Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ tặng hoa chúc mừng |
Hội thảo có sự quang lâm chứng minh, tham dự của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Tăng sự T.Ư; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Khế Chơn, Hòa thượng Thích Quảng Tùng, đồng Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự; Hòa thượng Thích Thanh Chính, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự.
Chủ tọa đoàn có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban Tổ chức; Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế; Hòa thượng Thích Thọ Lạc, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Văn hóa T.Ư; GS.Lê Mạnh Thát; GS.TS Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, đồng Trưởng ban Tổ chức; PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo; PGS.TS Trần Đức Cường và PGS.TS Nguyễn Quang Hồng.
Về tham dự hội thảo còn có lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ, chính quyền các cấp; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tôn giáo, học giả tri thức và đông đảo Tăng Ni, Phật tử.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu khai mạc |
Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết, hội thảo nhằm làm sáng tỏ quá trình hình thành, phát triển, những bước thăng trầm của Phật giáo Hà Tĩnh cũng như những đóng góp to lớn của Phật giáo Hà Tĩnh đối với quê hương, đất nước trong tiến trình lịch sử của dân tộc.
Được biết, có hơn 90 bài viết của các nhà khoa học, chư tôn đức gửi về hội thảo, tập trung 3 phần: Vị trí, vai trò của Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử Phật giáo Việt Nam; Đóng góp của Phật giáo Hà Tĩnh đối với lịch sử, văn hoá - xã hội; Bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của Phật giáo Hà Tĩnh đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn phát biểu định hướng hội thảo |
Phát biểu định hướng hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn nhận định, Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi khởi nguồn của tích sử Thiền sư Phật Quang truyền đạo Phật cho Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung tại kinh đô nước Văn Lang, và họ đã trở thành những Phật tử tại gia đầu tiên của đất Việt. Trải qua hơn 2.000 năm, Phật giáo đã đồng hành cùng sự thăng trầm của dân tộc Việt Nam, hòa nhập vào đời sống người dân Việt trên nhiều phương diện, và giá trị Phật giáo đã một phần tạo nền văn hóa dân tộc.
“Văn hóa là nền tảng của dân tộc, lịch sử là cội nguồn của dân tộc. Do đó việc nghiên cứu, ghi chép và lưu trữ lịch sử một cách khoa học là trách nhiệm của chúng ta, thế hệ đang được thừa hưởng những giá trị của lịch sử", Hòa thượng Chủ tịch GHPGVN khẳng định.
Hòa thượng kỳ vọng thông qua hội thảo sẽ nhận được những ý kiến quý báu từ các bài tham luận của chư tôn đức, các nhà khoa học và quý vị đại biểu nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hoá của Phật giáo Hà Tĩnh, từ đó thúc đẩy cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Thay mặt Trung ương Giáo hội, Hòa thượng Chủ tịch biểu dương Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh và có lời chúc mừng hội thảo được thành công tốt đẹp.
Quang cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, trên tinh thần khoa học, nghiêm túc, có 7 ý kiến phát biểu, tạo tiếng nói chung về Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - văn hoá Phật giáo Việt Nam và những đề xuất có ý nghĩa khoa học, thực tiễn nhằm phát huy giá trị di sản Phật giáo trong xây dựng, phát triển quê hương Hà Tĩnh ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng triển lãm ảnh và hiện vật cổ gắn với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Hà Tĩnh.