Hoa dại

GN - Hoa dại sống với nhau trên đồng, trên núi, bên vệ đường, cùng nhau tô điểm vẻ đẹp của đất trời, nắng cháy cũng chẳng hề hấn gì…

GN - Tôi nhớ, hồi sinh thời, thầy trụ trì chùa Pháp Hải (cố HT.Thích Đức Tâm - BTV) rất thích trồng hoa, đặc biệt là trồng hoa hồng nổi tiếng. Lâu lâu, cha tôi và tôi đến chùa hầu thăm thầy, thế nào thầy cũng dẫn ra vườn xem cây, thưởng thức những nụ hồng phơi phới, những hoa hồng khoe sắc, từ đỏ thắm, vàng đậm cho đến màu khói lam chiều, mỗi thứ có tên quốc tế mà giới chơi hoa hồng mới thành thạo.

WidthLTBY_1002.jpg

Dĩ nhiên tôi rất mê vườn hồng của thầy, đặc biệt tôi nhớ mãi hình ảnh vị Thượng tọa áo lam và ông già tóc bạc giữa hương sắc vườn chùa. Nhưng trong hương sắc miên man đó, tôi cũng trầm ngâm bên một cây sim già trồng lâu năm, cao quá đầu người. Một cây sim trầm mặc như một đạo sĩ bên cạnh đám xuân xanh giàu sức sống! Lần đầu tiên tôi thấy cây sim lớn đẹp như thế, một cây sim tách ra khỏi nơi sinh quán từ chốn núi rừng hoặc một bụi bờ ven con đường xa xôi nào đó. Một loại cây của thiên nhiên hoang dã nay đến ở ẩn tại chùa.

Người lớn tuổi nào đã từng sống thời niên thiếu tại nơi thôn quê hoặc chốn núi rừng thì chắc đã làm bạn với sim, mua, … trước khi biết đến những thứ hoa được con người tôn vinh như lan, huệ, hồng, cúc, vạn thọ… Dầu là cây dại, nhưng sức sống của sim, mua trong trí nhớ con người thật là bền bỉ hơn hẳn những loại hoa khác. Không thể quên những cây đồng nội này với nụ trắng phơn phớt tím hồng nho nhỏ, với cánh hoa màu tím rung nhẹ trong gió, và còn trái sim, từ tím chuyển qua đen thẫm, sẵn sàng mời mọc những ai cúi xuống ghé thăm một chút để rồi nhận được dư vị ngọt pha chút chát, đồng thời để lại sắc tím trên ngón tay và trên môi. Màu tím nhẹ của hoa sim như tình yêu chung thủy của cô thôn nữ: “Đói lòng ăn nửa trái sim / Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.

Màu tím hoa sim sống mãi trong lòng các thế hệ tiếp nối nhau từ khi bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan ra đời trong khói lửa chiến tranh, và sau đó trong các thành thị miền Nam rất nhiều người say mê bài hát của Phạm Duy: “Áo anh sứt chỉ đường tà”, phỏng thơ Hữu Loan, do Elvis Phương thể hiện:

“Chiều hành quân qua những đồi sim
Những đồi sim, những đồi sim, đồi tím hoa sim tím cả chiều hoang biền biệt
………….
À ơi! à ơi!
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu …”

Trong các loài hoa, có hoa nào được thi vị hóa như thế? Nếu nó không phải là hoa dại trên đồi với màu tím man mác trong buổi chiều biền biệt chia ly thì làm sao chia sẻ nỗi buồn với nhà thơ tài hoa?

Hoa dại, tiếng Anh là wildflower, có thể dịch là hoa hoang dã. Hoang dã có nghĩa là mọc tự nhiên, xa cách môi trường của con người, cây tự mọc tiếp nối từ đời này qua đời khác, con người không can thiệp vào sự sống chết của hoa, và cây có một quê quán sinh sống nào đó, từ lâu đời. Thật ra, nếu truy nguyên từ tằng tổ mọi loài trên trái đất thì cây nào cũng là dại. Từ khi con người biết phân biệt đẹp xấu và thích chiếm hữu, thì mới rinh cây đẹp về gần mình để thỏa mãn thị hiếu, rồi nhân giống, phát triển, lai tạo, kích thích, cắt hoa, tỉa cành… Cây hoa nào may mắn được khuất mắt con người, hoặc vì hương sắc không thích hợp để trưng bày, hoặc ở nơi hoang vu, cứ thế mà tự tồn tại thì được xem là dại. Loài hoa dại cũng thu hẹp dần khi con người nhận thấy ở hoa giá trị nào đó, về mặt thẩm mỹ, về giá trị dược liệu, hay ứng dụng công nghệ, khi đó hoa bớt dại đi; mặt khác con người khai thác thiên nhiên, lật tung mặt đất quá nhiều, thì hoa dại cũng lùi xa, vì thế trẻ em bây giờ ít thấy sim, mua, tràm, chổi…

Con người luôn luôn thích cái lạ. Hoa lá cành những cây luẩn quẩn trong thành phố, trong khai thác công nghiệp, dầu là rực rỡ, sang trọng, nhưng rồi cũng trở thành bình thường. Tìm cái mới ở đâu? - Tìm hoa hoang dã ở nơi hoang dã. Thiên nhiên vẫn còn gia tài phong phú về hoa dại, cho nên con người ngày nay, tìm thú dã ngoại tại những nơi con người lâu nay chưa chú trọng đúng mức. Nếu ở ta có những đồi hoa sim, tím chiều hoang biền biệt thì ở Bhutan có núi hoa thu hút khách du lịch trên thế giới; hoa ngập tràn cao nguyên Piano Grande (Ý), đặc biệt là vào cuối xuân, đầu hè; hoa dại ở Nam Phi đẹp nhất vào tháng 2 hàng năm, là một trong những điểm thu hút du khách tới Mũi Hảo Vọng; hoa dại khoe sắc rực rỡ vào tháng 6 hàng năm ở Alberta, Canada; những đồi hoa Poppy bạt ngàn rực rỡ vào mùa xuân tại bang California (Hoa Kỳ)…

Một số loài hoa dại được xem như là đặc trưng của địa phương, cho nên ở nhiều nơi người ta chọn một loài hoa dại tiêu biểu để tôn vinh làm biểu tượng cho địa phương đó. Tại Anh, Tổ chức Plantlife International (1) năm 2002 đã lên một danh mục các loài hoa dại đã được tổ chức khảo sát, đưa ra công chúng góp ý, bỏ phiếu bình chọn và được công bố năm 2004. Kết quả thủ đô London của nước Anh chọn loài hoa Rosebay Willowherb làm biểu tượng, vùng Bedfordshire chọn loài hoa Bee Orchid (hoa lan dáng như con ong) làm biểu tượng… Tại Hoa Kỳ, bang California đã chọn Eschscholzia (hay California Poppy), một loài hoa dại trong họ hoa Poppy, hoa màu đỏ cam làm biểu tượng và chính quyền bang đã bảo tồn trên những diện tích lớn.

Sự tôn vinh này không phải để cho vui, mà theo trang web Celebrating wildflowers của US Forest Service: “Tôn vinh hoa dại chính là cống hiến cho niềm vui của hàng ngàn hoa dại trên những rừng quốc gia và đồng cỏ của chúng ta, và để giáo dục công chúng về nhiều giá trị của những cây bản địa. Tôn vinh hoa dại cốt để nhấn mạnh: Giá trị thẩm mỹ của cây - một đồng hoa dại là một cảnh quan vô cùng đẹp; Giá trị tiêu khiển của cây - hái quả mọng là niềm vui cho mọi người trong gia đình; Giá trị sinh vật học của cây - cây bản địa hỗ trợ đời sống khác, trong mối tương quan lẫn nhau; Giá trị chữa bệnh của cây - cây là nguồn dược liệu; Giá trị kinh tế của cây - nguyên liệu từ cây có giá trị thương mại”.

Tại nước ta, có chăng những loài hoa dại nào làm đẹp một cách tự nhiên cảnh quan của một vùng, xứng đáng để khi nói đến vùng này, người ta liền nghĩ đến hoa đó?

- Phải chăng đó là hoa dã quỳ với Tây Nguyên, hay hẹp hơn, với Đà Lạt, Lâm Đồng? Nếu bạn đến miền đồi núi nghỉ mát nổi tiếng này vào lúc đông xuân, khởi đầu mùa khô, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hoa dã quỳ với màu vàng cam rực rỡ dưới trời nắng mới, có thể cả một vùng đồi, có thể bên vệ đường. Bạn sẽ lây niềm lạc quan vui sống với thiên nhiên, với loài hoa giàu sức sống, một loại cây ẩn mình quanh năm, chờ thời tiết thuận lợi, sẽ bật dậy làm áo khoác rực rỡ cho vùng đất cao nguyên. Bởi thế cho nên Lễ hội Hoa Đà Lạt tháng 12-2005 chọn dã quỳ làm biểu tượng.

- Phải chăng đó là bông điên điển trên đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi? Từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, vừa khi dứt mùa mưa, nước lũ bắt đầu tràn về thì điên điển xanh tốt, nở bông, và khi lũ dâng cao thì bông vàng mênh mông bát ngát chấp chới trên nước, tạo cảnh quan mùa lũ vô cùng đặc sắc mà chỉ vùng đất phương Nam mới có. Mùa lũ có bông điên điển làm đẹp (còn làm thức ăn nữa), có phù sa và tôm cá làm giàu như lộc trời cho.

- Và phải chăng, đó là hoa đỗ quyên Bạch Mã trên Vườn quốc gia Bạch Mã nổi tiếng của Thừa Thiên Huế? Có nhiều loại đỗ quyên có màu đẹp, đặc biệt có loại lấy giống từ Trung Quốc, được trồng trong chậu, bán rộng rãi những ngày cận Tết. Đỗ quyên Bạch Mã không gần gũi với phố chợ đông đúc như thế, không trôi nổi thị trường như thế, mà chỉ bám rễ khoe sắc trên vùng núi Bạch Mã, đặc biệt là quanh con thác hùng vĩ Bạch Mã. Đỗ quyên cùng với một quần thể cây, từ cây dây leo đến cây thân gỗ chen nhau sống dưới khí hậu mát mẻ, mưa nhiều, cây dưới thấp tìm cách vươn xa đón ánh mặt trời. Nếu bạn đến Bạch Mã lần đầu, ngồi trên đỉnh thác, bạn có thể hững hờ với đỗ quyên trong quần thể đó: màu xanh của đỗ quyên hòa lẫn với màu xanh chung, và không đâu xa, đỗ quyên mọc chen giữa những tảng  đá. Nhưng nếu may mắn bạn đi vào mùa xuân, hoa đỗ quyên quanh thác bỗng trỗi dậy phô trương đồng loạt trong nắng xuân bởi màu đỏ đằm thắm, rung nhẹ trong gió.

Xin dẫn chứng một vài loài hoa dại đẹp độc đáo, hào phóng, đặc trưng cho một số vùng, còn biết bao nhiêu hoa dại sinh trưởng tự nhiên trên mọi miền đất nước, xứng đáng được thưởng thức và gìn giữ. Cuộc sống luôn luôn cần hoa, không chỉ là hoa trong vườn, hoa trong không gian hạn hẹp mà còn hoa dại trong nắng gió, trong thiên nhiên rộng mở. Bạn đã từng mong chờ từng nụ hoa, từng chăm sóc như con mọn cho phong lan, từng vất vả tưới tắm cây… xin bạn tạm xa rời những tăn măn tỉ mỉ đó để đến với loài hoa không cần con người chăm sóc, mà vô tư cống hiến cho con người. Và bạn chợt nhận ra…

Hoa dại sống với nhau trên đồng, trên núi, bên vệ đường, trong rú, cùng nhau tô điểm vẻ đẹp của đất trời, nhưng đồng thời tự mỗi cây bám rễ thật sâu, thật vững chãi, bão tố, nắng cháy cũng chẳng hề hấn gì, quá lắm thì ở ẩn, chờ mùa; và vì vô tư hưởng lộc của mưa nắng, của sương đêm, của khí trời nên chẳng biết gì đến sâu bệnh. Phải chăng con người cũng cần sống dại một chút, như cây?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.