Hòa thượng Thích Minh Thông: "Cần hiểu để làm cho đúng luật"

Hòa thượng Thích Minh Thông - Ảnh: Anh Quốc
Hòa thượng Thích Minh Thông - Ảnh: Anh Quốc
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Ngay sau khi báo Giác Ngộ bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Minh Thông về các vấn đề liên quan đến giới đàn cần quan tâm, điều chỉnh (Gc Ngộ số 1069, ngày 25-9-2020), tòa soạn nhận được nhiều sự phản hồi, quan tâm của quý độc giả là chư tôn đức Tăng Ni.

Nhân Đại giới đàn Huệ Hưng Phật lịch 2564, theo hướng chỉ đạo của Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN, cần cân nhắc để điều chỉnh việc tổ chức sự kiện đặc thù của Tăng này gần với tinh thần giới luật của Đức Phật, Giác Ngộ xin tiếp tục giới thiệu những ý kiến tiếp theo có tính cách chuyên sâu hơn qua sự chia sẻ của Hòa thượng Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.


Cần chất hơn cần lượng

Nói đến giới luật là nói đến hệ thống các quy định về chuẩn mực trong đời sống phạm hạnh, quy tắc ứng xử, cũng như các hoạt động mang tính nội bộ, đặc thù của Tăng sĩ Phật giáo nói riêng và Tăng đoàn nói chung. Giới luật ấy chia làm hai phần, gồm giới và luật. Hai phần này có quan hệ khắng khít, mật thiết với nhau trong quá trình hành và trì giới luật của các vị thọ Đại giới: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni.

Như đã nói trước đây, đối với một vị Tăng sĩ, dù là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni, việc bước đầu được dự vào hàng Tăng bảo có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi đó là sự kiện đánh dấu vị ấy từ người tập sự xuất gia, chính thức gia nhập vào đoàn thể Tăng-già thanh tịnh, thành “Trưởng tử Như Lai”, thành bậc “chúng Trung tôn”. Đối với một vị tập sự xuất gia theo truyền thống Bắc tông, Sa-di phải có 2 hoặc 3 năm tập sự tối thiểu mới được thọ giới Tỳ-kheo, Sa-di-ni có tối thiểu 4 năm (bao gồm 2 năm học xứ Thức-xoa-ma-na) mới được thọ giới Tỳ-kheo-ni; đó là một thời gian dài tập sự để trở thành thành viên của Tăng-già. Như vậy việc thọ giới và đắc giới rất quan trọng với các vị “sơ tâm xuất gia”. Giới tử phát tâm dõng mãnh như vậy thì việc tổ chức một giới đàn trang nghiêm cho đúng pháp đúng luật, giới sư phải đúng pháp đúng luật là trọng trách của mỗi thành viên Ban Kiến đàn nói riêng và Tăng đoàn (Giáo hội - PV) nói chung.

Về giới tử, chúng tôi vẫn luôn xác quyết “cần chất hơn cần lượng”. Phải có sự khảo hạch nghiêm túc về giới luật đã thọ. Tụng luật là phần thi bắt buộc. Đây là truyền thống đã có từ trước mà lâu nay chúng ta đã phế bỏ, cần phải khôi phục lại. Có như vậy giới tử mới thấy ý nghĩa và “biết sợ” việc thọ giới là khó khăn, cần cầu chuyên tâm học hành nghiêm túc trước khi thọ giới. Ngày nay còn xảy ra tình trạng dễ duôi trong việc thọ giới, giới tử rớt chỗ này thì chạy sang tỉnh thành khác để thọ giới. Một năm có đến 5 - 7 giới đàn tổ chức; giới đàn này cách giới đàn kia 2 - 3 tháng, thậm chí trong cùng tháng. Nói như vậy để thấy, giới tử sẽ không cảm thấy lo lắng việc không có giới đàn để thọ giới. Vấn đề này thiết nghĩ Giáo hội, Ban Tăng sự Trung ương nên có sự chấn chỉnh.

Như chúng tôi ngày xưa, Giáo hội chỉ 1 - 2 năm mới có một giới đàn trong cả nước. Giới tử cả nước tập trung về đó thọ giới. Ai cũng sợ không được tấn đàn thọ giới, về xấu hổ với thầy tổ, huynh đệ. Trước ngày đi thọ giới, chúng tôi phải học luật nghiêm túc, thuộc làu làu bốn cuốn Luật tiểu để thi viết, để tụng đọc. Thầy Bổn sư hoặc các sư huynh lớn cũng nghiêm khắc dạy dỗ, kiểm tra; không đủ “tiêu chuẩn” thì nhứt định không cho đi thọ giới. Như vậy, chúng ta thấy việc thọ giới rất nghiêm túc trong suy nghĩ và hành động của mọi người.

Giới tử đến đàn giới phải phát tâm dõng mãnh cầu thọ giới pháp để tu, để cầu giải thoát chứ không phải “cầu chứng điệp thọ giới”, để mặc y áo Tỳ-kheo, để ăn trên ngồi trước. Trong đàn giới thì giới tử phải cung kính giới sư như cung kính Phật, Bồ-tát; thanh tịnh ba nghiệp thân - khẩu - ý. Ban Kiến đàn cũng phải tổ chức cho giới tử học về cách thức tấn đàn (hành nghi), sám hối, học luật cương yếu sau khi thọ giới…

Theo chúng tôi, với tư cách là người đi trước, có chút hiểu biết về giới luật thì việc “tiếp dẫn hậu lai” trong công việc tổ chức đàn thọ giới là rất quan trọng, gồm: chọn người làm giới sư và tổ chức đàn tràng trang nghiêm, đúng luật.

Ngày xưa, việc truyền giới - thọ giới được tổ chức theo sơn môn, pháp phái thông qua các sự kiện của tổ đình. Giới sư được mời từ các vị trưởng thượng có giới đức, đạo hạnh. Các vị trong sơn môn, pháp phái hiểu rõ về đạo hạnh tu tập của giới tử. Đến thời kỳ chấn hưng, các tổ chức Giáo hội đã kiến lập những Đại giới đàn với rất đông giới tử, gấp nhiều chục lần, nhưng quy củ và việc tuyển chọn vẫn kỹ càng, nghiêm khắc. Giáo hội ngày nay tuy cũng kế tục sự truyền thừa trước đó, nhưng việc truyền giới, thọ giới có phần dễ dãi hơn.


Không cả nể trong việc chọn giới sư

Lâu nay ở các giới đàn, tình trạng tổ chức lệch lạc, không đúng luật rất nhiều, dẫn đến phi pháp. Ở góc độ kiến giải của các Luật sư theo truyền thống Bắc tông thì “giới tử không biết, không nghi thì vẫn đắc giới, chỉ có giới sư là phạm luật”. Nhưng đối với kiến giải của truyền thống Nam tông thì giới sư không đúng pháp, giới tử không đắc giới, dù giới tử không biết. Ngay cả khi vị giới sư phạm luật mà không biết mình phạm, thì các vị khác cũng cần chỉ lỗi để vị ấy biết mà như pháp sám hối, không nên nể nang nhau mà im lặng.

Cá nhân tôi cho rằng, khi chọn giới sư, Ban Kiến đàn phải có thái độ cương quyết để chọn người “thanh tịnh”. Ba yếu tố chọn người “thấy - nghe - nghi” về sự thanh tịnh của “ứng cử viên” trong Hội đồng Thập sư phải được tuân thủ. Nếu vị nể, chọn cơ cấu hay chọn cục bộ địa phương… thì sẽ không bao giờ có một Hội đồng Thập sư như ý muốn, đúng với những gì Đức Phật đã chế định trong việc tổ chức cho người thọ giới. Sự thanh tịnh trong hàng Thập sư không có thì sẽ không bao giờ có sự hòa hợp.

Chúng tôi cũng biết và kính nể những vị khi được mời làm giới sư đã từ chối vào ngôi vị Thập sư. Những vị ấy khéo léo từ chối vì thấy mình không đủ tư cách hoặc nhận thấy mình không như pháp để nhận trọng trách ấy. Chúng tôi rất biết ơn và kính trọng những vị ấy đã nghĩ và thương tưởng đến các giới tử về sự đắc giới. Một số tỉnh đã cung thỉnh giới sư không hạn hẹp nội bộ địa phương, mời chư tôn đức có đạo hạnh, giới đức từ nơi khác, vượt khỏi ranh giới cục bộ địa phương. Nguyên tắc “Giới tử phải cung kính giới sư như Phật”, vậy thì giới sư phải “như Phật” mới đúng, để giới tử cung kính, nếu họ sanh nghi thì chúng ta có tội.

Hiểu rõ vai trò của Tam sư, Thất chứng

Hội đồng Thập sư gồm: Tam sư là Hòa thượng Đường đầu truyền giới, thầy Yết-ma, thầy Giáo thọ; Thất chứng là bảy vị thầy Tôn chứng. Khi yết-ma, Hòa thượng Đường đầu là người có tư cách truyền giới cho giới tử (đệ tử theo pháp - PV) thì không được biểu quyết, thầy Yết-ma là người thưa hỏi để biểu quyết, là gạch nối giữa giới tử và các giới sư nên cũng không được quyền biểu quyết, thầy Giáo thọ cũng là người dạy dỗ giới tử nên cũng không được biểu quyết. Cả ba vị Tam sư này không có quyết biểu quyết “THÀNH” trong ba lần yết-ma của pháp “bạch tứ yết-ma”. Chỉ có bảy vị Tôn chứng mới có quyền biểu quyết.

Nhiều vị không hiểu luật đã xem nhẹ tư cách của bảy vị Tôn chứng sư trong yết-ma truyền giới. Yết-ma có thành tựu hay không, giới tử có đắc giới trong khoảnh khắc “bạch tứ yết-ma” hay không là do bảy vị Tôn chứng này. Bảy vị ấy phải nhất loạt đáp “THÀNH” hoặc “KHÔNG THÀNH” khi ba lần được hỏi. Giả như có một vị không đáp thì yết-ma ấy không thành tựu, tất nhiên việc đắc giới của giới tử cũng không thành.

Chúng tôi đi làm các chức sự trong nhiều Đại giới đàn, thường nhận thấy các vị Tôn chứng sư nhiều lúc rất lơ là, thậm chí có vị còn đem cả điện thoại vào giới trường, vừa ngồi truyền giới vừa thậm thụt coi điện thoại. Có vị lại ngủ gà ngủ gật, không chánh niệm đối với những gì đang diễn ra. Hoặc lúc vị Yết-ma đang bạch, vị Giáo thọ đang hỏi dạy, có vị lại quay qua nói chuyện với nhau… rất mất trang nghiêm trong đàn giới.

Tư cách bảy vị Tôn chứng rất quan trọng như đã nói, nên cần phải chánh niệm trong suốt thời gian truyền giới, phải kiểm tra tư cách giới tử về oai nghi, về ngũ căn có đầy đủ theo luật không… từ đó mới xác quyết việc biểu quyết “THÀNH” hay “KHÔNG THÀNH”. Các vị được mời làm Tôn chứng cần phải ý thức việc này. Ngày xưa, khi được mời ra làm Thập sư truyền giới, các ngài đều đóng cửa sám hối cả tháng và tìm đọc lại luật để khi truyền giới không bị sai phạm. Thiết nghĩ ngày nay chư vị tôn đức cũng nên học tập gương của các vị tổ sư tiền nhân. Đó không chỉ là thương tưởng đến các thế hệ sau này, mà còn để tránh mình phạm luật.


Một số nguyên tắc ở “giới trường”

Trong khu vực giới trường (nơi truyền giới cho giới tử - PV), chúng tôi nhận thấy lâu nay luôn trong tình trạng không đúng pháp đúng luật. Về nguyên tắc, trong khu vực ấy chỉ có Hội đồng Thập sư và các giới tử. Các vị Thập sư theo truyền thống Bắc tông thì ngồi trên ghế nhưng phải đồng nhau theo nguyên tắc “thủ thủ tương cập”, tức là “tay vị này phải chạm tay vị kia” theo quy định của Phật chế. Có những giới đàn không tuân thủ nguyên tắc này. Các giới sư ngồi quá xa nhau, không đúng “một khuỷu tay”; giữa Tam sư và Thất chứng ngồi cao thấp khác nhau, vì như vậy là không hòa hợp; hoặc giới sư ngồi quá cao, xa giới tử.

Một tình trạng mà chúng tôi rất không hài lòng là trong lúc yết-ma, truyền giới, có những vị như thị giả, dẫn thỉnh, giáo thọ… đi tới đi lui rất mất trật tự. Về nguyên tắc khi truyền giới, nhất là khi yết-ma thì “Tăng phải hòa hợp”; hòa hợp ở đây phải trên ba phương diện: thân - khẩu - ý. Những vị có mặt trong phạm vi giới trường ấy đều tính là “Tăng” và nguyên tắc là có quyền biểu quyết. Việc các vị ấy đi tới đi lui khi yết-ma là không “đồng oai nghi”, tức là không có sự hòa hợp. Khi yết-ma các vị ấy phải biểu quyết. Vì thế, theo luật, các vị không phải là Thập sư thì phải đứng ngoài cương giới của giới trường. Các vị ấy có thể đứng ở phần phi giới hoặc đại giới. Tuyệt đối không được ở trong hoặc một bộ phận nào của cơ thể lọt vào phạm vi giới trường. Những điều này tuy nhỏ nhặt nhưng nếu không lưu tâm sẽ bị phạm luật và các Tăng sự về truyền giới sẽ thành phi pháp.

Khi “bạch tứ yết-ma”, tức một lần bạch ba lần yết-ma, văn bạch phải đọc đầy đủ; ngày xưa ba lần yết-ma cũng phải đọc đầy đủ. Nhưng ngày nay giới tử đông, nếu đọc nguyên văn sẽ rất mất thời gian và sức khỏe, tôi có đề nghị văn bạch và lần yết-ma thứ nhất nên đọc đầy đủ, lần yết-ma thứ hai và thứ ba có thể giản lược. Tất nhiên nếu đọc hết tất cả thì vẫn tốt hơn.

Đối với đàn giới của chư Ni, cũng nên lưu tâm những vấn đề đã nói ở trên. Và một việc quan trọng nữa là không được truyền giới một lần cho quá 3 giới tử. Chúng tôi từng làm Luật sư cho những đàn giới, nhưng vì bận công việc, không có thời gian coi sóc cách truyền giới bên Ni, nên để xảy ra việc truyền giới không đúng luật như trên. Hoặc có những giới đàn chúng tôi được biết thông qua giới tử hoặc chư tôn đức Ni nói lại về việc truyền không đúng pháp này. Đây là những điều phi pháp, làm cho người đã thọ giới hoang mang không biết mình thọ giới có đúng pháp không, có đắc giới không. Chư tôn đức Ni nên lưu tâm vấn đề này mà làm cho đúng pháp. Truyền Bổn pháp cũng như Chánh pháp, mỗi lần không quá 3 giới tử.

Sẵn tiện chúng tôi lưu ý một điều nhỏ là Ban Tổ chức các giới đàn hay dùng chữ “giới trường” như: giới tử nhập giới trường, có mặt tại giới trường, lễ khai mạc tại giới trường… Từ dùng như vậy là không chính xác. Giới trường chỉ cho nơi truyền giới, nơi thực hiện các pháp yết-ma của Tăng sự: là khuôn viên nhỏ, thường là chánh điện của ngôi chùa được chọn làm điểm truyền giới. Khuôn viên Đại giới đàn (thường là ngôi chùa) thì có “tam trùng” gồm: tiểu giới (giới trường - thường là chánh điện), đại giới (khuôn viên chùa), phi giới (một khoảng cách giữa tiểu giới và đại giới). Giới tử, giới sư, công quả giới đàn… chỉ có thể vào sinh hoạt trong phạm vi đại giới. Vì vậy cần sửa đổi cách nói sai này trong nhiều năm qua. Chúng ta có thể dùng từ: Đàn giới, Đại giới, Tuyển Phật trường, Đàn tràng truyền giới, trụ xứ truyền giới… chỉ cho một nơi rộng lớn có thể sinh hoạt cộng đồng.

Hòa thượng Thích Minh Thông/Báo Giác Ngộ
(Pháp Đăng lược ghi)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.