GN - Tôi nhớ rõ lời Đức Phật dạy: “Toàn bị người chê cả, hay toàn được người khen cả; là điều quá khứ chưa từng có, hiện tại tìm không ra, và vị lai cũng không dễ gì thấy được!” (PC.228 - Phẩm Kodhavaggo).
Đây là một thực trạng đúng cho mọi người, mọi nơi, mọi lúc; bởi đã sinh ra làm người sống nơi cõi Ta-bà này, không ai đã được hoàn thiện sẵn cả! Theo thời gian, nhờ sự trui rèn qua kinh nghiệm, nhờ kiên nhẫn học tập, mỗi người sẽ hoàn thiện dần nhân cách và trí tuệ, để có thể vươn đến chân thiện mỹ; làm cho đời sống của mình và người được an vui, hạnh phúc!
Tuy vậy, nhiều người vẫn luôn nghĩ rằng, mình là “cái rốn của vũ trụ”, hay nói khác đi, là người “đã hoàn thiện viên mãn, không hề phạm phải sai lầm nhỏ” nào trong bất kỳ mối quan hệ, hay công việc đã làm.
Đức Đạt-lai Lạt-ma cũng đã có lần nhận định: “Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn”. Buồn thay, số người chưa chịu nhìn ra lỗi lầm của chính mình trong thực tế là đa số, bởi cái ngã (cái Tôi) của con người đã tiềm ẩn, và rất to lớn, ngay trong họ, từ khi vừa được sinh ra, mà chẳng có trường lớp, cấp học nào chịu “dạy” cho họ về điều đó cả!
Nhận lỗi là một sự “hiểu biết” rất quan trọng cho chính bản thân (và có ảnh hưởng rộng lớn đến đời sống chung quanh), mà tất cả cần phải “tự học” mới có thể chuyển hóa, đổi thay; không ai có thể “dạy” thay tốt hơn được! Học nhận lỗi là một môn học cấp thiết, cốt lõi, trong những cách học làm người; bởi nó bao gồm nhiều đức tính như “tàm sỉ/ khiêm tốn/ nhẫn nhục/ cầu tiến/ từ bi…”. Biết nhận lỗi là một đức tính tốt để tự rèn luyện, bởi “Ngu mà tự biết mình ngu là trí; ngu mà xưng rằng trí, đó mới thật là ngu” (PC.63 - Phẩm Balavaggo).
Nhận lỗi phải được phát xuất từ cái tâm trong sáng, chân thành, đi kèm với niềm tri ân, khi ấy tâm ta mới được chuyển hóa từ u tối lỗi lầm trở nên tươi sáng, an vui! Nếu nhận lỗi vì sự ép buộc từ bên ngoài, hay miễn cưỡng với cái tâm thù hận, đen tối, thì lỗi lầm vẫn còn tồn tại và lại có cơ hội phát triển lớn hơn!
Có thể nhiều người nghĩ rằng: học nhận lỗi là một “chuyện nhỏ” (hay quá dễ dàng, không cần thiết), so với những môn học khác để đạt được danh vọng và tiền bạc; nhưng họ đâu biết được rằng “Lầm lỗi khi trẻ, trả giá khi già” (Ngạn ngữ).
Tôi rất tâm đắc với lời chia sẻ của Douglas Burton: “Nhận lỗi và rút kinh nghiệm sau mỗi lầm lỗi: Người nào thành công cũng theo cách đó”. Ngược lại, nếu bảo thủ và kiêu mạn, cố chấp… không biết nhận lỗi là không biết sai trái/ tốt xấu - tiếp tục tạo thêm những lỗi lầm mới, và suốt cuộc đời, những lỗi lầm ngày càng to lớn, nguy hiểm hơn, cho đến khi phải trả giá!
Trong những mối quan hệ và sinh hoạt hàng ngày, “Nếu gặp được người hiền trí chỉ bày lỗi lầm và khiển trách mình những chỗ bất toàn, hãy nên kết thân cùng họ, xem như bậc trí thức chỉ cho kho tàng bảo vật. Kết thân với người trí, lành mà không dữ” (PC.76 - Phẩm Panditavaggo).
Nếu vì tự mãn (và tự ái) luôn cho mình là đúng hơn người, tốt hơn người; thì chắc chắn cái “kho tàng bảo vật” kia không bao giờ có thể với đến được, mà sẽ bị cuốn trôi theo dòng thác lũ hiểm nguy và khổ đau, vì “Tìm khắp thế gian này chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp, lỗi lầm đã gây ra” (PC.127 - Phẩm Papavaggo).
Trong bất kỳ một xã hội nào được gọi là văn minh, tiến bộ, thì mỗi con người - dù ở vào hoàn cảnh và địa vị nào, cũng đều phải biết nhận lỗi (và chân thành sửa lỗi) - đó mới chính là nền văn hóa đích thực của một đất nước, của đời người, cần phải nuôi dưỡng, đắp bồi qua nhiều thế hệ, để cuộc sống ngày càng thêm an vui, hạnh phúc!