NSGN - Sự phân biệt về các phương diện giáo nghĩa và những vấn đề liên quan đến Đức Phật và Tăng đoàn có lẽ hình thành khá sớm. Điều này phản ánh rõ qua tác phẩm Dị bộ tông luân luận (Samayabheda-uparacana-cakra). Trong đó, “Phật tại Tăng trung” hay “Phật bất tại Tăng trung” là một trong những vấn đề gây nên nhiều ý kiến và lý giải khác nhau từ các bộ phái Phật giáo.
Thông qua việc khảo sát và phân tích tư liệu liên quan, khảo luận này sẽ góp phần làm sáng tỏ các quan điểm về vấn đề “Phật ở trong Tăng”, “Phật không ở trong Tăng” ở trên.
1- Quan điểm "Phật ở trong Tăng" và "Phật không ở trong Tăng" trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy
Đức Phật là bậc đạo sư của Tăng chúng. Tuy vậy, trong cuộc sống hàng ngày, Đức Phật vẫn sống giản dị, gần gũi với Tăng chúng. Về phương diện pháp hành, Ngài cùng Tăng chúng bố-tát,1 an cư.2 Về phương diện đời sống, Ngài cùng Tăng đoàn du hành hoằng pháp,3 khất thực,4 thăm hỏi động viên những Tỷ-kheo bị bệnh.5 Đồng thời, với tư cách một người thầy, Đức Phật thường thuyết giảng giáo pháp cho các học trò của mình nghe, khuyến khích, giúp đỡ, giúp cho họ thực tập, phát triển đời sống phạm hạnh, giải thoát. Việc thuyết pháp của Đức Phật rất bình đẳng, Ngài không phân biệt hay có một đặc ân riêng nào dành cho bất kỳ một cá nhân nào, cho dù đó là người thân trong gia tộc của mình. Trong những trường hợp cần thiết và hợp lý, Ngài cho phép những người đệ tử đủ năng lực thay thế Ngài thuyết giảng nhằm phổ cập Chánh pháp vào đời sống xã hội.6 Trong thực tế, kinh điển hiện còn lưu giữ nhiều bài kinh được thuyết giảng bởi các đệ tử Phật.7 Mặt khác, có bản kinh còn ghi nhận, khi được cúng dường, Đức Phật khuyên người phát tâm nên cúng dường cho cả đại chúng, không nên cúng dường riêng Ngài.8 Những chi tiết trên gợi lên rằng, rất có thể vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, Đức Phật được xem như một thành viên trong Tăng đoàn. Thực tế, Đức Phật không bao giờ xem mình như người lãnh đạo Tăng đoàn9, mà chỉ là người chỉ đường.10
Tuy nhiên, bên cạnh những chi tiết trên, kinh điển còn ghi lại một số chi tiết khác, Đức Phật tuy cùng sinh hoạt với Tăng đoàn trong cuộc sống hàng ngày, nhưng giữa Ngài và Tăng đoàn vẫn có khoảng cách nhất định. Điều này được thể hiện qua câu chuyện Đức Phật khuyên di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī nên cúng dường cho cả đại chúng thay vì chỉ cúng dường riêng Ngài. Giữa hai nguồn tư liệu Nikāya và A-hàm có sự khác biệt về một chi tiết nhỏ. Trong tạng Nikāya, Đức Phật khuyên: “Này Gotami, hãy cúng dường Tăng chúng! Bà cúng dường Tăng chúng, thời Ta sẽ được cung kính, và cả Tăng chúng cũng vậy.”11 Trong khi đó, ở trong tạng A-hàm, Đức Phật khuyên: “Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng”.12 Lời dạy của Đức Phật trong Nikāya rất rõ ràng, “cúng dường Tăng chúng” là thể hiện “lòng cung kính đối với Đức Phật và Tăng”. Nhưng lời dạy của Đức Phật trong tạng A-hàm lại mang ý nghĩa khác hơn, tức “cúng dường Tăng là cúng dường Phật”. Ở đây, có thể lý giải rằng, có thể vì chịu tác động từ sự cách biệt địa lý cùng âm sắc ngôn ngữ từng địa phương, lại trải qua quá trình truyền thừa có sự điều chỉnh theo kiến giải cá nhân trong thời kỳ Phật giáo bộ phái, cộng thêm công tác phiên dịch ra những ngôn ngữ vốn chịu ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khác nhau, do đó không sao tránh khỏi sự sai sót, lệch lạc. Điều đáng lưu ý là chi tiết khác biệt trên không ảnh hưởng đến nội dung phần cuối bản kinh. Vì cả hai bản kinh đều cho thấy Đức Phật phân biệt rất rõ công đức cúng dường tùy thuộc vào đối tượng được cúng dường, cụ thể là cúng dường Đức Phật phước đức lớn hơn cúng dường những vị đệ tử của Ngài.13 Điều này rất hiển nhiên, vì Đức Phật có điểm đặc thù hơn những đệ tử của Ngài. Ngài phát hiện chân lý duyên khởi, tìm ra phương pháp tu tập giải thoát.14 Hơn nữa, khả năng hoằng pháp của Ngài chắc chắn có phần hơn hẳn những người đệ tử. Trong một bản kinh thuộc Tăng chi bộ, Đức Phật xác nhận, Ngài là bậc tối thắng, không có người ngang hàng, không có đồng bạn.15 Trong ý nghĩa như thế, có thể nói Đức Phật không thuộc thành viên trong Tăng chúng, mà là một người thầy của Tăng chúng.16
Một chi tiết khác góp phần khẳng định tính đúng đắn của quan điểm trên được tìm thấy trong Tăng chi bộ: “Này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy hành trì Uposatha (Bố-tát), hãy đọc giới bổn. Bắt đầu từ nay, này các Tỷ-kheo, Ta sẽ không đọc giới bổn”.17 Sự kiện này cho thấy, đối tượng thực hành bố-tát là Tăng chúng, đây là điều bắt buộc, trong khi Đức Phật có thể không tham gia. Kinh Tiểu bộ cũng ghi nhận: “Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pàtimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn”.18 Lời tuyên bố sẽ không bố-tát như vậy thể hiện đặc quyền của Đức Phật; không ai trong chúng đệ tử của Ngài có quyền tuyên bố như vậy, và không ai trong Tăng chúng có đặc quyền được không tham gia bố-tát. Bởi chính Đức Phật đã quy định, tất cả Tỷ-kheo sống trong cùng một trú xứ phải tập trung đến một nơi đã được ấn định để tham dự bố-tát.19
Thậm chí, trong một số trường hợp, Đức Phật còn tuyên bố, Ngài có quyền làm ngược lại với những học giới do chính Ngài quy định, vì Ngài không chịu ảnh hưởng bởi các quy ước đó:
Vua Bimbisāra (Tần-bà-sa-la) nghe vậy, đi đến hỏi Đức Thế Tôn:
- Bạch Thếtôn, Ngàiđịnh thịhiện thần thông lực chăng?
- ThưaĐại vương, phải.
- Bạch Thếtôn, chẳng phải cólệnh cấm vềvấnđềnàyrồi sao?
- ThưaĐại vương, lệnhấy dành cho cácđệtửcủa ta, chớkhông cólệnh nàocóthểngăn cản chưPhật cả. Cũng nhưhoa quảtrong vườn ngựuyển làcủa cấmđối với kẻkhácchứkhông hềápdụng luật nàyđối vớiĐại vương.20
Những chi tiết về khả năng đặc biệt được xem như "thần thông" của một số nhân vật vốn chẳng có gì lạ khi xuất hiện trong các tác phẩm mang tính tôn giáo. Đoạn kinh trên được trích dẫn từ kinh Tiểu bộ (Tạp tạng) của phái Đồng Diệp (Tāmrā-śātīya). Trong quá trình biên tập kinh tạng của Đồng Diệp bộ, kinh Tiểu bộ được biên tập sau cùng.21 Lời tuyên bố trên của Đức Phật không được ghi chép trong bốn bộ Nikāya trước, cũng không có chi tiết tương đương trong tạng A-hàm. Nhưng chi tiết này đã được ghi chép trong tư liệu kinh điển được xem như nguyên thủy, nên người viết vẫn ghi nhận ở đây như một minh chứng cho quan điểm “Phật ở trong Tăng” chưa hoàn toàn hợp lý, trong khi quan điểm “Phật không trong Tăng” có phần hợp lý hơn.
Vì vấn đề “Phật ở trong Tăng” hay “Phật không ở trong Tăng” vốn không được quan tâm vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, nên vấn đề này không được làm rõ trong hai nguồn tư liệu Nikāya và A-hàm. Sau khi Đức Phật nhập diệt, tín đồ nảy sinh nghi vấn khi “tu phước” bằng phương pháp cúng dường: như cúng tháp Phật có công đức hay không; cúng dường Tăng có được phước báu lớn như cúng Phật không; giữa Tăng và tháp Phật, cúng dường bên nào có phước báu lớn hơn. Trách nhiệm giải đáp vấn đề vừa có tính tâm linh, vừa có tính xã hội này thuộc về giới Tăng sĩ thời kỳ Phật giáo bộ phái. Trong bối cảnh đó, một số bộ phái đã đưa ra câu trả lời theo kiến giải của mình, điển hình như quan điểm “Phật ở trong Tăng” của Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ. Từ đây, “Phật ở trong Tăng” hay “Phật không ở trong Tăng” trở thành chủ đề được quan tâm tìm hiểu.
2- Quan điểm "Phật ở trong Tăng" và "Phật không ở trong Tăng" vào thời kỳ Phật giáo bộ phái
Quan điểm này có thể tìm thấy gián tiếp qua quan điểm của các bộ phái về vấn đề phân biệt công đức cúng dường giữa Đức Phật và Tăng chúng. Theo đó, có quan điểm cho rằng, tháp thờ xá-lợi Đức Phật chỉ là một biểu tượng vô tri vô giác, do đó, việc cúng dường tháp không thể nào tạo nên phước báu to lớn như cúng dường Đức Phật lúc Ngài còn tại thế. Đại biểu cho quan điểm này là các bộ phái hình thành khoảng 200 năm sau khi Đức Phật diệt độ bao gồm: 1. Chế-đa Sơn bộ (Caitika); 2. Tây Sơn Trụ bộ (Aparaśaila); 3. Bắc Sơn Trụ bộ (Uttaraśaila).22 Họ cho rằng “Phát tâm cúng dường tháp (stūpa) không được quả báo lớn”.23
a) Quan điểm “Phật ở trong Tăng” của Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ
Khoảng 300 năm sau Phật nhập diệt, nhằm góp phần giải đáp các câu hỏi về việc tu phước của tín đồ, một giải pháp của Hóa Địa bộ (Mahīśāsaka)24 có phần hợp lý với chủ trương “Phật ở trong Tăng” của Phật giáo Nguyên thủy đã được đề xuất: “Trong Tăng có Phật, cho nên bố thí Tăng được quả báo lớn, chẳng phải cúng dường cho Phật mới có phước báo.”25 Chủ trương này đã tạo nên hiệu ứng tích cực cho giới Phật tử đang khắc khoải mong chờ câu trả lời chính thức từ những vị Tăng sĩ chân chính. Hưởng ứng chủ trương này còn có cả Pháp Tạng bộ (Dharmagupta),26 một phái có thẩm quyền nhất định về giới luật với việc biên tập Luật Tứ phần (Dharmagupta-Vinaya). Tuy Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ dường như thống nhất với nhau về quan điểm “Phật ở trong Tăng”, nhưng thông qua những nhận định khác biệt trong việc đánh giá, so lường, phân biệt phước báo cúng dường Đức Phật và chúng Tăng, có thể thấy giữa hai bộ phái ít nhiều cũng có những quan điểm khác biệt. Cụ thể là, căn cứ vào chi tiết Đức Phật thuyết giảng về công đức vô lượng khi cúng dường tóc và móng tay của Ngài27 trong Luật Tứ phần, Pháp Tạng bộ đưa ra quan điểm “cúng dường tháp vẫn được phước báu lớn” nhằm phản biện quan điểm của các bộ phái trước: “Phật tuy là một thành viên của Tăng, nhưng cúng dường riêng cho Phật công đức vẫn lớn hơn Tăng, do vậy đối với việc cúng dường tháp vẫn được phước báu lớn.”28 Tuy không phản đối quan điểm “Phật ở trong Tăng”, nhưng Pháp Tạng bộ thừa nhận Đức Phật có bản chất tối thắng, vượt hơn hẳn Tăng, tối thiểu là về phương diện cúng dường, và có thể xem đó là một hình thức ngầm khẳng định “Đức Phật không đơn thuần như một thành viên trong Tăng đoàn”. Đây cũng có thể xem như một trong những cơ sở góp phần hình thành nên quan điểm “Phật không ở trong Tăng” được thể hiện rõ nét trong tác phẩm Luận Thành thật về sau.
Liên quan tới vấn đề tháp thờ xá-lợi Phật, Kimura Taiken, một học giả Phật học nổi tiếng của Nhật Bản thừa nhận việc xây tháp xá-lợi cũng góp phần phổ biến Phật giáo. Tuy vậy, ông lại đưa ra nhận định có phần tiêu cực khi cho rằng việc làm này chỉ đơn thuần là một thứ tín ngưỡng tôn giáo. Từ nhận định này, ông lại cho rằng các bộ phái Phật giáo hình thành hai chủ nghĩa trái ngược: 1. Chủ nghĩa tôn sùng xá-lợi, thuộc hệ Đại Chúng bộ, điển hình như Pháp Tạng bộ; 2. Chủ nghĩa lấy Chính pháp làm trung tâm, thuộc hệ Thượng tọa bộ, điển hình như Chế Đa Sơn bộ.29 Trong khi đó, trong tạng Nikāya, Đức Phật dạy: “Tháp của Như Lai phải được dựng lên tại ngã tư đường. Và những ai đem tại chỗ ấy vòng hoa, hương, hay hương bột nhiều màu, đảnh lễ tháp, hay khởi tâm hoan hỷ (khi đứng trước mặt tháp), thời những người ấy sẽ được lợi ích, hạnh phúc lâu dài”.30 Rõ ràng hơn, tạng A-hàm còn giải thích: “Thiêu xong, lượm lấy xá-lợi, dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại những lời giáo hóa của Pháp vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sinh Thiên”.31 Việc “tưởng nhớ lại những lời giáo hóa của Pháp vương Như Lai sẽ được phước lợi” được ngài Na-tiên (Nāgasena) diễn giải: “...nhưng những người Phật tử cung kính, lễ bái, cúng dường xá-lợi, cây bồ-đề, kim thân Phật; đã hàng ngày tự mình nhắc nhở, hàng ngày tự mình hành thiền, hàng ngày đã dùng phương pháp lấy lửa để thành tựu trí tuệ; nên kết quả của việc làm ấy được phước báu vô lượng vô biên, là chứng đắc ba thứ đạo quả: quả người, quả trời và quả Niết-bàn...”.32 Lời giải thích trên cho thấy, việc “tôn thờ xá-lợi” và việc “lấy Chánh pháp làm trung tâm” vốn không phải hai chủ trương trái ngược. Ngược lại, “tôn thờ xá-lợi” cũng là việc làm trợ duyên cho “Chánh pháp”, ví như cái dùi trống trợ duyên cho cái trống phát ra âm thanh:
“Cái trống tự nó không phát ra âm thanh mặc dầu có người đánh trống, cũng vậy, Pháp bảo và người gióng trống Pháp bảo không cũng chưa đủ, nó phải cần có nhiều duyên hỗ trợ. Cúng dường, lễ bái xá-lợi, kim thân Phật nó chính là trợ duyên cho chúng sanh nhớ tưởng đến ân đức, trí hạnh của Đức Phật mà tu tập... - Lúc Đức Thế Tôn diệt độ, ngài dạy rằng: “Khi Như Lai Niết-bàn rồi, pháp và luật là thầy của các ngươi”. Pháp và luật chính là tam tạng, chính là Pháp bảo, chính là giới định tuệ, chính là 37 trợ đạo phẩm. Vậy thì cái trống Pháp bảo luôn còn ở đấy, chỉ thiếu người đánh trống và dùi trống nữa mà thôi. Khi nào có dùi trống, có người đánh trống, gióng lên tiếng trống Pháp bảo thì chắc hẳn rằng đức tin, phước báu, từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát sẽ có mặt ở đời này...”.33
Căn cứ vào những lời giải thích của Na-tiên, có thể thấy, nhận định của Kimura Taiken chưa chính xác khi cho rằng các bộ phái chia thành hai nhóm tranh luận với nhau. Một bên "thừa nhận xá-lợi là một sức linh thiêng thần bí, rồi phát động phong trào xây tới tám vạn bốn nghìn ngôi tháp". Một bên "phát động phong trào phản đối tập tục lễ bái tháp xá-lợi của đương thời".34 Ngược lại, theo quan điểm người viết, việc các bộ phái đưa ra quan điểm riêng của mình, vốn không hề mang tính tranh luận một cách tiêu cực như Kimura Taiken nhận định. Bởi Đức Phật đã dạy, tháp xá-lợi có khả năng gợi nhớ lại “những lời dạy của Pháp vương Như Lai”. Việc tín đồ về sau xây đến “tám vạn bốn nghìn ngôi tháp” cũng không ngoài mục đích này. Sở dĩ các bộ phái đưa ra quan điểm bất đồng về phước báu cúng dường tháp Phật, chỉ nhằm đưa ra câu trả lời đúng đắn nhất cho những Phật tử tại gia đang khúc mắc trong việc tu tạo phước lành như đã trình bày ở trên.
b) Quan điểm “Phật không ở trong Tăng” trong tác phẩm Luận Thành thật
Tuy Pháp Tạng bộ không quan tâm đến sự kiện “Đức Phật tuyên bố sẽ không thuyết giới nữa, trách nhiệm yết-ma thuyết giới do chúng Tăng đảm nhận”, nhưng ngài Ha-lê-bạt-ma (Harivarman), tác giả Luận Thành thật, lại rất lưu tâm đến sự kiện này. Ha-lê-bạt-ma sống vào khoảng năm thứ 800 hoặc 900 tính từ khi Đức Phật nhập diệt.35 Ngài xuất thân từ Hữu bộ (Sarsātivāda),36 nhưng trong tác phẩm Luận Thành thật do ngài trước tác lại có nhiều chỗ cộng thông với nhiều giáo nghĩa của các bộ phái khác.37 Trong tác phẩm này, ngài khẳng định chắc chắn “Phật không ở trong Tăng”, tức “Phật không tính trong túc số Tăng”:
“Luận giả nói, đạo nhân Ma-hề-xả nói Phật ở trong Tăng số. Đáp rằng, nếu Phật ở trong tứ chúng, với ý nghĩa chúng đó bao gồm sinh chúng, nhân chúng, thánh nhân chúng, thì điều đó không sai. Nhưng nếu nói Phật ở trong Thanh văn chúng thì đó là sai lầm. Lấy việc nghe pháp mà giác ngộ gọi là Thanh văn, trong khi đó Phật không phải như vậy, nên không có trong đó (tức trong chúng Thanh văn). Hỏi: Phật là người đứng đầu Tăng chúng, có người bố thí, gọi là bố thí Tăng? Đáp: Việc bố thí đó thuộc Tăng nào, kinh điển không nói rõ, chúng ta nên hiểu Tăng đó là Phật Tăng. Hỏi: Phật nói với Kiều-đàm-di, lấy y đó bố thí cho Tăng, tức là cúng dường cho Ta, cũng là cúng dường cho Tăng38. Đáp: Ý Phật nói rằng lấy ngôn ngữ cúng dường Ta là vật cúng dườngTăng. Nhưtrong kinhđiển nói, nếu ngưỡng trông người bệnh, tức làthấy Ta.39 Hỏi: các người thành tựu công đức của bậc Thánh, như Xá Lợi Phất v.v đều ở trong Tăng số (tức là được tính chung Tăng số với người không chứng thánh), Phật cũng như thế, cũng giống như việc các Thánh Tăng ở trong Tăng chúng. Đáp: Nếu cho là tương đồng, thế thì những phàm phu, phi chúng sinh cũng được tính là vào Tăng số. Nhưng không phải như vậy, do đó có thể biết, Phật không ở trong Tăng (Tức không tính Phật vào Tăng số). Lại như, nếu Phật không vào trong yết-ma Tăng, cũng không giống với việc các Tăng dư (tức không tính là người ở ngoài yết-ma). Lại vì Tam bảo sai biệt (tức tính riêng Phật Pháp Tăng, trong đó Phật khác Tăng), nên biết/khẳng định Phật không ở trong Tăng”.40
Ngoài việc giải thích các sự kiện được ghi nhận trong kinh điển, Ha-lê-bạt-ma còn đưa ra những nhận định riêng. Khái niệm “Tăng” theo quan điểm của Ha-lê-bạt-ma không mang nghĩa như một giáo đoàn chung chung. “Tăng” được ngài định nghĩa như đoàn thể của những đệ tử xuất gia nhờ sự hướng dẫn của Đức Phật mà thành tựu đạo giải thoát. Từ góc độ này, hiển nhiên Đức Phật không phải một thành viên trong Tăng đoàn. Ha-lê-bạt-ma còn đưa ra quan điểm “nếu Phật không vào trong yết-ma Tăng, cũng không giống với việc các Tăng dư (tức không tính là người ngoài yết-ma)”. Có thể Ha-lê-bạt-ma muốn đề cập đến trường hợp, trong lễ thuyết giới, Đức Phật vẫn tham dự cùng chúng Tăng. Nhưng khi yết-ma, chúng Tăng sẽ không tính Đức Phật vào trong túc số theo luật định. Theo Ha-lê-bạt-ma, trường hợp này tuy không theo luật nhưng vẫn không sai luật.
Quan điểm của Ha-lê-bạt-ma rất rõ ràng và hợp lý. Có thể lý giải quan điểm của Ha-lê Bạt-ma từ góc nhìn Đức Phật như một người thầy giáo.41 Ví như một lớp học có hai mươi học viên, được chia thành bốn nhóm. Mỗi nhóm có năm người cùng bàn luận về một chủ đề theo sự hướng dẫn của vị thầy giáo. Nếu một thành viên tự ý bỏ nhóm của mình để gia nhập vào nhóm khác thì trường hợp này là sai quy định của lớp học. Nhưng nếu người thầy giáo tùy ý gia nhập vào một nhóm bất kỳ để lắng nghe ý kiến đóng góp của học trò về chủ đề thảo luận thì đó hoàn toàn không sai, nhưng người thầy vẫn không được tính là một thành viên của nhóm. Sau đó, người thầy tùy ý rời nhóm này sang nhóm khác thì vẫn không trái quy định lớp học. Mặt khác, người thầy chỉ dạy dỗ, quan sát, nhắc nhở khi các học trò chưa đủ khả năng. Khi các học trò đã được trang bị đầy đủ kiến thức, đã vững vàng trong hành sự, lúc này trách nhiệm của người thầy đã hoàn thành, không cần theo sát học trò để chỉ dẫn nữa. Mục đích của Đức Phật là hướng dẫn con người phương pháp chấm dứt khổ đau,42 chứ không phải để ban hành luật nghi. Nếu cần phải chế định giới luật thì đó chỉ là phương tiện nhằm thánh hóa đời sống của người Phật tử.43 Trí tuệ là cái quyết định giải thoát chứ không phải giữ giới.44 Mặt khác, tất cả hàng Phật tử đều công nhận rằng, Đức Phật là bậc đại trí tuệ,45 Ngài có khả năng hành xử một cách phù hợp tùy theo căn tánh của chúng sinh,46 nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho chư thiên và loài người,47 mọi hành động của Ngài là toàn thiện và vô lậu.48 Từ góc độ này, có thể xem việc Đức Phật tuyên bố “sẽ không thuyết giới nữa, trách nhiệm yết-ma thuyết giới do chúng Tăng đảm nhận” là việc làm thể hiện tuệ giác của Đức Phật. Bởi xét một cách tổng quan, Luật tạng còn ghi nhận, ngoài việc tạo điều kiện cho chúng Tăng tự yết-ma thuyết giới, Đức Phật còn cho phép các vị Tỷ-kheo thanh tịnh nếu đủ khả năng có thể đại diện cho ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng để hàng Phật tử quay về nương tựa, xuất gia và thọ giới.49 Từ những quyết định trên của Đức Phật, Tăng đoàn có thể tu học và hoằng truyền Chánh pháp một cách độc lập và hiệu quả ở bất kỳ trú xứ nào mà không cần có sự hiện diện của Đức Phật. Điều này mang ý nghĩa rất lớn cho Tăng đoàn trong tương lai, khi Đức Phật không còn nữa. Có thể nói, đây là phương pháp giáo dục rất thiết thực của Đức Phật. Do đó, Luận Thành thật đã thành công khi chứng minh “Phật không ở trong Tăng” bằng với những lập luận vô cùng chặt chẽ và đầy sức thuyết phục.
3- Nhậnđịnh và kết luận
Qua quá trình tìm hiểu vai trò của Đức Phật đối với Tăng đoàn vào thời kỳ Phật giáo bộ phái, đã cho thấy tâm từ bi của Đức Phật đối với chúng đệ tử. Sự gần gũi giữa Ngài và chúng Tăng được xem như một hình thức “Phật ở trong Tăng” qua quan điểm của Hóa Địa bộ và Pháp Tạng bộ. Đức Phật đóng vai trò như một người thầy hướng dẫn các học trò trên lộ trình hướng đến giải thoát. Ngài truyền đạt triết lý trí tuệ thông qua những lời nói và việc làm sống động trong đời sống thường nhật cùng chúng Tăng. Đức Phật đại diện cho hình ảnh người thầy lý tưởng, luôn gần gũi quan tâm chăm sóc, dạy dỗ và nâng đỡ các học trò về cả phương diện đời sống vật chất lẫn tinh thần. Hình ảnh ấy sẽ để lại một ấn tượng sâu sắc, một kỷ niệm tuyệt vời khắc sâu trong tâm trí của người đệ tử, người đã từ bỏ tất cả ở phía sau, bỏ tình cảm gia đình, bỏ tài sản vật chất, bỏ danh vọng địa vị, bỏ mưu toan tính kế, bỏ hận thù ganh ghét đố kỵ, bỏ cả những nỗi lo buồn tự ti mặc cảm... để xuất gia trong tình thương (từ bi) được hình thành từ hiểu biết (trí tuệ) của người thầy dẫn đạo.
Bên cạnh đó, với tư cách một người thầy, Đức Phật còn tạo điều kiện cho các học trò thay thế Ngài trong tất cả hoạt động. Bởi Tăng còn được xem như đại diện của Đức Phật, là nơi để hàng hậu học trở về nương tựa và tu tập. Nhằm giúp các học trò thuần thục trong hành sự cũng như công tác hoằng pháp, đôi lúc Đức Phật như người thầy giám sát trong lúc các học trò thực tập. Sự giám sát ấy hình thành nên quan điểm “Phật không ở trong Tăng” trong tác phẩm Luận Thành thật. Quan điểm này càng trở nên thiết thực sau khi Đức Phật nhập diệt. Lúc này người tu sĩ cần phải trưởng thành ở mọi phương diện, tự mình nương tựa chính mình, trước khi nương tựa chính mình cần nương tựa Chánh pháp, tự nhận thức đúng sai, tự xác lập mục đích hướng đến giải thoát trong cuộc đời. Cũng từ đây, bản lĩnh của một vị Tỷ-kheo càng thể hiện lớn hơn, kế thừa tinh thần giải thoát, vâng theo lời dạy của Đức Phật, chia sẻ niềm an lạc hạnh phúc đến với tha nhân, góp phần xây dựng thế giới an lành trong tâm thức mỗi người.
Vấn đề “Phật ở trong Tăng” hay “Phật không ở trong Tăng” không được quan tâm vào thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, đã được phân tích rõ ràng và chi tiết vào thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Dù xem xét ở bất kỳ góc độ nào, cũng không nên có cái nhìn phiến diện, thiên lệch, cho rằng quan điểm này đúng, quan điểm kia sai. Với cái nhìn tổng thể, khách quan về bối cảnh xã hội vào giai đoạn hình thành các quan điểm, có thể thấy mỗi quan điểm đều gửi gắm một ý nghĩa tốt đẹp. Nếu Phật giáo Nguyên thủy đã kiện toàn về phương diện triết lý, sự sinh hoạt tu tập và truyền bá Chánh pháp của Tăng đoàn đã phù hợp ở mọi thời điểm, thì Phật giáo Bộ phái đã không cần hình thành, Phật giáo Đại thừa cũng không nhất thiết phải xuất hiện. Quan điểm sau được hình thành nhằm hoàn thiện những thiếu sót của quan điểm trước. Lời giải thích trong Luận Thành thật đã khép lại cuộc bàn luận về chủ đề vai trò của Đức Phật đối với Tăng đoàn vào thời kỳ Phật giáo Bộ phái. Ở đó, những lý giải về công đức cúng dường xá-lợi vào thời kỳ này, cũng là tiền đề để hình thành nên tư tưởng “Pháp thân thường trụ quan” của Đại thừa, được thể hiện trong phẩm Hiện bảo tháp của kinh Pháp hoa.
Phước Thành
________
(1) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 473.
(2) Indacanda (dịch), Tiểu phẩm, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 118.
(3) Thích Minh Châu (dịch) , Kinh Tiểu bộ, Tập VI, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 584.
(4) Indacanda (dịch), Tiểu phẩm, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 207.
(5) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 142-143.
(6) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 178.
(7) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 225-235; Kinh Trung Bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 133-138.
(8) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 595.
(9) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 567.
(10) Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, Tr. 329.
(11) Sđd, tr. 595.
(12) Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-hàm, Tập 2, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 259.
(13) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 597-598.
(14) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 218.
(15) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 56-57.
(16) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, trang 693.
(17) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr. 331.
(18) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu bộ, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 165.
(19) Indacanda (dịch), Đại phẩm, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014, tr. 209.
(20) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu bộ, Tập V, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr. 286.
(21) Ấn Thuận, Thích Phước Sơn, Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo nguyên thủy, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2015, tr. 1071-1073.
(22) Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2016, tr. 44-45.
(23) Sđd, tr. 86.
(24) Sđd, tr. 48.
(25) Sđd, tr. 86.
(26) Sđd, tr. 48.
(27) Thích Đỗng Minh (dịch), Luật Tứ phần, Tập 1~4, Nxb.Phương Đông, TP. HCM, 2013, tr. 1095-1111.
(28) Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2016, tr. 87-88.
(29) Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 330.
(30) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 329.
(31) Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A-hàm, Tập 1,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 108.
(32) Giới Nghiêm (dịch), Mi Tiên vấn đáp,Nxb.Văn Học, Hà Nội, 2010, tr. 289-290.
(33) Giới Nghiêm (dịch), Mi Tiên vấn đáp,Nxb.Văn Học, Hà Nội, 2010, tr. 292-293.
(34) Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 327-328.
(35) Lịch đại tam bảo ký (CBETA 2020.Q1, T49, no. 2034, pp. 78c22-79a1); Tam luận huyền nghĩa, (CBETA 2020.Q1, T45, no. 1852, p. 3b17-18).
(36) Phiên dịch danh nghĩa tập (CBETA 2020.Q1, T54, no. 2131, p. 1066a19-21).
(37) Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Tiểu thừa Phật giáo hay A-tỳ-đạt-ma Phật giáo tư tưởng luận, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 176.
(38) Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-hàm, Tập 2,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr. 259.
(39) Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích), Tăng Nhất A-hàm,Tập 1,Nxb.Phương Đông, TP. HCM, 2011, tr. 156.
(40)《成實論》卷3:「辯[14] 三寶品第三十三
論者言:摩醯舍婆道人說,佛在僧數.答曰:若說佛在四眾,所謂有[15] 眾,生眾,人眾,聖人眾,是則非過.若言佛在聲聞眾中,是則有咎,以聞法得悟故曰聲聞,佛相異故不在此中。
問曰:佛居僧之首,有人施者名為施僧.答曰:此施屬何等僧?此經小失,是應當言施屬佛僧.
問曰:佛語瞿曇彌:以此衣施僧,則為供養我,亦是供養僧.答曰:佛意言,以語言為供養我,是物供養僧.如 經 中 說:若 人 瞻 病,即 是 看 我。
問曰:諸有成就聖人功德,舍利弗等皆在僧數中;佛亦如是,以同相故.答曰:若以同相者,諸凡夫人及非眾生數亦有應入僧數者.[1] 而不然,是故知佛不在僧中.又佛不入僧羯磨中,亦不同諸餘僧事.又以[2] 三寶差別故, 佛不在僧中.」(CBETA 2020.Q1, T32, no. 1646, pp. 258c20-259a6)[14] :三【大】,二【宋】【元】【明】【宮】[15] :眾【大】,眾眾【宋】【元】【明】【宮】[1] :而【大】,而實【宋】【元】【明】【宮】[2] :三【大】,一【宮】
(41) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.628.
(42) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ,Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.185.
(43) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ,Tập I,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.132-133.
(44) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ, Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.111-112.
(45) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ,Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.597.
(46) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ,Tập II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.213.
(47) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ,Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.56.
(48) Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung bộ,Tập I,Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.588.
(49) Indacanda (dịch), Đại Phẩm, Tập I, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017, tr.38.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1- Ấn Thuận, Thích Phước Sơn và Thích Hạnh Bình cùng các học viên (dịch), Lịch sử biên tập thánh điển Phật giáo nguyên thủy, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2015.
2- Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (CBETA).
3- Đại tạng kinh Nam truyền Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trường bộ, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
4- Đại tạng kinh Nam truyền Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, Tập I & II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
5- Đại tạng kinh Nam truyền Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương ưng bộ, Tập I & II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
6- Đại tạng kinh Nam truyền Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tăng chi bộ, Tập I & II, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
7- Đại tạng kinh Nam truyền Việt Nam, Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tiểu bộ, Tập I & VI & V, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2017.
8- Giới Nghiêm (dịch), Mi Tiên vấn đáp, Nxb.Văn Học, Hà Nội, 2010.
9- Kinh điển Pāli song ngữ, Indacanda (dịch), Luật tạng, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2014.
10- Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
11- Kimura Taiken, Thích Quảng Độ (dịch), Tiểu thừa Phật giáo hay A-tỳ-đạt-ma Phật giáo tư tưởng luận, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
12- Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-hàm, Tập 2, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2008.
13- Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trường A-hàm, Tập 1, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2007.
14- Thích Đỗng Minh (dịch), Luật Tứ phần, Tập 1~4, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2013.
15- Thích Đức Thắng (dịch), Tuệ Sỹ (hiệu chính và chú thích), Tăng Nhất A-hàm, Tập 1, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2011.
16- Thích Hạnh Bình, Dịch chú và đối chiếu các bản khác nhau về Dị bộ tông luân luận, Nxb.Phương Đông, TP.HCM, 2016.