Chư tôn đức tham dự lễ tưởng niệm cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ |
Chứng minh buổi lễ có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ - Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh; Hòa thượng Yoshimizu Daichi, nguyên Hội trưởng Hội Phật giáo Tịnh độ tông Nhật Bản; Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN; Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP Hà Nội, cùng chư tôn đức Ban Thường trực Hội động Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN TP.Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc.
Đại diện chính quyền tham dự lễ tưởng niệm |
Về phía chính quyền có ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; ông Đào Huy Cường, Vụ Phó vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ cùng lãnh đạo đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và TP.Hà Nội... đồng tham dự.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ |
Sau phần nghi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN. Theo đó, cố Trưởng lão Hòa thượng là bậc cao Tăng thạc đức, thiền gia thạch trụ của GHPGVN trong thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI.
Di sản mà ngài để lại cho hậu thế là gương sáng ngời về đức hạnh tu hành, trọn đời cống hiến cho "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội".
Tiếp theo chương trình, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tuyên lời tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Ngài là vị hoàng đế anh minh triều Trần, đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự chủ cho dân tộc, xây dựng vương triều nhà Trần và quốc gia Đại Việt hùng mạnh.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu tuyên lời tưởng niệm Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông |
Sau khi quốc gia, xã tắc được bình yên, Đức vua Trần Nhân Tông đã về hành cung Vũ Lâm (thuộc Ninh Bình ngày nay) xuất gia cầu đạo với Quốc sư Huệ Tuệ, khởi đầu cho sự nghiệp tu hành của mình. Sau đó, ngài đã từ hành cung Vũ Lâm trở về kinh thành Thăng Long, rồi thẳng tiến lên núi Yên Tử (nay thuộc Uông Bí, Quảng Ninh), tinh cần tu hạnh đầu đà lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà.
Ngài cho dựng chùa, giảng pháp, độ Tăng. Đồng thời, thống nhất ba dòng thiền: Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thành lập lên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với tư tưởng nhập thế “Cư trần lạc đạo”, “Hòa quang đồng trần”...
Quang cảnh buổi lễ |
Tại buổi lễ, chư tôn đức đã dâng hương tưởng niệm Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông và toàn thể đạo tràng nhất tâm hướng về 10 phương Tam bảo cầu nguyện Giác linh Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Tứ cao đăng Phật quốc; cầu nguyện quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; Phật nhật Tăng huy, pháp luân thường chuyển; dịch bệnh tiêu trừ, nhân dân an lạc.
Chư tôn đức thành kính tưởng niệm |