Tọa đàm về thơ thiền Việt Nam tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Nằm trong chuỗi chương trình “Tuần lễ thơ thiền Việt Nam”, sáng 26-3, tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán đã diễn ra buổi tọa đàm thơ thiền Việt Nam.
Quang cảnh buổi tọa đàm

Quang cảnh buổi tọa đàm

“Di sản văn hóa Phật giáo đóng góp những giá trị cốt lõi, vừa là định hướng, vừa là bệ đỡ tinh thần, song hành cùng dân tộc không chỉ trong dân gian mà cả trong đời sống chính trị, kinh tế. Trên quê hương chúng ta, nơi “mái chùa ấp ủ hồn dân tộc”, những giá trị tinh thần, trí tuệ, tâm hồn hàng ngàn năm của người Việt đã được cô đọng vô cùng sâu sắc qua các bài thơ thiền của các vị thiền sư, những bậc chân tu, đạo hạnh và thể hiện đậm nét nhất qua các thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Thậm chí ngày nay đã lan tỏa ra toàn thế giới qua những đóng góp đáng ghi nhận của Thiền sư Thích Nhất Hạnh”, lời đề dẫn buổi tọa đàm nêu rõ.

Theo nhà thơ - dịch giả Nguyễn Bá Chung, thiền là một tinh túy của văn hóa Phật giáo Việt Nam, nó đã song hành với lịch sử dân tộc trên một ngàn năm, góp phần làm giàu thêm văn hóa, trở thành mạch sống của dân tộc. Vì thế, thơ thiền, nhất là thiền tông Việt Nam, có thể trở thành gạch nối văn hóa giữa Việt Nam và toàn cầu, trong quá trình hiện đại hóa.

Tọa đàm thu hút nhiều giới nhân sĩ tri thức tham dự

Tọa đàm thu hút nhiều giới nhân sĩ tri thức tham dự

Trình bày tham luận tại hội thảo, nhà văn Trầm Hương với đề tài: “Nỗ lực giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt ra thế giới của người trẻ” đã chia sẻ về cô con gái Kỳ Nam, sinh năm 1996, hiện đang học tiến sĩ sáng tác âm nhạc tại Đại học Florida State đã giới thiệu hợp xướng thơ thiền Phật giáo Việt Nam tại các chương trình âm nhạc trên thế giới.

Theo đó, hợp xướng do Kỳ Nam sáng tác là tổ hợp những bài thơ thiền Phật giáo Việt Nam của thiền sư Vạn Hạnh, Phật hoàng Trần Nhân Tông, sư Khuông Việt, Không Lộ, Quảng Nghiêm… như bài: Nguyên hỏa, Xuân hiểu, Ngôn hoài, Hưu hướng Như Lai,...

Trong quá trình sáng tác, Kỳ Nam phải liên tục đi tìm chất giọng của riêng mình khi viết những tác phẩm kết nối những nền văn hoá Đông - Tây. Trong tác phẩm của mình, cô đã dịch những bài thơ Phật giáo thời Lý - Trần sang tiếng Anh và phổ những tác phẩm này theo phong cách nhạc hợp xướng nhiều bè rất đặc trưng của phương Tây. Đặc biệt, trong bộ gõ, cô còn dùng cả tiếng mõ gỗ và bát chuông của Phật giáo Việt Nam.

GS.Lê Mạnh Thát trình bày tham luận

GS.Lê Mạnh Thát trình bày tham luận

Ngoài ra tọa đàm cũng đã lắng nghe các tham luận như: “Thơ thiền Việt Nam với vai trò hộ quốc an dân trong lịch sử” (GS.Lê Mạnh Thát), “Triết học nhận thức qua thơ thiền Lý - Trần” (GS.TS Triết học Thái Kim Lan); “Tâm hồn các vị thiền sư trong thơ thiền” (Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn); “Dòng chảy thơ thiền đương đại” (TS.Nguyễn Thị Tịnh Thy); “Tư tưởng thiền học của Tuệ Trung thượng sĩ qua 'Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục'” (Nguyễn Thị Hằng); “Sự hồi sinh vĩnh viễn của một nhành mai qua bài thơ 'Cáo tật thị chúng' của Mãn Giác thiền sư” (Văn Nguyễn Diệu Linh, học sinh lớp 11 Chuyên văn trường Quốc Học Huế); “Văn hóa Phật giáo nâng cao dân trí và văn minh tín ngưỡng” (Nhà báo Lê Thanh Phong)...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.