HT.Thích Bửu Chánh: "Cách ly có thật sự đáng sợ?"

GN - Ngày 8-3, tòa soạn Báo Giác Ngộ nhận được thông tin từ Bộ Y tế về danh sách cập nhật những người nghi nhiễm Covid-19 vì tiếp xúc trực tiếp hoặc gần với người đã tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân số 21, trong đó có chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội.


Xem video do Giác Ngộ TV thực hiện

Ngay sau đó, PV Giác Ngộ đã tìm cách liên lạc với HT.Thích Bửu Chánh, UVTT HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN, một trong những vị có trong danh sách do Bộ Y tế cung cấp, nhưng không được.

Vài ngày sau, chúng tôi được biết Hòa thượng đang trong thời gian tự cách ly theo quy định của ngành y tế. Sau “biến cố” nói trên, Hòa thượng đã hoan hỷ chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ của mình cùng bạn đọc báo Giác Ngộ:

- Hôm nay, với tư cách là người đã bị cách ly 14 ngày, tôi có buổi nói chuyện lần đầu tiên, về dịch bệnh Covid-19 mà chính mình là người đã có trải nghiệm.

Do chúng tôi tiếp xúc với một người đã tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 21 vừa công tác ở Anh về, tại một cuộc họp ở tỉnh Nghệ An, nên đã được đưa vào danh sách F2 (tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người đã tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân nhiễm Covid-19) và phải cách ly theo quy định 14 ngày để ngành y tế theo dõi.

Danh sách F2 này được các cơ quan phòng chống dịch cấp Trung ương chuyển về cho cấp tỉnh quản lý.

Hòa thượng có thể cho biết cảm giác đầu tiên khi biết mình thuộc danh sách F2, phải cách ly theo quy định của cơ quan phòng chống dịch Covid-19?

- Thú thật, mới đầu khi biết bản thân trong tình trạng đó, tôi khá bối rối và lo lắng. Tuy nhiên, theo sự hướng dẫn của cơ quan chức năng cũng như các bác sĩ của tỉnh Đồng Nai, TP.Biên Hòa và phường Phước Tân, tôi cảm thấy bình tĩnh, và nghiêm túc thực hiện việc cách ly.

Tôi hiểu rằng việc cách ly là để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Từ đó, tôi thấy mình không có gì phải đắn đo, chỉ cần thực hiện đúng hướng dẫn của các bác sĩ trực tiếp theo dõi.

Mong Hòa thượng chia sẻ thêm về thời gian cách ly 14 ngày qua…

- Trong thời gian cách ly, chúng tôi không tiếp xúc với những người khác, chỉ tiếp xúc trực tiếp với bác sĩ theo dõi diễn biến sức khỏe của mình. Trong 14 ngày đó, mình phải chấp hành, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan phòng chống dịch. Khi những bối rối ban đầu qua đi, đối với tôi - bình thường do vướng bận nhiều công việc, thì đây là một thời gian vàng. Bởi lẽ, tôi có thể sống đơn giản hơn, chậm hơn, và có thời gian nghỉ ngơi, suy nghiệm về cuộc sống và hiểu thêm về cuộc đời.

Thời gian này, với người xuất gia, giống như là một lần nhập thất tu hành, hay nói cách khác là có thời gian tập trung nhiều hơn cho việc thực hành thiền.

Vì mình là người được cách ly nên được sự quan tâm của mọi người xung quanh và y bác sĩ, tôi chỉ có công việc duy nhất là nghỉ ngơi. Những ai có điều kiện, sở thích nào, thì thực hiện điều kiện đó, chẳng hạn như tôi sẽ ngồi thiền, thỉnh thoảng đọc tài liệu về Phật pháp, giúp cho bản thân thêm phần phát triển trí tuệ.

Với trải nghiệm của một người “trong cuộc” với dịch bệnh Covid-19, dù chỉ là đối tượng F2 và có kết quả âm tính, Hòa thượng có những lưu ý nào cho mọi người, đặc biệt là các vị từ nước ngoài trở về phải vào các trung tâm cách ly?

- Ngoài việc tuân thủ các quy định cách ly và yêu cầu của bác sĩ, theo tôi, trong thời gian quý báu này, chúng ta có thể thực tập bài chú ý về hơi thở do Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam thực nghiệm, đã đúc kết một cách đơn giản thành một bài vè:

 “Thót bụng thở ra, Phình bụng thở vào, Hai vai bất động, Chân tay thả lỏng, Êm chậm sâu đều, Tập trung theo dõi, Luồng ra luồng vào, Bình thường qua mũi, Khi gấp qua mồm, Đứng ngồi hay nằm, Ở đâu cũng được, Lúc nào cũng được!”.

Bài vè tập thở này có thể học thuộc và làm theo một cách dễ dàng, cho bất cứ ai, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo. Nó cũng đã được áp dụng trong các trung tâm dưỡng sinh và các trung tâm thiền, mang tính khoa học rất cao.

Chúng ta biết Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, từng là học sinh Trường Bưởi, được học bổng du học Pháp. Tuy nhiên vì quá nỗ lực, ông đã bị lao phổi. Ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật điều trị gồm có 7 lần mổ, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái. Các bác sĩ cho rằng ông chỉ có thể sống được 2 năm sau khi phẫu thuật. Nhưng nhờ bài tập thở này mà bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã sống khỏe mạnh và thọ đến năm 84 tuổi.

Theo quy định, chúng ta buộc phải cách ly, không thể và không nên trốn tránh, vì như thế vừa hại mình lại vừa có khả năng lây lan dịch bệnh cho cộng đồng nếu ta trở về từ các vùng có dịch. Việc cách ly nhằm ngăn chặn bệnh tật cũng như góp phần cho việc ổn định xã hội. Nếu người bệnh hoặc người tiếp xúc gần bệnh nhân không chịu cách ly, tới khi phát bệnh thì hậu họa xảy ra rất khó lường!

Nếu thuộc diện phải thực hiện việc cách ly theo quy định, thay vì lo lắng, chúng ta nên đón nhận với một tinh thần lạc quan. Điều này sẽ giúp cho bản thân có thêm sức đề kháng. Thông thường, chúng ta bận rộn với công việc, nhiều lo toan, không có thời gian nhìn lại mình, không có thời gian sống chậm nên đây là cơ hội rất lớn. Theo kinh nghiệm riêng của bản thân tôi, thời gian cách ly rất an lạc, vui vẻ, có thêm dịp để tập trung tu tập.

Tôi mong rằng mọi người khi buộc lòng phải cách ly, nên nghĩ đó là cơ hội để chúng ta có thể thực tập chánh niệm hơi thở. Còn nếu phải đi cách ly mà nghĩ rằng mình phải sống trong khổ đau, cô đơn thì đó là nghĩ sai, vì đây thực sự là 14 ngày mình sống cho chính mình.


Người biết sống một mình sẽ được an lạc hạnh phúc. Sống một mình mà biết tu, hay thực tập thiền định, chẳng hạn đơn giản qua việc tập thở theo sự hướng dẫn của Bác sĩ - Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện, thì đó là cơ hội may mắn đối với một kiếp người. Một người sống cho chính mình, trở về với chính mình và chiến thắng chính mình thì người này là một chiến sĩ đạt được chiến công oanh liệt nhất.

Chúng ta thấy như Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi khắp nơi trên thế giới để truyền bá lời dạy của Đức Phật, nội dung chính mà Thiền sư hướng dẫn là thực tập hơi thở có chánh niệm.

Nếu quý vị muốn biết rõ hơn về phương pháp chánh niệm trên hơi thở, là người học Phật, có thể tìm hiểu thêm trong bài kinh Tứ niệm xứ, số 10 trong Trung bộ kinh, và bài kinh số 22 trong Trường bộ kinh. Chúng ta có thể thực tập lời Phật dạy trong khi cách ly thông qua việc chú ý, quan sát hơi thở.

Chánh niệm trên hơi thở có nghĩa là gì? Sự biết, ý thức ngay trong hiện tại gọi là niệm. Biết cái gì? Biết hơi thở, chú ý hơi thở. Chúng ta sống 14 ngày cách ly, hay có thể nhiều hơn, có nghĩa là chúng ta rất giàu có về thời gian, nên dành thời gian này chú ý vào hơi thở để có thể an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Xin cầu chúc cho tất cả được an lạc và đại dịch cũng sớm đi qua trong tinh thần hợp tác, chung lòng chung tay của nhiều người, trong đó có cả chư Tăng, Ni và quý Phật tử.

Xin cảm ơn Hòa thượng!

Ngọc Diệp thực hiện/Báo Giác Ngộ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.