quê cha đất tổ.

Năm 1972, tôi vào chùa Từ Quang thì anh đã đi du học. Tôi chỉ nghe những người đi trước kể về anh, cho xem những tấm hình đầy hào khí Đông A trong phong trào đấu tranh bảo vệ Phật pháp 1963. Năm 1994 khi sang Nhật du học, tôi cũng cố gắng tìm anh nhưng như tôi đã trình bày ở trên, thời gian này anh đã sống khép kín với cuộc sống chích ảnh cô thân nên tất cả sự tìm kiếm của tôi đều chấm dứt trong vô vọng.

Sau khi nghe anh Hồ Phùng trình bày ý nguyện của anh, tháng 6-2023 tôi sang Tokyo, gặp anh trong căn phòng nhỏ hẹp, đơn sơ. Lúc này, trong người anh chỉ có duy nhất một sổ thông hành (hộ chiếu) do chính quyền Việt Nam Cộng hòa cấp vào năm 1966. Chỉ có vậy. Anh không xin vĩnh trú cũng không nhập quốc tịch Nhật. Dường như anh có một nỗi niềm riêng mà chỉ có anh mới biết. Thế là tôi đưa anh lên Đại sứ quán Việt Nam tại Tokyo để làm hộ chiếu.

Câu chuyện xin hộ chiếu cho anh là một câu chuyện dài dòng, tôi không muốn kể dài thêm. Tôi chỉ muốn tóm tắt những lời tâm sự của các người bạn cùng thời sinh viên với anh: Anh là con người cá tính, khẳng khái, không thỏa hiệp, chánh nhân, quân tử, v.v. và v.v... Những cá tính đó tạo nên con người anh, một con người như muôn người khác nhưng lại rất khác những người khác. Chắc có lẽ tất cả những cá tính đó đã tạo nên một kết cục không như ý!

Thế rồi ngày 16-3-2025 (17-2-Ất Tỵ) anh giã từ cõi mộng, hưởng thọ 79 tuổi. Có thể nói, anh là một trong những chứng nhân cuối cùng của Phong trào đấu tranh bảo vệ Phật giáo năm 1963. Anh ra đi mang theo một nỗi niềm riêng tư, một khung trời tĩnh lặng. Năm nay là năm nhân dân cả nước trọng thể tổ chức Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 80 năm thành lập quốc. Tôi mong muốn anh có mặt trong ngày trọng đại đó để xác tín những gì anh đóng góp cho quê hương không phải là vô ích và anh nhìn thấy quê hương thay đổi thế nào so với ngày anh xuất dương du học. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ!

Ngày đưa tiễn anh về đài hóa thân, ngoài tôi và một số bạn bè thời sinh viên của anh, nay cũng đã ngoài tuổi cổ lai hy; không có một ai được gọi là quyến thuộc họ hàng vì như đã trình bày ở trên, tuy rời cửa thiền nhưng anh không theo vết chân bầu đoàn thê tử của Hư Trúc mà sống cuộc đời thanh cao thoát tục của Tuệ Trung thượng sĩ. Hôm tiễn biệt anh, ngoài vòng hoa của tu viện Vĩnh Nghiêm, chùa Đại Ân, Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, còn có vòng hoa thắm đượm nghĩa tình của sư tỷ Tịnh Nguyện để gọi là tiễn biệt người em cũng là người đồng hương lặng lẽ ra đi nơi đất khách.

Thế là 60 năm khép lại ước mơ. Vĩnh biệt anh Hoàng Khắc Long, đầu Phật xuất gia pháp danh Thích Giác Thiện.

Kyoto, ngày 22 tháng 3 năm 2025

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.