Trong những bài hát mang âm hưởng Phật giáo của ca khúc Việt Nam, nếu Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương được coi là huyền khúc, Mưa bay tháp cổ của Trần Tiến được coi là phiêu khúc thì Sen hồng hư không (cũng của nhạc sĩ Trần Tiến) được coi là hư khúc. Bởi âm nhạc của Sen hồng hư không sẽ đưa ta trở về không gian hư linh vừa thân thuộc vừa mông lung hư thẳm. Thân thuộc vì tiết tấu là nhịp điệu kinh tụng A Di Đà và mông lung trong trường liên tưởng bất tận của hoa sen. Nếu những bài hát về đề tài Phật giáo được coi là cao siêu vời vợi thì hư khúc Sen hồng hư không vừa mang tính hàn lâm học thuật vừa mang chất dân gian đương đại.
Nghe Tùng Dương hát Sen hồng hư không tại đây
Với huyền khúc Trên đỉnh Phù Vân, Phó Đức Phương được coi là người khơi dòng chảy tâm linh vào giai điệu, An Thuyên đưa chất rock đương đại vào cảm hứng dân gian tâm linh bằng diệu khúc Trước tượng Phật nghìn mắt nghìn tay thì chàng lữ khách sông Hồng Trần Tiến là người đưa giai điệu đắm chìm vào không gian Phật giáo bằng một chuỗi những tuyệt khúc: Sắc màu, Mưa bay tháp cổ, Ra ngõ tụng kinh và Sen hồng hư không.
Trong những sát-na thăng hoa của cảm xúc, ông đã giao thoa tâm tưởng mình vào những khúc thức tâm linh để sáng tác ra những ca khúc rất đỗi ấn tượng mà vẫn sâu sắc, độc đáo mà không quái lạ. Nhưng không phải lúc nào thăng hoa cảm xúc cũng kết tinh được thành những giọt nhạc phiêu miên như thế. Phải ở một trình đẳng nào đó và gặp được một thiên duyên nào đấy mới có thể đạt được.
Trong suốt chiều dài âm nhạc của mình, Trần Tiến chàng lãng tử đã du ca qua các miền âm nhạc dọc theo đất nước và trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi vào cái ngưỡng tri thiên mệnh, tâm tư con người ta thường đi vào chiêm nghiệm, đúc kết bởi họ đã sống, đã trải nghiệm, đã thăng trầm với những va đập, những tương tác của thời gian và cuộc đời. Trần Tiến cũng không thoát được hai chữ thiên triết ấy.
Với ông, điều đó bộc lộ rõ nhất trong những sáng tác âm nhạc về sau này. Nếu Sắc màu vẽ ra cái vô hình của đời sống trần tục, Mưa bay tháp cổ khiêu vũ với vũ điệu đá Apsara ngàn năm của thần thánh, Ra ngõ tụng kinh mượn cớ tu thiền Mật tông để tỏ bày yêu thương con người thì Sen hồng hư không thật mông lung hư thẳm… Một chiếc lư đồng hương trầm thơm ngào ngạt. Một nghệ sĩ ngồi thế kiết già chắp tay. Một giọng hát hư linh vút vang lên. Có thể bạn không biết những kỹ thuật thanh nhạc, có thể bạn không biết những thủ pháp sáng tác nhưng ta có thể cảm nhận rất rõ nhịp kinh tụng trong nhịp giai điệu hư khúc ấy.
Hình tượng âm nhạc mà người nhạc sĩ tạo ra trong bài hát có sức lay động và lan tỏa trong tâm hồn người tiếp nhận ca khúc đó như thế nào mới là điều quan trọng, mới làm cho bài hát có sức sống lâu bền. Bằng cái đẹp âm ảo của sen, hư khúc Sen hồng hư không đã cảm hóa ta toàn phần.
Một lần, Trần Tiến lãng du qua dải đất của những tháp Chàm, tôn giáo đã quyện hòa vào âm nhạc của ông thành tác phẩm Mưa bay tháp cổ đầy phiêu hoặc và ma mị với lời tụng kinh thinh không Nam mô Nam mô Nam mô Bụt-đà. Còn lần này, khi nhắm mắt ngồi thiền, chìm trong tiếng mưa rơi, trôi vào hư không, ông bắt gặp một đóa sen hồng của lòng từ bi: “Đóa hoa sen hồng, sen hồng mà hư không ớ ơ/ Lấy chi che người, che người mà bão giông ớ ơ/ Một đời tha nhân chi sơ bản thiện rồi ngày đêm thao thức/ Phật Bà Quan Âm thế nhân phổ độ hiện về phát đạo quang/ Tìm về bến giác hồng”.
Lần trước là Mưa bay trên đá/ Trăm năm bước phù du/ Hoang sơ tháp cổ/ Hoang sơ vũ điệu xưa/ Cong cong năm ngón ngũ hành nhưng những giọt nước mưa không làm ướt được điệu múa Apsara ngàn năm. Và lần này “Sắc sắc không không/ Đêm giông mịt mùng dưới mái tôn nghe như kinh nguyện cầu/ Những lời nhiệm mầu, những giọt đàn mưa rơi rơi…” nhưng những giọt nước mưa không thấm ướt được ngàn cánh sen hồng. Bởi vũ điệu đó là vũ điệu phiêu ma. Bởi sen hồng đó là sen hồng âm ảo.
Những hạt mưa nghiêng nghiêng trong phiêu khúc Mưa bay tháp cổ cùng rất nhiều những hình ảnh đăm chiêu Một vòng thôi miên thôi miên Apsara/ Nhật nguyệt trên cao trên cao sáng tỏ/ Trăm năm em múa ngả nghiêng ngả nghiêng ngả nghiêng càng làm cho vũ khúc thêm phiêu ảo. Những tiếng mưa trong đêm ở hư khúc Sen hồng hư không hòa lẫn những âm thanh của kinh Phật nên người nhạc sĩ thấy đó là tiếng dạ thiên cầm đầy bao dung: “Hãy nghe tiếng đàn, tiếng đàn mà mưa đêm ớ ơ/ Mái che ân tình, ân tình mà hoa sen ớ ơ/ Đời người như mây khói/ Tìm về bến giác hồng/ Nam mô A Di Đà Phật”…
Ngàn cánh sen đã chở che cho đời người trong bão giông. Vậy là, sen hồng đã nở trong hư không!