GN - Tết, được người lớn lì xì, trẻ nhỏ đứa nào cũng vui. Nhất là đối với những trẻ nhà nghèo, miền quê thì cái bao lì xì ngày Tết gần như là điều thích nhất…
Nhận được tiền mừng tuổi, hầu như đứa nào cũng cám ơn rối rít, xong rồi lật đật cất vào túi. Các em thích đến nỗi kè kè theo bên mình suốt; rồi lâu lâu lại núp vào góc nào đó, đem tiền ra đếm. Vậy mà khi ngày Tết trôi qua, rất nhiều đứa trẻ đem tất cả cho mẹ, cho các bạn nhà nghèo - khuyết tật, cho các chương trình từ thiện... mà không giữ lại đồng nào cho riêng mình.
Các em Phật tử chùa Long Phước (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
hùn phước với sư phụ tặng quà tới các bé kém may mắn - Ảnh: Khánh Vy
Thầy Đồng Nguyện (chùa Pháp Bảo, Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Tết có nhiều em nhỏ để dành tiền lì xì, không dám xài đồng nào để đem đến chùa cúng dường cho quý thầy. Nhưng mà không phải đem tiền cho mình xài đâu mà gửi mình, có đi đến trung tâm từ thiện - nuôi trẻ mồ côi thì cho các em ở đó”. Như bé Nguyễn Thành Đạt, nhà cạnh chùa Pháp Bảo, xong Tết là bé đến chùa gặp thầy Nguyện để “bàn giao” tiền lì xì.
“Thương nhất là khi trao tiền, thằng bé dặn mình mai mốt thầy đổi ra tiền nhỏ hơn dùm con để lì xì, chia đều cho các bạn. Mình ghẹo nó, hỏi con cho hết lấy tiền đâu ăn kem, thì Đạt trả lời là: bữa sư phụ dạy con phải biết thương, san sẻ cho những bạn kém may mắn hơn mà…”.
Còn bé Quỳnh Như, xã Phước Vân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An thỏ thẻ: “Tết này con được tổng cộng 240 ngàn. Con lấy tiền lẻ đi cúng chùa để Phật phù hộ cho mẹ con khỏe mạnh; con học giỏi, thông minh, biết nghe lời cha mẹ. Tiền còn lại con gửi mẹ, khi nào mẹ không có tiền đi chợ, mẹ lấy tiền lì xì của con đi chợ”.
Nói xong rồi em chợt nhớ và bảo: “Ủa mà quên, con gửi mẹ 195 ngàn thôi, còn 5 ngàn con sẽ mua một cái cột tóc và một cây viết tặng cho bạn học chung. Mẹ bạn nghèo hơn mẹ con nữa nên bạn ấy toàn cột tóc bằng thun không hà”.
Riêng bé Lê Minh Lộc, học sinh lớp 3.1, Trường Tiểu học Tân Lý Tây, Tân Hiệp, Tiền Giang thì quyết định: “Tiền lì xì con mua một cặp đèn đến chùa cúng Phật, cầu Phật gia hộ cho gia đình con sống hạnh phúc, thương yêu nhau. Còn nhiêu tiền, con cho mẹ con hết, con không xài đồng nào”…
Những tâm tình chân chất rất đỗi ngây thơ nhưng ẩn chứa tình thương, hiếu kính cũng như có “mầm sen” trong người, hướng về Phật pháp ấy đã làm rất nhiều người, trong đó có người viết ngạc nhiên, bất ngờ, thầm phục.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, giáo viên Trường Tiểu học Long Định, tỉnh Long An nhận định: “Trẻ em tuy tuổi đời ít nhưng đứa nào cũng có lòng yêu thương. Quan trọng là người lớn tác động và hướng dẫn các em chia sẻ tình thương thế nào cho đúng. Như trước khi các em nghỉ Tết, trường có phát động chương trình “Áo mới mừng Xuân” - tặng cho các bạn gia đình khó khăn. Các em dù nhỏ tuổi, nhưng khi mình hướng dẫn, giảng giải cho các em nghe tinh thần tương thân, tương ái, là các em nhiệt tình hưởng ứng, tự nguyện chia sẻ với các bạn thiếu may mắn. Qua Tết, các em còn biết, trích tiền lì xì Tết để ống heo, mua sách vở, quà cho bạn nữa. Thiết nghĩ, phụ huynh nên tạo điều kiện để con dưỡng nuôi tình thương. Bởi biết yêu thương và chia sẻ chính là một trong những nhân tố quan trọng giúp các em có được cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp cho cả hiện tại và tương lai”.
Thầy Thích Ngộ Chánh, Bối Diệp thất (Bù Đăng, Bình Phước) cũng bảo: “Trẻ em, đứa nào cũng muốn làm điều tốt, trước tiên để được khen. Cụ thể, tại thất Bối Diệp, tôi giảng cho các em nghe dùng tiền lì xì sao cho có phước, từ đó các em đều trích một phần tiền lì xì gửi mẹ hay để ống heo, phần còn lại góp cùng chùa đi trao quà từ thiện cho các cụ già neo đơn. Dù ít tiền, mỗi em chừng hai chục ngàn thôi nhưng ý nghĩa thì nhiều lắm. Lúc còn nhỏ mà các em đã biết cách dùng tiền lì xì có ý nghĩa là điều rất đáng mừng. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên khuyến khích, tạo điều kiện cho các em nhỏ chia sẻ yêu thương”.
Hạnh Ý