" Tôi biết Ấn Độ, Sri Lanka đã chọn hoa sen trắng làm quốc hoa thì Việt Nam có thể chọn hoa sen hồng. Loài hoa này có nhiều điểm phù hợp với tiêu chí chúng tôi đưa ra", ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm trao đổi với phóng viên ngày 20/1.
- Thưa ông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã đưa ra những tiêu chí nào để lựa chọn quốc hoa?
- Chúng tôi đưa ra 6 tiêu chí như có nguồn gốc, hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam, được phát triển ở nhiều vùng đất nước; thể hiện được bản sắc, văn hoá, cốt cách tinh thần dân tộc; hoa bền đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc và có giá trị sử dụng cao. Ngoài ra đó phải là loài hoa được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh.
Trong đề án quốc hoa chỉ đưa ra mục đích ý nghĩa yêu cầu, tiêu chí, không đề xuất loại hoa cụ thể. Song khi đưa ra hội thảo, đã có nhiều ý kiến đề xuất quốc hoa là hoa sen Việt Nam. Kết quả bầu chọn trên mạng thì có khoảng 40% số người chọn hoa sen, được cao phiếu nhất. Tại triển lãm ở Vân Hồ sắp tới, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch có ý đề cử nhấn vào hoa sen theo căn cứ kết quả bầu chọn trên mạng, bên cạnh trưng bày nhiều loại hoa khác.
- Ông nhìn nhận thế nào nếu hoa sen được chọn là quốc hoa?
- Nếu phân tích ra thì hoa sen có nhiều điểm phù hợp tiêu chí, như Việt Nam có nền nông nghiệp lúa nước, hoa sen là loài đại diện cho văn minh lúa nước, sống ở hồ ao sông ngòi. Về mặt hình thức nghệ thuật thì sen hồng rất đẹp về màu sắc, tạo hình, kể cả nụ, lá, đài sen. Loài hoa này cũng thể hiện cốt cách, tinh thần của người Việt Nam từ bùn đen trỗi dậy mà vẫn thanh cao, tươi tắn. Từ xưa cha ông ta đã tôn vinh loài hoa sen, từ cột trụ, đài hoa trong các chùa.
- Hoa sen đã được một số quốc gia lựa chọn là quốc hoa, ông nghĩ sao nếu quốc hoa của Việt Nam bị trùng lặp?
- Trùng lặp không sao hết. Tôi biết Ấn Độ, Sri Lanka đã chọn hoa sen trắng làm quốc hoa thì Việt Nam có thể chọn hoa sen hồng. Tôi nghĩ đến một lý do khác biệt với các nước khác là hoa sen gắn vị lãnh tụ của riêng Việt Nam. Đó là câu thơ nổi tiếng mà ai cũng biết: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ".
- Nhiều ý kiến cho rằng hoa sen không được người dân miền Nam ưa chuộng, quan điểm của ông thế nào?
- Tôi được biết nhiều người bình chọn cho hoa mai là ở miền Nam. Cũng có một số người phía Bắc bầu chọn cho hoa mai, nhất là những người kinh doanh thực phẩm, hoa và cây cảnh, vì họ cho rằng hoa mai dễ phát triển hơn, thậm chí có thể phát triển thành ngành kinh tế. Song theo dư luận chung thì tỷ lệ đó không nhiều.
Với các loài hoa đào, hoa mai chỉ đẹp vào mùa xuân, các mùa khác không có. Về lợi ích kinh tế có thể hơn song tôi nghĩ với việc chọn quốc hoa là biểu tượng tinh thần của dân tộc, không nên đề cập yếu tố kinh tế. Kể cả sau khi công bố quốc hoa thì cũng không nên trồng, phát triển, xuất khẩu hoa. Theo tôi thì hoa sen ở Đồng Tháp Mười rất nhiều, có thể hơn số hoa ở miền Bắc.
- Sau khi công bố quốc hoa, liệu loài hoa đó có được duy trì và bảo tồn?
- Việc duy trì bảo tồn nên có khi mà người dân ý thức được tầm quan trọng của quốc hoa. Còn nếu không loài hoa đó vẫn duy trì và đã đi vào đời sống người dân, ví dụ người dân vẫn trồng sen để làm mứt, làm trà, gỏi sen... Nếu tôn vinh hoa sen thì người dân sẽ có ý thức giữ gìn loài hoa hơn. Tuy vậy, vẫn nhiều người lo ngại với tình trạng lấp ao hồ xây nhà ở thì sau này không còn hồ để trồng sen.
- Với đề án quốc phục, tiêu chí lựa chọn như thế nào?
- Đề án này đang được dự thảo, nằm trong kế hoạch công tác năm 2011 của Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm. Cuộc triển lãm tại Vân Hồ sắp tới mang tính khởi động, thăm dò ý kiến người dân. Đề án về quốc phục từng làm cách đây 10 năm, mời các nhà thiết kế song không đến đích.
Quốc phục sẽ có hai bộ của nam và nữ, mỗi giới có hai bộ mùa hè và mùa đông. Áo của nữ thì dễ được đồng thuận là áo dài, chỉ có chọn màu gì, thêm hoạ tiết gì để điển hình là văn hoá Việt Nam. Còn bộ cho nam là cả vấn đề nan giải.
Triển lãm tới sẽ bày nhiều bộ trang phục Việt Nam qua nhiều thời kỳ Lý, Trần, Lê và hiện đại. Người dân xem và đánh giá, đề xuất nên chọn trang phục thế nào. Nhưng tôi cho rằng bộ áo nam sẽ phải có thiết kế mới, không thể nguyên mẫu một bộ áo dài khăn đóng ngày xưa. Bộ quốc phục sẽ trông chờ vào tài năng của các nhà thiết kế thời trang Việt Nam.
- Ông thấy vấn đề khó khăn khi lựa chọn quốc hoa, quốc phục là gì?
- Chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phong phú, mỗi ý kiến đều có cái lý khiến cơ quan quản lý băn khoăn xem xét. Như nhà văn hoá Vũ Khiêu có uy tín trong nước từng đề xuất quốc hoa là hoa mào gà. Đề xuất này không phải không có lý. Đây là vấn đề khó. Những vấn đề tác động đến tâm linh, tình cảm của công chúng thì không phải dễ đồng thuận.
Tuy nhiên, tôi tin rằng sẽ có phương án tối ưu nhất, cái chính là người quyết định. Bộ sẽ đưa ra phương án tối ưu trình Thủ tướng quyết định vì đây là quốc hoa, quốc phục đại diện cho quốc gia.