Dịp này, Thiền sư Pomnyun Sunim đã có cuộc phỏng vấn riêng với Báo Giác Ngộ, xoay quanh câu chuyện về môi trường - con người - hạnh phúc, mối tương quan trong quan điểm Phật giáo…
Chiến tranh và tàn hại môi trường đe dọa muôn loài
* Bạch Thầy, là một trong những nhà hoạt động xã hội và dành sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề môi trường, Thầy có những giải pháp nào để cải thiện môi trường đang bị suy thoái nặng nề?
- Không quá khi so sánh sự tàn phá môi trường với chiến tranh (đã và đang còn xảy ra ở đâu đó trên thế giới). Cả chiến tranh và sự tàn phá môi trường đều đang bức tử rất nhiều sinh vật sống, trong đó có cả con người. Cả hai đều đang tạo nên sự giết chóc và khiến mọi thứ bức hại lẫn nhau không ngừng. Đó là hành động hết sức xuẩn ngốc.
Thử nghĩ xem, khi bạn tàn phá môi trường, dẫu ở bất cứ đâu, cũng có nghĩa rằng bạn đang dần phá hủy nền tảng cơ bản của sự sống con người. Ví dụ như việc đốn rừng lấy gỗ phục vụ cho xây dựng nhà cửa. Mặc dù có thể xây nên ngôi nhà hay bất kỳ nội thất xa hoa nào, song những điều bạn phải đối mặt sau đó là nạn lũ lụt khi mùa mưa đến, nạn hạn hán vào mỗi mùa khô, hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên từng giờ… Và sau tất cả, bạn là người trực tiếp phải chịu đựng sự bức bách ấy. Đó là chưa kể, thay đổi khí hậu liên tục khiến mùa màng thất bát, con người phải chịu thất thu, kinh tế bị tổn hại và lâu dài đi đến thiếu thốn nguồn lương thực là điều khó tránh khỏi.
Có thể nói, khi nền tảng cơ bản của sự sống con người bị tàn phá nghĩa là con người đang làm hại chính mình và muôn loài, đẩy sự sống đi đến diệt vong. Đây được xem như một tội ác với hệ lụy có tính lâu dài khôn lường. Muốn khắc phục điều này, trước hết, chúng ta cần phải sống tiết kiệm, biết đủ, hạn chế tối đa tiêu dùng, chỉ tiêu dùng đáp ứng vừa đủ nhu cầu tối thiểu của đời sống.
Thiền sư Pomnyun Sunim |
* Theo Thầy, nhu cầu tiêu dùng tăng cao là tác nhân gây hại cho môi trường?
- Đúng vậy. Việc tiêu thụ và sản xuất ra vật chất có mối tương quan chặt chẽ. Mối tương quan này hoàn toàn trái ngược với lời dạy của Đức Phật. Vậy đó là gì? Tiêu thụ nhiều đòi hỏi sản xuất phải gia tăng, khi sản xuất được đẩy mạnh, nghĩa là đang ngày càng thải ra môi trường một lượng CO2 khó có thể kiểm soát, gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Khí CO2 là nguồn gốc của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Và như chúng ta thấy, nó đang quay lại vòng lặp đã nói ở trên, chính con người chúng ta đang trực tiếp gánh chịu hậu quả từ những việc mình làm - đó là tàn phá môi trường và phải chịu sự bức bách, hủy diệt trở lại từ chính môi trường.
Nói cách khác, khi con người cầu mong có được nhiều hơn những gì họ đang có, điều đó đồng nghĩa với mong muốn được tiêu thụ, hưởng thụ vật chất và họ đã - đang - sẽ tiêu thụ ngày một nhiều hơn. Mong muốn này đi ngược với lời dạy của Đức Phật.
Như vậy, con người cần biết sống tiết kiệm hơn, không tiêu thụ vượt quá nhu cầu cơ bản của đời sống. Dẫu là một người nghèo về vật chất, hãy tin rằng bạn vẫn hoàn toàn có thể hạnh phúc. Thay vì chạy ra bên ngoài tìm kiếm vật chất, lấy đó làm thước đo cho chất lượng cuộc sống, rồi tự đưa mình vào các cuộc so sánh vật chất vô bổ, bạn có thể ngồi thiền, đóng lại các vọng niệm hướng ra bên ngoài và quay về bên trong tâm trí của chính mình, lắng nghe để hiểu và tiết chế bản thân.
Đừng ganh tỵ với những người đang tiêu thụ vật chất, hay sở hữu những khối vật chất nhiều hơn bạn. Những người có sức tiêu thụ mạnh mẽ, phần lớn đều là những người giàu có, hoặc họ muốn trở nên giàu có. Những người như vậy chính là tác nhân lớn nhất dẫn đến sự tàn phá môi trường. Tất nhiên với sự giàu có của mình, họ có quyền mua sắm và hưởng thụ, nhưng sự tiêu thụ và hưởng thụ một cách vô ý thức với những mục đích nằm ngoài nhu cầu cơ bản của đời sống, khiến họ trở thành nguyên nhân của sự bất hạnh và là những người trực tiếp tàn phá môi trường, thay vì mang lại những giá trị thật sự tốt đẹp cho môi trường và cuộc sống con người.
Cần nhấn mạnh rằng, một đời sống khỏe mạnh, hay hạnh phúc, không đồng nghĩa với việc phải hưởng thụ và tiêu thụ nhiều.
Tôi chưa có nhiều cơ hội để tìm hiểu về Phật giáo Việt Nam, về văn hóa cũng như phương pháp thực hành, do các chuyến thăm phần lớn đều bị giới hạn về thời gian. Tuy nhiên, rõ ràng, tại Việt Nam có rất nhiều chùa được xây dựng khang trang cùng với đó là sự quy tụ một số lượng rất lớn các tín đồ Phật tử, nhất là vào các dịp đặc biệt của Phật giáo Việt Nam. Đó là điều khiến tôi khá ngạc nhiên.
Đây cũng là một tín hiệu tốt, cho thấy sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong lòng người dân sở tại. Song, nó cũng đặt ra trong tôi một thắc mắc rằng, về bên ngoài, các chùa được xây dựng lên với quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho số đông Phật tử đến nghe và học giáo pháp, nhưng liệu có thật sự giúp các Phật tử chuyển hóa được đau khổ trong tâm của họ? Chuyển hóa như thế nào và bằng cách nào?
Thiền sư Pomnyun Sunim
Hạnh phúc: hưởng thụ hay quay vào bên trong?
* Thầy cho rằng hưởng thụ và tiêu thụ nhiều không đồng nghĩa với hạnh phúc, trong khi nhiều người cho rằng có thể sống đời sống hưởng thụ, có những gì mình muốn, đó là hạnh phúc…
- Người ta thường lấy cảm giác vui thích làm hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra điều đó cũng là một hình thức của sự thống khổ, chứ không hoàn toàn là hạnh phúc. Nếu được tiêu thụ và hưởng thụ nhiều mới là hạnh phúc, vậy đó là niềm vui có điều kiện, tức có hạn định. Hay, một người cho rằng có quyền lực sẽ giúp con người sống viên mãn, điều này không đúng. Một cuộc sống viên mãn là cuộc sống với đầy đủ sức khỏe và không cần tìm kiếm bất kỳ niềm vui nào từ bên ngoài. Đó mới là hạnh phúc chân thật.
Mục đích tối thượng của Phật giáo là vượt thoát khỏi mọi chướng ngại của khổ đau, đạt đến sự tự tại, thảnh thơi.
Tại sao con người thường cảm thấy bất hạnh? Bởi chúng ta luôn tìm kiếm những niềm vui từ bên ngoài, đánh đồng niềm vui giả tạm ấy với hạnh phúc, chưa nhận ra đó chỉ là hạnh phúc nhất thời, có điều kiện, có hạn định. Niềm vui được gom nhặt từ bên ngoài thực chất là nguyên do đưa đến sự đau khổ. Nếu chúng ta cố gắng kiếm tìm hạnh phúc theo cách này thì cuối cùng chúng ta vẫn sẽ không thể có được hạnh phúc. Vì khi điều kiện tạo ra hạnh phúc không còn đảm bảo, hạnh phúc ấy cũng sẽ kết thúc một cách chóng vánh.
* Là một Thiền sư và là một nhà hoạt động Phật giáo, Thầy có lời khuyên nào về cách phương pháp tu tập giúp người trẻ tìm thấy hạnh phúc từ chính bên trong?
- Thực chất không thể đưa ra một lời khuyên về bất cứ phương pháp thực hành cụ thể nào là mang lại hữu ích cho người trẻ. Ngay cả việc thực hành thiền định cũng không hẳn là tốt đối với một số người. Do đó tôi sẽ không khuyên ai nên đi theo con đường tu tập nào cả. Thay vào đó, tôi đề nghị các bạn hãy tự tìm kiếm con đường mang lại hạnh phúc cho chính mình, hay nói cách khác là pháp tu phù hợp cho chính mình. Trên con đường đó, bạn hãy tự hỏi bản thân tại sao mình vẫn chưa có được hạnh phúc. Bởi lẽ, muốn tìm thấy hạnh phúc, trước hết bạn cần có sự tò mò, tìm hiểu về hạnh phúc, xác định mục tiêu và cách thức đạt được nó, trước khi có ai đó bảo bạn phải làm gì.
Như việc bạn có một nắm thuốc, dù cho có thật sự trị được bách bệnh, song bạn không thể ép người bệnh uống nắm thuốc đó theo yêu cầu của mình. Khi họ chưa hiểu rõ về nó, chưa tin vào công dụng của nó, thậm chí chẳng biết mình đang mắc bệnh gì, bạn tuyệt nhiên không thể khuyên họ uống nắm thuốc ấy được, chắc chắn họ cũng sẽ chẳng làm theo.
Thực tế, không có loại thuốc nào trị được bách bệnh, tùy thuộc vào từng bệnh nhân mà có loại thuốc tương ưng thích hợp. Cũng như việc thiền định, không hẳn tốt cho tất cả những ai học Phật, hay mong muốn tìm thấy sự bình yên. Phải dựa theo điều kiện tinh thần của mỗi người để có các phương pháp thực tập thích hợp. Có người sẽ thích pháp môn lạy Phật, người thích ngồi thiền, người phù hợp với việc đọc hay tụng kinh, cũng có người tập kinh hành sẽ tốt hơn… Một viên thuốc không thể trị được bá bệnh.
Đặc biệt, đối với một người có tinh thần chao đảo, với hàng tá suy nghĩ không ngừng chạy qua trong đầu, không thể phù hợp cho việc ngồi thiền. Dẫu hình tướng bên ngoài là tĩnh tọa, nhưng bên trong họ rất xáo động, như vậy thiền sẽ càng khiến cho người đó trở bệnh trầm trọng. Đối với những người có tinh thần bấn loạn, tốt nhất nên để họ vận động cơ thể bằng các bài thể dục và sau đó ngủ nhiều hơn, cho đến khi tình trạng tâm lý được cải thiện mới có thể bắt đầu thực tập thiền định.
Thiền sư Pomnyun Sunim là một trong những lãnh đạo Phật giáo có sức ảnh hưởng lớn, với phong cách giảng dạy Phật pháp độc đáo và dễ tiếp cận, được sự hoan nghênh của quần chúng tại Hàn Quốc và thế giới.
Ngài là người sáng lập nên tổ chức Phật giáo Jungto (có nghĩa là Miền đất lành) vào năm 1988. Trên kênh YouTube của mình (you-tube.com/c/JungtoOrg/), Thầy đã tổ chức hơn 1.000 buổi nói chuyện dưới dạng hỏi đáp tại chỗ, ngoài tiếng Hàn còn được dịch sang tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác để người nước ngoài cũng có thể dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh đó, Thiền sư Pomnyun Sunim cũng được biết đến là tác giả của nhiều quyển sách bán chạy nhất Hàn Quốc và là một nhà hoạt động xã hội tích cực, khi sáng lập nhiều tổ chức, dự án nhân đạo xã hội, như: Join Together Society (Hội Kết nối cùng nhau: Tổ chức NGO cứu trợ quốc tế), Eco-buddha (Phong trào Phật giáo hành động vì môi trường sinh thái: Phong trào môi trường trong đời sống hàng ngày); Good Friends (Những người bạn tốt: Trung tâm hòa bình, nhân quyền và người tị nạn)…
Thiền sư Pomnyun đã nhận nhiều giải thưởng về tôn giáo - hòa bình, cho những đóng góp quan trọng của mình trên nhiều phương diện như nhân đạo, hoạt động xã hội, môi trường, hòa bình thế giới.... Trong đó có thể kể đến như: Giải thưởng Giáo dục Môi trường Kyobo (Hàn Quốc - 1998), Giải thưởng Hòa bình và Thấu hiểu Quốc tế Ramon Magsaysay (Philippines - 2002), Huân chương Danh dự hạng 2 (Hàn Quốc - 2020), Giải thưởng Hòa bình Niwano lần thứ 37 (Nhật Bản - 2020).