GN - Với những câu hỏi: Bạn đã từng nói dối chưa, bạn thấy tác hại của nói dối là gì? Sự thành thật cần thiết như thế nào trong cuộc sống? Là người con Phật, theo bạn, mình nên giữ giới thứ tư (giới tránh xa sự nói dối) như thế nào? - 30 người tham gia cuộc khảo sát của PG-TT đã “gặp nhau” ở chỗ: nói dối về lâu dài sẽ có hại cho mình rất nhiều...
“Dạy con nói thật”
Chị Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ rằng, từ nhỏ tôi đã dạy con nói thật suy nghĩ của mình. Là một người mẹ, chị cho biết sẽ lắng nghe con mà không phản ứng điều con nói, rồi sau đó mới nhẹ nhàng phân tích những suy nghĩ đó của con là đúng hay chưa và từ đó định hướng cho con có suy nghĩ hay hơn.
Chị Oanh nói: “Tôi thấy có nhiều người là ba mẹ cứ hay cắt ngang suy nghĩ của trẻ, nghe con nói tâm tư nhưng lại tỏ ra khó chịu khi con nói những điều không tốt hoặc... không giống mình nghĩ, từ đó khiến cho con cái ngại nói chuyện với mình hoặc nếu có thì sẽ nói dối, vì biết nói thật sẽ bị phản ứng khó chịu của ba mẹ. Từ đó, hình thành nên tính nói dối trong trẻ mà tình cảm gia đình, sợi dây gắn kết của ba mẹ - con cái cũng sẽ tự nhiên lỏng lẻo”.
Lời nói không là... gió bay. Nó sẽ lưu lại đâu đó trong lòng mình, lòng người,
có thể phá vỡ niềm tin nơi người khác... (Ảnh minh họa)
Anh Trần Văn Trường, 32 tuổi, đang công tác cho một công ty xây dựng ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) thì cho rằng, việc giáo dục của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc hình thành tính cách mỗi người, trong đó có việc thành thật hay không.
Anh Trường nêu vài điều “tai nghe mắt thấy”: ở trường nhiều khi thầy cô giáo cũng không thành thật trong việc lập thành tích. Có những trường hợp để đạt thi đua hay để nhà trường được đánh giá cao, thầy cô còn ra đề dễ, chấm nới tay hoặc có thanh tra dự giờ thì kêu cả lớp đưa tay phát biểu hết (dù có em không biết). “Đấy, chính nhà trường - làm công tác giáo dục mà đôi lúc vì thành tích ảo cũng đã vô tình dạy học trò không thật rồi”.
Cách đây 3 năm, năm 2013 - tại Hội thảo “Giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên ở nước ta hiện nay - Thực trạng và Giải pháp” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai đã công bố những con số đáng quan ngại: bậc tiểu học có tới 22% học sinh biết... nói dối cha mẹ. Bậc THCS và THPT thì có tới 50% và 64% học sinh không thật thà. Bậc đại học, cao đẳng có đến hơn 80% sinh viên sẵn sàng nói dối để qua mặt phụ huynh.
Khi nhóm khảo sát nêu thực trạng đó thì chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ (TP.HCM) chia sẻ: “Con số này thật sự đáng buồn nhưng đó chính là hệ lụy của nhiều nguyên nhân, trong đó có phần ảnh hưởng của gia đình. Đây là chuyện lớn nhưng tôi nghĩ mỗi gia đình nên tự làm gương, tự điều chỉnh mình và giúp con trẻ sống trung thực và có trách nhiệm với chính mình”.
Thành thật sẽ thành công, dễ được cảm thông
Anh Lê Trung Thành (Hà Nội) kể, bản thân anh từng có lúc nói dối, làm dối, những lúc như vậy thấy lòng bất an kinh khủng. Khi đó, anh hạ quyết tâm phải nói thật dù biết nếu nói ra có thể sẽ bị mất nhiều thứ. Không ngờ, khi nói ra thì không chỉ lòng nhẹ nhõm mà anh còn được cảm thông, động viên để làm tốt hơn công việc.
“Sếp mình nói, chỉ sợ người gian dối mà không nhận ra và không chịu sửa, làm hại tập thể, công ty, chứ ai sai mà dám nhận lỗi và quyết tâm sửa đều đáng được trân trọng”, anh Thành nhớ lại và xem đó là bài học lớn của mình.
ĐĐ.Thích Giác Nhường, Trưởng ban Văn hóa PG tỉnh Đắk Nông, giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM nói về vấn đề này: “Nói dối được xem là một trong những nguyên nhân đưa đến những kết quả bất hảo hơn là kết quả có lợi ích.
Có thể ai đó cho rằng, nói dối không hại đến ai thì không sao; hoặc nói dối giúp người khác thì sao lại không nói… Những điều này có thể đúng trong một số (rất ít) tình huống nào đó xảy ra trong cuộc sống, vì tất cả các ứng xử đều nằm trong sự tương đối mà thôi.
Hành vi nói dối, nói không thật đó được tái diễn trong cuộc sống của mình nhiều lần, dần dần hình thành thói quen. Thói quen ấy chi phối, ảnh hưởng trong giao tiếp, ứng xử, nhận thức của mình, Phật giáo gọi đó là nghiệp hay tập tánh. Chính vì thế, Đức Phật khuyến tấn chúng ta cần phải duy trì và thực tập nói lời chân thật, vì đây cũng chính là phương pháp thực tập Chánh ngữ - một trong tám phương pháp (Bát Chánh đạo) xây dựng cuộc sống hạnh phúc, chuyển hóa nỗi khổ niềm đau trong cuộc đời”.
Còn anh Lê Phạm Tân Xuyên (nhân viên thiết kế cho một công ty Nhật tại TP.HCM) bộc bạch, khó ai tránh được việc nói dối nên sẽ luôn phải gặp người nói dối trong cuộc sống. Khi đó, mình sẽ xem lại mình để nhận ra sự thật - có thể đã từng gieo nhân tương tự.
“Tôi nghĩ, nếu phát hiện ra người thân mình nói dối thì cần ngồi lại với nhau, giúp họ nhận ra vấn đề, đừng nổi nóng hoặc đồng lõa thì sẽ giúp được họ” - anh Xuyên khẳng định.
Bối Bối & Nhóm SV
Nói dối là một tật xấu, là một bệnh chung trong xã hội ngày nay. Đối với tôi, tôi không ủng hộ hành vi nói dối vì sự thật thì sẽ mãi là sự thật dù cho có cố gắng giấu thì một ngày nào đó cũng sẽ bị phơi bày ra. Khi phơi bày ra, có khi lại gây ra những hậu quả xấu. Quan trọng hơn, hành vi nói dối tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cả về thể chất lẫn tinh thần cho những người liên quan: - Người nói dối thường cố gắng làm mọi cách để che giấu sự thật vì sợ người khác phát hiện ra chân lý. Chính vì vậy, “khổ chủ” thường mang trong mình cảm giác lo âu, sợ hãi, luôn đặt mình trong sự cảnh giác và phòng vệ cá nhân, làm cho đời sống tinh thần không thoải mái và sức khỏe bị ảnh hưởng (mất ngủ, suy nhược cơ thể, tim mạch, thần kinh bị ảnh hưởng...). - Nói dối nhiều lần sẽ trở thành thói quen, tật xấu rất khó bỏ. Nếu cá nhân không biết điều chỉnh và thay đổi sẽ dần rời xa chân lý, luôn bị bao bọc bởi những giả tạo, khó sống thật với người khác và với chính bản thân mình. - Khi bị phát hiện nói dối thì sự tin tưởng, niềm tin cậy người khác dành cho mình bị ảnh hưởng, uy tín, giá trị cá nhân bị hạ thấp. Có những lời nói dối khiến người khác bị hụt hẫng, hoang mang, thậm chí bị xúc phạm, tổn thương về danh dự, phẩm giá và những người vô tội phải gánh chịu những hệ quả không đáng có xảy ra. Mối quan hệ xã hội bị rạn nứt, nhiều người quay lưng với nhau... - Văn hóa ứng xử, giao tiếp giữa người với người trong xã hội bị đảo lộn, ai cũng tự tạo cho mình cơ chế phòng vệ giữa thật hư cuộc sống khi lòng tin con người dành cho nhau ngày càng thấp. Minh Tiến ghi |