Khảo sát địa chất nhằm bảo tồn ĐH Phật giáo Vikramshila

GN - Bộ Khảo sát Địa chất Ấn Độ (ASI) ra thông báo về việc bảo tồn khu di tích trường Phật học Vikramshila ở quận Bhagalpur thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Vikramshila từng là ngôi trường Phật giáo nổi tiếng, tương đương với học viện Phật giáo Nalanda, cũng tọa lạc tại Bihar, đây là nơi có ý nghĩa lịch sử to lớn với số lượng du khách tăng hàng năm.

DHVimu1.jpg

Một phần trường Phật học Vikramshila sau khi phát hiện

Dự án sẽ do chương trình Bảo tồn Di tích Adarsh của chính phủ Ấn Độ bảo trợ. ASI đã phục chế kiến trúc và cơ sở vật chất cho 100 tượng đài cổ trên khắp cả nước.

“Chúng tôi chọn Vikramshila vì nơi này cũng như học viện Nalanda, một ngôi trường Phật học trang nghiêm với quy mô quốc tế,” theo D. N. Sinha - trưởng đoàn Khảo cổ học của ASI Patna.

“Các nhà sư ở đây đến Tây Tạng và phát triển thể chế Lạt-ma ở đó. Vikramshila cũng được biết đến với dòng Kim Cương thừa”.

Vikramshila, tọa lạc ở làng Antichak, 50km về phía đông thành phố Bhagalpur, do Hoàng đế Dharmapala (783 - 820) sáng lập trong khoảng cuối thế kỉ thứ 8, đầu thế kỉ thứ 9, với lý do là sự suy giảm chất lượng giảng dạy của học viện Nalanda.

Vikramshila từng là trung tâm của Phật giáo Kim Cương thừa với hơn 100 giảng sư và hàng ngàn Tăng sinh. Rất nhiều học giả ưu tú theo học ở đây trước khi ra nước ngoài hoằng pháp. Atisha Dipankara (982 - 1054) là một đại sư và là người sáng lập Tân phái (Sarma) của Phật giáo Tây Tạng, từng theo học ở đây.

Ngôi trường bị phá hủy vào năm 1193, khi Bakhtiyar Khilji đánh bại Lakshman Sena, vị vua người Hindu cuối cùng của Bengal. Theo truyền thuyết, quân lính của Khilji thiêu hủy ngôi trường vì cho rằng đây là thành trì. Ngôi trường bị quên lãng hàng thế kỉ đến khi Lakshmikanta Mishra tìm thấy gạch ngói và cấu trúc của nơi này từ một gò đất ở làng Antichak. Sau đó ông gửi những viên gạch đến đại học Patna để nghiên cứu, Khoa Khảo cổ học của trường và ASI bắt đầu khai quật khu vực này trong giai đoạn 1960 - 1969. ASI tiến hành một cuộc khai quật khác và tìm thấy một khu vực tu viện lớn và bảo tháp hình chữ thập ở trung tâm. Di tích này hiện chiếm diện tích khoảng 400m2.

DHVimu2.jpg

Phần còn lại của trường Phật học Vikramshila

Người dân Bhgalpur yêu cầu tăng cường bảo vệ và phát triển khu vực này. “Có 208 tăng phòng xung quanh một mảnh đất trống có một bảo tháp ở chính giữa tại Vikramshila,” - theo Sinha. “Khoảng 80 tăng phòng đã được khôi phục và NTPC (Tập đoàn Nhiệt điện Quốc gia) Kahalgon hỗ trợ tài chính thông qua Quỹ Văn hóa Quốc gia. Với tiến độ này, việc khôi phục hoàn toàn ngôi trường sẽ mất khoảng 15 - 20 năm. Tuy nhiên, với đề án mới, tất cả tăng phòng sẽ được khôi phục đồng thời với tốc độ nhanh hơn”.

Theo ASI, cấu trúc của khu phức hợp chưa được gia cố sau lần khai quật kết thúc năm 1982 khiến nơi này dễ bị hư hại do tác động bên ngoài và thời tiết. “Hơn nữa, gạch nung dùng cho bảo tháp chính do không được nung đúng cách nên đã ngả màu đen và dễ hư hại”. - ASI cho biết.

Trong dự án bảo tồn, ASI vẫn đảm bảo các cơ sở du lịch như khu mua vé, cửa hàng đồ lưu niệm, phòng giữ đồ, trung tâm diễn thuyết, sảnh nghe nhìn, phòng triển lãm, phòng ăn và khu vệ sinh.

“ASI sẽ tiến hành công việc bảo tồn di tích, trong khi những khu vực công khác sẽ do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm như NBCC (Tổng Công ty Công trình Quốc gia) và NPCC (Tổng Công ty Dự án Xây dựng Quốc gia) - Sinha nói thêm.

Vì giá trị lịch sử to lớn của ngôi trường, vào tháng 8-2015, chính phủ Ấn Độ có kế hoạch xây dựng lại ngôi trường Vikramshila ở Bhagalpur và khoảng 5 tỷ rupi (tương đương 73.7 triệu đôla Mỹ) đã được giải ngân để phát triển dự án. Chính quyền bang Bihar được yêu cầu cung cấp khoảng 2km2 đất cho việc xây dựng nhưng kế hoạch này vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Ngày 3-4-2016, Pranab Mukherjee, Tổng thống Ấn Độ và Ram Nath Kovind, thống đốc bang Bihar đã đến thăm Vikramshila. Sau buổi viếng thăm, Mukerjee có cuộc hội đàm với Thủ thướng Narenda Modi về sự khôi phục Vikramshila cùng lúc với sự phát triển học viện tại Nalanda.

Vĩnh Hưng (theo Buddhist Door)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.