Hòa thượng Phước Hậu và chùa Tập Thiện

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1131 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00

Năm 1923, dưới triều vua Khải Định, một số quan chức, doanh nhân, thợ thuyền… từ miền Bắc vào kinh đô Huế sinh sống, làm việc đã vận động thành lập Hội Đồng châu Bắc kỳ tương tế, mục đích hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong các dịp quan hôn tang tế nơi đất khách quê người.

Chủ xướng là Thượng thư bộ Hộ Phạm Văn Thụ, sinh năm 1866, mất năm 1930, nguyên quán xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; và Tổng đốc Nam Ngãi Từ Thiệp, sinh năm 1862, mất năm 1936, nguyên quán xã Khê Hồi, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội (nay thuộc huyện Thường Tín, TP.Hà Nội). Đặc biệt, Hội đã cầu thỉnh Hòa thượng Thích Phước Hậu, một bậc cao tăng đương thời tại kinh đô làm Chứng minh đạo sư.

Hòa thượng Phước Hậu (1866 - 1933), pháp húy Trừng Thịnh, tự Như Trung, thế danh Lê Văn Gia, nguyên quán xã An Tiêm, huyện Đồng Quan, tỉnh Thái Bình (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Trong biến loạn quân Pháp đánh phá Bắc kỳ vào năm 1873, ngài bị thất lạc gia đình và được quan Bố chính Nam Định Đồng Sĩ Vịnh (1833 - 1901) đem về nuôi dưỡng. Ngài bản tính thuần hậu, chăm học chữ Nho nên khi cụ Đồng Sĩ Vịnh chuyển về kinh lãnh chức Quang Lộc tự khanh sung Nội các Sự vụ đã cho theo hầu cận.

Thời gian sống ở Huế, ngài thường đến chùa Diệu Đế học Phật pháp với đại sư Tâm Truyền. Khi nhân duyên hội đủ, ngài phát tâm cầu thầy thế phát xuất gia, được ban pháp danh Trừng Thịnh, hiệu Phước Hậu, tự Như Trung. Năm 1894, vâng lời bổn sư, ngài đến Đại giới đàn Báo Quốc cầu thọ giới Cụ túc do Hòa thượng Diệu Giác làm Đường đầu tôn sư truyền giới.

Năm 1908, ngài Phước Hậu được bổn sư trao bài kệ phú pháp:

Thuần thành bổn tánh mỹ như trung

Tảo tận trần tâm đạo lý dung

Đức thạnh tự năng mông phước hậu

Chơn truyền y bát chấn tông phong.

Tạm dịch:

Thuần thành bản tánh đẹp lòng trung

Quét sạch tâm trần đạo lý dung

Đức lớn tự mang đầy phước lớn

Chơn truyền y bát chấn tông phong.

(Bản dịch của Hòa thượng Thích Trung Hậu, Hòa thượng Thích Hải Ấn)

Năm 1916, dưới triều vua Khải Định, Bộ Lễ đề cử ngài giữ chức trú trì quan tự Trường Xuân. Đến năm 1919, chuyển sang trú trì Sắc tứ Linh Quang tự.

Sau khi Hội Đồng châu Bắc kỳ tương tế được thành lập và Hòa thượng Phước Hậu được cung thỉnh làm chứng minh đạo sư của Hội, ngài phát tâm hiến tặng 3 sào đất vườn gần tổ đình Quốc Ân để Hội xây dựng chùa Tập Thiện, thờ Phật và chư hương linh hội viên quá vãng.

Năm 1933, Hội An Nam Phật học ra đời, cung thỉnh ngài vào ngôi vị Chứng minh đạo sư. Nhân dịp này, ngài đã ứng tác một bài thơ tự thuật mà đến nay vẫn còn được lưu truyền trong Thiền môn cố đô:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,

Học hành không thiếu cũng không dư

Đến nay nghĩ lại đà quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ như.

Đối với hàng tại gia người nào có duyên lành gặp ngài đều được khuyên hành trì câu: Nam-mô Tây phương quá thập vạn ức Phật độ đồng danh đồng hiệu A Di Đà Phật.

Năm 1938, triều vua Bảo Đại, Bộ Lễ xét cử ngài giữ chức vụ Tăng cang kiêm trú trì tổ đình Báo Quốc.

Sau năm 1945, triều Nguyễn cáo chung, Hòa thượng Phước Hậu được Hội Đồng châu Bắc kỳ cầu thỉnh làm Hội chủ danh dự để làm nơi nương tựa tinh thần và giữ gìn truyền thống cho hàng Phật tử miền Bắc lập nghiệp tại Thừa Thiên Huế.

Ngài an nhiên thu thần viên tịch vào ngày 13 tháng 4 năm 1953 tại tổ đình Báo Quốc. Tháp mộ xây dựng trong khuôn viên tổ đình Linh Quang .

Từ sau ngày vị Hội chủ danh dự quảy dép về Tây, cùng với thế thời xoay chuyển, Hội Đồng châu Bắc kỳ tương tế chỉ còn một ít hội viên ở lại cố đô. Chùa Tập Thiện không có sư trụ trì, theo tháng ngày lâm vào cảnh suy vi hư hỏng, nghĩa trang của Hội nằm cạnh núi Bân cũng trở nên đìu hiu quạnh vắng, thiếu người hương khói.

Đến năm 2001, bà con trong Hội chạnh lòng tưởng nhớ công đức của tiền nhân nên phát tâm vận động sửa chữa chùa. Hiện nay, có hai thầy từ chùa Báo Quốc chuyển đến trú xứ tu học tại chùa Tập Thiện, hương khói phụng thờ Phật và chư hương linh hội viên, cũng nhờ vậy cảnh hương tàn bàn lạnh một thời đã qua.

Chùa Tập Thiện có thể coi như một dấu tích đặc biệt của những người xa xứ đến kinh đô Phú Xuân làm việc và cư trú dưới thời Nguyễn, vẫn hoài nhớ về gốc cũ, đồng thời gắn liền với dấu tích của một bậc danh tăng trong lịch sử Việt Nam cuối thời quân chủ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.