Hội nghị Phật giáo Tây Tạng lần thứ 14

GNO - Lãnh đạo cao cấp đại diện các trường phái Phật giáo Tây Tạng đã có mặt tại Dharamsala (miền bắc Ấn Độ) hôm thứ Tư để tham dự Hội nghị Phật giáo Tây Tạng lần thứ 14 tại Văn phòng Trung tâm Tây Tạng , tin từ The Buddhist Door.

Đây là hội nghị được tổ chức định kỳ mỗi 3 năm. Trong số các nội dung được đưa ra thảo luận có vấn đề truyền thừa của Đức Dalai Lama.

Ngoài sự tiếp nối dòng truyền thừa của Đức Dalai Lama, hội nghị còn xem xét các vấn đề liên quan đến sự hòa hợp giữa các trường phái Phật giáo Tây Tạng khác nhau đang tồn tại ở nước này; sự bảo tồn truyền thống tâm linh Kim Cang thừa và sự giàu có của truyền thống này; chủ đề về sự ly hương và sự thay đổi, phát triển của người Tây Tạng.
Đức Dalai Lama được hy vọng sẽ chủ trì phiên làm việc cuối cùng của hội nghị lần này.

hoi nghi PG Tay Tang 14.jpg


Quang cảnh hội nghị

Cuộc họp kín có sự tham gia của khoảng 120 tu sĩ là người đứng đầu hoặc đại diện các trường phái Phật giáo Tây Tạng, như các vị: Sakya Trizin Rinpoche, Gaden Tri Rinpoche, Drikung Kyabgon Chetsang Rinpoche, Kyabje Menri Trizin Rinpoche, Taklung Matrul Rinpoche (đại diện thầy Taklung Shabdrung Rinpoche), Namdroling Tulku Choedhar Rinpoche, Khenpo Ngedhon Tenzin (đại diện thầy Gyalwang Drukchen) và Jonang Gyaltsab Rinpoche.

Các đại diện và các vị Lạt-ma thuộc các tổ chức Phật giáo lưu vong lớn của khu vực Himalaya cũng có mặt.

Vấn đề ai sẽ là người tiếp nối Đức Dalai Lama - ngài sẽ bước sang tuổi 84 vào đầu tháng 7 năm sau, nhận được nhiều sự quan tâm và trở thành tranh luận chính trị trong những năm gần đây vì tuổi tác và các vấn đề sức khỏe của ngài.

Là người đứng đầu dòng truyền thừa Gelug, Phật giáo Kim Cang thừa và là đại diện quốc tế của Phật giáo Tây Tạng, Đức Dalai Lama tiếp tục có những ảnh hưởng lớn đến người Tây Tạng ở Trung Quốc và nước ngoài. Vị Dalai Lama tiếp theo sẽ là sự hiện thân thứ 15 liên tục của dòng truyền thừa này, diễn ra trong 500 năm qua.

Mối quan hệ giữa Đức Dalai Lama 14 và người dân Tây Tạng được xem như hình với bóng và không thể tách rời. Vì thế, mọi người hy vọng rằng sẽ có sự tiếp tục của dòng truyền thừa này, tiếp nối Đức Dalai Lama 14 thông qua hóa thân của ngài theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, để lợi lạc cho người dân Tây Tạng - theo Văn phòng Trung tâm Tây Tạng.

Trong một nghị quyết đặc biệt, các đại biểu tại hội nghị ngày 27-11 qua đã thông qua tuyên bố về dòng truyền thừa của Đức Dalai Lama trong “Tuyên bố Dharamsala”, gồm các quyết nghị sau:

“Sự kết nối Pháp giữa các vị Dalai Lama và dân tộc Tây Tạng vốn không thể tách rời và trạng thái hiện diện của người Tây Tạng là vô cùng quan trọng, tất cả người dân Tây Tạng thành tâm mong muốn sự tiếp nối của truyền thống và hóa thân của Đức Dalai Lama trong tương lai. Chúng tôi, vì thế thỉnh cầu Đức Dalai Lama 14 về điều này.

Quyền quyết định liên quan đến con đường và cách thức của hiện thân tiếp theo của Đức Dalai Lama sẽ là sự xuất hiện duy nhất của chính Đức Dalai Lama. Ngoài Đức Dalai Lama 14, không chính quyền nào có quyền này...

Về phương thức nhận diện những hóa thân tương lai của Đức Dalai Lama, là phương thức truyền thống độc nhất của Tây Tạng, đang được sử dụng cho đến nay, sẽ tiếp tục được tuân thừa. Phương thức này phù hợp với triết lý và giáo lý cơ bản của Phật pháp và xuất phát từ Tây Tạng hơn 800 năm qua”.

hoi nghi PG Tay Tang 14_1.jpg


Các vị Lama tham dự

Tuy nhiên, trong một cuộc gặp mới đây nhất với sinh viên tại Dharamsala vào tháng 10 qua, Đức Dalai Lama gợi ý rằng truyền thống hiện thân của các vị Lạt-ma có lịch sử lâu đời có thể sẽ kết thúc.

“Hệ thống này nên kết thúc hay ít nhất là thay đổi cùng với sự thay đổi của thời đại. Có nhiều trường hợp cá nhân các vị Lạt-ma sử dụng hóa thân của mình nhưng không hề quan tâm đến việc học hành và trí tuệ” - Đức Dalai Lama nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.