GN - Vừa tụng kinh Dược Sư xong, cô Lan cởi áo tràng móc lên giá, bưng ly nước chưa kịp uống thì nghe tiếng chuông điện thoại dồn dập. Linh tính như báo cô sự việc chẳng lành:
- Lan ơi! Diệu Thảo lại đưa đi cấp cứu rồi, lần này nặng lắm!
Cô Lan bàng hoàng thả ly nước rơi xuống sàn nhà vỡ toang, nhưng cô cũng kịp định thần trở lại, bình tĩnh trả lời điện thoại với cô Huệ:
- Này! Cố gắng bình tĩnh để lo cho cháu, nhưng phải luôn nhớ niệm danh hiệu Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật và trì chú Dược Sư để xin chư Phật gia trì cho cháu tai qua nạn khỏi. Huệ đừng lo lắng nhiều lắm! Không sao đâu, cháu sẽ bình phục thôi mà!
Ảnh minh họa
Trong giờ phút dầu sôi lửa bỏng, cô bé Diệu Thảo bị phù thận dạng cấp đến giai đoạn nặng, đang nằm thoi thóp thở máy ở phòng cấp cứu, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc; cô Lan rất thương người bạn tu của mình, nhưng không biết làm sao hơn ngoài việc thỉnh đạo tràng đến nhà cô tụng kinh Dược Sư cầu an đã ba tuần nay kể từ khi cháu vào viện.
Vợ chồng cô Lan anh Toán rất tin vào sự gia trì của Đức Phật khi đọc lời nguyện thứ 7 trong kinh Dược Sư: “Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ-đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bịnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, mà hễ danh hiệu Ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả vô thượng Bồ-đề”. Cô Huệ, người bạn tu với cô Lan, cũng có niềm tin như thế vào sự gia trì của Đức Phật. Nhưng khi đứa con gái yêu quý của mình đứt ruột đẻ ra đang lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh, hỏi có người mẹ nào không hốt hoảng lo lắng. Cô Huệ đang ở trong tình cảnh hoang mang đó. Cô Lan đã nhiều lần nhắc nhở:
“Mình quy y Phật có nghĩa là mình xin đem toàn thể sinh mạng của mình nương tựa vào chư Phật. Nếu chư Phật cho sống thì mình sống, bảo chết thì mình chết, nguyện không quy y thiên thần quỷ vật, ngoại đạo tà giáo. Vì mình là người con Phật, cho nên cần phải có niềm tin sâu sắc vào sự hộ trì che chở của chư Phật. Khi gặp hoạn nạn ốm đau thì phải tìm thầy chạy thuốc, song song với việc tụng kinh cầu nguyện chư Phật, cầu xin hộ pháp chư tôn gia hộ”.
Nhưng vì quá thương con, cho nên cô Huệ rất hốt hoảng; trong hoàn cảnh này, ai biểu cô lạy bụi tre mà con của cô lành thì cô cũng lạy; ai giới thiệu thầy pháp này, thầy pháp nọ hay thì cô cũng tìm đi cho bằng được, chỉ với ước mong cho con mình chóng bình phục. Cô Lan biết bạn mình đã mất phương hướng, làm hao tốn tiền bạc vào những chuyện vô ích, không có hiệu quả, nhưng cô Lan cứ để cho bạn mình thỏa mãn, hết lòng với con, bởi vì cô biết lời can ngăn lúc này cũng không cản được. Đành phải chờ đến khi sự việc không có kết quả gì, bệnh của cô bé Diệu Thảo không thuyên giảm, thì khi đó cô Huệ mới chịu nghe vợ chồng cô Lan là chỉ nên chú tâm một lòng chí thành chí kính trì kinh Dược Sư cầu nguyện chư Phật cứu giúp cho cháu mà thôi, không còn tơ tưởng gì đến các ông thầy bói toán pháp sư kia, cả một bọn lừa phỉnh, làm tiền những người nhẹ dạ cả tin.
Một mặt nhờ vào sự tận tình chăm sóc thuốc men của các y bác sĩ; một mặt nhờ vào vợ chồng cô Lan và đạo tràng hàng ngày trì kinh Dược Sư cầu an; một mặt cô Huệ trong lúc chăm sóc Diệu Thảo cũng niệm danh hiệu Dược Sư liên tục. Một tuần sau, vợ chồng cô chú Lan Toán và đạo tràng vào thăm thì cô bé Diệu Thảo đã khỏe ra, tuy nước da chưa hồng hào lắm, nhưng trên mắt môi cô bé đã ánh lên nụ cười đầy sức sống. Cô Lan và chú Toán nắm tay cô bé Diệu Thảo như truyền rất nhiều năng lượng tình thương sự sống vào cho cháu:
- Theo như thầy bói nói thì hoàn toàn sai. Không có con ma nào dám đến đây quấy rầy và đưa con đi về âm phủ đâu! Đừng sợ!
Anh Toán nói tiếp:
- Theo như yêu cầu của mẹ Huệ, từ nay Diệu Thảo sẽ là con nuôi của ba Toán mẹ Lan. Cả nhà đều là con Phật. Ba mẹ tin chắc rằng, con ma mà vị thầy pháp sư đã phán đó, dù có giỏi đằng trời đi nữa, cũng không làm gì được con đâu! Con hãy tin tưởng điều này! Bên cạnh con đã có chư Phật che chở, bảo vệ; và bên cạnh con còn có mẹ Huệ; ba mẹ nuôi Lan Toán và đạo tràng luôn cầu nguyện cho con; những lời thề nguyện và tụng niệm chân thành của mọi người yêu quý con, đã thấu tới chư Phật rồi. Con yên tâm tĩnh dưỡng để cho mau chóng bình phục.
Như một điều kỳ diệu, chỉ hai tuần sau cô bé Diệu Thảo xuất viện, dù cháu chỉ còn 32 ký, nhưng thần sắc của cháu rất tốt. Nhân dịp này, mẹ Huệ đã gửi gắm cháu, nhờ ba mẹ nuôi Lan Toán chăm sóc một thời gian.
Ba Toán nhận bé Diệu Thảo làm con nuôi vì cảm thương cho hoàn cảnh éo le của cháu, mồ côi cha từ bé lại bệnh tật thường xuyên, Diệu Thảo, cô bé mới ở tuổi đôi mươi, vừa xinh đẹp, vừa hiền thục, rất đáng thương! Mẹ Lan cũng có một tình thương như anh Toán (chồng cô). Mẹ Lan là người vui vẻ, hòa nhã nhưng lại rất khuôn phép và mẫu mực. Mặc dù cô bé Diệu Thảo chỉ là con nuôi, nhưng mẹ Lan thương không khác chi con đẻ, yêu thương Diệu Thảo như hai cô con gái bé nhỏ với hai cái tên Như Ý và Cát Tường. Mẹ Lan chạy đôn chạy đáo lo cho cháu từng viên thuốc, nấu từng bát cháo. Mẹ Lan tặng cho bé một xâu chuỗi rất đẹp đeo tay và dạy bé cách lần chuỗi niệm Phật hàng ngày.
Hàng ngày, khoảng 3 giờ chiều, (lúc này cô bé Diệu Thảo dần dần khỏe ra) Diệu Thảo ngồi cùng ba Toán, mẹ Lan, mẹ Huệ trì kinh Dược Sư không bỏ sót một ngày nào. Diệu Thảo với tâm niệm: “Bệnh tật sẽ tiêu trừ, Đức Phật cho con có sức khỏe và ngày đêm đều an lành”. Lúc đầu Diệu Thảo yếu lắm! Lạy chỉ vài lạy năm vóc sát đất thì đã muốn xây xẩm mặt mày. Nhưng dần dà, nhờ vào sự động viên của mọi ba mẹ nuôi và sự nỗ lực của Diệu Thảo, cô bé đã tụng niệm hết thời kinh một cách dễ dàng.
Đó là một sự kỳ lạ về khả năng khôi phục của cơ thể. Chỉ sau 3 tháng trì kinh Dược Sư kết hợp với việc điều trị Đông Tây y kết hợp, theo sự chỉ dẫn tận tình của bác sĩ, bệnh tật cháu đã hồi phục thấy rõ. Diệu Thảo ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, cô bé phát nguyện trường trai cho tâm nhẹ nhàng, thân thanh tịnh. Cô bé đã hoàn toàn thay đổi tâm tánh, không muốn giận hờn vu vơ, không muốn đố kị, không tranh cãi như xưa. Giờ đây, cô bé không còn bon chen với cuộc sống đời thường, tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng cô bé hiểu được cuộc đời là phù du, tạm bợ; cái báo thân này là vô thường nên mỗi phút giây trôi qua cô bé đều rất yêu quý, tâm không rời câu niệm Phật.
Trên chuyến tàu thống nhất ra Bắc, cô bé Diệu Thảo trong tâm trạng lâng lâng hạnh phúc, cô bé rất nôn nao và nóng lòng. Lần đầu tiên Diệu Thảo được ba Toán đưa về quê nội ăn tết cùng với cô em gái Như Ý. Được đi chuyến tàu lửa xuyên Việt, hai chị em mặc sức ngắm cảnh quê hương đất nước, làng mạc, phố xá, thị thành; biết thêm được nhiều điều mới lạ, rất thú vị, nhất là được ăn tết ở miền quê nội Thanh Hóa, một vùng quê yên bình, êm ả, ngày đầu năm đẹp như một bức tranh. Ngôi nhà cổ kính có bà nội ngồi nhai trầu bỏm bẻm cười tươi với hàm răng đen chào mừng con cháu về thăm quê nhà.
Mâm cỗ ba ngày tết, bà nội dọn lên cúng tổ tiên có mâm ngũ quả bà đơm rất khéo tay. Bà nội cũng là một người Phật tử lão thành, cho nên ba ngày Tết bà dọn cỗ chay; trước thì cúng tổ tiên, sau thì “thừa thần như huệ”; con cháu thọ nhận một bữa trai chay nhẹ nhàng thanh lọc cơ thể cho ba ngày Tết thân tâm thanh thoát, không chồng chất thêm tội lỗi sát sanh.
Bé Diệu Thảo đốt ba nén hương trầm lên bàn thờ tổ tiên, cọng nhang ngún đỏ khói bay là là thơm ngát, bé lầm thầm khấn:
“Nam-mô A Di Đà Phật! Trời Phật, tổ tiên đã cho con có được thêm một quê nội thanh bình, và cho con bố mẹ nuôi Lan Toán kính yêu. Con nguyện sống thật tốt để xứng đáng làm người con của ba mẹ, là người cháu của tổ tiên”.
Đi trên con đường làng sáng mồng một Tết, cô bé Diệu Thảo viếng ngôi chùa quê đông khách thập phương. Cô bé mua một ôm hoa huệ dâng cúng lên Tam bảo. Quỳ trước chánh điện rất lâu, cô bé vái lạy, gieo năm vóc sát đất. Diệu Thảo cảm nhận được Đức Bổn Sư đang mỉm cười với riêng cô bé. Diệu Thảo rất vui! Trong lòng cô bé nở một nụ hoa xuân lung linh óng ánh đạo vàng hương ngát.