GN - Một trung tâm thực hành Phật giáo tại Nottingham (Anh quốc), địa danh từng là khu công nghiệp đầy triển vọng, giờ đây chính là ngôi nhà Phật giáo mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe và tinh thần cho người dân nơi đây.
Là một cơ sở Phật giáo được hình thành vào năm 1993, Trung tâm Phật giáo Nottingham hiện có ba vị Tăng sĩ, những thành viên điều hành sinh hoạt chính thức của Trung tâm.
Một trong những thành viên đó là thầy Saccanama, xuất gia năm 1994 và chuyển đến tu học, hành đạo tại Trung tâm Nottingham hơn một năm nay.
“Tôi bén duyên và gắn bó với Phật giáo khi mới 18 tuổi. Kể từ đó, trong đầu tôi luôn hình thành các câu hỏi về cuộc sống tương lai của con người sẽ ra sao khi vật chất chi phối tất cả”.
“Nhiều người cứ nghĩ rằng hình ảnh nhà sư tùy thuộc vào bộ y bên ngoài. Thực chất đây là một quan niệm sai lầm, bởi lẽ khi đã xuất gia tức là phải luôn tự nhắc mình thực hành lời dạy của Đức Phật để vượt qua những cám dỗ vật chất”, thầy Saccanama nói.
Cũng theo thầy, một bộ phận tín đồ Phật giáo cố gắng ép mình vào những khuôn khổ, luật nghi có sẵn. “Tuy nhiên, khi Phật giáo được truyền bá đến phương Tây, một trong những điều quan trọng để mọi người dễ dàng chấp nhận đó là biến những khuôn khổ ấy trở nên gần gũi và dễ áp dụng trong cuộc sống”.
Một buổi tu tập của Phật tử tại Trung tâm Phật giáo Nottingham
Thầy Saccanama từng sống ở vùng Lace và điều hành một trung tâm Phật giáo ở Bristol khoảng 20 năm trước khi đến với cơ sở Phật giáo ở Nottingham này.
Khoảng không gian của Trung tâm hiện tại từng là một nhà kho cũ kỹ. Sau khi được cải tạo và biến thành địa điểm sinh hoạt Phật giáo, nơi này hiện có khoảng 100 người sinh hoạt thường xuyên mỗi tuần.
Các chương trình Phật sự thường được tổ chức từ thứ Hai đến thứ Tư và cuối tuần, với các khóa thiền tập, lớp yoga, các lớp giáo lý và một số sự kiện liên quan đến văn học, thể dục.
“Chúng tôi đang hướng dẫn hàng ngàn người tu học, sinh hoạt ở đây”, thầy Saccanama cho biết.
Trong đó, theo thầy Saccanama, thiền tập là con đường tìm đến ý nghĩa của cuộc sống và không để mình bị tự kỷ. Thiền tập giúp con người phát triển theo hướng tích cực, hài hòa và làm cho tâm thức được thảnh thơi, xả bỏ được những suy nghĩ tiêu cực.
Mandy Conway là một thành viên thường xuyên của Trung tâm, tham gia đầy đủ khóa tu thiền hàng tuần. Cô xem thiền như là phương thức rèn luyện bản thân hữu ích, mặc dù cô không phải là Phật tử.
Người phụ nữ 56 tuổi này đến với trung tâm được 16 năm. Cô từng là một người nghiện rượu, nghiện ma túy rất nặng trước khi bắt đầu thực tập con đường tỉnh thức và quyết tâm thay đổi cuộc sống của bản thân.
“Chính rượu và ma túy đã từng hủy hoại cuộc đời tôi. Và rồi mọi thứ dần thay đổi khi tôi biết đến thiền tập. Kể từ đó, tôi quyết tâm đưa mình ra khỏi một tương lai đen tối bằng con đường thực hành Phật giáo”, người phụ nữ đang sinh sống tại Notttingham kể lại.
“Thiền tập giúp tôi nhận diện rõ những dính mắc và khổ đau trong chính con người mình và nhờ đó nhanh chóng chuyển hóa chúng. Tôi đã từng suy nghĩ khá tiêu cực gần 50 năm qua”, Mandy nói thêm.
Gareth Austin, 30 tuổi, phụ trách việc quản lý thư viện của Trung tâm đang hỗ trợ cho việc điều hành và hướng dẫn khóa thiền tập tại Trung tâm cho hay:
“Tôi đã có quyết định và đang trong quá trình điều chỉnh để có thể trở thành một tu sĩ Phật giáo trong tương lai. Nhờ thiền tập mà tôi thực sự đã giảm thiểu những suy nghĩ lo lắng và bất an. Với tôi, Trung tâm là một địa chỉ quen thuộc và là nơi tôi có cơ hội phụng sự. Cũng nhờ thế mà tôi có thể kết nối được với nhiều người khác chung chí hướng”.
Như những thành viên khác tại trung tâm, trong lòng Gareth, sự thực tập Phật giáo chính là con đường phát triển bản thân, giảm thiểu những khổ đau bằng cách luôn tỉnh thức mỗi ngày.
Bảo Thiên (theo The Nottingham Post)