Hòa chung một đại dương

NSGN - Đời sống không chỉ là những cuộc chạy đua vội vã, chạy theo những giá trị ảo đến kiệt sức. Đời sống quý giá hơn thế. Nó mang đến cho ta vô vàn cơ hội để tận hưởng trong sự tương tức tương duyên với đồng loại, với thiên nhiên, vạn vật và thực hiện những hành động thiện nguyện.

may bay.jpg
Tháng 3-2014, máy bay MH 370 của Malaysia Airlines bị mất tích và ngày 17-7-2014, máy bay MH 17 của hãng này bị trúng tên lửa và rơi tại Ukraine khiến 298 hành khác và phi hành đoàn tử nạn - Ảnh minh họa


Khi nhân loại có cùng mục đích

Sự kiện cả thế giới không tiếc tiền của, dùng mọi phương tiện, dân sự và quân sự, đi tìm chiếc máy bay MH 370 của Hãng hàng không Malaysia mất tích trong tháng 3-2014 cho thấy nhân loại không hề dửng dưng trước nỗi đau đồng loại.

Không ai đặt ra vấn đề quốc tịch, màu da, hay giai cấp mà người ta chỉ biết đã có hơn 200 con người đã gặp tai họa và khả năng không còn tồn tại là rất cao! Cứ thế người ta vẫn tiếp tục kiếm tìm, dù gần như vô vọng nhưng chưa ai ngừng nghỉ. Chúng ta tự nghĩ phải chi con người luôn sống trong tinh thần tương thân tương ái ấy!

Lời Phật dạy còn nguyên giá trị

1- Chúng sinh luôn bình đẳng

Lời dạy của Đức Phật: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng  mặn”.“Cũng vậy này các Tỳ-kheo, khi các giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la,bắt đầu theo Pháp và Luật của Đức Như Lai, cũng mất giai cấp của họ và trở thành những phần tử đồng đẳng trong xã hội”. Thế nên Upali, thợ hớt tóc, tướng cướp Angulimāna ở Sāvatthi mới trở thànhTỳ-kheo cho đến Sunita, người gánh phân ở thành Vương-xá, cũng ngang hàng với các Tỳ-kheo khác.

Từ hạng cùng đinh cho đến hạng vua chúa giàu sang phú quý, từ hạng thấp hèn ty tiện như gái giang hồ cho đến bậc quyền uy, Đức Phật luôn thương yêu chân tình, giúp đỡ, khuyên dạy để họ nhận thức được tính chất thật của cuộc sống, tự thăng hoa tâm hồn, đạt đến an lạc hạnh phúc. Lòng bình đẳng ấy không phải dừng lại mà lan tỏa khắp muôn loài muôn vật.Không chỉ với con người, mà với tất cả chúng sinh, Ngài đều đối đãi bình đẳng.

Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có một tâm lý tham sống sợ chết. Vì vậy, không có lý do gì ta nỡ cướp đi mạng sống của kẻ khác, như vậy là không bình đẳng”. Tâm trạng buồn nhớ mẹ của một chú cừu non lạc đàn chẳng khác gì sự đau buồn của một người mẹ phải chia lìa với đứa con thơ, bởi một nguyên nhân nào đó. Và vì vậy, sinh mạng của một con vật cũng quý như bất kỳ sinh mạng của một con người.

2- Chất liệu làm nên hạnh phúc: Lòng từ bi

Chất liệu làm nên hạnh phúc giúp cho cuộc đời đáng sống chính là lòng từ bi. Chính tình thương yêu ấy đã xoa dịu những nỗi đau của nhân loại, hàn gắn những rạn vỡ tình người, dẹp tan oán thù, giải quyết về  căn bản những khổ đau của kiếp phù sinh. Lòng từ bi không biết đến biên giới giai cấp, chủng tộc, kỳ thị vì bất kỳ nguyên cớ nào, vượt lên tất cả quan điểm hẹp hòi ích kỷ của thế gian.

Chúng ta cần phải biết mình đang sống giữa một thời đại mà những tham vọng quyền lực và danh vọng đang khống chế con người. Từ Crimea cho đến Afghanistan, Syria, hay biển Đông... những cuộc tranh giành ảnh hưởng bằng kinh tế và cả quân sự, hợp pháp và phi pháp, đang đưa nhân loại đến bờ vực chiến tranh và hận thù nhen nhóm khắp nơi. Chính lúc này, từ bi là chất liệu hữu hiệu đủ năng lực dập tắt ngọn lửa chiến tranh đang nhen nhúm giữa buổi bình minh (hay hoàng hôn) trong thế kỷ XXI này.

3- Tính tương tức tương duyên 

Vì sao con người lại có thể sống trong tình thương yêu vô tận? Phật chỉ rõ chúng ta không phải là những cá thể biệt lập: chúng ta là một cơ thể, nhân loại như một cơ thể, tôi là tôi, anh là anh mà kỳ thực anh cũng là tôi, tôi cũng là anh. Sự thực như vậy.Khi hai người yêu nhau thực sự, không mang tâm thức chiếm hữu, thì nỗi đau người này cũng là của người kia và hạnh phúc được san sẻ tương tự vì giữa họ có sự tương tức (inter-being). Bản ngã lúc ấy xóa nhòa ranh giới, thể hiện qua tình mẫu tử, phụ tử, thậm chí đến bè bạn…, sau cùng mở rộng ra đến nhân loại.

Nói như một nhà văn phương Tây: “Cái chết của mỗi người làm suy giảm chút gì đó trong tôi”. Trong một trận sóng thần, nhưng người sống sót đau khổ như thể chính mình đã chết…Tai nạn của ai đó vì sự tắc trách của con người luôn gióng lên tiếng chuông chánh niệm nhắc ta sống có trách nhiệm và ý thức hơn như khi làm cầu treo cẩu thả, để người ta rơi xuống; làm đường bê bối khiến đường trơn, xe lật; làm thủy điện phá rừng đầu nguồn khiến hạ lưu chịu lụt lội, lũ cuốn...

TS.Nhất Hạnh khi giảng về điều này có ví con người như một dòng ngũ uẩn liên tục (hằng) luôn luôn chuyển biến (chuyển) liên hệ tương duyên và trao đổi với các dòng hiện tượng khác. Vậy cho nên không có Ngã, chỉ có những dòng liên tục, tương quan tương duyên, tương tức thôi. Đám mây cũng là dòng song, dòng sông cũng là cơn mưa, và mình phải hiểu nghĩa luân hồi, phải hiểu nghĩa tái sinh trong ánh sáng đó thì mới phù hợp giáo lý nhà Phật. Khi quán chiếu tu tập trong đời sống hàng ngày của mình, nhìn người thân của mình, đứa con của mình, bè bạn láng giềng của mình, nếu thấy tính vô ngã, tương tức giữa mình với người, thì sẽ không trách móc, hờn giận, chỉ có sự khoan dung, tha thứ, thương yêu. Cho nên tuệ giác vô ngã rất cần thiết. Trong một tập thể, hay lớn hơn một công đồng, nếu ứng xử trong tinh thần ấy thì sẽ thấy hạnh phúc chan hòa, bao trùm rộng lớn.“Người với người sống để yêu nhau…”.

Còn các sự vật mà ta nhận biết được chẳng qua là một tướng trong một chuỗi thay đổi liên tục của vô số tướng trạng từ mới đến cũ, từ trẻ đến già, từ sanh đến diệt. Phật giáo tạm phân quá trình vận động ấy thành bốn giai đoạn: sanh, trụ, dị, diệt hay thành, trụ, hoại, không. Như vậy, tất cả các sự vật, hiện tượng trên thế giới này đều hoàn toàn không có cái chủ thể nhất định, nó luôn biến động.Vì vậy, tất cả đều là vô ngã, nghĩa là không có một tướng trạng nào của sự vật là nhất định, bất di, bất dịch cả. Đây gọi là “vô ngã tính”.

Liên hệ bản thân của mỗi người, vì không thấy rõ được sự thật của tướng trạng này, không nhận biết được sự giả hợp của ngũ uẩn mới tạo thành tấm thân này. Chính ảo mộng về cái của tôi và cái tôi đã đưa đến thảm trạng chiến tranh, hận thù. Phật giáo đã soi sáng chân tướng của vạn pháp bằng ánh sáng vô ngã. Nhờ đó,bức tường thành của cái tôi ích kỷ, nhỏ nhen mới sụp đổ, chủ nghĩa cá nhân mới bị xóa nhòa nhường chỗ cho sự  bao dung, vị tha và quan trọng nhất là từ bi. Phật giáo luôn hiện hữu trong hạnh phúc, an lạc của thế gian.

“Chúng ta có quyền theo một tôn giáo riêng, tin tưởng một học thuyết, một chủ nghĩa riêng nhưng chúng ta không thể và không nên vì tín ngưỡng, vì lập trường riêng của chúng ta mà có thái độ giáo điều cố chấp, độc tôn, nguyên nhân của bao nhiêu hiểu lầm tranh chấp và đổ vỡ. Chỉ có một thái độ phóng khoáng, cởi mở mới đưa đến sự hợp tác chân thành,điều kiện tất yếu để xây dựng lại nước Việt Nam của chúng ta”. (Cố HT.Thích Minh Châu).

Chỉ thấm nhuần kinh điển chưa đủ, chúng ta phải ứng dụng vào tu tập bản thân, vào đời sống hàng ngày. Tựu trung, những điều vừa trình bày trên đây: bình đẳng, từ bi, vô ngã là những thành tố tạo nên giáo pháp nhà Phật. Nhưng  đó cũng là thành tố cần thiết cho hạnh phúc từng cá nhân, hướng về một thế giới nhân bản và một nền hòa bình trường cửu cho loài người.

Chính tinh thần khoan dung vô ngã, vô chấp ấy khiến Phật giáo không bao giờ gây thánh chiến, không làm hoen ố tinh thần hiếu hòa trong suốt 25 thế kỷ qua.Tinh thần Phật giáo sẽ luôn phát huy và tồn tại khi du nhập vào bất cứ quốc gia nào bởi vì luôn bao gồm những điều căn bản tạo nên mạch sống cho lịch sử tiến hóa của nhân loại.

4- Giác ngộ mỗi ngày

Trong phần dẫn nhập vào tác phẩm “Giác ngộ mỗi ngày” vừa được dịch và xuất bản tại Việt Nam trong chuyến viếng thăm của mình, Pháp vương Gyalwang Drukpa nhắc đến hình ảnh con rùa. Ngài hóm hỉnh  nhắc đến câu lạc bộ rùa hay những con người chậm chạp, thường bị tụt lại phía sau đoàn người hành hương trên những chuyến đi dài ngày, khiến người ta bật cười. Nhưng sau cái cười ấy là giá trị của việc sống chậm, để tâm bình an lại, như chú rùa cảm nhận từng bước dịch chuyển nhỏ nhoi của mình giữa thế giới bao la. Phải nhớ rằng chúng ta đang sống, đang hít thở, đang cần cảm nhận hành trình mỗi ngày với  tâm bình an giữa mọi biến thiên trong cuộc sống, từ đó hình thành nên được những tính cách tốt đẹp ở mỗi người, giúp con người ta bớt sân hận, oán hờn, trói mình vào những chấp trước, lo sợ hay đau khổ.

Hành trình siêu việt mà Ngài muốn dẫn chúng ta đi nằm ngay chính bên trong ta, khi ta biết an trú trong hơi thở, nhìn ngắm, quan sát cuộc sống, lắng nghe nhịp đập của con tim, nhịp khoan thai của bước chân. Đời sống không chỉ là những cuộc chạy đua vội vã, chạy theo những giá trị ảo đến kiệt sức. Đời sống quý giá hơn thế. Nó mang đến cho ta vô vàn cơ hội để tận hưởng trong sự tương tức tương duyên với đồng loại, với thiên nhiên, vạn vật và thực hiện những hành động thiện nguyện. Với nhận thức chúng ta là những giọt nước hòa tan trong đại dương bao la và hạnh phúc trong cuộc sống không chỉ nằm ở giá trị vật chất mà ở chất liệu tâm hồn, biết trân trọng ý nghĩa cuộc đời, yêu thương mình và mọi người.

Để thấy thế gian trong hạt cát này

Và thiên giới trong một cành hoa dại

Hãy giữ vô biên bằng một bàn tay

Và vĩnh cửu trong một giờ níu lại (*).

(NC dịch )
(William Blake, trích bài thơ Auguries of Innocence)

Nguyên Cẩn

____________

(*)To see a World in a Grain of Sand

And a Heaven in a Wild Flower,

Hold Infinity in the palm of your hand

And Eternity in an hour.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.