Hội Cực lạc Liên hữu xiển dương pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam thời hiện đại

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) là vị sáng lập, đồng thời là Liên trưởng của Hội Cực lạc Liên hữu từ năm 1955, tác giả của Đường về Cực Lạc (2 tập) và là dịch giả của nhiều bộ kinh điển Đại thừa - Ảnh: Tư liệu Vạn Đức
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) là vị sáng lập, đồng thời là Liên trưởng của Hội Cực lạc Liên hữu từ năm 1955, tác giả của Đường về Cực Lạc (2 tập) và là dịch giả của nhiều bộ kinh điển Đại thừa - Ảnh: Tư liệu Vạn Đức
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh (1917-2014) là người chủ trương, đồng thời là người hướng đạo, thành lập Cực lạc Liên hữu, với ý nghĩa “Bạn sen Cực lạc” - Bạn đồng tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh nơi ao sen thất bảo ở thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà.

Hội Cực lạc Liên hữu được Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh thành lập năm 1955. Với chủ trương về pháp môn thực hành căn bản và truyền thống, cùng ảnh hưởng của ngài qua các Phật sự, đặc biệt là các bộ kinh Đại thừa được Việt dịch phổ biến trong đời sống tín ngưỡng của người Việt hơn nửa thế kỷ qua, pháp môn Tịnh độ đã tiếp nối truyền thống nguồn mạch hai ngàn năm của Phật giáo Dân tộc, được xiển dương ở xã hội hiện đại.

Hội Cực Lạc Liên hữu thu hút sự tham gia của các vị thạc đức Tăng Ni, cư sĩ - Ảnh tư liệu Vạn Đức

Hội Cực Lạc Liên hữu thu hút sự tham gia của các vị thạc đức Tăng Ni, cư sĩ - Ảnh tư liệu Vạn Đức

Tín ngưỡng và pháp môn Tịnh độ tại Việt Nam

Phật giáo từ Ấn Độ du nhập Việt Nam với nền tảng tư tưởng Đại thừa, trong đó có pháp môn Tịnh độ.

Danh hiệu Đức Phật A-di-đà được người Việt biết đến ngay từ buổi đầu Phật giáo du nhập vào Việt Nam, qua Cựu tạp thí dụ kinh, truyện 60. Pháp môn niệm Phật cũng được đề cập rất sớm, ở thế kỷ thứ III, qua Lục độ tập kinh, bản dịch chữ Hán của ngài Khương Tăng Hội (?-280).

Pháp môn này nhanh chóng bén rễ vào tín ngưỡng bản địa. Đến thế kỷ thứ V, nó trở nên phổ biến trong đời sống tâm linh của người Việt một cách căn bản qua sự hiện diện của kinh Quán thọ (Vô lượng thọ), nói về các tiền thân của Đức Phật A-di-đà cũng như 48 lời nguyện của Ngài lúc còn là Tỳ-kheo Pháp Tạng.

Sự phổ biến của pháp môn Tịnh độ không chỉ thể hiện với sự có mặt của pháp học qua kinh điển mà còn được củng cố thêm bằng sự hiện diện nhiều hành giả Tịnh độ. Nổi bật là Đại sư Đàm Hoằng (?-455), người Trung Hoa đồng chơn xuất gia, am tường Luật tông, chuyên hành trì Tịnh độ nguyện vãng sinh Cực lạc. Ngài đến nước ta hành đạo tại chùa Tiên Sơn (thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày nay).

Từ nền tảng đó, tư tưởng Tịnh độ tiếp tục phát triển sâu rộng, trở thành tín ngưỡng phổ biến. Tuy nhiên, như một đặc thù của Phật giáo Việt Nam, hoàn toàn khác với Phật giáo Trung Quốc và Nhật Bản, các pháp môn không phát triển đến mức cực đoan để hình thành tông phái, mà hài hòa trong một tổng thể pháp hành dung hợp cả Thiền, Tịnh và Mật.

Đó là điều mà chúng ta thấy được qua các thư tịch, di sản trong giai đoạn lịch sử tiếp theo. Như Thiền sư Vô Ngôn Thông (?-826), trong bài kệ truyền pháp cho đệ tử, vẫn nhắc đến khái niệm thế giới của Đức Phật A-di-đà. Tư tưởng Tịnh độ về sau càng trở nên phổ biến trong đời sống tôn giáo của người Việt, từ thượng tầng xã hội cho tới dân chúng.

Một ví dụ điển hình như vua Lý Thánh Tông (1023-1072), tuy thuộc dòng thiền Thảo Đường, nhưng đã cho tạc một pho tượng Phật A-di-đà độc đáo có một không hai trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc của dân tộc. Đồng thời, vị vua này còn cho dựng một ngôi tháp để thờ tại chùa Vạn Phúc. Ngoài ra, còn có tượng Phật A-di-đà do sư Trì Bát (1049-1117), người thuộc thế hệ thứ 12 của dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, chủ trương tạo dựng năm 1099; hoặc tượng A-di-đà trong hội đèn Quảng Chiếu trước Đoan Môn ở Thăng Long, được tạo lập để cầu nguyện cho hoàng hậu Linh Nhâm siêu sinh Tịnh độ…

Vị Liên trưởng Thích Trí Tịnh chủ tọa sinh hoạt của Hội Cực Lạc Liên hữu - Ảnh tư liệu Vạn Đức

Vị Liên trưởng Thích Trí Tịnh chủ tọa sinh hoạt của Hội Cực Lạc Liên hữu - Ảnh tư liệu Vạn Đức

Thiền uyển tập anh, bộ sử được xem là xưa nhất của Phật giáo Việt Nam hiện còn bảo lưu văn bản, cho biết nhiều vị thiền sư kế thừa chính thức các dòng thiền nhưng vẫn thực hành pháp môn Tịnh độ, niệm Phật. Có thể nêu một vài trường hợp chúng tôi đã từng đề cập trong một bài viết khác, đó là thiền sư Tịnh Lực (1111-1175), thuộc thế hệ thứ 10 dòng thiền Vô Ngôn Thông, vị chuyên thực hành 12 thời sám hối và thâm nhập được pháp môn niệm Phật tam muội. Hay dòng chữ khắc trên bệ tượng Phật A-di-đà tại chùa Một Mái (Hà Nội) ghi rằng: Thiền sư Trì Bát “nhân tưởng niệm Phật A-di-đà ở thế giới phương Tây Cực lạc, nên đã phổ khuyến đạo tục, dựng một đạo tràng lớn”.

Đến đời Trần, tư tưởng Tịnh độ đã có một vị trí quan trọng đối với các tầng lớp tri thức và quý tộc. Các trí thức lớn như Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Thái Tông… cũng thường luận bàn đến vấn đề niệm Phật. Đặc biệt hơn, quan niệm về Đức Phật A-di-đà và 48 lời nguyện của Ngài cũng được đặt ra trong các kỳ thi tuyển nhân tài do triều đình tổ chức, biết được qua bài thi của Tiến sĩ Lê Ích Mộc (1459-?), kỳ thi năm 1502. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Trần Nhân Tông chủ trương cũng có nói về Đức Phật A-di-đà và thế giới Cực lạc, tuy ở một sắc thái khác, có nội hàm của Tịnh độ nhân gian mang đặc thù Việt Nam với căn bản là lý tưởng Bồ-tát.

Từ thế kỷ XVI trở đi, Tịnh độ phát triển mạnh mẽ về mọi mặt tại nước ta. Nhiều tác phẩm về Tịnh độ được viết, phiên âm và chú giải phổ biến trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta. Có thể kể một vài vị chủ trương nổi bật như ngài Viên Văn (1590-1644), tác giả quyển Bồ-đề yếu nghĩa, thuyết minh về tự tính Di-đà; Thiền sư Minh Châu Hương Hải (1628-1708) phiên âm A-di-đà kinh sớ sao của ngài Châu Hoằng; Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726) với nhiều tác phẩm mang đặc điểm tư tưởng Tịnh độ của Trung Hoa như Phật tâm luận, Tịnh độ yếu nghĩa, đặc biệt là đã cho thiết kế ba đài liên hoa cửu phẩm làm pháp khí trong lễ nghi thực hành niệm Phật; Thiền sư Tánh Thiên với Phổ khuyến niệm Phật…

Hội Cực Lạc Liên hữu sau khi thành lập năm 1955 đã nhận được sự tán trợ, ủng hộ của đông đảo Tăng Ni, cư sĩ; lấy chùa Vạn Đức làm trụ sở

Hội Cực Lạc Liên hữu sau khi thành lập năm 1955 đã nhận được sự tán trợ, ủng hộ của đông đảo Tăng Ni, cư sĩ; lấy chùa Vạn Đức làm trụ sở

Bối cảnh sự ra đời của Hội Cực lạc Liên hữu

Cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, đất nước ta bị xâm lược, triều đình mất chủ quyền, đời sống nhân dân cơ cực lầm than. Trong giai đoạn này, nhiều nhóm chuyên thực hành niệm Phật (như Liên Trì xã, Niệm Phật liên xã…) được thành lập. Dấu ấn đó được thấy qua Phổ khuyến niệm Phật của ngài Tánh Thiên (1784-1847), các tác phẩm của Thiền sư Toàn Nhật (1755-1832), Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856), các ngài Tâm Truyền (1832-1911), Phước Huệ (1875-1963)...

Như đã nói, tín ngưỡng và pháp môn Tịnh độ có mặt và sớm trở nên phổ biến trong đời sống tôn giáo tại nước ta. Nửa đầu thế kỷ XX, với công cuộc chấn hưng Phật giáo ở khắp cả ba miền, kinh sách về pháp môn này bằng Hán văn từ Trung Quốc đã được du nhập, thêm một lần nữa tác động mạnh mẽ lên đời sống Tăng Ni cũng như tín đồ Phật giáo đại chúng tại Việt Nam.

Thông qua hành trạng, xuất thân và nhân duyên với Phật pháp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, đặc biệt là việc ngài là một trong những học tăng tại các Phật học đường ở Huế, có nền tảng Hán học, chúng ta biết chắc chắn rằng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tịnh độ từ các cao tăng ở kinh đô cũng như hấp thụ được qua quá trình nghiên cứu kinh điển Hán tạng.

Thông qua hành trạng, xuất thân và nhân duyên với Phật pháp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, đặc biệt là việc ngài là một trong những học tăng tại các Phật học đường ở Huế, có nền tảng Hán học thâm hậu, chúng ta biết chắc chắn rằng Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã tiếp nhận và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tịnh độ từ các cao tăng ở kinh đô cũng như hấp thụ được qua quá trình nghiên cứu kinh điển Hán tạng.

Trong “Lời sau cùng”, được chính Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh viết năm Mậu Thìn (1988), ngài cho biết sau khi dịch Việt ngữ và ấn hành bộ Diệu pháp liên hoa, Phổ Hiền hạnh nguyện, Tam bảo, Địa Tạng bổn nguyện…, ngài đã cho xuất bản 2 tập trong bộ Đường về Cực lạc, xác lập Tịnh độ là pháp môn tối thắng “Vãng sanh Cực lạc, trụ bất thoái Vô thượng Bồ-đề”.

Bộ Đường về Cực lạc lúc bấy giờ đã được đón nhận một cách tín thành, ảnh hưởng sâu rộng, là nhân duyên kết nối, làm tiền đề cho sự ra đời của Hội Cực lạc Liên hữu.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh cũng nhận thức đó là pháp môn phù hợp cho mọi đối tượng, lợi lạc rất lớn. “Nhưng trong kỳ kiết thất 49 ngày ở tịnh thất nơi chùa Linh Sơn cổ tự, một hôm tôi bỗng có ý nghĩ: ‘Mình dù thiển trí bạc đức, song cũng là người tai mắt trong Tăng giới và cũng có đôi phần uy tín đối với gần xa, riêng mình tự tu đã đành không ngại gì, song rồi đây, tất có người vì tin tưởng nơi mình, mà họ sẽ tự noi theo chỗ làm của mình, nghĩa là họ sẽ niệm Nam-mô A-mi-đà, một người như thế, lần lần sẽ có nhiều người như thế, tất sau này khó khỏi điều thắc mắc…’”, ngài viết (Tông chỉ pháp môn niệm Phật, Sài Gòn, 1956). Đó cũng là duyên khởi cho việc hình thành của Hội Cực lạc Liên hữu vào năm 1955 tại chùa Vạn Đức, Sài Gòn, với sự tham dự của các bậc kỳ túc. Hội nhanh chóng phát triển và có tiếng vang lớn, thu hút nhiều Tăng Ni, Phật tử các tỉnh ở miền Nam, kể cả ở Campuchia đồng thuận, tham gia sinh hoạt tu học.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là người chủ trương, đồng thời là người hướng đạo, thành lập Cực lạc Liên hữu, với ý nghĩa “Bạn sen Cực lạc” - Bạn đồng tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh nơi ao sen thất bảo ở thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là người chủ trương, đồng thời là người hướng đạo, thành lập Cực lạc Liên hữu, với ý nghĩa “Bạn sen Cực lạc” - Bạn đồng tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh nơi ao sen thất bảo ở thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà

Tông chỉ của Hội Cực lạc Liên hữu

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh là người chủ trương, đồng thời là người hướng đạo, thành lập Cực lạc Liên hữu, với ý nghĩa “Bạn sen Cực lạc” - Bạn đồng tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh nơi ao sen thất bảo ở thế giới Cực lạc của Đức Phật A-di-đà.

Cực lạc Liên hữu do Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Liên trưởng, Hòa thượng Thích Huệ Hưng làm Liên phó, thầy Tịnh Đức làm Thư ký. Phiên họp đầu tiên được tổ chức vào ngày 6-8 năm Ất Mùi (1955) và thống nhất lấy ngày đó, cũng là ngày khánh lễ của Tổ sư Huệ Viễn, làm ngày đại hội thường niên.

Dẫu là hội, nhưng tính mục đích hướng đến sự thực hành tôn giáo rất rõ, thể hiện qua cơ cấu khác với chức danh các hội đoàn thông thường.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, vị hành giả một đời chuyên thực hành pháp môn Tịnh độ và dịch thuật kinh điển Đại thừa

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, vị hành giả một đời chuyên thực hành pháp môn Tịnh độ và dịch thuật kinh điển Đại thừa

Sau khi ra đời, Hội Cực lạc Liên hữu lập tức thu hút sự quan tâm của giới Tăng lữ vốn có xu hướng chuyên tu, nỗ lực thực hành các pháp môn truyền thống. Do vậy, không ngạc nhiên khi thấy nhiều bậc thạc đức đương thời tham gia bên cạnh Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, có thể kể đến chư vị tiền bối như Hòa thượng Thích Bửu Huệ, Hòa thượng Thích Huệ Hưng, Hòa thượng Thích Thiện Tường, Hòa thượng Thích Thiền Tâm…

Với lập trường pháp môn niệm Phật là tối thắng, như Kinh tập đã đề cập, Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đã chấp bút thiết định nên một tông chỉ căn bản, sâu sắc làm nền tảng về cả phương diện pháp hành cũng như giao tế, tương quan giữa các “liên hữu”.

Việc thay đổi dễ nhận ra là phát âm hồng danh Đức Phật A-mi-đà, thay cho A-di-đà vốn đã trở nên quen thuộc với đại chúng, từ Bắc đến Trung và vào cả miền Nam.

Ảnh tác giả

Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà... Tôi xin khuyên nhắc huynh đệ, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam-mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, huynh đệ nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải.”

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh

Duyên khởi của phát âm mới này được chính Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đề cập nhiều lần, lưu lại văn bản sớm nhất là trong tập sách cẩm nang “Tông chỉ pháp môn niệm Phật” (đã dẫn).

Ở đó, ngài cho biết niệm A-mi-đà gần với nguyên âm Phạn ngữ (Amitābha), “nó sẽ đưa đến cho mình cái mãnh lực bất tư nghị, diệt vô số tội, thành đại thiện phước đức giống như pháp trì chơn ngôn (thần chú) của Mật tông…”. Cũng theo ngài, với cách phát âm này “sẽ đưa mình đến mức bất niệm tự niệm, vì tiếng niệm không bị trệ lụt và nổi rõ nơi tâm. Nhứt là niệm A-mi-đà được khỏe hơi, nhờ đó nên niệm được lâu và nhiều”.

Đó cũng là những chia sẻ từ kinh nghiệm thực hành của ngài, như Đại lão Hòa thượng đã bộc bạch mà không ngại dị nghị cho rằng lập dị, làm khác đi với những gì đã có. Điều đó được ngài khẳng định là “tự tôi sửa đổi riêng tôi”, “mình không có lập phái riêng hay lập dị thời”.

Với quan niệm đó, ngài đã từng căn dặn đệ tử, rằng: “Từ hồi nào, dù với hàng đệ tử, tôi chưa từng bảo ai bỏ niệm A-di mà niệm A-mi. Song, do ảnh hưởng ngấm ngầm mà lần lần có một số đông người xuất gia cũng như hàng tại gia niệm A-mi-đà... Tôi xin khuyên nhắc huynh đệ, đối với những vị đã quen niệm hay đã sẵn tín tâm nơi câu Nam-mô A-di-đà Phật, nhất là người ở trong hoàn cảnh thiếu tiện lợi, huynh đệ nên để yên cho các vị ấy niệm theo sự phổ thông cổ lệ để tránh sự ngoại chướng cho họ và cho họ khỏi sự do dự trên đường hành trì mà họ có thể vướng phải” (sđd, trang 15).

Trở lại với tông chỉ của Hội Cực lạc Liên hữu, về pháp hành, chủ trương kế thừa truyền thống được đề cập trong kinh A-di-đà là “tin sâu, nguyện thiết và hạnh chuyên”, như ngài đã khẳng định là không có ý khai tông lập giáo. Điều đặc biệt của Hội Cực lạc Liên hữu chính là ở chương trình tu học.

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với chư tôn đức, học đồ và đệ tử, pháp tử thân cận
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh với chư tôn đức, học đồ và đệ tử, pháp tử thân cận

Với 10 điểm hết sức súc tích được viết ra trở thành “điều lệ” của hội viên (được gọi là liên hữu - bạn sen) đã xác lập và cụ thể hóa lập trường của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, về Hội Cực lạc Liên hữu trong việc thực hành, gắn kết, hỗ tương nhau ở hiện tại, cùng lý tưởng hướng về cố hương Tây phương Cực lạc của Đức Phật A-di-đà.

10 điểm đó cụ thể như sau:

(1) Tin sâu, nguyện thiết, chuyên niệm “Nam-mô A-mi-đà Phật” để cầu thoát ly sanh tử, vãng sanh Cực lạc thế giới.

(2) Lấy giới luật làm căn bản, lấy Tứ hoằng thệ nguyện làm bổn phận (chúng xuất gia thời trì giới xuất gia, chúng tại gia ít nhứt phải đủ ngũ giới).

(3) Trong một ngày đêm, phải thành thật tự nhận mình đã chánh niệm chắc chắn ít nhứt là một ngàn câu “Nam-mô A-mi-đà Phật”.

(4) Những liên hữu ở gần nhau nên để ý khuyên răn nhau về những việc đến, đi, xem coi, nói năng và sách tấn nhau đồng tinh tiến tu niệm.

(5) Hàng ngày phải kiểm soát lấy tư tưởng, hành vi của mình một cách ngay thẳng.

(6) Tự lập nguyện để sách tấn tùy theo tâm bệnh và những khuyết điểm cá nhơn (như người quen nói chuyện tạp nhiều thì phải tịnh khẩu, v.v…).

(7) Phải thường xem kinh sách và tìm học về pháp môn Tịnh độ cho được có một trình độ hiểu biết phổ thông và có thể chỉ dẫn người khác cùng hiểu và thật hành.

(8) Phải gắng khuyên, dạy, sách tấn những người gần và có duyên với mình đồng niệm Phật, hoặc soạn những tài liệu về giáo lý Tịnh độ hay tùy sức lo cho kinh sách ấy được truyền bá lưu thông.

(9) Những liên hữu ở gần phải giúp đỡ và hộ niệm lẫn nhau khi vị nào có bịnh hoạn, hoặc tai nạn gì.

(10) Khi hay tin một liên hữu nào đó quá cố, mỗi liên hữu phải có bổn phận hàng ngày hồi hướng, cầu nguyện cho giác linh suốt trong bảy tuần thất.

Dù lúc Hội Cực lạc Liên hữu mới hình thành, thịnh hành hay gián đoạn qua các biến động lịch sử cũng như xã hội, dòng chảy ấy vẫn liên tục cho đến hôm nay. Dòng chảy ấy được tiếp nối từ lịch sử, kế thừa và hoằng dương bởi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, vị Liên trưởng, là bậc Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử, nhà phiên dịch kinh điển Đại thừa vĩ đại, vị giáo phẩm tham gia lãnh đạo các tổ chức Giáo hội Phật giáo tại nước ta.

Chính những nội dung này đã gắn kết, và làm rõ chủ trương của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đối với việc thành lập Hội Cực lạc Liên hữu, chỉ nhằm một mục đích duy nhất, đó là thực hành hạnh nguyện Bồ-tát, như chính ngài đã chia sẻ trong Đường về Cực lạc: “ngoài lợi ích lớn là hiểu rõ Tịnh độ và pháp môn Tịnh độ; được phát khởi tín, hạnh, nguyện nếu ta đã phát; thành tựu tín, hạnh, nguyện nếu ta đã tăng trưởng, và viên mãn nếu đã thành tựu, ta lại có thể dùng đây làm ông bạn tốt chỉ chỗ phải, răn điều quấy khi ta hành đạo…” (Lời nói đầu, trích, 1953).

Lý tưởng ấy thể hiện ở Hội Cực lạc Liên hữu và nhất quán trong hành trạng của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, hành giả suốt một đời thực hành, phụng sự dù hoàn cảnh có thay đổi. Dù lúc Hội Cực lạc Liên hữu mới hình thành, thịnh hành hay gián đoạn qua các biến động lịch sử cũng như xã hội, dòng chảy ấy vẫn liên tục cho đến hôm nay. Dòng chảy ấy được tiếp nối từ lịch sử, kế thừa và hoằng dương bởi Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, vị Liên trưởng, là bậc Thầy của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử, nhà phiên dịch kinh điển Đại thừa vĩ đại, vị giáo phẩm tham gia lãnh đạo các tổ chức Giáo hội Phật giáo tại nước ta.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

***

Cho đến nay, chưa thấy một nghiên cứu nào khả dĩ đánh giá những đóng góp của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh đối với Phật giáo Việt Nam nói chung và pháp môn Tịnh độ tại nước ta nói riêng, để xác lập pháp hành cho người Phật tử, đừng để bỏ quên “của báu” trong nhà mà xu thời chạy theo các trào lưu thực hành, tín ngưỡng, nghi lễ có yếu tố nước ngoài, tạo nên sự hỗn loạn về pháp hành như đã và đang diễn ra ở nước ta hiện nay.

Mong rằng, Giáo hội sẽ quan tâm tới lĩnh vực này, thực hiện một cách nghiêm túc chứ không phải chỉ tổ chức hội thảo mang tính hình thức với số lượng tham luận mà ít lưu ý đến chất lượng, tổ chức hội thảo rồi lại bỏ ngỏ cho mọi thứ đi vào quên lãng trong thờ ơ của số đông vì sự hoài nghi giá trị. Việc đó, nếu thực hiện một cách nghiêm túc, sẽ góp phần xác định nội hàm bản sắc Phật giáo Việt Nam, định hướng cho sự phát triển lâu dài, để có thể hội nhập mà không bị tha hóa và hòa tan.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.